backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Giải đáp: Quan hệ hậu môn có bị nhiễm HIV không?

Thông tin kiểm chứng bởi: Đài Trương


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/12/2022

Giải đáp: Quan hệ hậu môn có bị nhiễm HIV không?

Quan hệ hậu môn có bị nhiễm HIV không là một trong những thắc mắc thường gặp của những người thích quan hệ “cửa sau”. Vậy tỷ lệ nhiễm HIV khi quan hệ hậu môn là bao nhiêu? Làm sao để phòng tránh lây nhiễm?

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu trong bài viết sau.

Quan hệ hậu môn có bị nhiễm HIV không?

Bạn hoàn toàn có thể bị lây nhiễm HIV nếu quan hệ tình dục qua đường hậu môn với người mắc HIV mà không sử dụng biện pháp bảo vệ. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), quan hệ hậu môn là hình thức quan hệ tình dục có nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất.

Những lý do làm tăng rủi ro lây truyền HIV khi giao hợp qua hậu môn bao gồm:

  • Lớp mô trực tràng mỏng: Các mô trực tràng rất mỏng manh và dễ bị tổn thương. Điều này cho phép virus xâm nhập trực tiếp vào máu thông qua các vết rách hoặc vết trầy xước nhỏ.
  • Thiếu khả năng bôi trơn: Hậu môn không có khả năng tiết chất bôi trơn. Thiếu chất nhờn khiến quá trình quan hệ không được hỗ trợ, dễ dẫn đến trầy xước, chảy máu, tăng khả năng lây lan của virus.
  • Phản ứng miễn dịch: Các mô trực tràng chứa nhiều tế bào miễn dịch gọi là tế bào T CD4. Đây lại chính là những tế bào mà HIV nhắm đến để lây nhiễm.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong vòng một giờ sau khi tiếp xúc trực tràng, HIV có thể phá vỡ hàng rào miễn dịch tuyến đầu của cơ thể và lây lan khắp cơ thể trong vòng 24 giờ.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như nồng độ cao HIV trong tinh dịch và dịch tiết trước xuất tinh, tình trạng mắc các bệnh tình dục hay vị trí khi quan hệ cũng góp phần khiến HIV lây nhiễm nhanh chóng hơn.

>>> Đọc thêm: Quan hệ với người nhiễm HIV sao cho an toàn?

Tỷ lệ nhiễm HIV khi quan hệ đường hậu môn không bảo vệ

Quan hệ hậu môn có bị nhiễm HIV không

CDC cho biết, tỷ lệ nhiễm HIV khi quan hệ bằng hậu môn ở đối tác được thâm nhập (người bên dưới – bottom) cao hơn đối tác thâm nhập (người bên trên – top). Trong bảng liệt kê rủi ro lây truyền đối với các loại phơi nhiễm khác nhau, khi quan hệ hậu môn, đối tác bottom có nguy cơ nhiễm HIV cao gấp 13 lần so với top.

Nhiều nghiên cứu cũng góp phần làm rõ rủi ro này. Theo Stanford Health Care, một phân tích tổng hợp (xuất bản 2010) về nguy cơ lây truyền HIV qua quan hệ tình dục qua đường hậu môn không được bảo vệ ước tính rủi ro nhiễm HIV ở đối tác được thâm nhập là 1,4% (nghĩa là cứ 71 lần phơi nhiễm thì trung bình có một lần lây truyền). Nguy cơ này là như nhau bất kể đối tác được thâm nhập là nam hay nữ.

Hiện không có phân tích tổng hợp nào đối với rủi ro nhiễm HIV khi quan hệ hậu môn không bảo vệ ở đối tác thâm nhập, nhưng hai nghiên cứu riêng lẻ đã được thực hiện để tính toán rủi ro này. Nghiên cứu đầu tiên, xuất bản năm 1999, tính toán rủi ro là 0,06%. Tuy nhiên, do thiết kế của nghiên cứu, con số này có thể đã đánh giá thấp nguy cơ lây truyền HIV. Nghiên cứu thứ hai, được công bố vào năm 2010, được thiết kế tốt hơn và ước tính rủi ro là 0,11% đối với nam giới đã cắt bao quy đầu và 0,62% đối với nam giới không cắt bao quy đầu.

Nguy cơ ở đối tác được thâm nhập cao hơn vì niêm mạc trực tràng mỏng, có thể cho phép HIV dễ dàng xâm nhập vào cơ thể khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn.

Trong khi đó, đối với đối tác thâm nhập, HIV có thể lây nhiễm qua niệu đạo; bao quy đầu nếu dương vật không được cắt bao quy đầu; qua các vết cắt nhỏ, vết trầy xước hoặc vết loét hở ở bất kỳ đâu trên dương vật.

>>> Đọc thêm: Quan hệ tình dục với người nhiễm HIV bao lâu thì bị bệnh?

Phòng ngừa lây nhiễm HIV khi quan hệ đường hậu môn

Quan hệ hậu môn có bị nhiễm HIV không

Sử dụng bao cao su khi quan hệ

Nếu sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục, khả năng nhiễm HIV và một số bệnh lây truyền qua đường tình dục sẽ thấp hơn đáng kể.

Dự phòng trước phơi nhiễm – PrEP

Người phơi nhiễm với HIV sau khi quan hệ tình dục qua đường hậu môn có thể hỏi bác sĩ về việc sử dụng PrEP để giảm nguy cơ lây nhiễm. Theo CDC, PrEP làm giảm khoảng 99% nguy cơ nhiễm HIV do quan hệ tình dục khi được dùng theo đúng chỉ định.

Dự phòng sau phơi nhiễm – PEP

PEP đề cập đến việc dùng thuốc kháng virus theo toa sau khi có khả năng tiếp xúc với HIV để tránh nhiễm HIV. PEP phải được dùng trong vòng 72 giờ kể từ khi có thể bị phơi nhiễm.

Điều trị để phòng ngừa lây nhiễm

Việc điều trị bằng thuốc kháng virus (ART) nhất quán ở người nhiễm HIV có thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ lây truyền HIV khi hoạt động của virus bị ức chế đến mức không thể phát hiện được.

Quan hệ hậu môn có bị nhiễm HIV không? Câu trả lời là hoàn toàn có thể! Đặc biệt là khi bạn không sử dụng các biện pháp bảo vệ. Do đó, nếu vẫn thích hình thức “cửa sau” này, bạn cần lưu ý các biện pháp nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân và đối tác, cũng như sớm tiến hành xét nghiệm HIV nếu nghi ngờ lây nhiễm. 

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Thông tin kiểm chứng bởi:

Đài Trương


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/12/2022

advertisement iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

advertisement iconQuảng cáo
advertisement iconQuảng cáo