backup og meta

Lồi xương hàm dưới có nguy hiểm không? Cách nhận biết và hướng điều trị

Lồi xương hàm dưới có nguy hiểm không? Cách nhận biết và hướng điều trị

Nếu trong sàn miệng xuất hiện khối cứng phát triển chậm bên dưới niêm mạc nhưng không gây đau đớn, rất có thể là bạn đang bị lồi xương hàm dưới. Nếu khối xương nằm ở hướng ngược lại, ta có lồi xương hàm trên (cũng thường gọi là lồi củ xương hàm trên).

Hiện nay các bệnh lý u, bướu được ghi nhận không ít, khiến cho việc bất kỳ cấu trúc khác thường nào xuất hiện trong cơ thể cũng có thể gây nhiều hoang mang. Vậy thì lồi xương hàm dưới là gì? Dấu hiệu để nhận biết và phân biệt hiện tượng này với những bệnh răng miệng nguy hiểm ra sao? Hãy tìm hiểu những thông tin liên quan cùng Hello Bacsi bạn nhé! 

Lồi xương hàm dưới là gì?

Lồi xương hàm (torus) là hiện tượng lồi xương đặc, khối xương lồi ra thường có dạng hình tròn, nhẵn, xuất hiện ở một trong hai hàm dưới hoặc trên hoặc cả hai. Tình trạng lồi xương hàm không phải là những khối u, chúng phát triển chậm và lành tính.

Lồi xương hàm bên dưới thường gặp phía sau vùng răng nanh và răng cối nhỏ. Trong khi đó lồi củ xương hàm trên lại phát triển ở đường giữa của vòm miệng.

Tình trạng lồi xương hàm và lồi xương hàm dưới nói riêng thường không được phát hiện khi khối xương lồi ra còn nhỏ. Trải qua thời gian dài phát triển từ từ, chỉ khi kích thước đáng kể mới gây chú ý và khiến người bị lồi xương hàm lo sợ. Tình trạng lồi xương hàm ở dưới và trên khi đạt một kích thước nhất định nào đó sẽ ngưng lại, không lớn thêm nữa.

Dấu hiệu nhận biết lồi xương hàm dưới

dấu hiệu lồi xương hàm dưới

Tình trạng lồi xương hàm dưới không khó để nhận diện vì thường có vị trí và hình dạng khá đặc trưng:

  • Khối xương lồi xuất hiện phía sau vùng răng nanh và răng cối nhỏ của hàm dưới
  • Bao gồm một hoặc một số khối cứng, hơi tròn được niêm mạc miệng bao bọc, nhìn và sờ vào thấy nhẵn.
  • Không có cảm giác đau.

Dù vậy, tình trạng lồi xương hàm dưới có thể gây ra một số bất tiện, phụ thuộc vào kích thước và hình dạng như:

  • Cản trở vệ sinh răng miệng, gây hôi miệng, sâu răng
  • Ảnh hưởng việc nói chuyện nếu khối xương lồi ra có kích thước lớn
  • Làm lệch lạc hàm giả, va chạm thường xuyên có thể gây tổn thương kéo dài
  • Nhiệt miệng xuất hiện trên lồi xương hàm thường lâu lành hơn những vị trí khác

Thống kê cho thấy lồi xương hàm dưới cũng như lồi củ xương hàm trên phổ biến ở người châu Á hơn người các khu vực khác. Dù vậy ở Việt Nam, tỷ lệ này thấp hơn mặt bằng chung, với khoảng 4.8% ở nam và 3.0% ở nữ.

Bạn có nhiều khả năng phát triển lồi xương hàm dưới (và lồi củ xương hàm trên) hơn nếu có các đặc điểm sau:

  • Tuổi trên 40
  • Trong gia đình có người bị lồi xương hàm dưới
  • tật nghiến răng
  • Mật độ chất khoáng trong xương cao.

Người bị lồi xương hàm dưới có cần điều trị không?

lồi xương hàm dưới

Như đã nói, tình trạng lồi xương hàm dưới cũng như lồi củ xương hàm trên đều là những cấu trúc lành tính. Vì vậy bạn không cần phải điều trị trừ khi chúng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt như:

  • Khối xương lồi ra có kích thước quá lớn gây khó chịu, vướng víu
  • Gây ra khó khăn trong việc nói, phát âm, các tật nói ngọng, nói đớt
  • Gây khó khăn cho ăn uống, nhai, nuốt
  • Thức ăn bị kẹt vào củ xương, khó vệ sinh gây hôi miệng, sâu răng
  • Không lắp được hàm giả, răng giả… 

Cách điều trị tối ưu loại bỏ triệt căn khối lồi xương hàm dưới và lồi xương hàm trên là phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ củ xương lồi, được tiến hành tại các bệnh viện có chuyên khoa răng hàm mặt. 

Bạn có cần đi khám khi bị lồi xương hàm dưới?

Dù không phải lúc nào lồi xương hàm dưới cũng cần được điều trị, bạn vẫn nên đi khám ít nhất một lần khi phát hiện có những dị thường trong miệng. Bạn nhất định cần đi khám nếu thấy cấu trúc lạ có một trong các triệu chứng sau:

  • Đau hoặc sưng tấy
  • Thay đổi nhanh chóng về kích thước
  • Màu sắc không bình thường
  • Vết loét không lành
  • Gây cản trở hoặc không đảm bảo được việc vệ sinh răng miệng… 

Những chẩn đoán chính xác sẽ giúp loại trừ nguy cơ một bệnh nguy hiểm nào đó đang tiến triển. 

Tóm lại, lồi xương hàm dưới, cũng như lồi củ xương hàm trên là một hiện tượng không hiếm gặp và không cần quá lo lắng. Việc can thiệp lồi xương hàm dưới chỉ cần thiết khi chúng ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày. Dù vậy bạn nên đi khám để bác sĩ có những chẩn đoán và kết luận chính xác nhất.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mandibular tori

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4527908/#:~:text=Mandibular%20tori%20are%20bony%20outgrowths,attachment%20of%20the%20mylohyoid%20muscle Ngày tham khảo: 11/4/2022

Mandibular torus

https://radiopaedia.org/articles/mandibular-torus-2 Ngày tham khảo: 11/4/2022

Torus

https://dermnetnz.org/topics/torus Ngày tham khảo: 11/4/2022

Mandibular tori interfering with the mobility of the lingual frenulum: a short case report

https://www.jomos.org/articles/mbcb/full_html/2021/01/mbcb200111/mbcb200111.html Ngày tham khảo: 11/4/2022

Lồi xương hàm (Torus)

https://benhviendakhoatinhhaiduong.vn/y-hoc-thuong-thuc/lo%CC%80i-xuong-ha%CC%80m—torus-/144-57-314.aspx Ngày tham khảo: 11/4/2022

Lồi xương hàm: Nguyên nhân, Dấu hiệu và Cách điều trị

https://ihr.org.vn/loi-xuong-ham-23809.html Ngày tham khảo: 11/4/2022

Phiên bản hiện tại

12/04/2022

Tác giả: Phó Ngọc Trinh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bị tụt lợi phải làm sao? Cách điều trị tụt nướu răng hiệu quả

Hello Bacsi | Nắm được khía cạnh khoa học của bệnh sâu răng


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Phó Ngọc Trinh · Ngày cập nhật: 12/04/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo