Niềng răng nên ăn gì và kiêng gì là thắc mắc mà không ít người quan tâm. Nguyên nhân là vì một thực đơn ăn uống với những món ăn phù hợp là một trong những yếu tố chủ chốt góp phần hỗ trợ quá trình niềng răng đạt hiệu quả tối ưu.
Để duy trì lực kéo răng ổn định, không bị ảnh hưởng hay ngắt quãng làm chậm quá trình chỉnh nha, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được mới niềng răng nên ăn gì và không nên ăn gì.
Vì sao cần chú ý lựa chọn thực đơn cho người niềng răng?
Khi mới niềng răng, các khí cụ nha khoa như mắc cài, dây cung, khay niềng… sẽ tiếp xúc với các bộ phận trong miệng như má trong, môi, lưỡi, nướu… gây khó chịu, vướng víu, cộm, đau khi nhai thức ăn.
Không những thế, tác động lực của mắc cài để co kéo, điều chỉnh răng có thể khiến người bệnh cảm thấy ê đau âm ỉ. Mức độ cơn đau sẽ từ nhẹ đến nặng tùy vào cơ địa mỗi người và độ nhạy cảm của răng.
Mặc dù đây là điều bình thường và cơn đau sẽ dần biến mất sau vài tuần khi bạn đã quen dần với việc đeo mắc cài, nhưng những vấn đề này lại gây khó khăn trong quá trình ăn uống.
Không những thế, việc thường xuyên ăn các loại thực phẩm dễ mắc kẹt trong khí cụ niềng răng hoặc có hàm lượng đường cao sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và hình thành mảng bám. Điều này có thể gây tổn thương lâu dài cho răng, làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về răng miệng khác.
Do đó, việc chú trọng vấn đề niềng răng nên ăn gì và kiêng gì sẽ giúp giảm bớt cơn đau khi mới niềng răng, giúp bạn ăn nhai tốt hơn, đồng thời hỗ trợ phòng ngừa các bệnh nướu răng.
Ngoài ra, việc ăn không đúng loại thực phẩm có thể gây ra một số khó chịu và làm tăng nguy cơ bị gãy mắc cài hoặc dây cung, dẫn đến việc phải đến gặp nha sĩ đột xuất và có thể làm tăng tổng thời gian đeo niềng.
Bạn có thể xem thêm:
Người mới niềng răng nên ăn gì?
Những ngày đầu sau khi niềng răng và siết răng được cho là “tồi tệ” nhất vì bạn sẽ cảm nhận rõ rệt cơn đau, ê, căng tức quanh răng. Do đó, những thức ăn mềm, ít mảnh vụn, ít đường, đầy đủ chất, dễ nhai hay thậm chí là không cần nhai quá nhiều là những gì mà người mới niềng răng cần. Một số thực phẩm lý tưởng để ăn ngay sau khi niềng răng và trong quá trình niềng răng là:
1. Sau khi niềng răng nên ăn gì? Sữa và các chế phẩm từ sữa
Sữa và các chế phẩm từ sữa là nguồn cung cấp dinh dưỡng lành mạnh, giúp bổ sung chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Đặc biệt, trong sữa rất giàu canxi và vitamin D, có lợi cho sức khỏe của răng.
Người mới niềng răng có thể uống sữa tươi, ăn các chế phẩm từ sữa như phô mai mềm, sữa chua, bơ mềm, bánh làm từ sữa tươi hay sữa chua…
2. Các món làm từ trứng
Niềng răng thì nên ăn gì? Trứng chứa nhiều vitamin D, đồng thời cũng giàu canxi, rất tốt cho sức khỏe răng miệng. Do đó, nếu vừa mới niềng răng hoặc chỉnh nha xong, bạn có thể ăn các món ăn làm từ trứng để bồi bổ, bao gồm trứng luộc, trứng bác, bánh flan, bánh bông lan…
Bạn có thể xem thêm:
3. Niềng răng ăn được những gì? Thực phẩm xốp, mềm
Câu trả lời hoàn hảo nhất cho vấn đề niềng răng nên ăn gì chính là những loại thực phẩm xốp mềm, chẳng hạn như:
- Bánh mì mềm không hạt
- Bánh kếp
- Bánh ngọt xốp mềm không có hạt
- Các loại mì như mì ống, mì sợi, bún, phở
- Bột ngũ cốc
- Đậu phụ
Đây là những thực phẩm vừa cung cấp chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể, vừa dễ nhai, lại dễ ăn, tạo cảm giác ngon miệng trong thời gian đeo niềng.
4. Thức ăn chín mềm
Nếu bạn vẫn còn thắc mắc niềng răng ăn được gì, đừng bỏ qua những thức ăn được nấu chín mềm, bao gồm:
- Cháo
- Cơm
- Súp
- Bún
- Phở
- Cá hấp
- Gà luộc xé sợi
- Thịt viên được nấu cho đến khi mềm
- Hải sản nấu mềm, cắt nhỏ
- Thịt hầm
Đây là những món ăn giúp người đeo niềng răng thay đổi khẩu vị, hạn chế động tác nhai trong quá trình ăn uống.
Bạn có thể xem thêm:
5. Người niềng răng nên ăn gì? Rau củ quả mềm
Rau củ quả là thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn của mỗi người. Mặc dù các loại rau củ quả cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe, nhưng không phải bất kỳ loại rau trái nào hay phương pháp chế biến rau củ quả nào người đeo niềng cũng có thể ăn được.
Những người mới niềng răng nên lựa chọn rau nấu chín mềm và trái cây mềm, cắt thành miếng vừa ăn hoặc xay nhuyễn thành sinh tố, ép lấy nước. Một số loại rau củ quả nên ăn là:
- Chuối
- Sốt táo
- Nho
- Bơ
- Nước ép trái cây
- Sinh tố
- Rau luộc như rau dền, rau mồng tơi
- Salad rau củ quả cắt nhỏ
- Canh rau lá xanh như rau mồng tơi, rau lang, rau cải xanh, cải bó xôi…
- Củ được nấu chín mềm như cà rốt luộc/hấp, khoai tây nghiền…
Bạn có thể xem thêm:
6. Người niềng răng có thể ăn bánh kẹo gì?
Mặc dù việc kiêng đồ ngọt trong quá trình niềng răng là cần thiết, nhưng nếu quá thèm, bạn vẫn có thể ăn một lượng vừa phải các loại bánh kẹo mềm như:
- Bánh pudding
- Bánh quy mềm
- Socola mềm không có hạt hoặc caramel
- Rau câu
- Thạch
- Bánh mì ngọt mềm, không hạt
Tóm lại:
- Nhìn chung, câu trả lời cho vấn đề “Niềng răng nên ăn gì?” là những thức ăn mềm, xốp, cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe răng miệng.
- Một bữa ăn của người niềng răng cần đảm bảo đủ 4 nhóm chất cơ bản: nhóm đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Phương pháp chế biến thức ăn cho người đeo niềng răng cần ưu tiên các hình thức như luộc, hầm, sao cho thức ăn mềm, dễ nhai nuốt.
- Khi đã quen với việc đeo niềng và giảm hẳn cảm giác đau nhức, khó chịu, bạn cần đảm bảo ăn uống đầy đủ chất và năng lượng.
Niềng răng kiêng ăn gì?
Như vậy là bạn đã biết được niềng răng nên ăn gì. Tiếp theo đây, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu niềng răng kiêng ăn gì.
Bất kỳ loại thực phẩm nào dính, dai hoặc cứng đều có thể dễ dàng khiến các mắc cài bị gãy, dây cung bị hỏng hay thậm chí là bung niềng ra khỏi răng. Do đó, người đeo niềng răng không nên ăn những thực phẩm sau:
- Đá lạnh
- Các loại quả hạch
- Bắp rang bơ
- Kẹo cứng
- Kẹo cao su
- Kẹo dai như kẹo dẻo
- Bánh dày
- Bánh dẻo
- Các loại rau củ quả cứng, giòn, còn sống, chưa được chế biến mềm như táo, cà rốt
- Bắp còn nguyên lõi
- Bánh quy cứng
- Đậu phộng giòn
- Vỏ pizza
- Khoai tây chiên
- Bánh mì cứng
- Thịt sườn, xương, chân gà…
- Thịt dai
- Thức ăn quá lạnh như kem hoặc quá nóng như lẩu, canh nóng
- Thực phẩm nhiều đường như chè, bánh ngọt, kẹo, nước ngọt, nước có ga, nước tăng lực…
Bạn có thể xem thêm:
Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được người mới niềng răng nên ăn gì và kiêng ăn gì để bảo vệ răng, hạn chế những rủi ro trong quá trình đeo niềng.
[embed-health-tool-bmi]