Nhiễm khuẩn âm đạo, còn được gọi là viêm âm đạo do vi khuẩn, là một trong những dạng phổ biến nhất của bệnh viêm âm đạo ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Trong bài viết sau, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa tình trạng này để bảo vệ sức khỏe phụ khoa nhé.
Định nghĩa
Nhiễm khuẩn âm đạo (viêm âm đạo do vi khuẩn) là bệnh gì?
Nhiễm khuẩn âm đạo là một loại viêm âm đạo, trong đó các vi khuẩn âm đạo có sự phát triển quá mức làm đảo lộn sự cân bằng tự nhiên. Sự phát triển quá mức này có thể gây kích ứng, sưng, viêm, làm âm đạo có mùi hôi và các triệu chứng khác. Niệu đạo, bàng quang và da ở vùng sinh dục cũng có thể bị ảnh hưởng.
Những ai thường bị bệnh này?
Phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh, tuy nhiên bệnh thường thấy nhất ở lứa tuổi từ 15-44. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin.
Triệu chứng và dấu hiệu
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn là gì?
Những triệu chứng phổ biến nhất của tình trạng nhiễm khuẩn vùng kín bao gồm:
- Cảm thấy ngứa và rát ở âm hộ và âm đạo
- Âm đạo có mùi hôi (thường mùi hôi sẽ nặng hơn sau khi quan hệ tình dục)
- Dịch tiết âm đạo mỏng, màu trắng, xám hoặc xanh lá cây
- Nóng rát khi đi tiểu
Các triệu chứng của nhiễm khuẩn âm đạo không giống như nhiễm nấm âm đạo. Nếu bạn bị nấm âm đạo, dịch tiết âm đạo thường ở dạng đặc, màu trắng và không có mùi.
Ngoài ra, nhiều phụ nữ bị viêm âm đạo do vi khuẩn không có dấu hiệu hoặc triệu chứng.
Có thể có các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn cần đi khám ngay nếu có bất kỳ triệu chứng hay dấu hiệu nào kể trên. Đừng ngại đi khám vì bệnh ở vùng kín. Nếu để lâu, bệnh có thể biến chứng trầm trọng, làm ảnh hưởng đến đời sống tình dục và sinh hoạt hằng ngày của bạn.
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây ra bệnh nhiễm khuẩn âm đạo là gì?
Sự mất cân bằng số lượng vi khuẩn ở âm đạo chính là nguyên nhân gây bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn.
Thông thường, những vi khuẩn có ích (lactobacilli) sẽ áp đảo số lượng vi khuẩn gây hại (anaerobes) ở âm đạo. Tuy nhiên, trong điều kiện thích hợp, số lượng vi khuẩn có hại có thể tăng lên quá nhiều, làm phá vỡ sự cân bằng tự nhiên, khiến số lượng vi khuẩn có ích giảm xuống, từ đó dẫn đến nhiễm khuẩn âm đạo.
Nguy cơ mắc bệnh
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn âm đạo?
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn âm đạo bao gồm:
- Mang thai
- Hút thuốc lá
- Có bạn tình mới hoặc có nhiều bạn tình
- Quan hệ tình dục không an toàn
- Sử dụng các biện pháp tránh thai
- Thiếu vi khuẩn có ích (lactobacilli) bẩm sinh
- Vệ sinh kém hoặc vệ sinh không đúng cách
- Sức đề kháng yếu.
Điều trị hiệu quả
Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.
Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm khuẩn phụ khoa?
Bác sĩ sẽ hỏi bạn về lịch sử quan hệ tình dục (như số bạn tình chẳng hạn), tiền căn bệnh nhiễm khuẩn âm đạo và bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Để chẩn đoán bệnh viêm âm đạo do vi khuẩn, bác sĩ sẽ khám vùng chậu, đặc biệt là âm đạo của bạn để xác định các triệu chứng của bệnh. Bác sĩ cũng sẽ lấy mẫu dịch ở âm đạo để khảo sát dưới kính hiển vi và làm thêm các xét nghiệm khác.
Việc chẩn đoán chính xác bệnh nhiễm khuẩn âm đạo rất quan trọng vì nó sẽ giúp bác sĩ xác định được bạn đang thật sự mắc nhiễm khuẩn âm đạo hay các bệnh nhiễm khuẩn khác như bệnh Chlamydia, một bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác, bác sĩ thường sẽ yêu cầu bạn:
- Không thụt rửa âm đạo trong vòng 24 giờ trước khi khám
- Không sử dụng bất cứ thứ gì có thể gây kích thích âm đạo của bạn, ví dụ thuốc xịt âm đạo
- Không quan tình dục trong vòng 24 giờ trước khi khám
- Không nên đi khám khi bạn đang có kinh nguyệt.
Những phương pháp nào dùng để điều trị bệnh nhiễm khuẩn âm đạo?
Nhiễm trùng âm đạo thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh do bác sĩ kê đơn. Bạn cần sử dụng thuốc uống, kem bôi hoặc gel theo liều lượng và thời gian chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng của bạn biến mất. Ngừng điều trị sớm có thể làm tăng nguy cơ tái phát bệnh.
Thói quen sinh hoạt phù hợp
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh?
Những thói quen sinh hoạt dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh:
- Giữ vùng âm đạo khô thoáng
- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ
- Tái khám đúng lịch hẹn để bác sĩ theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn
- Tránh quan hệ tình dục trong thời gian điều trị.
[embed-health-tool-ovulation]