Ngoài việc đặt vòng nâng cổ tử cung trong dự phòng sinh non ở những thai phụ có cổ tử cung ngắn hoặc hở, phương pháp này còn được ứng dụng để điều trị các bệnh lý sàn chậu ở phụ nữ.
Vòng nâng cổ tử cung là dụng cụ làm bằng silicone, được chèn vào âm đạo bệnh nhân nhằm nâng đỡ cổ tử cung và các cơ quan vùng chậu. Với vai trò này, vòng nâng cổ tử cung được sử dụng phổ biến trong dự phòng sinh non; điều trị tình trạng sa tạng chậu, sa sinh dục… đặc biệt là ở các đối tượng không muốn hoặc không thể tiến hành phẫu thuật vì các yếu tố rủi ro.
Đặt vòng nâng Pessary là phương pháp điều trị ít xâm lấn, tiết kiệm chi phí hơn so với việc khâu vòng cổ tử cung. Phương pháp này được ứng dụng phổ biến cho những phụ nữ mắc bệnh sa sinh dục để giúp nâng giữ bàng quang, hạn chế nguy cơ rò rỉ nước tiểu.
Trong khi đó, vòng nâng Arabin, vòng Hodge được nhiều báo cáo ghi nhận có hiệu quả trong điều trị cổ tử cung ngắn, hở và có thể là phương pháp hứa hẹn bên cạnh các biện pháp dự phòng sinh non thường thấy như khâu cổ tử cung, đặt progesterone âm đạo…
Ứng dụng đặt vòng nâng cổ tử cung trong điều trị bệnh lý sàn chậu
Vùng sàn chậu bao gồm tất cả những cấu trúc nằm trong khung xương chậu. Sàn chậu có 3 cơ quan gồm hệ thống sinh dục (tử cung, âm đạo); hệ thống tiêu hóa dưới (trực tràng, hậu môn) và hệ thống tiết niệu dưới (bàng quang, niệu đạo). Nhiệm vụ chính của sàn chậu là nâng đỡ, giữ cho những cơ quan này nằm đúng vị trí, không bị sa xuống khi phụ nữ vận động mạnh hoặc làm việc nặng.
Bên cạnh đó, sàn chậu còn đóng vai trò là nơi đóng/ mở các lỗ đường tiết niệu, hậu môn, âm đạo để kiểm soát hoạt động tiểu tiện, tình dục và giúp quá trình sinh nở dễ dàng hơn.
Các bệnh lý sàn chậu thường gặp ở phụ nữ
Khi chức năng sàn chậu bị rối loạn, phụ nữ có nguy cơ mắc các bệnh lý sau:
Sa bàng quang: Bệnh xảy ra khi các mô liên kết và cấu trúc hỗ trợ bàng quang bị suy yếu. Tình trạng này khiến bàng quang sa xuống và lồi ra ở trước thành âm đạo.
Sa âm đạo: Là tình trạng phần trên của âm đạo sa xuống dưới, khiến âm đạo lồi ra ngoài.
Sa trực tràng kiểu túi: Bệnh xuất hiện do sự suy yếu các cơ trực tràng và các mô liên kết xung quanh trực tràng. Sa trực tràng kiểu túi có thể khiến nhu động ruột của người bệnh trở nên khó khăn hơn nên người bệnh rất dễ bị táo bón.
Thoát vị âm đạo: Bệnh xảy ra do sự suy yếu ở các mô liên kết và dây chằng hỗ trợ tử cung. Tình trạng này phổ biến ở những phụ nữ phẫu thuật loại bỏ tử cung. Thoát vị âm đạo thường khiến người bệnh cảm thấy nặng nề ở vùng chậu và đau thắt lưng dưới.
>>> Đọc thêm: Rối loạn chức năng sàn chậu
Đặt vòng nâng cổ tử cung trong điều trị bệnh lý sàn chậu
Phương pháp điều trị bệnh lý sàn chậu truyền thống thường sử dụng thuốc hoặc khâu vòng tử cung. Đặt vòng nâng Pessary là phương pháp điều trị mới ít xâm lấn, tiết kiệm chi phí hơn so với những phương pháp truyền thống. Khi tiến hành, bác sĩ đặt một chiếc vòng chất liệu silicon vào âm đạo, bao quanh cổ tử cung để người bệnh đeo cả ngày.
Sau khi đặt vòng nâng, người bệnh có thể gặp cảm giác kích thích ở âm đạo, dịch tiết âm đạo ra nhiều hoặc chảy máu âm đạo. Những triệu chứng này thường không đáng kể nhưng người bệnh gần gặp bác sĩ để được đánh giá tình hình sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung.
Ứng dụng đặt vòng nâng cổ tử cung trong dự phòng sinh non
Thai phụ có cổ tử cung ngắn hoặc hở eo tử cung có nhiều nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non. Một nghiên cứu về phụ nữ có cổ tử cung rất ngắn – dưới 15 milimet cho thấy vấn đề này chiếm 86% trường hợp sinh non trước 28 tuần và 58% trường hợp sinh non trước 32 tuần.
Dù vậy, khá khó khăn để nhận biết sớm những thai phụ gặp phải các tình trạng này vì thường không có biểu hiện rõ ràng. Do đó, để sớm phát hiện các bất thường, mẹ bầu cần khám thai định kỳ và siêu âm đo chiều dài cổ tử cung.
>>> Đọc thêm: 4 cách giữ thai khi cổ tử cung ngắn
Các trường hợp thai phụ nên đặt vòng nâng cổ tử cung
Các chỉ định khác bao gồm:
- Song thai hoặc đa thai với cổ tử cung ngắn
- Chiều dài cổ tử cung ngắn hoặc cổ tử cung hình phễu
- Tiền căn sảy thai muộn hoặc sinh non
- Tiền căn khoét chóp.
Chống chỉ định đặt vòng nâng cổ tử cung trong các trường hợp:
- Thai dị tật
- Viêm nhiễm sinh dục tiến triển
- Đang ra huyết âm đạo
- Dị tật sinh dục bẩm sinh.
Vòng sẽ được lấy ra khi thai đạt 37 tuần hoặc khi sản phụ chuyển dạ, rỉ ối hoặc vỡ ối.
Ưu nhược điểm của đặt vòng nâng cổ tử cung trong dự phòng sinh non
Ưu điểm của đặt vòng nâng cổ tử cung bao gồm:
- Việc đặt vòng hay lấy vòng đều diễn ra dễ dàng và nhanh chóng. Mẹ bầu không cần dùng đến gây mê và thuốc giảm đau, không cần nằm viện điều trị.
- Vòng làm bằng chất liệu silicon an toàn, không gây đau đớn sau khi đặt vào âm đạo.
- It xâm lấn, tiết kiệm chi phí so với khâu vòng tử cung.
Nhược điểm của phương pháp này bao gồm:
- Một số trường hợp có thể xuất hiện biến chứng: tăng tiết dịch âm đạo, viêm âm đạo, xuất huyết âm đạo, đi tiêu/ đi tiểu khó, đau cộm…
- Có thể gây khó khăn khi tiếp cận cổ tử cung trong quá trình siêu âm qua âm đạo
Lưu ý sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung trong thai kỳ
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi, thai phụ cần tiến hành thủ thuật ở những cơ sở y tế uy tín. Sau khi đặt vòng nâng cổ tử cung, thai phụ cần lưu ý những vấn đề sau:
- Vệ sinh vùng kín sạch sẽ, đúng cách
- Tránh vận động mạnh hay mang vác vật nặng sau khi đặt vòng. Điều này có thể khiến vòng bị tuột ra khỏi vị trí ban đầu.
- Khám thai định kỳ theo lịch hẹn
- Ăn uống đủ chất, khoa học để cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của thai kỳ
- Liên hệ với bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường khiến bạn lo lắng.
Đặt vòng nâng cổ tử cung là một phương pháp hiện đại có nhiều ưu điểm. Khi có chỉ định đặt vòng, phụ nữ cần đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa sản phụ để được tư vấn phương án phù hợp với điều kiện và sức khỏe của bản thân.
[embed-health-tool-ovulation]