backup og meta

Hỏi đáp Bác sĩ: Tiểu buốt có tự hết không, cách trị tiểu buốt tại nhà là gì?

Hỏi đáp Bác sĩ: Tiểu buốt có tự hết không, cách trị tiểu buốt tại nhà là gì?

Bạn đọc hỏi


Chào bác sĩ, 
Em 21 tuổi, gần đây mỗi lần đi tiểu luôn cảm thấy rất đau buốt. Ngoài triệu chứng tiểu buốt, đôi khi em còn cảm nhận được những cơn đau vùng bụng dưới. Bác sĩ cho em hỏi bị tiểu buốt có tự hết không, có nguy hiểm không? Có cách nào giúp điều trị tiểu buốt tại nhà không ạ? (Phương Uyên, TP. Bảo Lộc, Lâm Đồng)

Bác sĩ trả lời:

Chào bạn Phương Uyên, 

Với câu hỏi “bị tiểu buốt có tự hết không, có nguy hiểm không? Cách điều trị tiểu buốt tại nhà là gì” của bạn Phương Uyên, ThS–BS Huỳnh Kim Dung hiện đang làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Phương Châu (Cần Thơ) giải đáp như sau:

1. Tiểu buốt có tự hết không? 

Trước khi trả lời thắc mắc tiểu buốt có tự hết không, mời bạn Phương Uyên và các độc giả cùng tìm hiểu về nguyên nhân gây ra tình trạng tiểu buốt.

Trong câu hỏi bạn Phương Uyên không có đề cập đến việc em đã có lập gia đình, hay đã có quan hệ tình dục chưa. Thế nên sau đây, bác sĩ sẽ điểm qua các nguyên nhân có thể gặp cả ở người chưa và đã có gia đình nhé:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu: Niệu đạo, niệu quản, bàng quang, thận
  • Đang mang thai: Do sự xáo trộn nội tiết 
  • Nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Mụn rộp sinh dục, bệnh lậu, nấm, chlamydia  
  • Viêm vùng chậu: Vòi trứng, buồng trứng, tử cung, cổ tử cung
  • Tắc nghẽn niệu quản
  • Sỏi đường tiết niệu
  • Khối u đường tiết niệu
  • Tác dụng phụ của thuốc: Việc dùng một số loại thuốc kháng sinh có tác dụng phụ gây tiểu buốt
  • Đôi khi tiểu buốt không phải do nhiễm trùng, mà do các sản phẩm sử dụng ở đường sinh dục có tính tẩy rửa mạnh, gây kích ứng các mô ở âm đạo, tiền đình. 
  • Các hoạt động gây cọ xát: cưỡi ngựa, đạp xe… 

Do đó, câu trả lời cho thắc mắc bị tiểu buốt có tự hết không là “có”. Bởi nếu tình trạng tiểu buốt chỉ ở mức nhẹ và không có viêm nhiễm các cơ quan kể trên, chỉ cần bạn uống nhiều nước thì tình trạng tiểu buốt có thể tự khỏi. Tuy nhiên trường hợp có nhiễm khuẩn hoặc có bệnh lý gì đó thì cần phải điều trị y khoa đúng cách. Bởi tình trạng tiểu buốt kéo dài không được điều trị có thể gây ra những biến chứng như: nhiễm trùng nặng, bí tiểu, đau bụng cấp tính… rất nguy hiểm. 

2. Tiểu buốt được điều trị như thế nào? 

tiểu buốt có tự hết không

Khi bệnh nhân có triệu chứng tiểu buốt, bác sĩ sẽ hỏi bệnh, thăm khám, cho làm một số xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân và chẩn đoán chẳng hạn như siêu âm, cấy nước tiểu, xét nghiệm máu, soi nhuộm dịch âm đạo…. Sau khi có kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị. Các phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, ví dụ như: 

  • Nếu do nhiễm khuẩn sẽ điều trị kháng sinh theo phác đồ
  • Nếu bàng quang bị kích thích sẽ cho dùng thuốc làm dịu bàng quang

Ngoài ra, bác sĩ còn có thể cho bạn sử dụng thuốc kháng viêm, giảm đau…

3. Cách điều trị tiểu buốt tại nhà 

Để hỗ trợ điều trị tiểu buốt tại nhà, bạn hãy:

  • Đầu tiên bạn hãy thử ngưng tất cả các chế phẩm đường sinh dục đang sử dụng như nước rửa phụ khoa, nước hoa vùng kín, xà bông tắm, tampon âm đạo, giấy vệ sinh…
  • Bỏ thói quen thụt rửa bên trong âm đạo (nếu có)
  • Ngưng uống rượu, bia, trà, cà phê, nước ngọt. Uống nhiều nước lọc hàng ngày (khoảng 2,5-3 lít). Không ăn đồ chiên, trái cây quá ngọt (mít, sầu riêng, nhãn…)
  • Tắm nước ấm, ngâm vùng âm hộ trong thau nước ấm

Nếu sau 1 tuần bạn vẫn còn tiểu buốt hoặc đau bụng thì nên đi khám kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách nhé. 

4. Mách nhỏ về cách phòng ngừa tiểu buốt 

tiểu buốt có tự hết không

Để phòng ngừa tình trạng tiểu buốt tái phát, bạn Phương Uyên cũng như các bạn nữ nên:

  • Tránh sử dụng các loại bột giặt và dung dịch vệ sinh có mùi thơm, chứa chất tẩy rửa mạnh
  • Sử dụng bao cao su (loại trơn không mùi, ít kích ứng) khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa lây truyền các bệnh viêm nhiễm
  • Không nên có thói quen thụt rửa âm đạo. Vệ sinh bên ngoài, massage nhẹ nhàng bằng nước thường hàng ngày, nếu không có vấn đề gì thì không nên dùng nước rửa phụ khoa thường xuyên. Vệ sinh xong lau khô vùng kín bằng khăn mềm, sạch 
  • Uống đủ nước vào ban ngày. Đi tiểu thường xuyên, tránh nhịn tiểu
  • Tránh các thực phẩm có thể gây kích thích bàng quang như: thực phẩm có tính axit cao, thực phẩm có chứa caffeine, cồn
  • Khi có triệu chứng bệnh lý đường tiết niệu, bệnh phụ khoa, bạn nên điều trị sớm để tránh xảy ra tình trạng tiểu buốt

Bạn có thể xem thêm các bài viết: 

Tiểu buốt sau khi quan hệ: nguyên nhân và giải pháp cho bạn

Đi tiểu buốt ở phụ nữ là bệnh gì? 8 căn bệnh bạn không ngờ tới

Tiểu buốt là dấu hiệu của bệnh gì? Triệu chứng & thuốc

Trân trọng!

Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Painful urination

http://www.mayoclinic.org/symptoms/painful-urination/basics/causes/sym-20050772. Ngày truy cập 11/8/2022

Dysuria (Painful Urination)

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/15176-dysuria-painful-urination Ngày truy cập 11/8/2022

Is That Burning Sensation a Urinary Tract Infection?

https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/urinary-tract-infections/is-that-burning-sensation-a-urinary-tract-infection Ngày truy cập 11/8/2022

Painful Urination

https://www.aafp.org/afp/2004/0101/p149.html Ngày truy cập 11/8/2022

Dysuria (Painful Urination)

https://www.webmd.com/women/dysuria-causes-symptoms Ngày truy cập 11/8/2022

Phiên bản hiện tại

12/08/2022

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Từ A đến Z: Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai, thụ thai, bảo vệ sức khỏe

Nguyên nhân và cách chữa tiểu buốt sau khi quan hệ


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 12/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo