backup og meta

Thay đổi sợi bọc tuyến vú

Thay đổi sợi bọc tuyến vú

Thay đổi sợi bọc tuyến vú là một tổn thương lành tính (không phải ung thư) ở vú, xảy ra phổ biến ở phụ nữ còn kinh. Trước đây, tình trạng này còn được biết đến với các tên gọi là bệnh xơ nang tuyến vú, viêm nang tuyến vú mạn tính.

Thay đổi sợi bọc tuyến vú là gì?

Thay đổi sợi bọc tuyến vú là một biến đổi ở mô sợi tuyến vú, không được xem là bệnh lý do đó các thuật ngữ trước đây như “bệnh xơ nang tuyến vú‘ không còn được sử dụng nữa. Đây được xem như là một thay đổi bình thường ở phụ nữ.

Nhiều phụ nữ trải qua sự thay đổi này ở tuyến vú mà không biểu hiện triệu chứng gì. Tuy nhiên, một vài người có thể cảm thấy đau, cứng ở vú và sờ thấy khối u ở vú, đặc biệt là ở khu vực phía trên, ngoài bầu ngực. Các triệu chứng này thường gây ra nhiều khó chịu ngay trước khi có kinh nguyệt. Các biện pháp tự chăm sóc đơn giản tại nhà có thể giúp giảm bớt cảm giác khó chịu này.

Những triệu chứng thường thấy khi bị thay đổi sợi bọc tuyến vú là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng liên quan đến sự thay đổi này gồm:

  • Các khối u ở vú hoặc vùng dày lên ở vú có xu hướng lẫn vào với các mô vú xung quanh
  • Đau vú chung chung hoặc đau khi ấn vào
  • Các khối u vú có kích thước thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt
  • Dịch tiết ở vú có màu xanh lá hay màu nâu sẫm (không phải máu), có thể xuất hiện khi không có lực tác động như ấn hay nặn núm vú
  • Những thay đổi xảy ra đều ở cả hai bên vú
  • Tình trạng đau vú hoặc xuất hiện các khối u vú tăng dần hàng tháng, từ thời điểm rụng trứng đến trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu

Thay đổi sợi bọc tuyến vú thường xảy ra nhiều ở phụ nữ trong độ tuổi từ 20–50. Trường hợp phụ nữ mãn kinh gặp phải tình trạng này hiếm khi xảy ra, trừ khi họ đang trong quá trình điều trị bằng liệu pháp hormone.

Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ?

Hầu hết những thay đổi xảy ra trong mô sợi tuyến vú là bình thường. Thế nhưng, bạn nên tìm gặp bác sĩ nếu như:

  • Sờ thấy có một khối u mới ở vú hoặc có một khu vực dày lên đáng chú ý
  • Đau vú xảy ra ở một vùng nhất định, diễn ra liên tục hoặc ngày càng nghiêm trọng
  • Những thay đổi sợi bọc tuyến vú vẫn còn tồn tại sau khi bạn đã mãn kinh
  • Khối u vú dường như to hơn hoặc có sự thay đổi khác thường

Thay đổi sợi bọc tuyến vú có nguy hiểm không?

Những thay đổi này gây ra tổn thương u vú lành tính và không hề gây hại đến sức khỏe. Tuy nhiên, bạn cần hết sức chú ý nếu có bất kỳ sự tăng trưởng bất thường nào trong khối u ở vú để được đánh giá ngay đó có phải là ung thư hay không. Thay đổi sợi bọc tuyến vú không làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư vú. Tuy nhiên, thay đổi sợi bọc với mô tuyến vú dầy lên có thể che lấp hình ảnh thật sự của ung thư vú.

Hãy nhớ, bất kỳ sự xuất hiện khác thường nào ở vú đều cần được đánh giá kỹ lưỡng từ bác sĩ càng sớm càng tốt.

Nguyên nhân gây thay đổi sợi bọc tuyến vú là gì?

thay đổi sợi bọc tuyến vú
Hình ảnh mô vú bình thường (trái) và khi có thay đổi sợi bọc tuyến vú (phải).
Nguồn: mayoclinic.org

Nguyên nhân chính xác gây ra những biến đổi trong mô sợi tuyến vú vẫn chưa được biết rõ nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng các hormone sinh sản, đặc biệt là estrogen, góp phần gây ra sự thay đổi này.

Nồng độ hormone dao động trong chu kỳ kinh nguyệt có thể gây ra cảm giác khó chịu ở vú và các vùng thùy vú trở nên nhạy cảm, đau nhức và sưng lên. Thay đổi này thường gây khó chịu nhiều hơn trước khi kỳ kinh bắt đầu và cảm giác đau cũng như các khối u trong vú thường được cảm nhận rõ hơn hoặc giảm bớt đi khi có kinh nguyệt.

Khi quan sát dưới kính hiển vi, mô sợi tuyến vú bao gồm những phần riêng biệt như sau:

  • Túi tròn hoặc hình bầu dục chứa đầy dịch lỏng (u nang)
  • Sự xuất hiện của các mô sợi như sẹo (xơ hóa)
  • Sự phát triển quá mức của các tế bào niêm mạc trong ống tiết sữa hoặc của các mô sản xuất sữa
  • Các tiểu thùy tuyến vú phì đại

Chẩn đoán thay đổi sợi bọc tuyến vú được thực hiện như thế nào?

Bác sĩ sẽ cần thực hiện một số thử nghiệm để đánh giác tình trạng của bạn, bao gồm:

  • Thăm khám vú. Bác sĩ sẽ kiểm tra các vùng bất thường trên vú và các hạch bạch huyết nằm ở vùng dưới đòn và hạch nách. Nếu bệnh sử và kết quả thăm khám cho thấy những thay đổi này hoàn toàn bình thường thì bạn có thể không cần làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng bổ sung. Tuy nhiên, nếu phát hiện có một khối u mới và nghi ngờ có thay đổi sợi bọc tuyến vú, bạn cần quay lại tái khám sau một vài tuần, sau khi kỳ kinh nguyệt kết thúc. Nếu vẫn còn những thay đổi bất thường, bạn cần làm các xét nghiệm hình ảnh như chụp nhũ ảnh hay siêu âm.
  • Chụp nhũ ảnh. Khi bác sĩ phát hiện có một khối u vú hoặc một vùng dày lên đáng chú ý trong mô vú, bạn sẽ cần thực hiên chụp nhũ ảnh. Dựa trên kết quả hình ảnh thu được, bác sĩ sẽ giải thích điều gì đang thay đổi bên trong mô vú của bạn.

Khi nào thì nên chụp nhũ ảnh?

  • Siêu âm. Kỹ thuật này thường được thực hiện cùng với chụp nhũ ảnh. Nếu bạn dưới 30 tuổi, bạn có thể chỉ cần thực hiện siêu âm thay vì chụp nhũ ảnh. Kết quả xét nghiệm thường giúp bác sĩ phân biệt được u nang chứa đầy dịch lỏng với các khối u rắn. Một số trường hợp cần phối hợp thêm chụp MRI vú trong chẩn đoán thay đổi sợi bọc.
  • Chọc hút bằng kim nhỏ (fine-needle aspiation). Đối với các khối u vú giống như u nang, bác sĩ có thể sử dụng phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ để thử rút dịch lỏng bên trong khối u ra ngoài. Cách này có khả năng làm xẹp u nang và giảm bớt cảm giác khó chịu ở người bệnh, đồng thời kết quả tế bào học cho thấy sự thay đổi sợi bọc.
  • Sinh thiết vú. Nếu kết quả chụp nhũ ảnh và siêu âm cho thấy bình thường nhưng bác sĩ vẫn nghi ngờ có một khối u vú, bạn có thể được chuyển đến một bác sĩ phẫu thuật vú để đánh giá xem có cần làm sinh thiết vú hay không. Khi đó, một mẫu mô vú nhỏ được lấy và đem đi phân tích dưới kính hiển vi.

Làm sao để điều trị thay đổi sợi bọc tuyến vú?

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Nếu bạn không biểu hiện triệu chứng hoặc các triệu chứng tương đối nhẹ và không gây ảnh hưởng nặng nề, bạn không cần phải điều trị cho thay đổi sợi bọc tuyến vú. Nếu cơn đau dữ dội hoặc khối u nang lớn và gây đau, bạn sẽ cần điều trị tình trạng này.

Các lựa chọn điều trị cho thay đổi sợi bọc tuyến vú gồm:

  • Chọc hút bằng kim nhỏ. Bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim nhỏ, mảnh như sợi tóc để chọc và dẫn lưu dịch lỏng ra khỏi u nang. Cách này giúp làm xẹp các u nang và giảm bớt những khó chịu liên quan.
  • Phẫu thuật cắt bỏ. Các khối u giống như u nang nhưng không được giải quyết sau khi chọc hút bằng kim nhiều lần thì có thể cần được phẫu thuật loại bỏ. Tuy nhiên, phương pháp này hiếm khi được lựa chọn thực hiện vì không giải quyết được triệt để tình trạng khó chịu.

Để giảm đau vú, bạn có thể sử dụng một số thuốc như:

  • Thuốc giảm đau không kê đơn, bao gồm paracetamol hay các thuốc giảm đau kê đơn khác như NSAIDs
  • Thuốc tránh thai đường uống, giúp làm giảm nồng độ hormone liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và những thay đổi trong mô sợi tuyến vú
  • Một số thuốc làm giảm tác động của estrogen lên mô vú như Danazol hoặc Tamoxifen

Thay đổi lối sống và các biện pháp tại nhà

Bạn có thể giảm bớt các triệu chứng do thay đổi sợi bọc tuyến vú nhờ những biện pháp tại nhà sau đây:

  • Mặc áo ngực hỗ trợ theo gợi ý của các chuyên gia
  • Mặc áo ngực thể thao trong khi tập thể dục và trong khi ngủ
  • Hạn chế hoặc tránh tiêu thụ caffein
  • Giảm bớt lượng chất béo trong chế độ ăn uống
  • Giảm hoặc ngừng dùng liệu pháp hormone nếu bạn đang mãn kinh (hãy trao đổi trước với bác sĩ trước khi muốn thay đổi việc dùng thuốc)
  • Chườm ấm có thể giúp giảm bớt sự khó chịu ở vú

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Fibrocystic breasts. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/fibrocystic-breasts/symptoms-causes/syc-20350438. Ngày truy cập 25/5/2020.

Fibrocystic Breast Changes. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4185-fibrocystic-breast-changes. Ngày truy cập 25/5/2020.

Fibrocystic breast changes. https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/other-conditions/fibrocystic-breast-changes. Ngày truy cập 25/5/2020.

Phiên bản hiện tại

01/07/2020

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Cập nhật bởi: Ngọc Anh


Bài viết liên quan

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!

Cắt bỏ khối u vú


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Phùng Thị Phương Chi

Ung thư - Ung bướu · Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 01/07/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo