backup og meta

Phụ nữ đột nhiên ăn nhiều: Giải mã 9 nguyên nhân thường gặp

Phụ nữ đột nhiên ăn nhiều: Giải mã 9 nguyên nhân thường gặp

Bạn nhận ra gần đây mình có xu hướng ăn nhiều hơn bình thường nhưng nhu cầu ăn tăng lên thường không phải là do cơn đói. Bạn băn khoăn không biết phụ nữ đột nhiên ăn nhiều có phải là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề sức khỏe nào đó, các nguyên nhân gây ra tình trạng này là gì? 

Theo các chuyên gia, sự mất cân bằng nội tiết tố đến thói quen ngủ kém, những thay đổi sinh hoạt – hành vi cũng có thể là nguyên nhân khiến chị em phụ nữ đột nhiên ăn nhiều. Việc hiểu rõ được nguyên nhân tiềm ẩn làm cho nhu cầu thèm ăn gia tăng có thể giúp bạn “chế ngự” được cảm giác này.  

Trong bài viết sau, Hello Bacsi sẽ chỉ ra các nguyên nhân khiến chị em phụ nữ đột nhiên ăn nhiều và giải pháp khắc phục cho từng nguyên nhân cụ thể. Mời bạn cùng tham khảo! 

Phụ nữ đột nhiên ăn nhiều: Giải mã 9 nguyên nhân thường gặp 

Gần đây, đột nhiên bạn lại cảm thấy muốn ăn liên tục và ăn nhiều dù chiếc bụng không hề đói? Nếu cảm giác thèm ăn và tình trạng đột nhiên ăn nhiều của bạn không xuất phát từ chế độ ăn uống hoặc lối sống, cảm giác đói gia tăng có thể là dấu hiệu của tình trạng bệnh lý hoặc một số vấn đề sức khỏe liên quan được đề cập sau đây: 

1. Mất cân bằng hormone  phụ nữ đột nhiên ăn nhiều do mất cân bằng hormone

Hormone là chất do các tuyến nội tiết tiết ra, và được lưu hành trong máu tới khắp cơ thể. Trong nhiều trường hợp, hormone hoạt động như một cặp và có tác dụng ngược lại nhau. Đôi khi, sự giảm hoặc tăng của một loại hormone sẽ ảnh hưởng đến cơn đói. Sự mất cân bằng giữa hai loại hormone hoặc sự tiết ra quá mức hoặc không đủ của một loại hormone nào đó có thể làm tăng cảm giác đói khiến chị em phụ nữ đột nhiên ăn nhiều và dẫn đến tăng cân. 

Các cặp hormone kiểm soát cơn đói và cân nặng bao gồm: 

  • Ghrelin và leptin: Ghrelin làm tăng cảm giác đói sau khi bạn nghĩ về thức ăn hoặc khi bụng đói, còn leptin thì làm giảm cảm giác đói.
  • Estrogen và progesterone: Sự thay đổi về nồng độ của hai hormone này gây ra cảm giác thèm ăn nhiều carbohydrate và đồ ngọt.
  • Insulin và glucagon: Insulin làm giảm lượng đường trong máu trong khí đó glucagon làm tăng lượng đường trong máu. 

Sự mất cân bằng nội tiết tố ảnh hưởng đến giấc ngủ và tâm trạng, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Mặc dù một số sự mất cân bằng hormone chỉ có thể được khắc phục bằng cách điều trị y tế, nhưng việc thay đổi lối sống cũng có thể giúp ích. 

2. Mang thai khiến phụ nữ đột nhiên ăn nhiều 

Nhiều chị em thường băn khoăn không biết phụ nữ đột nhiên ăn nhiều là do đâu? Câu trả lời là trong một số trường hợp việc các chị em phụ nữ đột nhiên ăn nhiều có thể liên quan đến quá trình mang thai.  

Mang thai có liên quan đến việc tăng cảm giác thèm ăn để hỗ trợ nhu cầu chất dinh dưỡng và calo của thai nhi đang phát triển. Cảm giác đói tăng hoặc giảm đột ngột khi mang thai, đặc biệt là khi liên quan đến sự thay đổi cân nặng nhanh chóng, bạn nên đi khám sớm. 

Cần biết rằng sự thèm ăn và cân nặng cũng có thể ảnh hưởng đến cơ hội mang thai. Nồng độ nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến cả sự thèm ăn và chu kỳ kinh nguyệt, có thể làm tăng nguy cơ dẫn đến vô sinh. Khi trọng lượng cơ thể của bạn giảm xuống dưới mức cân nặng khỏe mạnh, nồng độ estrogen sẽ giảm và quá trình rụng trứng khó diễn ra. Việc tập thể dục cường độ cao, giảm cân, căng thẳng quá mức và rối loạn ăn uống đều có thể gây vô sinh. 

3. Mãn kinh 

phụ nữ đột nhiên ăn nhiều do mãn kinh

Như trên đã đề cập hormone estrogen có vai trò làm giảm cơn đói. Khi bước vào giai đoạn mãn kinh, nồng độ estrogen trong cơ thể nữ giới sẽ giảm mạnh. Tình trạng nồng độ estrogen suy giảm sau khi mãn kinh có liên quan đến việc tăng tổng lượng mỡ trong cơ thể, tăng mỡ bụng và giảm khối lượng cơ nạc. Nhìn chung trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, hầu hết phụ nữ đều nhận thấy tình trạng tăng cân và cảm giác đói tăng lên. 

Do đó, mãn kinh có thể là một trong các nguyên nhân khiến phụ nữ đột nhiên ăn nhiều mà bạn nên nghĩ đến.

4. Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)

Hầu hết phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) đều có khả năng kháng insulin ở một mức nào đó. Sự biến động về lượng đường trong máu là phổ biến ở các chị em mắc hội chứng này và có thể khiến lượng đường trong máu tăng cao nhưng đường trong tế bào giảm gây nên tình trạng đói tế bào, gây cảm giác đói khiến các chị em phụ nữ đột nhiên ăn nhiều hơn nhu cầu so với người bình thường. Tin vui là việc giảm cân có thể cải thiện tình trạng kháng insulin và các triệu chứng của PCOS. 

5. Hội chứng Cushing khiến phụ nữ đột nhiên ăn nhiều 

Hội chứng Cushing, là một chứng bệnh rối loạn nội tiết tố do sự sản xuất quá mức của hormone ACTH, thông thường là thứ phát do u tuyến yên. Hormone ACTH tăng kích thích vỏ thượng thận bài tiết một lượng lớn hormone cortisol. Cortisol gây ra cảm giác thèm đồ ăn ngọt, béo và mặn. Những thực phẩm này thường có lượng calo cao. 

Các triệu chứng liên quan đến mức cortisol cao bao gồm:

  • Tăng cân, đặc biệt là ở bụng và mặt
  • Vết rạn rộng, màu tím, đặc biệt là ở bụng
  • Da mỏng, yếu. Da mặt có hình cánh bướm
  • Lông ở mặt và cơ thể quá nhiều
  • Nhức đầu
  • Mức đường huyết cao
  • Huyết áp cao
  • Loãng xương
  • Yếu cơ vai và hông

Hội chứng Cushing thường xuất hiện nhiều nhất ở phụ nữ từ 25 – 45 tuổi, có thể gây ra kinh nguyệt không đều, giảm ham muốn tình dục và các triệu chứng sức khỏe tình dục khác…

6. Trầm cảm 

phụ nữ đột nhiên ăn nhiều do trầm cảm

Trầm cảm và tác dụng phụ của các loại thuốc dùng để điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn. Ở một số người, trầm cảm làm giảm cảm giác thèm ăn, trong khi ở những người khác, nó lại làm tăng cảm giác thèm ăn dẫn đến tình trạng ăn nhiều hơn nhu cầu thực tế mà cơ thể cần. 

Các triệu chứng trầm cảm, bao gồm: mệt mỏi và khó ngủ, cũng có thể ảnh hưởng đến sự thèm ăn, cũng như có thể gây căng thẳng khi ăn uống hoặc gia tăng nhu cầu ăn uống để cải thiện tâm trạng.

Do đó, ngoài 6 nguyên nhân kể trên thì trầm cảm cũng là một trong cách nguyên nhân lý giải vì sao phụ nữ đột nhiên ăn nhiều. 

7. Sự lo lắng 

Tình trạng lo lắng cũng giống như trầm cảm, có thể làm tăng hoặc giảm cảm giác thèm ăn. Lo lắng có thể gây ra phản ứng căng thẳng trong cơ thể và làm tăng tiết cortisol. Khi mức cortisol tăng lên, cảm giác thèm ăn cũng tăng theo. 

Một số người phản ứng với sự lo lắng bằng cách mất cảm giác ăn ngon miệng. Tình trạng khó tiêu, buồn nôn, táo bón hoặc tiêu chảy, cùng với nhịp tim tăng và căng cơ, có thể gây ra cảm giác khó chịu, dẫn đến chán ăn. 

8. Bệnh cường giáp 

Bệnh cường giáp là tình trạng tuyến giáp sản xuất quá mức hormone kích thích tuyến giáp (TSH). Hầu hết những người mắc bệnh cường giáp cũng mắc phải tình trạng tự miễn dịch được gọi là bệnh Graves (bệnh Basedow). Khi tuyến giáp hoạt động quá mức, tốc độ trao đổi chất của cơ thể có xu hướng tăng cao. Điều này có thể khiến quá trình đốt cháy năng lượng nhanh hơn, dẫn đến tăng cảm giác thèm ăn khiến chị em phụ nữ đột nhiên ăn nhiều một cách thiếu kiểm soát. 

9. Tác dụng phụ của một số loại thuốc 

Việc dùng một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và hormone gây đói, do đó có thể gây ra cảm giác đói khiến chị em phụ nữ đột nhiên ăn nhiều. 

Các loại thuốc có liên quan đến cảm giác thèm ăn bao gồm: 

  • Thuốc tránh thai đường uống
  • Corticosteroid
  • Thuốc chống loạn thần
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc
  • Thuốc ức chế monoamin oxydase
  • Thuốc kháng histamine
  • Thuốc chống động kinh
  • Thuốc chẹn beta
  • Thuốc chẹn alpha
  • Thuốc chẹn kênh canxi
  • Nhóm thuốc opioid (nhóm thuốc giảm đau) 
  • Thuốc trị tiểu đường… 

Phụ nữ đột nhiên ăn nhiều: Khi nào cần đi khám? 

phụ nữ đột nhiên ăn nhiều khi nào cần đi khám

Phần lớn, sự thay đổi khẩu vị và nhu cầu ăn uống là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, bạn hãy đi khám nếu rơi vào một trong các tình huống sau:

  • Cảm giác thèm ăn tăng lên khiến bạn đột nhiên ăn nhiều 
  • Gặp khó khăn trong việc kiểm soát cơn thèm ăn, thói quen ăn uống
  • Gặp khó khăn với việc duy trì mức cân nặng hợp lý… 

Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ cho bạn làm các xét nghiệm cần thiết, chẳng hạn như xét nghiệm máu, siêu âm, kiểm tra nồng độ nội tiết tố để xem bạn có bị cường giáp hay không…

Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài đã giải đáp một cách sáng tỏ cho thắc mắc nguyên nhân phụ nữ đột nhiên ăn nhiều là do đâu. Qua những thông tin đó, bạn có thể phần nào xác định được trong trường hợp nào, cảm giác thèm ăn và nhu cầu ăn tăng lên là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ về sức khỏe.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Appetite – increased

https://medlineplus.gov/ency/article/003134.htm Ngày truy cập 19/4/2024

Polyphagia (Hyperphagia)

https://my.clevelandclinic.org/health/symptoms/24637-polyphagia-hyperphagia Ngày truy cập 19/4/2024

Physiology, Appetite And Weight Regulation

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK574539/ Ngày truy cập 19/4/2024

8 Possible Reasons Why You’re Experiencing an Increased Appetite

https://www.everlywell.com/blog/sleep-and-stress/reasons-for-increased-appetite/ Ngày truy cập 19/4/2024

What causes an increased appetite?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/increased-appetite Ngày truy cập 19/4/2024

9 Reasons For Increased Appetite In Women

https://www.invigormedical.com/weight-loss/9-reasons-for-increased-appetite-in-women/ Ngày truy cập 19/4/2024

Phiên bản hiện tại

27/05/2024

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Mẹ bầu tăng cân khi mang thai như thế nào mới an toàn?

Mãn kinh là gì? Độ tuổi mãn kinh, dấu hiệu, triệu chứng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 27/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo