backup og meta

Bật mí cách chăm sóc nhũ hoa giúp bạn luôn khỏe mạnh, quyến rũ hơn

Bật mí cách chăm sóc nhũ hoa giúp bạn luôn khỏe mạnh, quyến rũ hơn

Bầu ngực phụ nữ là một bộ phận nhạy cảm, thể hiện nét quyến rũ của phái đẹp. Thế nhưng, rất ít chị em có đầy đủ kiến thức  về việc chăm sóc bầu ngực hay biết cách chăm sóc nhũ hoa để luôn khỏe mạnh và quyến rũ hơn. 

Bầu ngực của phái nữ luôn là một “vùng đất bí ẩn” không chỉ khiến cánh mày râu khao khát khám phá mà ngay cả thân chủ cũng luôn tò mò với những đổi thay của chúng. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn những thông tin thú vị về nhũ hoa nữ giới, đồng thời giúp bạn có thêm kiến thức để chăm sóc nhũ hoa quyến rũ hơn.

Nhũ hoa là gì?

Nhũ hoa là khái niệm dùng để miêu tả vùng núm vú ở nữ giới và có kích thước khá nhỏ, nằm ở ngay giữa bầu vú và trên quầng vú. Mỗi người có kích thước nhũ hoa khác nhau, tùy vào cơ địa hoặc do gene di truyền. Thông thường, chiều dài của nhũ hoa khoảng 2-3 cm, nhưng cũng có người chỉ dài 0,5-1 cm. Một số trường hợp có núm vú bị thụt sâu vào bên trong. Đặc biệt, kích thước của nhũ hoa có thể thay đổi sau nhiều lần sinh nở, thường dài và to hơn do quá trình cho con bú.

Bật mí bí quyết chăm sóc nhũ hoa để luôn quyến rũ hơn 

1. Kiểm tra bầu vú, núm vú thường xuyên 

cách chăm sóc nhũ hoa

Bạn nên quan sát vú, bao gồm cả núm vú, ít nhất 1 lần/tuần để nắm bắt mọi thay đổi về cảm giác hoặc vẻ ngoài của chúng. Việc kiểm tra được tiến hành bằng tay, quan sát bằng mắt cho các khu vực xung quanh vú, dưới bầu vú, vùng nách và núm vú. Hãy quan sát xem nhũ hoa và bầu vú của bạn có bất kỳ dấu hiệu nào được liệt kê bên dưới hay không:

  • Chảy máu
  • Tiết dịch
  • Màu da trên bầu vú hay núm vú thay đổi bất thường và dấu hiệu này không biến mất
  • Nổi cục u bất thường
  • Có mùi
  • Đau bất thường

Bạn nên đi khám ngay nếu nhận thấy có bất kỳ dấu hiệu nào kể trên.

2. Chăm sóc nhũ hoa đúng cách mỗi ngày 

Bạn có thể tự phòng tránh vấn đề ở nhũ hoa bằng cách tập thể dục và mặc quần áo thoải mái. Ngoài ra, bạn nên mặc những chiếc áo ngực thể thao vừa vặn trong khi tập luyện để bảo vệ núi đôi của mình tốt hơn. Hơn nữa, việc tìm hiểu kĩ các triệu chứng của bản thân và đến gặp bác sĩ nếu thấy bất kì dấu hiệu nào bất thường là vô cùng quan trọng.

Đặc biệt, trong thời gian mang thai và cho con bú, hầu như chị em nào cũng thấy núm vú của mình to hơn và chuyển sang màu sậm. Khi bước vào những tháng cuối của thai kỳ, đầu nhũ hoa còn có thể tiết ra vài giọt dịch loãng màu vàng, gọi là sữa non.

Để bảo vệ núi đôi và nhũ hoa trong những giai đoạn này, chị em cần lưu ý những điều sau:

  • Lựa chọn áo ngực hoặc miếng dán nhũ hoa thích hợp để núi đôi được nâng đỡ vừa phải, tránh bị xệ hoặc bị tổn thương.
  • Núm vú cần được vệ sinh ít nhất một lần trong ngày. Khi vệ sinh, nên dùng vải mềm và nước sạch đủ ấm để lau. Nếu dùng xà phòng thì nên rửa lại thật sạch vì trong xà phòng có chất tẩy dễ làm nhũ hoa bị nứt nẻ, gây khó chịu.
  • Nếu cảm thấy vùng ngực bị cương tức, cứng và đau thì hãy massage nhẹ nhàng bằng tay theo cách nâng bầu ngực lên, nắn nhẹ từ ngoài vào trong. Đồng thời có thể kết hợp chườm nóng mỗi bên. Mỗi lần làm như vậy chỉ nên kéo dài 5 phút.
  • Nếu thấy đầu nhũ hoa ngắn, hay thụt vào trong và có thể sẽ khó khăn cho con bú sau này thì chị em cần hết sức lưu ý. Bên cạnh việc massage vùng ngực có thể day, ấn và kéo cho đầu núm vú dịch chuyển ra ngoài nhiều hơn.
  • Với phụ nữ mang thai, ở những tháng cuối gần sinh, không nên tác động mạnh vào vùng ngực, nhất là nhũ hoa. Vì nếu xoa nắn  không đúng cách có thể kích thích tử cung co bóp dễ dẫn đến chuyển dạ sinh sớm. Khi massage vùng ngực, nếu nhận thấy cảm giác căng tức ở bụng dưới từng cơn thì cần dừng lại ngay.

Những bí mật bất ngờ về nhũ hoa

Song song với việc tìm hiểu các cách chăm sóc nhũ hoa, bạn cũng nên tìm hiểu về những bí mật của nhũ hoa để hiểu rõ hơn về bộ phận nhạy cảm này.

cách chăm sóc nhũ hoa

1. Nhiều người có nhũ hoa thứ ba

Trên thế giới hiện nay có khoảng từ 1 – 5% dân số gặp phải triệu chứng này. Khác với nhũ hoa thông thường, những nhũ hoa thừa có thể nằm ở bất cứ đâu trên cơ thể theo một hàng dọc từ “nhũ hoa chính” xuống đến chân dưới dạng nốt ruồi hoặc phát triển thêm một bầu ngực nữa.

2. Hai bên nhũ hoa không hoàn toàn giống nhau

Khi thấy hai bên nhũ hoa có sự khác nhau về màu sắc, trạng thái, kích thước thì chị em cũng đừng nên quá lo lắng. Đây hoàn toàn là cấu tạo bình thường của cơ thể. Những đặc điểm bên ngoài của nhũ hoa đôi khi có thể thay đổi sau một khoảng thời gian do việc luyện tập thể thao, sinh con và cho con bú.

3. Mọc lông xung quanh nhũ hoa không hề nguy hiểm

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nhũ hoa mọc lông chủ yếu do tác dụng của hormone testosterone. Testosterone là hormone sinh dục nam được bài tiết chủ yếu ở tinh hoàn và một phần nhỏ ở tuyến thượng thận. Ở nữ cũng có testosterone nhưng nồng độ thấp, nếu thừa lượng hormone này trong buồng trứng thì sẽ xuất hiện lông mọc xung quanh núm vú. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường của cơ thể, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Các bạn gái không nên tự ý sử dụng các biện pháp lột tẩy, cạo vì có thể làm tổn thương núi đôi hoặc kích thích lông mọc nhiều hơn.

4. Nốt li ti quanh nhũ hoa không phải là mụn

Nhiều bạn gái lầm tưởng rằng nốt nhỏ li ti là mụn và khá lo lắng khi đột nhiên bản thân bị nổi mụn xung quang đầu nhũ hoa. Tuy nhiên, đây chính là tuyến quầng vú và xuất hiện ở bất kỳ cơ thể người phụ nữ nào. Không những vô hại mà những nốt nhỏ này còn giúp tiết ra một chất dịch giúp làm mềm, tạo độ ẩm cho nhũ hoa.

5. Kích thích nhũ hoa có thể gây sinh non

Các bác sĩ thường khuyên phụ nữ mang thai không nên kích thích núi đôi. Bởi điều này có thể khiến mẹ bầu chuyển dạ, dễ dẫn đến sinh con thiếu tháng. Lý giải vấn đề trên, chuyên gia nhận định khi nhũ hoa nhận được tín hiệu hưng phấn sẽ sản xuất hormone oxytocin, gây co thắt tử cung, ảnh hưởng đến thời gian sinh dự kiến của bạn.

Đôi gò bồng đảo có thể coi là một trong những bộ phận quan trọng, gợi cảm của chị em phụ nữ. Khi núi đôi cũng như nhũ hoa có những biểu hiện bất thường, chị em nên đặc biệt chú ý. Ngoài ra, nữ giới cần biết cách tự khám vú để cảm nhận được những thay đổi dù nhỏ, nên tự khám vú hàng tháng vào thời điểm từ 3 – 5 ngày sau hành kinh khi vú ít đau nhất.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nipple discharge

https://www.nhs.uk/conditions/nipple-discharge/ Ngày truy cập 22/9/2022

6 Little-Known Facts About Nipples

https://my3.my.umbc.edu/groups/archive/discussions/8342 Ngày truy cập 22/9/2022

Nipples: Everything You Wanted to Know but Were Afraid to Ask

https://flo.health/menstrual-cycle/teens/your-body/nipples-everything-you-want-to-know Ngày truy cập 22/9/2022

Nipple Problems
www.healthline.com/health/nipple-problems#Overview1
Ngày truy cập 28/10/2016.

Why Are My Nipples Sore? 9 Things Your Nips Might Be Trying To Tell You https://www.bustle.com/articles/120969-why-are-my-nipples-sore-9-things-your-nips-might-be-trying-to-tell-you.
Ngày truy cập 28/10/2016.

Phiên bản hiện tại

11/01/2025

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

7 cách làm hồng nhũ hoa tại nhà đơn giản mà hiệu quả

3 loại tinh dầu thích hợp để mát xa ngực


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 2 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo