backup og meta

"Điểm mặt" 8 nguyên nhân gây bệnh đau lưng chủ yếu ở phụ nữ

"Điểm mặt" 8 nguyên nhân gây bệnh đau lưng chủ yếu ở phụ nữ

Đau lưng là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra ở bất cứ ai và bất cứ độ tuổi nào. Tuy nhiên, một số bệnh gây đau lưng chỉ phổ biến và có mức độ nghiêm trọng ở phụ nữ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đau lưng, từ mức độ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, thực tế, một số tình trạng sức khỏe gây đau lưng chỉ phổ biến ở nữ giới do sự khác nhau về cấu trúc khung xương chậu và hormone giữa nam và nữ. Vậy những tình trạng đó là gì? Trong bài viết này, Hello Bacsi tổng hợp 8 nguyên nhân gây bệnh đau lưng ở phụ nữ để bạn có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn nhé!

1. Gãy xương vì đè ép

Bạn có từng thắc mắc nguyên nhân đau lưng ở phụ nữ là gì? Theo nhiều chuyên gia sức khỏe, gãy xương vì đè ép gây đau lưng ở phụ nữ là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Thực tế, phụ nữ có nguy cơ bị gãy xương vì đè ép cao gấp 2 lần so với nam giới vì họ thường dễ bị loãng xương hơn. Nếu bạn là phụ nữ trên 45 tuổi bị đau lưng đột ngột và dữ dội, đặc biệt nếu bạn có nguy cơ cao bị loãng xương, hãy nhanh chóng đến gặp bác sĩ.

Hiện tượng gãy xương vì đè ép xảy ra khi loãng xương khiến xương cột sống bị vỡ, cụ thể là phần trước của xương cột sống. Tuy nhiên, phần sau của cột sống không bị ảnh hưởng.

Tình trạng gãy xương vì đè ép thường ảnh hưởng đến thắt lưng, có thể gây ra các cơn đau nghiêm trọng và đột ngột. Mặc dù vậy, một số người sẽ không thể cảm nhận được các cơn đau. Song tình trạng này sẽ hạn chế khả năng vận động nên bạn cần đi khám ngay (nếu có các dấu hiệu nghi ngờ). 

2. Trượt đốt sống gây bệnh đau lưng ở phụ nữ

Nguyên nhân gây bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ là gì? Câu trả lời: Tình trạng trượt đốt sống có thể là thủ phạm gây ra bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ.

Trượt đốt sống là tình trạng một đốt sống thắt lưng trượt ra phía trước. Tình trạng này sẽ kích thích các rễ thần kinh cột sống gần đó, gây đau ở thắt lưng và chân. Các triệu chứng của trượt đốt sống gồm đau và yếu ở chân khi đứng hoặc đi. Thông thường, cơn đau có thể thuyên giảm khi bệnh nhân ngồi. Thực tế, cơn đau do trượt đốt sống nghiêm trọng đến mức người bệnh không thể hoạt động như bình thường.

Phụ nữ thường dễ bị đau lưng do trượt đốt sống vì sự khác biệt về hormone, cấu trúc khung xương chậu và mật độ xương thấp.

3. Hội chứng đau xơ cơ

Theo thống kê, 80-90% trường hợp mắc bệnh đau xơ cơ là nữ giới. Hiện, các chuyên gia sức khỏe vẫn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao nữ giới dễ mắc bệnh này hơn. Yếu tố hormone có thể góp phần gây ra hội chứng đau cơ xơ vì bệnh thường xảy ra trong khoảng thời gian tiền mãn kinh, khi mức estrogen giảm.

Nếu mắc hội chứng đau xơ cơ, người bệnh có thể bị đau ở phần lưng trên và dưới, cổ và hông. Các triệu chứng bệnh có thể biến mất sau một khoảng thời gian và lại xuất hiện, có thể tại một khu vực mới.

4. Hội chứng cơ hình lê (cơ tháp)

Nếu bạn vẫn thắc mắc về nguyên nhân gây bệnh đau lưng ở phụ nữ thì câu trả lời có thể là do hội chứng cơ hình lê. Hội chứng cơ hình lê xảy ra khi các cơ hình lê (cơ tháp) ở mông co thắt và đẩy hoặc đè lên dây thần kinh tọa. Điều này có thể gây đau, tê và ngứa từ phần thắt lưng đến ngón chân.

hội chứng cơ hình lê gây bệnh đau lưng ở phụ nữ

Hội chứng cơ hình lê phổ biến nhất ở phụ nữ từ 40-60 tuổi. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 6 lần so với nam giới. Các chuyên gia vẫn chưa rõ nguyên nhân chính xác khiến phụ nữ dễ bị hội chứng cơ hình lê, có thể là do sự khác biệt về cấu trúc khung xương chậu. Những thay đổi hormone, đặc biệt là những hormone tác động đến cơ xương chậu trong thai kỳ, cũng góp phần gây nên hội chứng cơ hình lê. Ngoài ra, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ khiến phụ nữ bị hội chứng cơ hình lê gồm:

  • Sự thay đổi khung xương chậu trong thai kỳ.
  • Lạm dụng cơ hoặc bị chấn thương.
  • Thường xuyên chạy hoặc thực hiện các động tác lặp đi lặp lại. 

5. Viêm xương khớp cột sống gây bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ

Khi nhắc đến viêm xương khớp, chúng ta thường nghĩ đến các cơn đau nhức ở đầu gối và hông. Tuy nhiên, viêm xương khớp cũng có thể xảy ra ở lưng. Thực tế, viêm xương khớp cột sống là nguyên nhân phổ biến gây bệnh đau lưng ở nữ giới. Viêm xương khớp ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng thường phổ biến ở nam giới dưới 45 tuổi và nữ giới trên 45 tuổi.

Viêm xương khớp cột sống có thể gây đau ở phần lưng trên và dưới, cổ, vai, háng, mông và đùi sau. Các triệu chứng của bệnh rất đa dạng, nhưng phổ biến nhất là cứng lưng, đau vào buổi sáng (sau khi ngủ dậy) và đau âm ỉ (thỉnh thoảng có những cơn đau nhói bất chợt). Thời kì đầu của bệnh, nhiều người thường nhầm lẫn viêm xương khớp cột sống với đau cơ vì các triệu chứng tương tự.

Cách chữa loại bệnh gây đau lưng ở phụ nữ này là các bài tập kéo duỗi, liệu pháp nước và vật lý trị liệu.

6. Rối loạn khớp cùng chậu

nguyên nhân gây đau lưng ở phụ nữ

Theo các chuyên gia sức khỏe về cơ xương khớp tình trạng rối loạn khớp cùng chậu có thể là nguyên nhân gây bệnh đau thắt lưng ở phụ nữ.

Khớp cùng chậu, còn gọi là khớp SI, đóng một vai trò quan trọng như một bộ phận hấp thụ sốc giữa phần trên cơ thể và xương chậu. Rối loạn khớp cùng chậu xảy ra khi khớp cùng chậu gặp vấn đề, gây đau vùng thắt lưng.

Viêm khớp cùng chậu (hay rối loạn khớp cùng chậu) thường xảy ra ở những phụ nữ trẻ và trung niên. Một yếu tố khiến phụ nữ dễ mắc rối loạn này hơn là do tác động của thai kỳ. Trong thời gian mang thai, cơ thể sẽ giải phóng một chất làm giãn dây chằng và khớp để người mẹ dễ sinh hơn. Điều này có thể thay đổi cách làm việc của khớp cùng chậu, gây đau thắt lưng ở phụ nữ.

Ngoài ra, áp lực và cân nặng của thai nhi cũng gây áp lực lên xương chậu, khiến người mẹ bị đau. Trong một số trường hợp, rối loạn khớp cùng chậu có thể do chấn thương dây chằng gây ra.

Thực tế, các bệnh đau lưng mạn tính ở nữ giới không chỉ phổ biến hơn, mà các triệu chứng của bệnh cũng nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng là bạn phải nhận biết bệnh sớm để có phương pháp giảm đau và tránh cho vấn đề nghiêm trọng thêm.

7. Thoát vị đĩa đệm gây bệnh đau lưng ở phụ nữ

Thoát vị đĩa đệm là một nguyên nhân phổ biến gây đau lưng, cụ thể là đau thắt lưng. Tình trạng này xảy ra khi lớp bao xơ bên ngoài đĩa đệm thoái hóa hoặc rách, khiến nhân đệm theo vết rách chảy ra khỏi vị trí ban đầu, gây chèn ép rễ thần kinh và ống tủy sống.

Dấu hiệu dễ nhận biết nhất của thoát vị đĩa đệm là cơn đau tại vùng thắt lưng, sau đó có thể lan xuống chân, làm hạn chế khả năng vận động của người bệnh. Các triệu chứng khác của bệnh bao gồm:

  • Teo cơ
  • Tê chân tay
  • Rối loạn cảm giác
  • Chóng mặt, đau đầu

Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm không cần phẫu thuật, mà chỉ cần dùng thuốc và tập luyện. Tuy nhiên, việc dùng thuốc trong thời gian dài thường gây ra nhiều tác dụng phụ cho cơ thể. Các chuyên gia thường khuyến cáo bạn nên tập vật lý trị liệu để điều trị hiệu quả.

8. Thoái hóa cột sống gây bệnh đau lưng ở phụ nữ

Thoái hóa cột sống là tình trạng lão hóa cột sống, khiến cột sống dần mất cấu trúc và chức năng bình thường.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất cứ ai nhưng thường gặp ở phụ nữ và người trên 50 tuổi. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này như lối sống, chế độ dinh dưỡng và vấn đề sức khỏe. Mặc dù bệnh không đe dọa tính mạng, nhưng nếu kéo dài lâu có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, chẳng hạn như nhức xương khớp, tê buốt cột sống, khó vận động, mất cảm giác chi, teo cơ, thậm chí là bại liệt suốt đời.

Triệu chứng đặc trưng của thoái hóa cột sống chính là cơn đau âm ỉ và kéo dài ở cột sống, cụ thể là ở cổ và lưng. Người bệnh có thể cảm nhận cơn đau tăng lên khi ngồi lâu hoặc thực hiện các tư thế cúi người, xoay người và nâng vật nặng. Thậm chí, nếu nghiêm trọng, cơn đau có thể lan xuống chân và tê liệt, khiến người người bệnh khó di chuyển.

Hy vọng bài viết này đã giúp bạn biết được các nguyên nhân gây bệnh đau lưng ở phụ nữ. Ứng với mỗi nguyên nhân, người bệnh sẽ có cách điều trị khác nhau. Vì vậy, nếu bị đau lưng kéo dài, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có cách chữa trị kịp thời, hiệu quả.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Lumbar Disk Disease (Herniated Disk) https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/lumbar-disc-disease-herniated-disc Ngày truy cập 15/09/2021

Fibromyalgia and Sleep https://www.sleepfoundation.org/physical-health/fibromyalgia-and-sleep Ngày truy cập 15/09/2021

Spondylolisthesis https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/10302-spondylolisthesis Ngày truy cập 15/09/2021

Compression Fracture https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/c/compression-fracture.html Ngày truy cập 15/09/2021

Fibromyalgia and menopause: any link? https://www.menopause.org.au/members/ims-menopause-live/fibromyalgia-and-menopause-any-link Ngày truy cập 15/09/2021

Sacroiliac Joint Dysfunction https://spineconnection.org/back-pain-conditions/sacroiliac-joint-dysfunction/ Ngày truy cập 15/09/2021

What is osteoarthritis of the spine? https://www.versusarthritis.org/about-arthritis/conditions/osteoarthritis-oa-of-the-spine/ Ngày truy cập 15/09/2021

Piriformis Syndrome https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions/p/piriformis-syndrome.html Ngày truy cập 15/09/2021

Phiên bản hiện tại

23/08/2022

Tác giả: Tố Quyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Bị đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì? 6 nguyên nhân thường gặp 

Bị đau ngực bên trái ở nữ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 23/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo