Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Siêu âm đầu dò có đau không, có nguy hiểm không? Quy trình siêu âm và những rủi ro

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 27/12/2021

    Siêu âm đầu dò có đau không, có nguy hiểm không? Quy trình siêu âm và những rủi ro
    Quảng cáo

    Siêu âm đầu dò là một phương pháp chẩn đoán bệnh phụ khoa. Thuật ngữ này còn tương đối xa lạ với các chị em phụ nữ trẻ. Vì vậy, khi được chỉ định thực hiện loại siêu âm này, phái nữ thường đặt ra câu hỏi “siêu âm đầu dò là gì?” và “siêu âm đầu dò có đau không?”.

    Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được siêu âm đầu dò có đau không, quy trình thực hiện như thế nào, cùng những rủi ro của phương pháp này.

    Siêu âm đầu dò là gì?

    Siêu âm đầu dò là kỹ thuật siêu âm vùng chậu được áp dụng để chẩn đoán các bệnh phụ khoa. Phương pháp này sử dụng sóng âm tần số cao để tạo ra hình ảnh của một phần bên trong cơ thể, từ đó giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

    Khi đầu dò được đưa vào trong âm đạo, micro được lắp đặt sẵn trong máy quét siêu âm sẽ phát ra sóng âm thanh. Sóng siêu âm sẽ truyền đến các cơ quan và cấu trúc bên trong vùng chậu. Lúc này, các sóng âm thanh sẽ dội lại từ những cơ quan đó và được micro thu nhận. Sau đó, bộ chuyển đổi sẽ xử lý các sóng âm, mã hóa thành hình ảnh của các cơ quan hoặc mô và chiếu trên màn hình.

    Siêu âm đầu dò cho phép hình dung nhanh các cơ quan và cấu trúc vùng chậu của phụ nữ bao gồm:

    • Tử cung
    • Cổ tử cung
    • Âm đạo
    • Ống dẫn trứng
    • Buồng trứng

    Mặc dù phương pháp này giúp các bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng sức khỏe cơ quan sinh sản của phụ nữ, nhiều chị em tỏ ra lo ngại đối với việc đưa vật thể lạ vào trong âm đạo. Và những câu hỏi như “siêu âm đầu dò có đau không?”, “siêu âm đầu dò có nguy hiểm không?” hay “siêu âm đầu dò có ảnh hưởng gì không?” thường được phái nữ đặc biệt quan tâm. Để có được câu trả lời mong đợi, mời bạn đọc tiếp những thông tin dưới đây.

    Quy trình thực hiện siêu âm đầu dò?

    siêu âm đầu dò

    Để biết được siêu âm đầu dò có đau hay không, phụ nữ cần hiểu rõ quy trình thực hiện của phương pháp này.

    Siêu âm đầu dò qua đường âm đạo được thực hiện bởi bác sĩ hoặc kỹ thuật viên siêu âm tại bệnh viện, phòng khám. Bệnh nhân ngoại trú và người đang nằm viện đều có thể được chỉ định siêu âm đầu dò. Các bước trong quy trình thực hiện siêu âm đầu dò bao gồm:

    Quá trình chuẩn bị:

    • Đầu tiên, người bệnh sẽ được yêu cầu cởi quần áo từ thắt lưng trở xuống và mặc váy của bệnh viện. Những vật dụng cản trở quá trình siêu âm (như đồ trang sức) cũng cần được tháo ra. Nếu đang sử dụng tampon, người được siêu âm cần phải lấy ra.
    • Sau đó, bệnh nhân nằm ngửa trên bàn siêu âm, đầu gối co lại và nâng chân lên (giống như khi khám phụ khoa hoặc xét nghiệm tế bào cổ tử cung). Nhiều bệnh viện và phòng khám hiện nay có sẵn giá đỡ để người bệnh gác chân lên. Bác sĩ cũng có thể kê gối nhỏ dưới hông của bệnh nhân để quá trình siêu âm diễn ra thuận tiện hơn.
    • Kế đến, bác sĩ siêu âm sẽ bọc đầu dò bằng bao cao su (để tránh gây nhiễm trùng âm đạo). Một lớp gel bôi trơn cũng được phủ bên ngoài đầu dò để đầu dò chuyển động trơn tru hơn, cũng như loại bỏ không khí giữa da và đầu dò để dẫn truyền âm thanh tốt nhất.

    Quá trình siêu âm đầu dò:

    • Khi bắt đầu siêu âm, bác sĩ sẽ tiến hành đưa đầu dò vào khoảng 5-8cm trong âm đạo của người bệnh một cách nhẹ nhàng và chậm rãi.
    • Đầu dò sẽ được di chuyển nhẹ nhàng bên trong âm đạo để tìm góc tốt nhất của các cơ quan vùng chậu cần được quan sát, di chuyển xung quanh để có cái nhìn rõ nhất về những gì đang được kiểm tra.
    • Sóng âm thanh sẽ truyền từ đầu dò qua da và được dội lại từ một số cơ quan và mô trong cơ thể, giúp đầu dò thu được các tín hiệu cần thiết. Những tín hiệu này, như đã đề cập ở trên, được mã hóa và truyền hình ảnh trực tiếp của các cơ quan vùng chậu lên màn hình.
    • Bác sĩ siêu âm sẽ quan sát hình ảnh và ghi lại/chụp lại những thông tin cần chú ý.
    • Cuối cùng, bác sĩ siêu âm sẽ lấy đầu dò ra khỏi âm đạo của người bệnh sau khi thu được kết quả cần thiết.

    Toàn bộ quá trình có thể kéo dài 15 – 30 phút.

    Dựa trên những hình ảnh quan sát được, bác sĩ sẽ xác định được tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và chẩn đoán các vấn đề sức khỏe (nếu có) dễ dàng hơn.

    Siêu âm đầu dò có đau không?

    Sau khi biết rõ quy trình siêu âm đầu dò thì câu trả lời cho vấn đề “siêu âm đầu dò có đau không?” là không.

    Mặc dù đầu dò lớn hơn ngón tay (hoặc tampon) một chút, nhưng lại nhỏ hơn mỏ vịt mà bác sĩ sử dụng để khám phụ khoa. Vì vậy, việc đưa đầu dò vào âm đạo cũng tương tự như dùng tampon trong chu kỳ kinh nguyệt – không gây ra cảm giác đau đớn cho phụ nữ. Tuy nhiên, những phụ nữ chưa từng sử dụng tampon có thể cảm thấy áp lực và không thoải mái, đôi khi hơi đau nhẹ, khi bác sĩ đưa đầu dò vào âm đạo. Ngoài ra, một số phụ nữ cũng có thể cảm thấy khó chịu khi bác sĩ siêu âm di chuyển đầu dò bên trong. Nhưng hãy yên tâm rằng tất cả những cảm giác này thường chỉ thoáng qua và sẽ biến mất ngay khi quá trình siêu âm hoàn tất.

    Ngoài ra, nếu có thể, phụ nữ được siêu âm nên quan sát hình ảnh chiếu trên màn hình siêu âm để hạn chế tập trung vào nỗi lo sợ khi siêu âm đầu dò.

    Siêu âm đầu dò có nguy hiểm không? Có bất kỳ rủi ro nào không?

    siêu âm đầu dò có đau không

    Sau khi có được lời giải đáp cho thắc mắc “siêu âm đầu dò có đau không?”, nhiều người thường quan tâm đến những rủi ro khi thực hiện phương pháp này. Vậy, siêu âm đầu dò có nguy hiểm không? Có bất kỳ rủi ro nào xảy ra trong quá trình siêu âm hay không?

    Đối với phụ nữ khỏe mạnh

    Siêu âm đầu dò là một phương pháp an toàn để kiểm tra vùng chậu của phụ nữ. Không giống như chụp X-quang truyền thống, siêu âm đầu dò không sử dụng bức xạ. Điều này minh chứng cho tính an toàn của phương pháp siêu âm qua âm đạo. Các kết quả thống kê chưa ghi nhận bất kỳ rủi ro nào xảy ra trong quá trình siêu âm. Sau khi siêu âm, bạn có thể hoạt động bình thường. Không những thế, phương pháp siêu âm đầu dò thường được thực hiện bởi các bác sĩ lành nghề, có chuyên môn cao nên hầu như không có rủi ro sức khỏe nào khi thực hiện.

    Đối với phụ nữ có các vấn đề về sức khỏe

    Mặc dù siêu âm đầu dò không nguy hiểm, nhưng một số ít phụ nữ có tình trạng sức khỏe khác thường, ví dụ như dị ứng với cao su, có thể đối mặt với một vài rủi ro khi siêu âm đầu dò. Cụ thể, phương pháp này cần phải bọc đầu dò bằng bao cao su (hoặc một vỏ bọc bằng nhựa hay cao su). Điều này có thể gây ra phản ứng cho những bệnh nhân bị dị ứng với mủ cao su. Trong trường hợp này, bác sĩ có thể sử dụng vỏ bọc không có mủ trên đầu dò. Từ ví dụ này, phụ nữ cần lưu ý rằng, nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào, cần trao đổi ngay với bác sĩ trước khi thực hiện siêu âm đầu dò.

    Đối với phụ nữ mang thai

    Siêu âm đầu dò hoàn toàn không gây nguy hiểm cho thai phụ và thai nhi, với điều kiện là nước ối không bị vỡ trước khi siêu âm. Khi siêu âm, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò quanh âm đạo, chứ không chạm vào cổ tử cung của phụ nữ mang thai. Chính vì thế, siêu âm đầu dò không gây ra bất kỳ tác động nào ảnh hưởng đến thai nhi, cũng như tử cung và cổ tử cung. Điều quan trọng là cần phải báo ngay cho bác sĩ nếu cảm thấy bất kỳ điều gì đặc biệt khó chịu trong quá trình siêu âm.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn trả lời được các câu hỏi như “siêu âm đầu dò có đau không?”, “siêu âm đầu dò có nguy hiểm không?” và “siêu âm đầu dò có ảnh hưởng gì không?”.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 27/12/2021

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo