backup og meta

Siêu âm đầu dò để chẩn đoán bệnh phụ khoa: Kỹ thuật này có rủi ro không?

Siêu âm đầu dò để chẩn đoán bệnh phụ khoa: Kỹ thuật này có rủi ro không?

Siêu âm đầu dò là một phương pháp xét nghiệm tối ưu trong việc chẩn đoán các bệnh phụ khoa hoặc bất thường của thai nhi khi bạn khám thai. Kỹ thuật này có thể giúp bác sĩ kiểm tra chính xác toàn bộ cơ quan sinh dục nữ từ sâu bên trong để đánh giá sức khỏe sinh sản.

Siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo sở hữu những ưu điểm và nhược điểm gì? Phương pháp xét nghiệm hình ảnh này có gây rủi ro hoặc tác dụng phụ? Bạn có thể tìm hiểu những thông tin quan trọng ấy qua những chia sẻ của bác sĩ Tạ Trung Kiên trong bài viết sau của Hello Bacsi.

Siêu âm đầu dò là gì? Kỹ thuật này có an toàn không?

Siêu âm đầu dò là phương pháp siêu âm vùng chậu được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa. Khi thực hiện phương pháp xét nghiệm này, bác sĩ sẽ chèn đưa một thiết bị đầu dò cỡ 2 – 3 inch vào bên trong âm đạo. Đầu dò truyền sóng âm tần cao khi tiếp xúc với ngả âm đạo, đồng thời đầu dò trong âm đạo sát với cấu trúc tử cung, buồng trứng sẽ cho hiển thị hình ảnh chuyên sâu và có độ chính xác cao. Qua đó giúp bác sĩ kiểm tra được các bộ phận bên trong cơ quan sinh dục nữ như âm đạo, cổ tử cung, tử cung, buồng trứng và ống dẫn trứng.

Vì khi siêu âm, đầu dò sẽ được chèn vào bên trong âm đạo nên nhiều chị em lo lắng và thắc mắc kỹ thuật siêu âm này có an toàn không? Câu trả lời là bạn hoàn toàn có thể yên tâm khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định làm siêu âm đầu dò.

Không giống như phương pháp chụp X-quang, siêu âm đầu dò không sử dụng bức xạ nên không gây tác dụng phụ và rất an toàn, kể cả đối với phụ nữ mang thai. Tuy nhiên, nếu bạn bị dị ứng với mủ cao su thì nên thông báo cho bác sĩ để họ sử dụng vỏ bọc đầu dò không có có chất liệu là mủ cao su khi tiến hành xét nghiệm.

Vai trò của kỹ thuật siêu âm dùng thiết bị dò âm đạo

siêu âm đầu dò

Phương pháp siêu âm ổ bụng không thể giúp bác sĩ quan sát chi tiết cơ quan vùng chậu. Vì vậy, nếu nghi ngờ bạn mắc bệnh phụ khoa nào đó, bác sĩ thường chỉ định bệnh nhân làm siêu âm đầu dò để kiểm tra chính xác toàn bộ cơ quan sinh dục nữ.

Bên cạnh mục đích đánh giá sức khỏe sinh sản như quan sát sự hình thành của trứng, kiểm tra tình trạng rụng trứng, đo độ dày niêm mạc tử cung… thì siêu âm đầu dò còn là phương pháp dùng để chẩn đoán một số bệnh phụ khoa như:

  • Viêm vùng chậu: Căn bệnh này có thể gây vô sinh hoặc tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung. Do đó, nếu có những dấu hiệu như đau bụng dưới, tiết dịch âm đạo bất thường, sốt, đau khi quan hệ… thì bạn nên sớm làm xét nghiệm đầu dò âm đạo để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời.
  • U nang buồng trứng: Căn bệnh này tuy phổ biến nhưng không có triệu chứng dễ nhận biết. Do đó, chị em cần đi khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện bệnh.
  • U xơ tử cung: Những khối u nhỏ hình thành và phát triển bên trong tử cung. Siêu âm đầu dò giúp bác sĩ quan sát được kích thước và tình trạng của khối u thông qua hình ảnh chi tiết.
  • Ung thư tử cung: Siêu âm đầu dò có thể phát hiện những bất thường bên trong tử cung. Do đó, bạn nên khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện các dấu hiệu của bệnh ung thư tử cung nhằm giúp ích cho việc điều trị.
  • Viêm tắc ống vòi trứng: Đối với tình trạng này, siêu âm đầu dò giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác vị trí bị tắc để đưa ra phương pháp điều trị.

Song song với vai trò chẩn đoán các bệnh lý phụ khoa, siêu âm đầu dò còn là xét nghiệm cần thiết đối với mẹ bầu và giúp bác sĩ:

  • Phát hiện sớm nếu bạn mang thai ngoài tử cung.
  • Kiểm tra sớm nhịp tim của em bé ở tuần thứ 6 – 8 để phát hiện sự bất thường của bào thai.
  • Phát hiện bất thường của nhau thai.
  • Đo chiều dài cổ tử cung để chẩn đoán nguy cơ sinh non và có hướng xử lý kịp thời.
  • Tìm hiểu nguyên nhân khiến mẹ bầu chảy máu bất thường trong thai kỳ.

Ưu điểm và nhược điểm của phương pháp siêu âm đầu dò

siêu âm đầu dò

Ưu điểm nổi bật của phương pháp siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo là giúp bác sĩ quan sát rõ và chi tiết những bộ phận ở vùng chậu mà siêu âm ổ bụng không đáp ứng được. Qua đó, bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác các bệnh lý phụ khoa hoặc phát hiện kịp thời những bất thường của thai nhi nếu bạn mang thai. Tuy nhiên, phương pháp siêu âm này cũng có những hạn chế như:

  • Không được khuyến khích áp dụng với phụ nữ chưa quan hệ tình dục
  • Việc chèn đầu dò vào âm đạo tuy không gây đau đớn nhưng bạn sẽ cảm thấy áp lực và có thể không thoải mái.
  • Siêu âm đầu dò không quan sát được các tầng cao hơn trong ổ bụng nên không phải bệnh lý nào của phụ nữ cũng được chẩn đoán dựa trên phương pháp này.

Khi nào bạn nên đi siêu âm đầu dò âm đạo?

Siêu âm đầu dò qua ngả âm đạo là phương pháp xét nghiệm dành riêng cho phụ nữ vì giúp kiểm tra toàn diện và chính xác về cơ quan sinh dục nữ. Do đó, nếu bạn có một số triệu chứng sau thì sẽ cần đến xét nghiệm đầu dò âm đạo để kiểm tra sức khỏe sinh sản:

  • Bị đau vùng chậu hoặc đau bụng dưới kéo dài
  • Rối loạn kinh nguyệt
  • Chảy máu âm đạo bất thường, kể cả khi bạn đang mang thai
  • Cảm thấy đau khi quan hệ tình dục
  • Khí hư có mùi hôi và màu sắc bất thường
  • Vùng kín bị ngứa và khô.

Đối với quá trình siêu âm đầu dò, mặc dù bạn không cần chuẩn bị quá phức tạp nhưng vẫn cần ghi nhớ một số lưu ý trước khi siêu âm:

  • Tùy vào mục đích siêu âm mà bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm trống bàng quang bằng cách đi tiểu sạch hoặc lấp đầy bàng quang bằng cách uống nước trước khi xét nghiệm.
  • Mặc quần áo thoải mái, giữ cơ thể thả lỏng và không gồng cứng mình để tránh gây cản trở thao tác chèn đầu dò của bác sĩ.

Mặc dù siêu âm đầu dò âm đạo là phương pháp an toàn nhưng khi thực hiện xét nghiệm bạn vẫn phải chọn những bệnh viện hoặc phòng khám uy tín để tiến hành. Đặc biệt là trong trường hợp bạn có quan hệ tình dục không an toàn thì nên đi khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh lý của phụ nữ.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Transvaginal ultrasound https://medlineplus.gov/ency/article/003779.htm Truy cập ngày 10/09/2021

Transvaginal ultrasound https://www.pregnancybirthbaby.org.au/vaginal-ultrasound Truy cập ngày 10/09/2021

Pelvic Ultrasound https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/pelvic-ultrasound Truy cập ngày 10/09/2021

What to know about transvaginal ultrasounds https://www.medicalnewstoday.com/articles/323041 Truy cập ngày 10/09/2021

Siêu âm đầu dò http://tudu.com.vn/vn/suc-khoe-phu-nu/sieu-am-dau-do/ Truy cập ngày 10/09/2021

NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ SIÊU M ĐẦU DÒ https://benhvienthienduc.vn/nhung-dieu-can-biet-ve-sieu-am-dau-do.html Truy cập ngày 10/09/2021

Phiên bản hiện tại

16/09/2021

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Từ A đến Z: Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai, thụ thai, bảo vệ sức khỏe

Siêu âm 4D là gì? Mách bạn các mốc siêu âm thai 4D quan trọng


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 16/09/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo