backup og meta

"Điểm mặt" 5 dấu hiệu tiền mãn kinh sớm mà bạn không nên bỏ qua

"Điểm mặt" 5 dấu hiệu tiền mãn kinh sớm mà bạn không nên bỏ qua

Bạn mới ngoài 30 nhưng trong mỗi chu kỳ thì lượng máu kinh thất thường. Thỉnh thoảng, bạn bị bốc hỏa, bầu vú thường căng tức…? Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu tiền mãn kinh sớm mà bạn không nên bỏ qua. 

Khi chúng ta già đi, nồng độ hormone trong cơ thể sẽ bắt đầu thay đổi. Ở nam giới, sự chuyển đổi có thể không quá rõ ràng, nhưng ở phái nữ, các biểu hiện trong giai đoạn này lại khá cụ thể như bốc hỏa, thay đổi tâm trạng hay nhiều triệu chứng khác. Khoảng thời gian này được gọi là tiền mãn kinh. 

Mặc dù, mỗi người sẽ có những trải nghiệm thời kỳ này khác nhau, nhưng độ tuổi và các triệu chứng vẫn có thể tương tự nhau. Trong bài viết bên dưới, hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu 5 dấu hiệu tiền mãn kinh sớm mà bạn không nên bỏ qua.

Giai đoạn tiền mãn kinh diễn ra khi nào?

Đa số các chị em phụ nữ thường bước vào giai đoạn tiền mãn kinh khi ở độ tuổi từ 45 đến 50 tuổi. Thế nhưng thực tế, vẫn có người bắt đầu có các dấu hiệu tiền mãn kinh sớm ở tuổi 30 hoặc có người đến tận 55 tuổi mới có dấu hiệu. Thời gian diễn ra giai đoạn tiền mãn kinh cũng sẽ khác nhau, một số người chỉ 1 hoặc 2 năm, nhưng cũng có người kéo dài đến 7 hoặc 8 năm. 

Khi tiền mãn kinh, buồng trứng sẽ giảm sản xuất hormone estrogen và progesterone, khiến kinh nguyệt trở nên thất thường hơn và cơ thể bắt đầu giảm khả năng mang thai. Cuối cùng, khi đã ngừng phóng thích trứng hoàn toàn và kinh nguyệt không xuất hiện trong 12 tháng liên tục, điều đó có nghĩa là giai đoạn tiền mãn kinh đã chấm dứt, bạn thực sự bước vào giai đoạn mãn kinh và cơ thể không còn khả năng thụ thai. 

Đây là một sự tiếp nối tự nhiên và bình thường trong chu kỳ sinh sản của phụ nữ do quá trình lão hóa gây nên. Tuy nhiên, một số trường hợp sau có thể khiến các triệu chứng tiền mãn kinh đến sớm hơn như:

  • Tác dụng phụ của một số loại thuốc 
  • Phương pháp điều trị ung thư như hóa trị hoặc xạ trị vùng chậu
  • Phẫu thuật cắt bỏ 2 buồng trứng
  • Hút thuốc
  • Di truyền

“Điểm mặt’ 5 dấu hiệu tiền mãn kinh sớm thường bị bỏ quên

1. Lượng máu kinh khác thường 

dấu hiệu tiền mãn kinh sớm

Kinh nguyệt không đều là dấu hiệu đầu tiên giúp nhận biết, nhưng hay bị nhầm lẫn với mang thai hay vấn đề sức khỏe khác. Nguyên do là bởi nhiều người vẫn nghĩ tiền mãn kinh chỉ diễn ra khi phụ nữ bước vào độ tuổi U50 hoặc U60. Sự thay đổi nồng độ progesterone và estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể khiến chu kỳ kinh có sự chuyển đổi như sau: 

  • Thời gian giữa các kỳ kinh có thể ngắn hơn hoặc dài hơn. Ví dụ như chu kỳ trung bình là 28 ngày nhưng khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh của bạn có thể kéo dài hơn 35 ngày hoặc ngắn hơn 21 ngày. 
  • Số ngày hành kinh có thể kéo dài hơn hoặc ngắn hơn so với bình thường. Ví dụ như thời gian hành kinh bình thường là 3 ngày, nhưng khi vào giai đoạn này, số ngày hành kinh chỉ còn 2 ngày hoặc bị rong kinh đến 7 ngày. 
  • Một số người có thể bị mất kinh liên tiếp vài tháng.

Lưu ý, nếu hiện tượng hành kinh xảy ra bất thường sau sau khi bạn đã chuyển qua thời kỳ mãn kinh thì đó có thể là dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng, cần được khám và  tư vấn chuyên môn từ bác sĩ. 

2. Bầu vú bị căng cứng

Căng tức bầu vú là do sự đổi hormone dẫn tới tích tụ dịch ở vú khiến “đôi gò bồng đảo” trở nên căng tròn hơn và gây đau. Sự thay đổi hormone này diễn ra mạnh mẽ hơn trong giai đoạn tiền mãn kinh nên đây cũng là một triệu chứng báo hiệu tiền mãn kinh sớm mà bạn không nên bỏ qua. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng thường xuất hiện trong thời kỳ đầu mang thai. Do đó, khi bị căng tức vú, hãy đến bác sĩ để nhận được chẩn đoán chính xác nhất. 

3. Bốc hỏa và đổ mồ hôi vào ban đêm

Đây là hai dấu hiệu phổ biến nhất của tiền mãn kinh. Các cơn bốc hỏa thường đến đột ngột và kéo dài trong khoảng từ 1 đến 5 phút, kèm theo đó là đổ mồ hôi, đỏ da và tim đập nhanh. Nếu chúng xảy ra vào ban đêm có thể gây cản trở giấc ngủ và khiến phụ nữ trở nên cáu kỉnh hơn vào hôm sau. 

Trong hầu hết các trường hợp, các dấu hiệu này xảy ra trong khoảng từ 3 đến 5 năm, nhưng cũng có trường hợp kéo dài vài năm sau mãn kinh. Ngoài ra, đối với những ai đã phẫu thuật cắt bỏ cả hai buồng trứng và không điều trị hormone, cường độ bốc hỏa sẽ nghiêm trọng hơn khi bước vào thời kỳ mãn kinh tự nhiên.

Tìm hiểu thêm Cắt 1 bên buồng trứng có con được không? Làm sao thụ thai thành công?

4. Đau khi quan hệ tình dục

Trong thời kỳ tiền mãn kinh, sự sụt giảm estrogen có thể dẫn đến teo âm đạo (âm đạo bị khô và các mô trở nên mỏng hơn), gây ra cảm giác căng tức hoặc đau rát ở âm đạo khi quan hệ tình dục. Khi đó, việc sử dụng chất bôi trơn và dưỡng ẩm âm đạo không kê đơn có thể giúp phụ nữ khắc phục được tình trạng này khi thực hiện “chuyện yêu”. Lưu ý, khi lượng hormone bắt đầu giảm, một số người còn có nguy cơ bị suy giảm ham muốn tình dục

5. Thay đổi tâm trạng

Dấu hiệu này xuất hiện là hệ quả của sự kết hợp giữa mất ngủ, ngủ không ngon giấc và thay đổi nội tiết tố. Một số người cảm thấy tâm lý bất ổn, trở nên căng thẳng hơn khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh, một số khác còn có nguy cơ phát triển thành trầm cảm. Nhưng may mắn là chứng trầm cảm tiền mãn kinh thường biến mất trong vòng vài năm sau khi mãn kinh.

Tìm hiểu thêm Nguy cơ trầm cảm ở phụ nữ mãn kinh

Các câu hỏi thường gặp về tiền mãn kinh

dấu hiệu tiền mãn kinh sớm

Sau đây là một số lời giải đáp về các câu hỏi thường gặp trong thời kỳ tiền mãn kinh để các chị em phụ nữ có thể hiểu rõ hơn và có sự chuẩn bị tốt hơn trước khi bước vào giai đoạn này: 

Chẩn đoán tiền mãn kinh ra sao?

Tiền mãn kinh là một quá trình chuyển đổi từ từ nên không một xét nghiệm nào đủ để xác định bạn đã bước vào thời kỳ tiền mãn kinh hay chưa. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ dựa trên một số yếu tố để xem xét đây là dấu hiệu của tiền mãn kinh hay là triệu chứng của một bệnh lý nào đó, bao gồm: 

  • Tuổi tác
  • Tiền sử kinh nguyệt 
  • Những triệu chứng hoặc thay đổi cơ thể đang gặp phải
  • Các xét nghiệm để kiểm tra nồng độ hormone 

Kiểm tra nồng độ FSH có xác định được tiền mãn kinh không?

FSH (hormone kích thích nang trứng) là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến yên, đóng vai trò kích thích kích thích nang noãn phát triển. Việc kiểm tra nồng độ FSH có thể giúp xác nhận thời kỳ mãn kinh đã bắt đầu diễn ra hay chưa. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy nồng độ này cao liên tục, trong ít nhất 3 lần liên tiếp trong vòng 4 tuần lễ, có thể cho thấy bạn đã bước vào thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, các xét nghiệm FSH có thể không thực sự chính xác vì một số lý do sau: 

  • Trong thời kỳ tiền mãn kinh, nội tiết tố lên xuống thất thường, nên rất khó để xác định nồng độ này cao hay thấp trong thời gian dài.
  • Việc dùng một số loại thuốc như thuốc tránh thai hoặc liệu pháp hormone, có thể can thiệp vào nồng độ hormone và ảnh hưởng đến kết quả.
  • Tuyến giáp hoạt động quá mức và prolactin cao cũng có thể làm thay đổi kết quả.

Tiền mãn kinh có thể kiểm soát không?

Việc phải trải qua các triệu chứng tiền mãn kinh là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng may mắn là có nhiều cách giúp kiểm soát các triệu chứng để chúng không ảnh hưởng quá nhiều đến cuộc sống hằng ngày. Hãy cùng Hello Bacsi tham khảo các mẹo dưới đây: 

  • Chế độ ăn uống nên bổ sung đầy đủ trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và chất béo lành mạnh. Đây cũng là cách giúp quản lý cân nặng ở mức vừa phải, có thể giúp giảm các cơn bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và cải thiện mức năng lượng hằng ngày.
  • Tập luyện các bài tập chịu sức nặng như đi bộ, đi bộ đường dài hoặc rèn luyện sức bền.
  • Cải thiện chất lượng giấc ngủ bằng cách tránh sử dụng thiết bị điện tử và thực hiện các hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ.
  • Hạn chế thức uống có cồn và caffeine
  • Tập thiền hoặc các bài tập quản lý căng thẳng khác.
  • Bỏ thuốc lá.

Trên đây là tất tần tật các thông tin về dấu hiệu tiền mãn kinh sớm, hy vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Perimenopause

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/perimenopause/diagnosis-treatment/drc-20354671 Ngày truy cập 24/5/2022

Perimenopause

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/21608-perimenopause Ngày truy cập 24/5/2022

Symptoms of Menopause from Ages 40 to 65

https://www.healthline.com/health/menopause/symptoms-of-menopause Ngày truy cập 24/5/2022

Menopause 101: A primer for the perimenopausal

https://www.menopause.org/for-women/menopauseflashes/menopause-symptoms-and-treatments/menopause-101-a-primer-for-the-perimenopausal  Ngày truy cập 24/5/2022

First Signs Of Perimenopause

https://www.franciscanhealth.org/community/blog/first-signs-of-perimenopause Ngày truy cập 24/5/2022

Phiên bản hiện tại

05/06/2022

Tác giả: Nhi Bui

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Vùng kín nổi mụn ngứa nguyên nhân do đâu và cách điều trị?

Bị đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì? 6 nguyên nhân thường gặp 


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 05/06/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo