Máu kinh nguyệt của mỗi người không giống nhau và khác nhau ở từng giai đoạn. Sự thay đổi trong bất kỳ yếu tố nào của máu kinh nguyệt đều biểu hiện cho tình trạng sức khỏe của bạn.
Tuy nhiên, làm sao biết được máu kinh nguyệt của mình bình thường hay không (cả về lưu lượng và tính chất). Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn tìm hiểu lưu lượng máu kinh nguyệt sẽ thay đổi thế nào theo từng độ tuổi.
Máu kinh nguyệt của độ tuổi dậy thì và thanh thiếu niên
Độ tuổi bắt đầu hành kinh của mỗi bé gái phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như tính di truyền, chỉ số khối cơ thể (BMI), thực phẩm ăn uống thường ngày, môi trường và lối sống. Tuy nhiên, theo thống kê, độ tuổi trung bình để bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt của bé gái Việt Nam là 12 tuổi. Trong giai đoạn này, lượng máu hành kinh thường không ổn định.
Hơn nữa, chu kỳ kinh nguyệt của mỗi bé gái lúc này cũng không đều đặn mỗi tháng. Trong mỗi kỳ kinh nguyệt, bé gái ở tuổi dậy thì và thanh thiếu niên có thể hành kinh từ 7-10 ngày. Con số này có thể chênh lệch theo kiểu dài hơn hoặc ngắn hơn. Tuy nhiên, nếu lượng máu kinh nguyệt ra quá nhiều và không có dấu hiệu thuyên giảm trong suốt thời gian hành kinh, bé gái cần đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe.
Về mặt tâm lý, trong giai đoạn này, trẻ có thể cảm thấy lo lắng, hoang mang vì những điều bất thường đang xảy ra trên cơ thể mình. Nếu bạn nhận thấy những điều đó là bình thường, hãy giúp bé hiểu kinh nguyệt là thứ mà bất kỳ cơ thể của người khỏe mạnh nào cũng sẽ có. Vì thế, con không cần phải xấu hổ hay lo lắng gì cả.
Lượng máu hành kinh trong những năm 20 tuổi (từ 20-29 tuổi)
Đối với hầu hết mọi phụ nữ, những năm 20 tuổi là giai đoạn đẹp nhất của cuộc đời. Về mặt sinh lý, chu kỳ kinh nguyệt cũng bắt đầu đi vào quỹ đạo và hoạt động ổn định hơn vào mỗi tháng.
Trong giai đoạn này, khả năng có thai của bạn cũng sẽ cao hơn nếu bạn quan hệ tình dục trong thời gian gần với ngày hành kinh. Thông thường, lượng máu kinh nguyệt của bạn trong những năm 20 tuổi cũng không còn nhiều như khi bạn còn ở tuổi dậy thì.
Tuy nhiên, trong những ngày hành kinh đầu tiên, lượng máu kinh có thể khiến bạn phải thay băng vệ sinh liên tục. Sau đó, lưu lượng máu giảm dần trong những ngày cuối chu kỳ. Trong giai đoạn này, số ngày hành kinh của bạn cũng sẽ giảm, nằm trong khoảng 5-7 ngày.
Máu kinh nguyệt những năm 30 tuổi
Trong đa số các trường hợp, kinh nguyệt ở những năm 30 tuổi sẽ có một vài sự thay đổi so với những năm 20 tuổi.
Tuy nhiên, nếu bạn sinh con và cho con bú trong giai đoạn này, có thể bạn sẽ mất kinh trong một vài tháng hoặc có chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn.
Khi hành kinh trở lại sau giai đoạn sinh con và cho con bú, lượng máu kinh nguyệt có thể cũng không còn dồi dào như trước.
Với một số người, độ tuổi từ 35 đến gần 40 tuổi là khởi đầu cho một hành trình hoàn toàn mới: tiền mãn kinh. Lúc này, cơ thể bắt đầu ít sản xuất estrogen và progesterone. Mặc dù hầu hết mọi người đều bắt đầu thời kỳ tiền mãn kinh từ những năm 40 tuổi nhưng cơ thể đã có sự chuẩn bị cho giai đoạn này từ những năm 30 tuổi.
Điều đó có nghĩa là hormone nội tiết tố nữ sẽ có những sự thay đổi nhất định. Trong khi đó, hormone nội tiết là yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến chu kỳ và lượng máu kinh nguyệt của mỗi người.
Kinh nguyệt những năm 40 tuổi
Lúc này, bạn đã bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Máu kinh nguyệt trong thời kỳ này có thể xuất hiện bất ngờ dù trước đó bạn không cảm nhận thấy dấu hiệu gì.
Mặc dù vậy, số ngày hành kinh sẽ giảm đáng kể. Có thể bạn chỉ mất 3 ngày hành kinh khi đến chu kỳ kinh nguyệt. Lượng máu kinh nguyệt trong những ngày này cũng ít hơn hẳn. Thậm chí, bạn sẽ không thể cảm thấy mình đang chảy máu ở âm đạo dù vẫn đang trong ngày hành kinh.
Mặc dù 40 tuổi là mốc thời gian phổ biến ở những phụ nữ chính thức bắt đầu giai đoạn tiền mãn kinh nhưng nó có thể khác nhau ở một số người. Dấu hiệu tiền mãn kinh dễ nhận biết nhất là:
- Người nóng bừng
- Thường xuyên ớn lạnh và đổ mồ hôi đêm
- Khô âm đạo bất thường
- Tâm trạng và cảm xúc thay đổi thất thường
- Tăng cân
- Rụng tóc, khô da
- Teo vú
- Khó ngủ
- Kinh nguyệt không đều, lúc có lúc không.
Nếu đang ở trong độ tuổi tiền mãn kinh, bạn không nhất thiết phải đến bệnh viện nếu gặp phải những triệu chứng này. Tuy nhiên, nếu chúng khiến bạn khó chịu cực độ, làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống, bạn hãy nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ. Lúc này, có thể bác sĩ sẽ kê những loại thuốc giúp bạn giảm nhẹ triệu chứng.
Máu kinh nguyệt khi bạn 50 tuổi
Hầu hết phụ nữ đều hết hành kinh khi bước sang tuổi 50. Đó còn gọi là giai đoạn mãn kinh. Mãn kinh có nghĩa là bạn sẽ không bị chảy máu kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục.
Tuy nhiên, bạn có thể mãn kinh sớm hoặc muộn hơn độ tuổi trung bình. Ngoài biểu hiện mất máu kinh nguyệt, phụ nữ mãn kinh thường phải trải qua rất nhiều thay đổi về mặt tâm lý.
Những biểu hiện mãn kinh hay gặp nhất là thường xuyên cáu gắt, tâm lý và cảm xúc thay đổi rất nhanh. Về mặt thể chất, phụ nữ mãn kinh rất thường bị nhức mỏi cơ thể, mất ngủ, ăn không ngon miệng.
Bạn có thể trải qua những điều khó chịu này trong khoảng một vài tháng liên tục. Sau đó, khi cơ thể đã thích nghi, các triệu chứng sẽ dần biến mất.
Máu kinh nguyệt là một trong những căn cứ quan trọng để phụ nữ có cái nhìn sơ bộ về tình trạng sức khỏe của mình. Những thay đổi bất thường về lưu lượng, màu sắc hoặc tính chất trong máu kinh nguyệt trong từng giai đoạn có thể là biểu hiện của một bệnh lý nào đó. Bạn cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán tình hình sức khỏe.
[embed-health-tool-ovulation]