backup og meta

Nang cơ năng buồng trứng có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Nang cơ năng buồng trứng có nguy hiểm không? Điều trị thế nào?

Nang cơ năng buồng trứng hay còn gọi là u cơ năng. Bệnh này có nguy hiểm không? Cơ chế hình thành và phương pháp điều trị u nang cơ năng là gì? 

Nang cơ năng buồng trứng là gì?

Nang cơ năng buồng trứng là một loại u nang sinh lý lành tính, hình thành trên bề mặt buồng trứng của phụ nữ trong hoặc sau khi rụng trứng để giữ trứng trưởng thành. Thông thường, nang cơ năng buồng trứng sẽ biến mất sau khi trứng rụng. Tuy nhiên, nếu trứng không rụng hoặc túi đóng lại sau khi trứng được giải phóng thì túi có thể phồng lên và chứa chất lỏng bên trong.

Hầu hết, các u nang buồng trứng có biểu hiện ít hoặc không gây khó chịu và vô hại. Phần lớn biến mất mà không cần điều trị trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, u nang buồng trứng, nhất là những u đã vỡ, có thể gây các triệu chứng nghiêm trọng như đau bụng dữ dội, chảy máu âm đạo, buồn nôn… 

Cơ chế hình thành nang cơ năng buồng trứng

Nang cơ năng buồng trứng có liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Chúng xảy ra nếu bạn chưa đến thời kỳ mãn kinh và rất phổ biến ở phụ nữ. Mỗi tháng, buồng trứng giải phóng một quả trứng, trứng này sẽ đi xuống ống dẫn trứng, nơi có thể được thụ tinh. Mỗi trứng hình thành một cấu trúc được gọi là nang trứng. Nang có chứa chất lỏng bảo vệ trứng khi nó phát triển và sẽ vỡ ra khi trứng rụng.

Tuy nhiên, đôi khi nang trứng không giải phóng được trứng hoặc không tiết dịch và co lại sau khi trứng rụng, khiến nang sưng lên và trở thành u nang cơ năng. Nang cơ năng không phải ung thư (lành tính) và thường vô hại, mặc dù đôi khi chúng có thể gây ra các triệu chứng như đau vùng chậu. Hầu hết, nang sẽ biến mất trong vài tháng mà không cần bất kỳ điều trị nào.

Nang cơ năng buồng trứng phải và trái

nang cơ năng buồng trứng phải

90% nang xuất hiện trong buồng trứng là nang cơ năng. Có thể sẽ xuất hiện nang cơ năng buồng trứng phải hoặc trái, hiếm khi có mặt đồng thời ở cả 2 bên buồng trứng. U nang cơ năng thường xảy ra với những phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, khi đã mãn kinh sẽ hiếm có loại u nang này.

Nếu buồng trứng trái có nang hoặc xuất hiện nang ở buồng trứng phải thì bạn đừng quá lo lắng vì chúng có thể tự biến mất sau 2 – 3 tháng mà không cần điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ có thể sẽ kê ít thuốc cầm máu để ngăn tình trạng xuất huyết nặng. Bạn cần theo dõi thêm và tái khám định kỳ.

Nguyên nhân nang cơ năng buồng trứng

Hầu hết các nang cơ năng buồng trứng phát triển do kết quả của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, nguyên nhân gây nang cơ năng buồng trứng còn đến từ sự phát triển của các nang trong quá trình điều trị vô sinh bằng clomiphene (như Clomid hoặc Serophene). Những nang này sẽ biến mất sau khi kết thúc điều trị, mặc dù có thể mất vài tháng. Ngoài ra, một số nang cơ năng buồng trứng có thể liên quan đến lạc nội mạc tử cung.

Triệu chứng của nang cơ năng buồng trứng

triệu chứng nang cơ năng buồng trứng

Hầu hết các u nang không gây ra triệu chứng và tự biến mất. Tuy nhiên, một khối nang buồng trứng lớn có thể gây ra:

  •   Đau vùng chậu, đau âm ỉ hoặc đau nhói ở vùng bụng dưới ở bên có u nang
  •   Cảm giác đầy hoặc nặng ở vùng bụng

Nếu nang cơ năng buồng trứng lớn thì mới có các triệu chứng như:

Các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện nếu nang bị xoắn, chảy máu hoặc vỡ như: đột ngột đau bụng dữ dội hoặc đau vùng chậu, buồn nôn và ói mửa, chóng mặt, chảy máu âm đạo. Trong trường hợp này, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời.

Điều trị nang cơ năng buồng trứng

điều trị nang cơ năng buồng trứng

Thông thường, các nang cơ năng đều vô hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe. Tuy nhiên, với những u nang không thuyên giảm kích thước, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp điều trị để cải thiện các triệu chứng, giảm áp lực của khối u lên vùng chậu và ngăn ngừa hình thành các khối u nang mới.

Sử dụng thuốc

Bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi từ 1 – 2 tháng trước khi cho bạn sử dụng thuốc. Đối với những trường hợp nang không thuyên giảm kích thước và phát sinh các triệu chứng khó chịu, bạn có thể được chỉ định một số loại thuốc giảm đau để cải thiện cơn đau do khối u chèn ép lên những vùng xung quanh. Ngoài ra, bác sĩ có thể sẽ kê thêm thuốc tránh thai để ngăn chặn quá trình rụng trứng, giảm nguy cơ phát triển các u nang mới và gia tăng kích thước.

Phẫu thuật

Với những trường hợp nang cơ năng gây đau nhưng sử dụng thuốc không hiệu quả, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ u nang thông qua kỹ thuật nội soi. Đây là trường hợp hiếm gặp, chỉ dưới 5% nang cơ năng mới phải tiến hành phẫu thuật. Ngoài ra, những trường hợp gia đình có tiền sử ung thư hoặc u nang có hình dạng bất thường, bác sĩ mới tiến hành phẫu thuật để quan sát biểu hiện của nang và có biện pháp xử lý kịp thời.

Điều trị nang cơ năng buồng trứng khi mang thai

Ở phụ nữ bình thường, nang cơ năng sẽ tự biến mất sau vài tháng. Tuy nhiên, đối với phụ nữ mang thai, nang cơ năng ít khi tự thuyên giảm hoặc biến mất. Thậm chí, nang còn có xu hướng lớn dần theo thời gian và gây ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Do đó, nếu nang cơ năng xuất hiện khi mang thai, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi trong 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu nang tiếp tục tăng kích thước, bác sĩ có thể chỉ định điều trị trong 3 tháng giữa thai kỳ nhằm dự phòng các biến chứng nguy hiểm.

Phòng ngừa nang cơ năng buồng trứng

cách phòng ngừa nang cơ năng buồng trứng

Mặc dù không có cách nào để ngăn ngừa u nang buồng trứng nhưng khám phụ khoa thường xuyên là việc giúp bạn đảm bảo kiểm soát và theo dõi những thay đổi trong buồng trứng một cách an toàn. Hãy để ý với những thay đổi trong chu kỳ hàng tháng của bạn, bao gồm các triệu chứng kinh nguyệt bất thường, đặc biệt là những triệu chứng kéo dài hơn một vài chu kỳ.

Nếu được bác sĩ chẩn đoán có nang năng cơ buồng trứng thì bạn không nên quá lo lắng, bởi đây là loại u lành tính và không gây hại. Tuy nhiên, cần thăm khám định kỳ để theo dõi những thay đổi của nang và chăm sóc sức khỏe sinh sản một cách tốt nhất.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Functional Ovarian Cysts

https://www.uofmhealth.org/health-library/hw181644

Ngày truy cập: 20/7/2021

Causes of Ovarian cyst

https://www.nhs.uk/conditions/ovarian-cyst/causes/

Ngày truy cập: 20/7/2021

Ovarian cysts

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/ovarian-cysts/symptoms-causes/syc-20353405

Ngày truy cập: 20/7/2021

Ovarian cysts

https://www.acog.org/womens-health/faqs/ovarian-cysts

Ngày truy cập: 20/7/2021

Ovarian cysts: Overview

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK539572/

Phiên bản hiện tại

17/02/2022

Tác giả: Thu Hiền

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Từ A đến Z: Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai, thụ thai, bảo vệ sức khỏe

Phụ nữ bị buồng trứng đa nang có nên uống sữa đậu nành?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Thu Hiền · Ngày cập nhật: 17/02/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo