backup og meta

Tăng nội tiết tố nữ là gì? Các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Tăng nội tiết tố nữ là gì? Các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Mặc dù estrogen là hormone được tìm thấy ở cả hai giới nhưng phụ nữ có lượng estrogen cao hơn nhiều so với nam giới. Điều này cũng lý giải vì sao estrogen được xem là hormone sinh dục nữ hoặc nội tiết tố nữ. Đối với các vấn đề liên quan đến nội tiết tố, nhiều chị em cũng thắc mắc tăng nội tiết tố nữ là gì? Thực chất, tăng nội tiết tố nữ còn được biết đến là tình trạng thừa estrogen.

Về cơ bản, bạn có thể hình dung nội tiết tố trong cơ thể như một chiếc bập bênh. Nếu có sự cân bằng về hormone, cơ thể của bạn sẽ hoạt động bình thường. Ngược lại, nếu mất cân bằng hormone, chẳng hạn như việc thừa estrogen quá mức có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh lý lẫn tâm lý của phụ nữ. Tình trạng thừa estrogen đôi khi cũng có thể xảy ra ở nam giới và gây ảnh hưởng đến chức năng tình dục. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, bạn có thể tiếp tục theo dõi bài viết sau của Hello Bacsi nhé!

Tăng nội tiết tố nữ là gì? Bạn đã biết đến sự thống trị của estrogen?

Estrogen là nội tiết tố nữ có vai trò thiết yếu đối với cơ thể. Ở phụ nữ, estrogen cùng với một loại hormone sinh dục nữ khác được gọi là progesterone đóng vai trò quan trọng trong chu kỳ kinh nguyệt và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống sinh sản.

Trên thực tế, nồng độ của estrogen tăng hoặc giảm ở một mức độ là điều bình thường. Tuy nhiên, các vấn đề nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện nếu cơ thể bạn luôn tăng nội tiết tố nữ. Tình trạng này được hiểu là khi cơ thể bạn thường xuyên thừa estrogen.

Song song đó, khi estrogen cao hơn nhiều so với progesterone, hiện tượng này được gọi là sự thống trị của estrogen. Trong trường hợp này, không có ảnh hưởng cân bằng từ progesterone, estrogen có thể hoạt động “ngoài giờ” trong cơ thể và gây ra sự phát triển quá mức của các tế bào niêm mạc tử cung. Từ đó có thể dẫn đến tăng sinh quá mức của niêm mạc tử cung, đôi khi dẫn tới ung thư niêm mạc tử cung.

Mặt khác, sự mất cân bằng hormone nói chung cũng sẽ gây ra một loạt các vấn đề tiêu cực bao gồm tăng cân, thiếu năng lượng, các vấn đề về trí nhớ, rụng tóc và da khô.

Triệu chứng của tình trạng nội tiết tố nữ tăng cao

tăng nội tiết tố nữ gây đau ngực

Tăng nội tiết tố nữ có thể được phát hiện thông qua một số triệu chứng và có sự khác biệt giữa nam nữ. Cụ thể:

Phụ nữ thừa estrogen có thể gặp những triệu chứng như:

  • Sưng đau ở vú do mô vú dày đặc
  • Sờ thấy các cục u xơ trong vú
  • Giảm ham muốn tình dục
  • Kinh nguyệt không đều
  • Các triệu chứng tiền kinh nguyệt nghiêm trọng hơn
  • dấu hiệu u xơ tử cung
  • Đau đầu, gặp các vấn đề về trí nhớ
  • Rụng tóc
  • Tăng cân, nhiều mỡ thừa quanh hông và eo
  • Mệt mỏi
  • Đầy hơi
  • Bàn tay, bàn chân lạnh
  • Giấc ngủ bị gián đoạn
  • Tâm trạng thất thường, lo lắng, dễ hoảng loạn.

Mặt khác, đối với số ít nam giới thừa estrogen thì có thể gặp phải những vấn đề hoặc triệu chứng như:

  • Rối loạn cương dương: Dư thừa estrogen có thể khiến “cánh mày râu” gặp khó khăn trong việc duy trì sự cương cứng.
  • Nữ hóa tuyến vú: Tình trạng tăng nội tiết tố nữ sẽ kích thích sự phát triển của mô vú. Vì vậy, đàn ông dư thừa estrogen có thể phát triển tình trạng nữ hóa tuyến vú khiến ngực lớn hơn.
  • Vô sinh: Estrogen cao có thể giảm lượng tinh trùng và khiến bạn gặp các vấn đề về khả năng sinh sản.

Nguyên nhân và các yếu tố gây ra tình trạng tăng nội tiết tố nữ

Tăng nội tiết tố nữ hoặc còn được biết là tình trạng thừa estrogen có thể xảy ra là do:

  • Cơ thể bạn đang tăng cường sản xuất quá nhiều estrogen
  • Cơ thể tăng nội tiết tố nữ do hấp thu estrogen từ loại thuốc hoặc liệu pháp hormone bạn đang dùng
  • Cơ thể bạn gặp vấn đề trong việc phá vỡ và bài tiết hormone estrogen.

Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể góp phần làm tăng nội tiết tố nữ trong cơ thể,  bao gồm:

Thừa cân, béo phì

Mô mỡ tiết ra estrogen. Điều này nghĩa là khi bạn có tỷ lệ mỡ cao thì có thể dẫn đến nồng độ estrogen cao.

Tăng nội tiết tố nữ liên quan đến căng thẳng

tăng nội tiết tố nữ

Căng thẳng làm tăng mức cortisol. Khi nồng độ cortisol luôn cao, hormone này có thể ức chế progesterone. Từ đó gây mất cân bằng giữa estrogen với progesterone và dẫn đến sự thống trị của estrogen.

Uống rượu

Việc dung nạp rượu quá mức làm tăng nồng độ estradiol và khiến cơ thể khó chuyển hóa estrogen hơn.

Rối loạn hệ khuẩn ruột

Tình trạng rối loạn này xảy ra khi có nhiều vi khuẩn có hại hoặc không có đủ lợi khuẩn trong ruột già của bạn. Một số loại vi khuẩn đường ruột có thể làm giảm hiệu quả loại bỏ estrogen dư thừa trong cơ thể, dẫn đến tình trạng tăng nội tiết tố nữ.

Tăng nội tiết tố nữ liên quan đến các vấn đề về gan

Gan của bạn có vai trò phá vỡ estrogen và đào thải ra khỏi cơ thể. Do đó, nếu gan không hoạt động bình thường có thể dẫn đến tình trạng estrogen tích tụ. Bên cạnh đó, việc có quá ít men tiêu hóa, quá ít lợi khuẩn đường ruột, thiếu hụt magie hoặc chất xơ cũng có thể ngăn gan loại bỏ estrogen dư thừa.

Phơi nhiễm với Xenoestrogen

Đây là hóa chất có thể “bắt chước” estrogen khi xâm nhập vào cơ thể nên sẽ gây rối loạn nội tiết tố. Xenoestrogen tổng hợp bao gồm bisphenol A (BPA) và phthalates. Cả hai hóa chất này đều được tìm thấy trong một số loại nhựa. Phthalates cũng xuất hiện trong một số sản phẩm như xà phòng hoặc dầu gội đầu.

Tình trạng tăng nội tiết tố nữ quá mức gây ra những vấn đề sức khỏe nào?

Nếu nội tiết tố nữ estrogen liên tục tăng và dư thừa trong thời gian dài, bạn có thể phải “đối mặt” với một số vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như nguy cơ:

  • Ung thư vú
  • Ung thư buồng trứng
  • Ung thư nội mạc tử cung (ung thư tử cung)
  • Lạc nội mạc tử cung
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS)
  • Có các khối u trên buồng trứng hoặc tuyến thượng thận
  • Rối loạn tuyến giáp
  • Kháng insulin
  • Đông máu và đột quỵ.

Ngoài ra, nồng độ estrogen cao cũng có thể làm trầm trọng thêm các tình trạng sức khỏe bạn đã có trước đó, chẳng hạn như hen suyễn hoặc động kinh.

Điều trị tình trạng tăng nội tiết tố nữ (nồng độ estrogen cao) như thế nào?

Nếu có dấu hiệu dư thừa estrogen, bạn cần đi khám và làm xét nghiệm máu để kiểm tra chính xác nồng độ estrogen trong cơ thể.

Bạn có thể xem thêm: Xét nghiệm nội tiết tố nữ là gì? Chi phí bao nhiêu, làm ở đâu?

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây tăng nội tiết tố nữ mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp, bao gồm:

Dùng thuốc

nguyên nhân tăng nội tiết tố nữ

Nếu tình trạng tăng nội tiết tố nữ là do bạn đang điều trị bằng liệu pháp hormone, bác sĩ có thể thay đổi liệu pháp điều trị khác nhằm giúp bạn đạt được sự cân bằng về nội tiết tố. Với trường hợp bệnh nhân mắc một loại ung thư nhạy cảm với estrogen, bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngăn chặn tế bào ung thư liên kết với estrogen, chẳng hạn như tamoxifen.

Bên cạnh đó, bạn có thể được kê đơn thuốc ức chế aromatase. Loại thuốc này ngăn chặn enzym aromatase chuyển đổi nội tiết tố androgen thành estrogen. Nhóm thuốc này bao gồm:

  • Anastrozole (Arimidex)
  • Exemestane (Aromasin)
  • Letrozole (Femara).

Trong một số trường hợp khác, bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc ngăn buồng trứng sản xuất estrogen. Ví dụ như goserelin (Zoladex) hoặc leuprolide (Lupron).

Phẫu thuật

Buồng trứng là cơ quan chính sản xuất estrogen. Vì vậy, trong một số trường hợp bệnh nhân ung thư nhạy cảm với estrogen thì bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật loại bỏ vòi trứng để xử lý triệt để tình trạng liên tục tăng nội tiết tố nữ. Bên cạnh đó, nếu bạn là đối tượng có nguy cơ cao với ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng, việc thực hiện phẫu thuật cắt bỏ vòi trứng cũng là giải pháp được khuyến khích. Một số trường hợp khác, bác sĩ cũng có thể lựa chọn liệu pháp bức xạ để ngăn buồng trứng hoạt động.

Thay đổi chế độ ăn uống và lối sống

Nếu tình trạng tăng nội tiết tố nữ không liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào, bạn có thể chọn cách thay đổi lối sống và chế độ ăn để giúp hormone cân bằng. Sau đây là một số lời khuyên hữu ích:

  • Bạn nên áp dụng chế độ ăn ít chất béo, ít đường và giàu chất xơ. Vì chất xơ làm giảm lượng estrogen hấp thụ và làm tăng bài tiết estrogen
  • Ưu tiên ăn một chế độ ăn nhiều rau họ cải , bao gồm bắp cải, bông cải xanh, súp lơ trắng và bắp cải Brussels
  • Tiêu thụ thực phẩm giàu axit béo omega-3 từ cá và hạt lanh
  • Cố gắng duy trì cân nặng phù hợp bằng cách tập thể dục, ăn uống lành mạnh
  • Hạn chế hoặc cai rượu bia, thuốc lá. Điều này vừa có lợi cho sức khỏe vừa góp phần cân bằng nội tiết tố
  • Áp dụng những kỹ thuật hoặc thói quen giúp bạn giảm căng thẳng
  • Hạn chế tiếp xúc với Xenoestrogen tổng hợp, đặc biệt có trong một số sản phẩm từ nhựa
  • Tránh một số loại thảo dược có thể làm tăng estrogen.

Lưu ý: Nếu bạn đang áp dụng các liệu pháp hormone trong điều trị và đó là nguyên nhân gây tăng nội tiết tố nữ thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngưng sử dụng hoặc lựa chọn các liệu pháp thay thế. Tránh tuyệt đối việc tự ý thay đổi liều lượng hoặc ngưng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Estrogen dominance

https://www.va.gov/WHOLEHEALTHLIBRARY/tools/estrogen-dominance.asp Truy cập ngày 12/07/2022

High Estrogen

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/22363-high-estrogen Truy cập ngày 12/07/2022

Estrogen Dominance and Hypothyroidism: Is it Hypothyroidism or Hormone Imbalance?

https://www.nahypothyroidism.org/estrogen-dominance-and-hypothyroidism-is-it-hypothyroidism-or-hormone-imbalance/ Truy cập ngày 12/07/2022

Reproductive Hormones

https://www.endocrine.org/patient-engagement/endocrine-library/hormones-and-endocrine-function/reproductive-hormones Truy cập ngày 12/07/2022

Signs and Symptoms of High Estrogen

https://www.healthline.com/health/high-estrogen Truy cập ngày 12/07/2022

What are the symptoms of high estrogen?

https://www.medicalnewstoday.com/articles/323280  Truy cập ngày 12/07/2022

Phiên bản hiện tại

18/07/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Dấu hiệu suy giảm nội tiết tố nữ: Cách nhận biết bạn không nên bỏ qua!

Tác dụng của estrogen đối với cơ thể là gì? Tìm hiểu để sống khỏe hơn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 18/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo