Cường giáp là bệnh thường gặp ở phụ nữ với nhiều biến chứng nguy hiểm như rung tâm nhĩ, loãng xương, suy tim sung huyết, đột quỵ… Do đó, điều quan trọng là cần tuân thủ phác đồ điều trị cũng như kết hợp với chế độ ăn kiêng hợp lý để hạn chế nguy cơ bệnh trở nặng. Vậy, người mắc bệnh cường giáp nên kiêng ăn gì?
Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn truy tìm lời đáp đối với thắc mắc “Cường giáp nên kiêng ăn gì?” và hiểu rõ tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong quá trình điều trị bệnh cường giáp.
Bệnh cường giáp là gì?
Tuyến giáp là một tuyến nội tiết nằm dưới da, phía trước cổ, có hình dạng giống cánh bướm. Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong nhiều chức năng chính của cơ thể, bao gồm:
- Điều hòa thân nhiệt
- Kiểm soát nhịp tim
- Kiểm soát quá trình trao đổi chất (quá trình chuyển hóa thức ăn trong cơ thể thành năng lượng giúp cơ thể hoạt động).
Khi tuyến giáp hoạt động bình thường, cơ thể và tất cả các hệ cơ quan đều cân bằng và hoạt động bình thường. Nếu tuyến giáp tạo ra quá nhiều hoặc quá ít hormone, toàn bộ hoạt động của cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng.
Tuyến giáp sản xuất hai loại hormone chính: triiodothyronine (T3) và thyroxine (T4). Bệnh cường giáp xảy ra khi tuyến giáp hoạt động quá mức, giải phóng quá nhiều hormone tuyến giáp làm tăng tốc độ trao đổi chất của cơ thể.
Triệu chứng cường giáp
Trước khi tìm hiểu câu trả lời cho thắc mắc bệnh cường giáp kiêng ăn gì, bạn cần nhận biết chính xác các dấu hiệu mắc bệnh cường giáp. Các triệu chứng thường gặp của bệnh cường giáp bao gồm:
- Giảm cân không rõ nguyên nhân
- Nhịp tim nhanh, đập thình thịch hoặc không đều (loạn nhịp)
- Run rẩy, thường là run nhẹ ở bàn tay và ngón tay
- Phần trước cổ bị phình to do tuyến giáp phì đại, đôi khi được gọi là bướu cổ
- Kinh nguyệt thay đổi thất thường
- Tăng độ nhạy cảm với nhiệt
- Dễ cảm thấy đói
- Dễ đổ mồ hôi
- Đi tiểu thường xuyên hơn
- Căng thẳng, lo lắng, khó chịu
- Mất ngủ, thường gặp các vấn đề về giấc ngủ
- Mệt mỏi
- Yếu cơ
- Da ấm, ẩm và mỏng
- Tóc mỏng, dễ gãy rụng.
Thực phẩm ảnh hưởng đến bệnh cường giáp như thế nào?
Việc hiểu rõ chế độ dinh dưỡng tác động đến bệnh cường giáp như thế nào sẽ giúp bạn biết được người bị bệnh cường giáp kiêng ăn gì.
Chế độ ăn uống hàng ngày có thể ảnh hưởng đến các triệu chứng bệnh. Điều này là do thực phẩm có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất hormone và chức năng của tuyến giáp.
Một số chất dinh dưỡng và khoáng chất có thể góp phần kiểm soát các triệu chứng cơ bản. Trong khi đó, một số dưỡng chất khác có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Các chất dinh dưỡng có thể ảnh hưởng đến bệnh cường giáp bao gồm:
- Iốt là chất mà tuyến giáp sử dụng để sản xuất hormone tuyến giáp. Một chế độ ăn uống quá nhiều iốt làm tăng sản xuất hormone tuyến giáp, gây ra bệnh cường giáp.
- Canxi và vitamin D là những dưỡng chất cần thiết cho bệnh nhân cường giáp vì bệnh cường giáp có thể gây ra vấn đề về mật độ khoáng của xương.
- Caffeine trong thức ăn và đồ uống có thể khiến các triệu chứng bệnh cường giáp nặng hơn.
Bị cường giáp kiêng ăn gì? 7 thực phẩm nên cẩn trọng
Đôi khi, những thực phẩm thường được đánh giá là tốt cho sức khỏe lại có thể làm trầm trọng hơn các triệu chứng bệnh cường giáp, ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc hoặc gây ra kết quả xét nghiệm tuyến giáp không chính xác.
Dưới đây là những thực phẩm có thể ảnh hưởng tiêu cực đến bệnh nhân cường giáp nếu được tiêu thụ với số lượng lớn:
1. Thực phẩm giàu iốt
Đứng đầu danh sách những thực phẩm người bị cường giáp kiêng ăn gì là những món ăn chứa nhiều iốt. Như đã đề cập, tuyến giáp sử dụng iốt để sản xuất hormone tuyến giáp. Việc tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu iốt hoặc tăng cường iốt trong chế độ ăn uống có thể gây ra bệnh cường giáp hoặc làm cho bệnh nặng hơn.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), liều iốt được khuyến nghị đối với người bị cường giáp là khoảng 150mcg/ngày, thậm chí là ít hơn. Người bệnh có thể ăn một lượng nhỏ thực phẩm chứa iốt nhưng cần đảm bảo không vượt quá mức cho phép.
Những thực phẩm giàu iốt bao gồm:
- Rong biển, chẳng hạn như tảo bẹ, nori, kombu, wakame
- Cá và động vật có vỏ, chẳng hạn như cá tuyết, cá ngừ đóng hộp, hàu, cua, tôm
- Muối có bổ sung iốt
- Thực phẩm, thuốc hoặc viên con nhộng chứa phẩm màu đỏ (Red Dye #3)
- Thực phẩm chứa carrageenan (chất ổn định E407)
- Các sản phẩm từ sữa
- Lòng đỏ trứng
- Mật mía
- Gan bò
- Thịt gà
Có thể bạn chưa biết
- Hải sản có nhiều iốt nhất. Chỉ 1 gram rong biển chứa 23,2mcg iốt.
- Lòng đỏ trứng có hàm lượng iốt cao hơn lòng trắng trứng. Do đó, nếu muốn ăn trứng để bổ sung protein, canxi và những dưỡng chất khác, bạn có thể ăn lòng trắng trứng và bỏ lòng đỏ.
2. Thực phẩm chứa gluten
Nếu bạn đang băn khoăn cường giáp kiêng ăn gì thì thực phẩm chứa nhiều gluten là câu trả lời cần tìm. Gluten là một loại protein có trong nhiều loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch và lúa mạch đen.
Chế độ ăn giàu gluten có tác dụng hạ đường huyết, phá vỡ lượng đường trong máu và có thể kích hoạt phản ứng viêm tuyến giáp. Những thực phẩm như mì ống, gạo và bánh mì có chứa gluten có thể khó tiêu hóa và gây ra các triệu chứng cường giáp. Nếu người bị cường giáp dị ứng với gluten, hệ thống miễn dịch có thể tấn công và phá hủy mô tuyến giáp, khiến tuyến giáp bị viêm.
Nghiên cứu cho thấy bệnh tuyến giáp tự miễn, bao gồm cả bệnh Graves, phổ biến hơn ở những người mắc bệnh celiac so với những người không mắc bệnh. Bệnh celiac gây tổn thương ruột non khi người bệnh ăn thực phẩm chứa gluten.
Việc hạn chế gluten có thể có lợi ngay cả khi bệnh nhân cường giáp không bị dị ứng hoặc nhạy cảm với gluten. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng việc tuân theo chế độ ăn không có gluten có thể tạo điều kiện cho ruột hấp thụ tốt hơn các thuốc tuyến giáp và giảm viêm.
3. Cường giáp kiêng ăn gì? Đậu nành
Đậu nành được xem là thực phẩm chứa chất gây bướu cổ. Việc tiêu thụ quá nhiều đậu nành thường xuyên có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tuyến giáp.
Đậu nành chứa hợp chất goitrogens làm gián đoạn khả năng sản xuất và giải phóng hormone tuyến giáp của cơ thể. Việc tiêu thụ một lượng lớn goitrogens có thể gây phì đại tuyến giáp, còn gọi là bướu giáp.
Các nghiên cứu trên động vật cũng chỉ ra rằng việc ăn đậu nành có thể cản trở sự hấp thu iốt phóng xạ để điều trị bệnh cường giáp. Do đó, hãy loại bỏ những thực phẩm làm từ đậu nành ra khỏi thực đơn cho người bị cường giáp, nhất là khi người bệnh đang dùng thuốc tuyến giáp hoặc tuyến giáp đang hoạt động kém.
Những thực phẩm làm từ đậu nành bao gồm:
- Đậu hũ
- Sữa đậu nành
- Đậu nành
- Rau mầm đậu nành
- Dầu đậu nành
- Nước tương (xì dầu)
- Tương miso
- Natto (đậu tương lên men)
- Đậu nành Nhật (edamame).
4. Caffeine
Caffeine là một chất hóa học tự nhiên làm cho bạn cảm thấy tỉnh táo hơn. Tuy nhiên, chất kích thích này có thể làm trầm trọng thêm một số triệu chứng cường giáp, chẳng hạn như nhịp tim nhanh, đánh trống ngực, lo lắng, khó chịu, hồi hộp, mất ngủ…
Caffeine cũng ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp khi tiêu thụ với số lượng lớn. Kết quả là cơ thể sản xuất quá mức cortisol gây căng thẳng. Tình trạng này khiến người bị cường giáp phải đối mặt với cảm giác lo lắng trong thời gian dài.
Hơn nữa, caffeine có thể tăng tốc độ trao đổi chất trong thời gian ngắn bằng cách đốt cháy nhiều chất béo hơn. Trong khi đó, tuyến giáp lại chịu trách nhiệm kiểm soát quá trình trao đổi chất của cơ thể. Lúc này, tuyến giáp phải nỗ lực nhiều hơn để giữ sự cân bằng trong cơ thể.
Những thực phẩm chứa caffeine bao gồm:
- Cà phê
- Trà
- Socola, ca cao
- Nước tăng lực
- Soda
- Nước ngọt có ga.
5. Sữa tươi nguyên kem
Sữa tươi chứa nhiều canxi và vitamin D có lợi cho bệnh cường giáp. Thế nhưng, một trong những câu trả lời cho vấn đề “Cường giáp kiêng ăn gì?” lại bao gồm sữa tươi nguyên kem. Tại sao lại như vậy? Điều này là do sữa tươi và các sản phẩm từ sữa thường chứa nhiều iốt.
Sữa còn chứa hormone yếu tố tăng trưởng giống insulin, được biết đến dưới tên gọi IGF-1. Hormone này thúc đẩy quá trình sản xuất hormone giới tính gọi là androgen. Điều này gây ra sự mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể.
Hơn nữa, tình trạng không dung nạp lactose có trong sữa cũng thường gặp ở những người có tuyến giáp hoạt động quá mức. Không dung nạp lactose gây ra tình trạng khó tiêu, đầy hơi và mệt mỏi khi tiêu thụ những thực phẩm làm từ sữa.
Ngoài ra, sữa tươi nguyên kem chứa nhiều chất béo, có thể gây khó tiêu hóa cho người bị cường giáp. Do đó, người bệnh cường giáp cần hạn chế tiêu thụ sữa và các chế phẩm từ sữa, bao gồm:
- Sữa tươi
- Phô mai
- Sữa chua
- Kem
- Bơ sữa
Thay vào đó, những loại sữa dành cho người bị cường giáp có thể là sự lựa chọn phù hợp.
6. Rượu, bia
Bệnh cường giáp không nên ăn gì? Rượu, bia và thức uống có cồn cũng là những thực phẩm mà người bị cường giáp nên kiêng.
Nghiên cứu cho biết, việc tiêu thụ quá nhiều cồn có thể trực tiếp ngăn chặn hoạt động của tuyến giáp bằng cách làm tổn thương và giết chết các tế bào, từ đó gây hại cho tuyến giáp. Không những thế, rượu bia còn làm suy yếu khả năng cơ thể sử dụng và hấp thụ hormone tuyến giáp.
Ngoài ra, rượu có thể làm cạn kiệt năng lượng và gây ra các vấn đề về giấc ngủ ở người bị cường giáp. Hơn nữa, uống rượu khiến cơ thể khó hấp thụ canxi hơn. Vì vậy, rượu làm tăng nguy cơ loãng xương ở bệnh nhân cường giáp.
7. Thực phẩm nhiều đường
Khi nhắc đến chủ đề “Cường giáp kiêng ăn gì?”, không thể không kể đến những thực phẩm chứa nhiều đường. Việc tiêu thụ quá nhiều đường khiến lượng đường trong máu tăng đột ngột. Điều này dẫn đến tăng nhịp tim và làm trầm trọng thêm triệu chứng đánh trống ngực.
Hơn nữa, mắc bệnh tuyến giáp còn làm tăng nguy cơ bị đái tháo đường type 2. Do đó mà những người bị cường giáp nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều đường như:
- Nước giải khát
- Bánh ngọt
- Kẹo
- Siro
- Thạch.
Thông qua 7 thực phẩm đã đề cập, câu trả lời đối với băn khoăn “Cường giáp kiêng ăn gì?” cũng đã được bật mí. Hi vọng bài viết đã giúp bạn hiểu hơn về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với quá trình điều trị bệnh cường giáp. Từ đó, bạn có thể tự tay thiết kế thực đơn hàng ngày với các thực phẩm phù hợp giúp kiểm soát các triệu chứng bệnh hiệu quả.
[embed-health-tool-ovulation]