backup og meta

Tuổi thọ của người cắt tử cung và buồng trứng thế nào? Sống được bao lâu?

Tuổi thọ của người cắt tử cung và buồng trứng thế nào? Sống được bao lâu?

Tử cung và buồng trứng đóng vai trò quan trọng đối với khả năng sinh sản của phụ nữ. Phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng có thể dẫn đến một số rối loạn về thể chất và tinh thần. Tuổi thọ của người cắt tử cung và buồng trứng bị ảnh hưởng như thế nào? Bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu ngay sau đây!

Khi nào phụ nữ cần cắt bỏ tử cung? Những vấn đề sức khỏe có thể dẫn đến việc cắt bỏ tử cung gồm có: U xơ tử cung; chảy máu âm đạo nặng; đau vùng chậu mãn tính; sa tử cung; lạc nội mạc tử cung; ung thư (cổ tử cung/ buồng trứng/ màng tử cung). Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định cắt bỏ cả tử cung và buồng trứng, nếu như:

  • Nhiễm trùng hoặc áp xe buồng trứng
  • Nguy cơ cao bị ung thư buồng trứng
  • Đột biến gen BRCA có thể dẫn đến ung thư
  • Lạc nội mạc tử cung diễn biến nặng
  • U nang buồng trứng
  • Xoắn buồng trứng.

>> Đọc thêm: Hình ảnh tử cung bị cắt qua đường mở bụng

Tuổi thọ của người cắt tử cung và buồng trứng

Cắt bỏ tử cung sống được bao lâu? Theo thống kê, tuổi thọ trung bình của phụ nữ Việt Nam năm 2022 là 80 tuổi. Nếu chỉ cắt bỏ tử cung, quá trình lão hóa và hormone sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể. Nói cách khác, việc cắt bỏ tử cung không rút ngắn tuổi thọ của phụ nữ. Sau phẫu thuật, bạn hoàn toàn có thể sống khỏe nếu duy trì chăm sóc sức khỏe định kỳ. 

Tuy nhiên, việc cắt bỏ tử cung và buồng trứng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của phụ nữ. Theo nghiên cứu, việc mất estrogen đột ngột do cắt bỏ buồng trứng làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác. 78% ca cắt bỏ tử cung có thể đi kèm với cắt bỏ buồng trứng ở phụ nữ từ 45-64 tuổi. Theo đó, tuổi thọ có thể bị ảnh hưởng bởi rủi ro từ các bệnh lý:

  • Đột quỵ
  • Tim mạch vành
  • Trầm cảm và căng thẳng
  • Chứng mất trí nhớ, suy giảm nhận thức, Parkinson.

>> Đọc ngay: Cắt tử cung qua ngả âm đạo: Những điều cần biết

Những biến chứng có thể xảy ra sau khi cắt tử cung

 Tuổi thọ và biến chứng của người cắt tử cung và buồng trứng

Cắt bỏ tử cung và buồng trứng được đánh giá là hình thức phẫu thuật an toàn với tỷ lệ thành công cao. Tuy nhiên, như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào khác, việc cắt bỏ buồng trứng và tử cung vẫn có một tỷ lệ rủi ro và biến chứng tiềm ẩn ảnh hưởng đến tuổi thọ.

Rủi ro sau khi phẫu thuật

Những rủi ro tiềm ẩn và tác dụng phụ đối với phụ nữ khi thực hiện phẫu thuật  cắt bỏ buồng trứng và tử cung gồm có:

  • Nhiễm trùng
  • Phản ứng gây mê
  • Chảy máu nặng trong hoặc sau phẫu thuật
  • Khả năng tổn thương các cơ quan lân cận như: bàng quang, ruột, niệu quản, mạch máu và dây thần kinh
  • Cục máu đông ở chân có thể di chuyển đến phổi
  • Các vấn đề về hô hấp hoặc tim liên quan đến gây mê.

Biến chứng sau khi cắt tử cung và buồng trứng

Biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật cắt tử cung và buồng trứng
Biến chứng sau khi cắt tử cung và buồng trứng

Bản thân việc cắt bỏ tử cung và buồng trứng không ảnh hưởng đáng kể đến tuổi thọ của phụ nữ. Tuy nhiên, biến chứng mà chúng để lại có thể tác động tiêu cực đối với sức khỏe của phụ nữ, gồm có:

  1. Mãn kinh sớm là biến chứng chắc chắn phụ nữ cắt buồng trứng và tử cung sẽ gặp phải. Khi mức estrogen giảm mạnh, chị em có thể gặp phải các vấn đề: bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, khô âm đạo, mất ngủ. Ngoài ra, nghiên cứu từ Mayo Clinic cho thấy: những phụ nữ trải qua mãn kinh đột ngột có nguy cơ cao mắc phải chứng mất trí nhớ và bệnh Parkinson.
  2. Nguy cơ loãng xương và viêm khớp do estrogen giảm mạnh sau khi cắt bỏ buồng trứng. Đó là do nội tiết tố buồng trứng đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa và kích thích tạo xương ở nữ giới.
  3. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch sau phẫu thuật là biến chứng có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của người cắt tử cung và buồng trứng. Nghiên cứu cho thấy phụ nữ cắt bỏ buồng trứng và tử cung có nguy cơ tử vong do bị nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn.
  4. Nguy cơ trầm cảm do không còn khả năng sinh sản. Yếu tố rủi ro này dẫn đến cảm giác mất mát, đau buồn và chán nản ở những phụ nữ muốn sinh con. Các báo cáo đã ghi nhận những trường hợp phụ nữ có triệu chứng lo âu và trầm cảm nghiêm trọng hơn sau khi phẫu thuật.

>> Tìm hiểu thêm: Những biến chứng sau khi cắt tử cung: Điều cần biết trước khi phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung có ảnh hưởng đến đời sống tình dục không?

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung và buồng trứng có thể tác động tích cực và tiêu cực đối với phụ nữ.

Ở mặt tích cực, những phụ nữ có đời sống tình dục khỏe mạnh trước khi cắt bỏ tử cung hầu như không có trở ngại gì sau khi phẫy thuật. Phụ nữ vẫn có thể cực khoái khi quan hệ tình dục sau khi cắt bỏ tử cung. Nhiều phụ nữ cho biết họ quan hệ tình dục thăng hoa hơn sau khi cắt bỏ tử cung nhờ việc họ không còn gặp vấn đề đau rát hoặc chảy máu âm đạo sau khi quan hệ.

Tuy nhiên, một số trường hợp giảm nhu cầu và ham muốn tình dục do mãn kinh sau khi cắt tử cung và buồng trứng. Theo đó, âm đạo của chị em dễ bị khô hơn, từ đó dẫn đến cảm giác khó chịu khi quan hệ. Giải pháp cho việc này chính là sử dụng chất bôi trơn gốc nước và dành nhiều thời gian hơn cho màn dạo đầu khi quan hệ.

>> Đọc ngay: Cắt bỏ tử cung có quan hệ được không?

Cách chăm sóc sau khi cắt bỏ tử cung và buồng trứng

Cách chăm sóc sau khi phẫu thuật cắt tử cung và buồng trứng
Cách chăm sóc sau khi cắt bỏ tử cung và buồng trứng

Việc chăm sóc bản thân tại nhà sau khi cắt bỏ tử cung và buồng trứng sẽ giúp rút ngắn thời gian hồi phục và nâng cao chất lượng cuộc sống của chị em hậu phẫu thuật. Những điều mà bạn có thể thực hiện gồm có:

  • Nên kiểm tra vết mổ thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu nhiễm trùng
  • Nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt trong ít nhất 2 tuần.
  • Nên uống nhiều nước và ăn nhiều rau củ quả tươi.
  • Nên vận động nhẹ nhàng như đi bộ, đi dạo.
  • Tránh nâng vật nặng trong 6 tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Tránh quan hệ tình dục khi vết mổ chưa lành.
  • Tránh xịt nước quá mạnh vào vết mổ khi tắm.
  • Tránh tập thể dục cường độ cao.

Khi nào bạn nên liên hệ bác sĩ ngay?


  • Sốt trên 37,5 độ C
  • Chảy máu đỏ tươi ở âm đạo
  • Buồn nôn, hoặc nôn mửa nặng
  • Vết mổ  đau dữ dội, sưng đỏ, hoặc tiết dịch
  • Khó đi tiểu, tiểu buốt, hoặc đi tiểu quá nhiều lần

Tóm lại, tuổi thọ của người cắt tử cung và buồng trứng không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi ca phẫu thuật nhưng có nguy cơ gặp những vấn đề sức khỏe khi lão hóa như: loãng xương, sa sút trí tuệ và Parkinson. Hơn nữa, việc mất estrogen đột ngột có thể dẫn đến các bệnh lý như: tim mạch vành, đột quỵ và trầm cảm.

Chính vì thế, để bảo vệ cho tuổi thọ chị em nên đi khám sức khỏe định kỳ sau phẫu thuật. Nếu chị em gặp căng thẳng quá mức sau khi phẫu thuật, hãy đặt lịch hẹn và điều trị với các chuyên gia tâm lý. Những điều này sẽ giúp chị em vui khỏe sau khi phẫu thuật. Ngoài ra, bạn có thể tham gia Cộng đồng Sức khỏe phụ nữ để thoải mái tâm sự và nhận lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia và bác sĩ từ Hello Bacsi!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Effect of Bilateral Oophorectomy on Women’s Long-Term Health – William H Parker, Vanessa Jacoby, Donna Shoupe, Walter Rocca, 2009
https://journals.sagepub.com/doi/full/10.2217/WHE.09.42
Ngày truy cập: 16/1/2023
Long-term risk of depressive and anxiety symptoms after early bilateral oophorectomy
https://journals.lww.com/menopausejournal/FullText/2018/11000/Long_term_risk_of_depressive_and_anxiety_symptoms.16.aspx
Ngày truy cập: 16/1/2023
Long-term effects of bilateral oophorectomy on brain aging: unanswered questions from the Mayo Clinic Cohort Study of Oophorectomy and Aging
https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/19102639/
Ngày truy cập: 16/1/2023
Surgical menopause: effects on psychological well-being
https://journals.lww.com/menopausejournal/Abstract/2007/14071/Surgical_menopause__effects_on_psychological.7.aspx
Ngày truy cập: 16/1/2023
Abdominal hysterectomy – Mayo Clinic
https://www.mayoclinic.org/tests-procedures/abdominal-hysterectomy/about/pac-20384559
Ngày truy cập: 16/1/2023
Hysterectomy – Better Health Channel
https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/hysterectomy
Ngày truy cập: 16/1/2023
Hysterectomy | Office on Women’s Health
https://www.womenshealth.gov/a-z-topics/hysterectomy
Ngày truy cập: 16/1/2023
Hysterectomy | ACOG
https://www.acog.org/womens-health/faqs/hysterectomy
Ngày truy cập: 16/1/2023
Hysterectomy | Johns Hopkins Medicine
https://www.hopkinsmedicine.org/health/treatment-tests-and-therapies/hysterectomy
Ngày truy cập: 16/1/2023
Oophorectomy: Purpose, Surgery, Risks & Recovery
https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/17800-oophorectomy
Ngày truy cập: 16/1/2023
Hysterectomy: Purpose, Procedure, Benefits, Risks & Recovery
https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/4852-hysterectomy
Ngày truy cập: 16/1/2023
Life expectancy at birth, female (years) – Vietnam
https://data.worldbank.org/indicator/SP.DYN.LE00.FE.IN?locations=VN
Ngày truy cập: 16/1/2023

Phiên bản hiện tại

31/12/2024

Tác giả: Trần Cẩm Tú

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Vì sao chữa ung thư vú lại phải cắt buồng trứng?

Giải đáp thắc mắc: Cắt buồng trứng có còn kinh nguyệt không?


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Trần Cẩm Tú · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo