backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Cẩm nang về các thuốc trị zona

Tác giả: Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng · Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


Ngày cập nhật: 22/01/2020

    Cẩm nang về các thuốc trị zona

    Bệnh zona là một căn bệnh khá phổ biến, thường xuất hiện ở những người từng bị thủy đậu. Để điều trị bệnh này, bác sĩ thường chỉ định các thuốc trị zona tùy thuộc vào triệu chứng của người bệnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh zona.

    Bạn có biết virus gây bệnh thủy đậu cũng là nguyên nhân gây bệnh zona. Virus này được gọi là varicella zoster, có thể nằm yên lặng ở dây thần kinh trong thời gian dài khi gây bệnh thủy đậu nhưng đột nhiên thức dậy và gây bệnh.

    Triệu chứng chính của bệnh zona là phát ban gây đau đớn xuất hiện ở một bên của cơ thể hoặc khuôn mặt. Đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt nếu bạn nghĩ mình có thể mắc bệnh này.

    Bác sĩ có thể cho bạn uống các thuốc trị zona để kiểm soát nhiễm trùng và tăng tốc độ lành bệnh, giảm viêm và giảm đau.

    Các thuốc kháng virus

    Loại thuốc trị zona này có thể làm chậm quá trình phát ban của bệnh zona, đặc biệt nếu bạn dùng thuốc trong vòng 72 giờ ngay sau khi có triệu chứng. Chúng cũng có thể làm giảm nguy cơ bị các biến chứng.

    Các thuốc trị zona thuộc nhóm thuốc kháng virus gồm:

  • Acyclovir (Zovirax)
  • Famciclovir (Famvir)
  • Valacyclovir (Valtrex)
  • Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ về các tác dụng phụ bạn có thể mắc.

    Thuốc giảm đau

    Bệnh zona gây viêm và đau. Bác sĩ có thể đề nghị các loại thuốc giảm đau không cần toa để giảm bớt sự khó chịu, bao gồm:

    • Acetaminophen
    • Ibuprofen
    • Naproxen

    Những thuốc này cũng có thể giúp bạn loại bỏ chứng đau dây thần kinh sau zona bạn có thể mắc phải sau khi phát ban và mụn rộp của bệnh zona biến mất.

    Các thuốc trị zona theo toa khác

    Nếu bạn bị đau nặng sau khi phát ban hoặc bị nhiễm trùng trong thời gian bệnh zona bùng phát, bác sĩ có thể kê toa:

    • Kem capsaicin: bạn hãy cẩn thận không để kem dính vào mắt.
    • Thuốc tê: bạn có thể bôi lidocain (Lidoderm, Xylocaine) giảm đau. Thuốc này có thể có nhiều dạng khác nhau như kem, nước thơm, miếng dán, bột và thuốc xịt.
    • Thuốc kháng sinh: bạn có thể cần những loại thuốc này nếu vi khuẩn gây nhiễm trùng da và phát ban. Tuy nhiên, nếu không bị nhiễm vi khuẩn, bạn không cần dùng kháng sinh.
    • Thuốc chống trầm cảm ba vòng: Có rất nhiều loại thuốc có thể giúp giảm đau sau khi da của bạn đã lành như amitriptyline, desipramine (Norpramin) và nortriptyline (Aventyl, Pamelor). Các thuốc này cũng có thể giúp trị trầm cảm, nếu bạn bị trầm cảm kèm với bệnh zona. Bác sĩ có thể cho bạn biết những rủi ro và lợi ích của thuốc.

    Điều trị tại nhà

    Không có biện pháp điều trị bệnh zona tại nhà, nhưng một số phương pháp có thể giúp da lành lại. Bạn nên giữ cho khu vực bị ảnh hưởng sạch, khô và tiếp xúc với không khí càng nhiều càng tốt. Tình trạng ngứa có thể khiến bạn khó chịu không chịu nổi vào một số thời điểm, nhưng cố gắng không làm xước hoặc làm vỡ các mụn nước.

    Hãy hỏi bác sĩ về các loại kem và những thứ khác mà bạn có thể dùng để giảm bớt khó chịu.

    Châm cứu và các phương pháp điều trị bổ sung khác có thể giúp giảm đau sau khi bệnh zona đã hết. Hãy cho bác sĩ biết trước nếu bạn muốn thử những loại này.

    Bạn có thể phòng ngừa bệnh zona không?

    Hiện nay, có hai loại vắc xin được dùng để phòng ngừa zona. Shingrix được khuyến cáo sử dụng nhiều hơn loại vắc xin cũ là Zostavax, vì nó hiệu quả đến 90% trong việc ngăn ngừa sự bùng phát bệnh zona.

    Đối tượng nên tiêm vắc xin: bạn nên chủng ngừa vắc xin này nếu bạn trên 50 tuổi. Nếu bạn đã chủng ngừa Zostavax, bạn cũng có thể chủng ngừa với Shingrix.

    Bạn cần bao nhiêu mũi tiêm? Bạn sẽ cần hai mũi tiêm đối với vắc xin Shingrix. Một mũi ban đầu và một mũi tiếp trong vòng 6 tháng.

    Vắc xin có tác dụng gì? Shingrix làm giảm cơ hội mắc bệnh zona đến 90%. Ngay cả khi bạn bị bệnh zona, vắc xin có thể giúp giảm đau.

    Bạn chưa từng bị thủy đậu. Bạn có cần chủng ngừa bệnh zona không? Shingrix được khuyến cáo cho mọi người từ 50 tuổi trở lên, cho dù bạn có thủy đậu trước đây hay không.

    Nếu bạn đã bị bệnh zona, bạn vẫn có thể chủng ngừa được không? Vắc xin có thể giúp ngăn ngừa bạn mắc bệnh zona sau này. Nếu bạn đang có bệnh zona, nên chờ cho đến khi phát ban đã biến mất trước khi chủng ngừa.

    Các tác dụng phụ là gì? Các tác dụng phụ thường gặp nhất của vắc xin Shingrix bao gồm đau và sưng nơi tiêm, đau cơ, mệt mỏi, nhức đầu, ớn lạnh, sốt và đau dạ dày. Với bất kỳ loại vắc xin nào cũng có nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Vì Zostavax là một loại vắc xin chứa virus sống, nó cũng có thể gây ra một nốt thủy đậu nhỏ như phát ban xung quanh chỗ tiêm.

    Ai không nên chủng ngừa bệnh zona?

    Bạn không nên chủng ngừa Shingrix nếu:

    • Bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của vắc xin.
    • Hệ thống miễn dịch của bạn yếu do một tình trạng bệnh lý hoặc do một số loại thuốc.
    • Bạn đang mang thai hoặc đang cho con bú.
    • Bạn đã thử nghiệm miễn dịch âm tính đối với virus thủy đậu. Hãy hỏi bác sĩ về thuốc chủng ngừa thủy đậu thay thế.
    • Bạn đang có bệnh zona.

    Ngoài các tình trạng nêu trên, không chủng ngừa Zostavax nếu bạn bị suy giảm miễn dịch hoặc bạn có thể có thai trong vòng 4 tuần tiếp theo sau khi tiêm.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Bác sĩ Đinh Thị Mai Hồng

    Đa khoa · Bệnh viện Đại học Y dược Hà Nội


    Ngày cập nhật: 22/01/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo