backup og meta

5 cách trị mụn nhọt tại nhà hiệu quả chỉ sau 1 đêm

5 cách trị mụn nhọt tại nhà hiệu quả chỉ sau 1 đêm

Thật kinh khủng nếu một buổi sáng thức dậy, bạn bỗng dưng phát hiện mình bị nổi mụn nhọt ở mặt. Mụn nhọt gây đau ngứa và dễ viêm mủ nếu điều trị không đúng cách. Cùng Hello Bacsi áp dụng ngay 5 cách trị mụn nhọt ở mặt nhanh chóng dưới đây để giải quyết chúng chỉ sau một đêm bạn nhé!

Nhọt da là tình trạng nhiễm trùng nang lông do 1 loại vi khuẩn tên Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) gây ra. Khi bị mụn nhọt, làn da bạn sẽ có biểu hiện sưng đau và có mủ. 

Tuy nhọt da là một bệnh lý lành tính và có thể chữa khỏi, nhưng đôi khi nó có thể diễn tiến nặng hơn và gây biến chứng. Do đó, chúng ta cần phải biết cách trị mụn nhọt để kiểm soát tình trạng mụn một cách hiệu quả.

5 cách trị mụn nhọt đơn giản, hiệu quả mà bạn nên nắm rõ

1. Cách trị mụn nhọt nhanh bằng miếng dán mụn

Cách trị mụn nhọt nhanh bằng miếng dán mụn
Trị mụn nhọt bằng miếng dán mụn

Khi bạn đối mặt với một nốt mụn nhọt đỏ bừng, đau nhói trên mặt, bạn nên trị mụn nhọt bằng miếng dán mụn có thành phần chính là hydrocolloid. Miếng dán mụn tương tự như miếng dán thuốc thu nhỏ giúp đẩy nhanh quá trình phát triển của mụn.

Cụ thể, một trong những cách hút mủ mụn nhọt nhanh nhất là sử dụng miếng dán mụn để loại bỏ dầu nhờn bên trong mụn nhọt ra ngoài. Ngoài ra, chúng còn có tính kháng viêm, khử trùng. Chính nhờ công dụng tuyệt vời này, các nốt mụn nhọt khó ưa của bạn sẽ bớt sưng đỏ chỉ sau một đêm.

Một công dụng đặc biệt khác khiến miếng dán mụn càng ngày càng được yêu thích là khả năng bảo vệ da khỏi các tác nhân khiến tình trạng mụn nhọt nặng thêm như trang điểm, bụi bẩn và các vi khuẩn gây viêm mụn.

Để miếng dán mụn phát huy hiệu quả tốt nhất, bạn nên rửa mặt sạch trước, sau đó mới dán chúng lên nốt mụn. Đối với một số sản phẩm, bạn cần bôi serum trị mụn (có thành phần như salicylic acid hoặc benzol peroxide) trước rồi mới dán chúng lên mụn nhọt sau.

>>> Đọc thêm: Chăm sóc da sau nặn mụn: 5 cách giúp da không thâm sưng sau nặn mụn

2. Điều trị mụn nhọt bằng thuốc kháng sinh tại chỗ

Kháng sinh tại chỗ được sử dụng ngoài da và trực tiếp lên trên nốt mụn.
Kháng sinh có tác dụng diệt khuẩn và giảm viêm nhanh chóng.

Một cách điều trị mụn nhọt hay được sử dụng nhất là dùng thuốc kháng sinh tại chỗ. Kháng sinh tại chỗ được sử dụng ngoài da và trực tiếp lên trên nốt mụn. Chúng có tác dụng diệt khuẩn và giảm viêm nhanh chóng.

Thuốc trị mụn nhọt có chứa thành phần Benzoyl peroxide

Benzoyl peroxide có tác dụng giảm viêm, tiêu diệt vi khuẩn gây mụn trong lỗ chân lông. Ngoài ra, chúng còn làm khô mụn nhọt, giúp làm bong lớp sừng bị tổn thương bên ngoài. Nhờ đó lỗ chân lông được thông thoáng hơn và mụn nhọt cũng nhanh lành hơn.

Trị mụn nhọt bằng Salicylic acid

Salicylic acid là thành phần có trong hầu hết các loại thuốc trị mụn nhọt, và chúng là một loại BHA (beta hydroxy acid). Thông thường, các tế bào da chết là nguyên nhân chính gây tắc lỗ chân lông, khiến mụn nhọt bị viêm và tạo thành mủ. Thành phần này có tác dụng tẩy đi lớp da chết cứng đầu bên ngoài nốt mụn một cách dịu nhẹ, để từ đó giúp làm sạch lỗ chân lông.

Salicylic acid còn là cách chữa mụn nhọt sưng to, giúp làm mềm da, đặc biệt có thể phù hợp trong cả điều trị mụn trứng cámụn đầu đen.

Cách chữa mụn nhọt sưng to bằng lưu huỳnh

Điều trị mụn nhọt bằng lưu huỳnh tương tự như benzoyl peroxide. Chúng có đặc tính sát khuẩn, làm khô mụn nhọt nhanh chóng. Đối với mụn nhọt viêm, lưu huỳnh giúp hút mủ và bã nhờn ra khỏi lỗ chân lông, làm giảm và ngăn ngừa mụn nhọt tái phát. Ngoài ra, lưu huỳnh còn được dùng để trị mụn trên đầu, giúp da đầu bạn sach bã nhờn và lớp sừng chết.

>>> Tham khảo thêm: 6 loại serum chứa niacinamide kiểm soát dầu, mụn – giúp bạn xinh xắn đón Tết 2022

3. Cách chữa mụn nhọt bằng tinh dầu tràm trà

Cách chữa mụn bằng tinh dầu tràm trà
Cách chữa mụn nhọt bằng tinh dầu tràm trà

Trong các cách điều trị mụn nhọt bằng liệu pháp thiên nhiên, tinh dầu tràm trà là phương pháp khá hữu hiệu giúp sát khuẩn, kháng nấm, chống viêm, giảm thâm mụn và ngăn ngừa sẹo mụn.

Sau khi vệ sinh sạch sẽ vùng da bị mụn nhọt, bạn hãy thoa 2 – 3 giọt tinh dầu tràm trà lên nốt mụn. Thực hiện đều đặn từ 4 – 5 lần trong ngày, nốt mụn sẽ mau lên cồi mụn, giảm đau và sưng đỏ.

Lưu ý: Nếu da bạn là da nhạy cảm, bạn không nên bôi tinh dầu tràm trà liên tục lên nốt mụn vì sẽ khiến da dễ bị kích ứng. Thay vào đó, bạn nên sử dụng từ 2 – 3 lần trong ngày với thời gian giãn cách sẽ an toàn hơn cho da.

>>> Bạn có thể quan tâm: Dùng mặt nạ lột mụn để làm sạch mụn cám: Nên hay không?

4. Cách trị mụn nhọt tại nhà bằng nha đam

Cách trị mụn nhọt tại nhà bằng nha đamSau khi rửa sạch vùng da bị mụn nhọt, bạn có thể thoa trực tiếp gel nha đam tươi lên nốt mụn, để trong 15 – 30 phút, sau đó rửa sạch lại bằng nước mát. Gel nha đam tươi có chứa nhiều vitamin C, A, B1, B2… và các vi khoáng khác, có tác dụng kháng viêm, giảm sưng cho da.

Bạn có thể xay nhuyễn thịt nha đam, lọc lấy gel và bảo quản trong tủ lạnh để sử dụng dần, giúp bạn tiết kiệm được thời gian. Tuy nhiên, bạn chỉ nên dùng nha đam bảo quản trong 3 – 4 ngày thôi nhé!

Ngoài ra, bạn còn có thể ăn nha đam tươi trộn chung với mật ong và đường phèn để làm mát da, se khít lỗ chân lông, giúp da mịn màng và ngăn ngừa mụn phát sinh.

>>> Xem thêm: Đắp mặt nạ bằng lá tía tô: Bí quyết trị nám, trị mụn hiệu quả

5. Cách chữa mụn nhọt bằng kẽm

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng thuốc bôi ngoài da chứa kẽm (zinc) để điều trị mụn. Kẽm được chứng minh là có tác dụng kháng viêm, thông thoáng lỗ chân lông và hạn chế bã nhờn, đặc biệt nếu nguyên nhân gây ra mụn trên da bạn là do vi khuẩn. Các nguyên nhân khác khiến mụn hình thành bao gồm rối loạn nội tiết tố, chế độ ăn thiếu cân bằng, v.v. 

Bên cạnh đó, kẽm cũng được sản xuất dưới dạng thuốc viên. Uống viên kẽm sẽ tăng hiệu quả điều trị hơn so với thuốc bôi. Tuy nhiên, bạn cũng nên lưu ý các tác dụng phụ viên uống có thể gây ra cho người sử dụng như buồn nôn, ói mửa. 

Cách phòng tránh bị mụn nhọt để da mặt luôn sạch mịn

Một số cách ngăn ngừa mụn nhọt sau đây có thể bao gồm:

  • Giữ vệ sinh da mặt sạch sẽ, thông thoáng lỗ chân lông
  • Duy trì chế độ ăn uống, cân bằng giữa làm việc và nghỉ ngơi một cách khoa học.
  • Tránh sử dụng chung vật dụng cá nhân nhằm ngăn ngừa lây nhiễm mụn nhọt và các bệnh về da khác.
  • Chăm sóc kỹ vết thương ở da hay vết côn trùng cắn, để tránh nhiễm trùng
  • Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính về da như bệnh vảy nến.
  • Kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, bệnh thận hay các bệnh lý khác có hệ miễn dịch bị suy giảm.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Đôi khi các cách trị mụn nhọt tận gốc tại nhà sẽ không giải quyết được các nốt mụn nhọt cứng đầu, thì ngay lúc này bạn cần đến sự trợ giúp từ bác sĩ khi:

  • Mụn nhọt chưa khỏi hoặc có diễn tiến nặng hơn (đau nhức dữ dội, kích thước mụn lớn nhanh, vùng da xung quanh chuyển sang màu đỏ hoặc vệt đỏ dài hơn) sau 1 tuần điều trị tại nhà.
  • Tái phát liên tục hoặc mụn nhọt nổi nhiều hơn khắp người.
  • Người bị mụn nhọt có bệnh nền tiểu đường và suy giảm miễn dịch cũng cần gặp bác sĩ để điều trị.

Nếu đã áp dụng 5 cách chữa trị mụn nhọt trên đây mà nốt mụn nhọt vẫn không khỏi hẳn hoặc phát triển lớn hơn, bạn hãy đi khám bác sĩ để được điều trị phù hợp. Bên cạnh đó, bạn hãy giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ và có chế độ ăn uống lành mạnh. Quan trọng hơn, bạn tuyệt đối không nên tự ý nặn mụn nhọt để tránh gây nhiễm trùng da nặng nề.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Over-the-counter Acne Treatments https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3366450/ Ngày truy cập: 22/2/2022

Melaleuca alternifolia (Tea Tree) Oil: a Review of Antimicrobial and Other Medicinal Properties https://journals.asm.org/doi/full/10.1128/CMR.19.1.50-62.2006 Ngày truy cập: 22/2/2022

Acne Vulgaris: Treatment Guidelines from the AAD https://www.aafp.org/afp/2017/0601/p740.html Ngày truy cập: 22/2/2022

Over-the-counter acne products: What works and why https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/acne/in-depth/acne-products/art-20045814 Ngày truy cập: 22/2/2022

Salicylic Acid Topical https://medlineplus.gov/druginfo/meds/a607072.html Ngày truy cập: 22/2/2022

Phiên bản hiện tại

19/11/2024

Tác giả: Vy Nguyễn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Cập nhật bởi: Dang Tran


Bài viết liên quan

Mụn nhọt: Những điều cần biết về mụn nhọt để tránh nhiễm trùng

Cách nặn mụn nhọt đúng cách để tránh sẹo thâm sau mụn


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Lê Thị Cẩm Trinh

Da liễu · Bệnh Viện Da Liễu Tp Cần Thơ


Tác giả: Vy Nguyễn · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo