backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

7 loại thực phẩm gây viêm khớp

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 10/12/2019

    7 loại thực phẩm gây viêm khớp

    Bên cạnh việc tìm kiếm các thực phẩm có lợi cho sức khỏe, việc tìm hiểu về thực phẩm gây viêm khớp sẽ giúp bạn phòng ngừa và kiểm soát hiệu quả các bệnh về khớp.

    Tại Mỹ, viêm khớp ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người trưởng thành, có 300.000 trẻ em mắc phải 1 trong số 100 loại viêm khớp. Bác sĩ thường sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhân và chỉ định phẫu thuật đối với một số trường hợp để khắc phục tình hình.

    Nếu như bạn gặp các vấn đề với khớp thì chắc hẳn sẽ thấu hiểu cảm giác mệt mỏi mỗi khi xảy ra tình trạng khớp kêu lục cục, sưng đau rã rời. Người bị bệnh khớp thường được khuyên nên vận động hợp lý, ăn các loại thực phẩm có lợi cho sức khỏe và quan trọng nhất là đến gặp bác sĩ để được điều trị bằng các phương pháp, loại thuốc phù hợp.

    Tuy nhiên, không có nhiều người để ý đến việc cần tránh ăn các loại thực phẩm gây viêm khớp. Khi ăn các loại thực phẩm này, các khớp sẽ bị tổn thương nhiều hơn, viêm nặng hơn dẫn tới phát sinh những cơn đau trầm trọng.

    Vậy nên, bên cạnh việc tham khảo các loại thực phẩm tốt cho sức khỏe, bệnh nhân bị viêm khớp cũng nên tìm hiểu về danh sách các thực phẩm gây viêm khớp cần hạn chế dùng. Bài viết đưới đây liệt kê một số loại thực phẩm gây viêm khớp phổ biến. Một vài loại trong số đó có thể khiến bạn bất ngờ đấy.

    Chất béo bão hòa

    Chất béo bão hòa được tìm thấy trong thịt đỏ, bơ và phô mai. Chất béo bão hòa kích hoạt viêm trong mô mỡ. Đây là loại viêm đặc biệt nguy hiểm cho tim của bạn. Chẳng những vậy, nó còn làm cho cơn đau do viêm khớp thêm phần trầm trọng.

    Một vấn đề khác của thịt đỏ là nó có chứa các sản phẩm Glycat hóa bền vững (AGEs). AGEs kích thích viêm. Khi thức ăn được nấu ở nhiệt độ cao (chiên, nướng, rang) sẽ hình thành AGEs. Việc AGEs tích tụ nhiều trong cơ thể được cho là có ảnh hưởng đến các bệnh liên quan tới chứng viêm như tiểu đường, bệnh tim, suy thận và Alzheimer.

    Bạn có thể tìm hiểu thêm: “Phân loại chất béo tốt và chất béo xấu’

    Acid béo omega-6

    Bạn đã nghe nói về chất béo omega-3? Chúng cực kỳ, cực kỳ quan trọng trong việc kiểm soát viêm. Axit béo omega-6 thì trái lại, có thể kích hoạt cơ thể bạn sản xuất các hóa chất gây viêm. Bạn sẽ tìm thấy axit béo omega-6 trong ngô, nghệ tây, hướng dương, đậu nành và dầu thực vật (cùng các thực phẩm có chứa các loại dầu này). Axit béo omega-6 được tìm thấy trong chất béo chuyển hóa và dầu chiên thương mại. Hãy thay các loại dầu giàu axit béo omega-6 bạn thường dùng bằng dầu canola, dầu từ hạt lanh, quả óc chó và dầu oliu.

    Nói cách khác, bệnh nhân viêm khớp nên loại bỏ các loại thực phẩm nhiều axit béo omega-6 khỏi khẩu phần. Nên hạn chế tối đa việc ăn các loại thực phẩm gây viêm khớp này và thay thế bằng những thực phẩm có lợi để xương khớp được bảo vệ một cách toàn diện.

    Thức uống có cồn

    thực phẩm gây viêm khớp 3

    Thức uống có cồn chẳng hạn như rượu là một loại thức uống khá thú vị. Có người nói dùng một ít rượu mỗi ngày thì có lợi cho sức khỏe, có người lại bảo rượu có hại.

    Thực chất thì theo một vài nghiên cứu, việc uống từ 5 đến 10g thức uống có cồn (chừng nửa cốc bia) mỗi ngày có thể giúp bảo vệ bạn khỏi bị viêm khớp dạng thấp.

    Còn nếu bạn đã bị viêm khớp thì rượu tương tác xấu với hầu hết các loại thuốc chống viêm. Một số dạng viêm khớp chuyển biến xấu do uống rượu. Điều quan trọng là hãy kiểm soát lượng thức uống có cồn mà bạn dùng, để kiểm soát tốt cơn đau do viêm khớp.

    Thực phẩm chế biến

    Thực phẩm chế biến sẵn chứa rất, rất nhiều thành phần gây viêm. Một trong những thành phần đáng sợ nhất là chất béo chuyển hóa hoặc dầu hydro hóa một phần. Người ta cho rằng dầu hydro hóa một phần gây viêm hệ thống, đồng thời góp phần dẫn tới hàng loạt bệnh từ bệnh tim mạch cho đến ung thư. Khi đi mua hàng, bạn hãy đọc nhãn mác cẩn thận vì chỉ cần hàm lượng nhỏ chất béo chuyển hóa hay dầu hydro hóa cũng có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bạn.

    Người ta dùng chất béo chuyển hóa để làm cho thực phẩm ổn định hơn, có thể bảo quản lâu không bị hư. Vậy nên, bạn sẽ thấy chúng có trong bánh mì, đồ nướng, đồ ăn nhẹ như khoai tây chiên hoặc bỏng ngô từ lò vi sóng, thực phẩm chiên, kem béo thực vật (bột kem không sữa) và bơ thực vật.

    Muối

    Cơ thể không thể hoạt động khi thiếu muối, nhưng ăn quá nhiều muối gây cao huyết áp, góp phần dẫn tới đột quỵ, bệnh thận và đau tim. Quá nhiều muối cũng khiến cơ thể mất canxi, dẫn đến loãng xương. Muối gây viêm tế bào và làm cho khớp bị tổn thương. Các món ăn nêm nếm nhiều vị mặn tuy đậm đà nhưng lại là thực phẩm gây viêm khớp.

    Cách đơn giản nhất để cắt giảm lượng muối nạp vào cơ thể là ngừng ăn thực phẩm chế biến, thực phẩm chiên. Cả hai loại thực phẩm này đều có độ mặn cao. Tiếp đó, hãy ngừng dốc thêm muối vào món ăn của bạn. Sẽ mất một thời gian để làm quen với thức ăn ít mặn hơn, nhưng bạn sẽ cảm thấy khỏe mạnh hơn trông thấy.

    Đường

    Đường khiến cơ thể bạn giải phóng cytokine và chất này gây viêm. Cũng vì vậy mà đường có liên quan đến rất nhiều bệnh. Ăn nhiều đường còn có thể làm cơn đau khớp trở nên tồi tệ hơn.

    Đường được biết đến bởi ít nhất 56 tên khác nhau. Khi đọc nhãn mác hàng hóa, bạn hãy để ý những cái tên có đuôi -ose (như maitose), sirô, mạch nha. Những thành phần nêu trên chính là đường.

    Nếu không dùng đường, người ta thường dùng chất ngọt nhân tạo để đồ ăn thức uống có vị ngọt. Nhưng chất tạo ngọt nhân tạo cần được sử dụng một cách thận trọng vì chúng cũng có liên quan đến các bệnh khác nhau như ung thư và viêm.

    Nói tóm lại, bạn cần cắt giảm thức ăn ngọt trong khẩu phần ăn. Bởi lẽ, đồ ngọt được xếp vào hàng thực phẩm gây viêm khớp.

    Các loại ngũ cốc tinh chế

    thực phẩm gây viêm khớp 4

    Khi nhắc đến ngũ cốc, hầu như không ai nghĩ rằng đây có thể là thực phẩm gây viêm khớp. Các loại ngũ cốc tinh chế bao gồm bột mì trắng và gạo trắng. Chúng làm cho đường huyết tăng đột biến kéo theo các dấu hiệu viêm trở nặng. Ngoài ra, nếu bạn nhạy cảm với gluten thì các chế phẩm có nguồn gốc từ lúa mì có thể gây đau khớp. Bạn sẽ biết mình nhạy cảm với gluten nếu thấy phát ban, đau nửa đầu, mệt mỏi hoặc đau khớp sau khi ăn lúa mì.

    Các loại ngũ cốc tinh chế thì dễ tiêu hóa, và cơ thể bạn phản ứng với chúng giống như đường. Hãy tránh ăn bất cứ thứ gì làm từ bột mì trắng, và thay ngũ cốc tinh chế bằng ngũ cốc nguyên hạt vì ngũ cốc nguyên hạt làm giảm viêm.

    Bạn có thể tham khảo: “10 bí quyết để ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt hơn’

    Tổng kết

    Kết luận ngắn gọn lại là mọi thứ bạn ưa thích đều khiến cho tình trạng viêm khớp tồi tệ hơn.

    Viêm khớp thực ra là chứng bệnh liên quan đến thoái hóa, nên chúng ta không để đảo ngược quá trình làm cho khớp phục hồi, khỏe mạnh hoàn toàn như trước. Các loại thuốc bác sĩ kê chỉ có tác dụng đối phó giảm đau, dùng nhiều sẽ hại gan. Càng tăng liều thuốc thì cơ thể càng bị tổn thương nhiều hơn. Điều bạn có thể làm là trì hoãn quá trình thoái hóa bằng cách loại bỏ thực phẩm gây viêm khớp và thay thế bằng thực phẩm có lợi. Bạn sẽ tìm thấy nhiều món ngon tốt cho sức khỏe giúp chống viêm, từ đó giảm đau hiệu quả.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Thảo Lê · Ngày cập nhật: 10/12/2019

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo