backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

6 triệu chứng cảnh báo tình trạng sức khỏe đang gặp vấn đề

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 29/03/2021

    6 triệu chứng cảnh báo tình trạng sức khỏe đang gặp vấn đề

    Phần lớn trường hợp, mọi người có xu hướng xem nhẹ những dấu hiệu bất thường mà cơ thể bộc lộ vì nhiều lý do. Tuy nhiên, sự thờ ơ này hoàn toàn sai lầm vì các triệu chứng kia rất có thể là lời cảnh báo tình trạng sức khỏe của bạn đang gặp nguy hiểm. 

    Hầu hết cảm giác đau nhức ở một số bộ phận trên cơ thể hay cảm xúc tiêu cực chỉ mang tính tạm thời và không gây tổn hại lớn cho bạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, chúng có thể là “thông điệp” cảnh báo bạn đang phải đối mặt với tình trạng sức khỏe nghiêm trọng. Khi đó, tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia là ưu tiên hàng đầu.

    Qua bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn nhận diện 6 dấu hiệu cho thấy sức khỏe đang gặp vấn đề nghiêm trọng. Chúng bao gồm:

    1. Tay chân bỗng dưng suy yếu, mất lực cảnh báo nguy cơ đột quỵ

    Nếu bạn bỗng cảm thấy mất lực hay thậm chí là tê liệt ở tay, chân hoặc mặt, đây rất có thể là dấu hiệu đột quỵ. Khả năng này càng cao nếu:

    • Tình trạng này chỉ xảy ra ở một bên của cơ thể
    • Triệu chứng đột ngột phát sinh, không hề có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào khác xảy ra trước đó
    • Bên cạnh đó, bạn cũng cần nắm rõ một số triệu chứng đột quỵ khác, chẳng hạn như:
    • Đột nhiên thấy hoa mắt chóng mặt
    • Không giữ thăng bằng cơ thể được
    • Cảm thấy khó đi lại
    • Đau đầu bất ngờ
    • Không thể nhìn rõ vật trước mắt
    • Gặp vấn đề với việc nói chuyện hoặc nghe – hiểu

    Theo các chuyên gia, trong trường hợp này, thay vì chờ đợi các biểu hiện dừng lại, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Nếu huyết khối hình thành trong mao mạch dẫn đến não được điều trị trong vòng 4 – 5 giờ kể từ lúc phát sinh triệu chứng, rủi ro biến chứng xảy ra sẽ giảm đi đáng kể.

    Ngoài ra, nếu bạn có tiền sử về những vấn đề như tăng huyết áp hoặc rung tâm nhĩ, hãy đặc biệt chú ý đến dấu hiệu suy yếu hoặc tê liệt tay chân. Nguyên nhân là do trong trường hợp này, khả năng bị đột quỵ của bạn sẽ cao hơn người khác rất nhiều.

    2. Tức ngực cảnh báo tình trạng sức khỏe ở tim

    Đôi khi, bạn có thể trải nghiệm cảm giác ngực co thắt khó chịu dưới dạng cơn đau âm ỉ hoặc dữ dội. Vì tình trạng sức khỏe này có nhiều khả năng biểu hiện cho một hoặc nhiều vấn đề nguy hiểm, ví dụ như đau tim hoặc một số vấn đề khác ở cơ quan nội tạng này, nên bạn sẽ cần tiếp nhận điều trị y tế càng sớm càng tốt.

    Tức ngực cảnh báo tình trạng sức khỏe nguy hiểm
    Đặc biệt, cảm giác có áp lực đè nặng lên ngực càng nguy hiểm nếu nó xảy ra khi bạn đang vận động.

    Nhiều người từng trải qua tình trạng sức khỏe trên cho biết, dấu hiệu tức ngực có thể đi chung với một số triệu chứng khác nhau, chẳng hạn như:

    • Lồng ngực nóng rát và căng cứng
    • Đau nhức ở một hoặc hai cánh tay và dần dần lan đến vai, cổ và hàm
    • Sự khó chịu kéo dài trong vài phút rồi biến mất nhưng sẽ sớm tái phát
    • Cơn tức ngực trở nên tệ hơn nếu bạn cố gắng hoạt động

    Thực tế, phần lớn trường hợp, tình trạng tức ngực có xu hướng liên quan đến chứng ợ nóng hoặc những vấn đề tiêu hóa khác hơn là các bệnh về tim. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho bản thân, bạn vẫn nên tìm gặp bác sĩ nếu cảm thấy tức ngực không rõ nguyên nhân.

    3. Mặt sau cẳng chân đau và nhạy cảm do thuyên tắc tĩnh mạch sâu

    Tình trạng sức khỏe này có thể là dấu hiệu tắc nghẽn mạch máu ở cẳng chân do sự hình thành của huyết khối, còn gọi là thuyên tắc tĩnh mạch sâu. Một số nguyên nhân dẫn đến vấn đề này bao gồm:

    • Ngồi nhiều
    • Nằm trên giường trong thời gian dài
    • Mang thai
    • Lạm dụng thuốc tránh thai
    • Thói quen hút thuốc lá
    • Thừa cân (béo phì)
    Hút thuốc lá
    Thói quen hút thuốc lá góp phần hình thành huyết khối trong mạch máu.

    Thông thường, cảm giác đau nhức ở mặt sau cẳng chân hoàn toàn bình thường nếu nó xảy ra sau khi bạn tập luyện. Tuy nhiên, nếu triệu chứng này phát sinh cùng với dấu hiệu sưng đỏ ở khu vực đau, tình hình sẽ trở nên nghiêm trọng hơn bạn nghĩ.

    Nguyên nhân các chuyên gia đánh giá cao mức độ nguy hiểm của thuyên tắc tĩnh mạch sâu là do huyết khối có thể vỡ bất cứ lúc nào. Sau đó, chúng sẽ đi theo các dòng chảy của tế bào hồng cầu và tiếp tục gây tắc nghẽn lưu lượng máu đến phổi. Từ đó, thuyên tắc phổi có nguy cơ cao xảy ra và gây tử vong.

    4. Máu rò rỉ vào nước tiểu “chỉ điểm’ nhiều tình trạng sức khỏe nghiêm trọng

    Hiện tượng máu rò rỉ vào nước tiểu có thể xuất phát từ nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Tuy nhiên, các nguyên nhân phổ biến nhất cho triệu chứng này có thể gồm:

    Sỏi thận

    Sự hiện diện của các viên sỏi trong thận khiến cơ quan này suy giảm chức năng, từ đó để các tế bào hồng cầu hòa lẫn vào nước tiểu. Do đó, một người bị sỏi thận rất có thể đi tiểu ra máu.

    Ngoài triệu chứng trên, nếu bị sỏi thận, bạn còn có thể cảm thấy đau nhức khó chịu ở lưng hoặc bên hông, ngay tại vị trí thận.

    Thực tế, sỏi thận có thể tự khỏi sau một thời gian. Tuy nhiên, nếu kích thước của các viên sỏi quá lớn, bạn sẽ cần thực hiện phẫu thuật để giải quyết triệt để tình trạng sức khỏe này.

    Nhiễm trùng đường tiết niệu (đường tiểu)

    Nếu hiện tượng đi ngoài ra máu phát sinh cùng với những dấu hiệu như đi tiểu thường xuyên hoặc cảm giác nóng rát khi đi tiểu, bạn có nguy cơ cao bị nhiễm trùng đường tiểu ở bàng quang hoặc thận.

    Đối với trường hợp này, bạn cần đến bệnh viện càng sớm càng tốt để tiếp nhận điều trị y tế. Tình trạng sức khỏe trên kéo dài có thể kéo theo một loạt biến chứng nghiêm trọng hơn.

    Một số loại ung thư

    Đôi khi, hiện tượng máu rò rỉ vào nước tiểu có thể cảnh báo về một số tình trạng sức khỏe nguy hiểm, ví dụ như sự xuất hiện của khối u ở bàng quang hoặc thận.

    Như vậy, dù nguyên nhân là gì, bạn vẫn cần mau chóng tìm gặp bác sĩ nếu bắt gặp dấu hiệu bất thường này.

    5. Thở khò khè liên quan đến vấn đề ở hệ hô hấp

    Nếu bạn nghe thấy âm thanh khò khè qua mỗi nhịp thở, hãy tìm đến bác sĩ ngay lập tức. Dấu hiệu này có thể biểu hiện cho một số tình trạng sức khỏe như:

    • Hen suyễn
    • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng
    • Nhiễm độc hóa chất
    • Viêm phổi hoặc viêm phế quản

    Thông thường, thở oxy là biện pháp điều trị chứng thở khò khè phổ biến nhất. Nó có thể giúp bạn hít thở dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, bạn còn có thể áp dụng thêm một số biện pháp khắc phục như xông hơi để cải thiện kết quả điều trị.

    Cải thiện tình trạng sức khỏe bằng xông hơi
    Phương pháp xông hơi giúp bạn xoa dịu triệu chứng thở khò khè.

    6. Suy nghĩ tự tử và những cảm xúc tiêu cực

    Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi, chán nản, bế tắc, tuyệt vọng hay thậm chí là muốn tự tử, hãy cố gắng mở lòng với những người xung quanh bạn, đặc biệt là người thân trong gia đình và bạn bè. Nếu điều này không đem lại hiệu quả như mong muốn, bạn nên mau chóng tìm kiếm sự giúp đỡ y tế từ bác sĩ.

    Thực tế, mong muốn tự tử không được xếp vào nhóm bệnh tâm thần. Tuy nhiên, đây lại là hậu quả nghiêm trọng của một loạt chứng rối loạn tâm thần, ví dụ như:

    • Trầm cảm nặng
    • Rối loạn lưỡng cực
    • Rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD)
    • Rối loạn nhân cách ranh giới
    • Tâm thần phân liệt
    • Rối loạn do lạm dụng chất gây nghiện
    • Một số tình trạng rối loạn lo âu (chứng cuồng ăn, chán ăn…)

    Do đó, trong trường hợp này, việc trải lòng với một bác sĩ chuyên khoa tâm lý có thể giúp tâm trạng bạn chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề xuất một số liệu pháp nhằm đẩy lui những cảm xúc tiêu cực, đồng thời ngăn ngừa chúng quay lại.

    Theo các chuyên gia, 6 triệu chứng trên chỉ là số ít những dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe của bạn đang gặp nguy hiểm. Lúc này, bạn cần mau chóng đến bệnh viện ngay lập tức và tiếp nhận điều trị y tế. Mặt khác, bạn cũng có thể phòng ngừa bản thân rơi vào trường hợp nghiêm trọng này bằng một lối sinh hoạt lành mạnh và chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Ngọc Vũ · Ngày cập nhật: 29/03/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo