backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Tiếp xúc với thủy ngân nguy hiểm thế nào?

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư · Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 20/04/2021

    Tiếp xúc với thủy ngân nguy hiểm thế nào?

    Thủy ngân là một chất tự nhiên tồn tại trong không khí, nước và đất. WHO xem thủy ngân là một trong mười hóa chất hàng đầu gây nên các vấn đề sức khỏe cho cộng đồng. Tất cả chúng ta đều có thể vô tình tiếp xúc với thủy ngân dưới bất cứ hình thái nào của nó và trong nhiều trường hợp khác nhau.

    Thông thường, con người tiếp xúc với thủy ngân chủ yếu thông qua việc tiêu hóa cá, động vật giáp xác hay hít phải hơi thủy ngân trong quá trình sản xuất công nghiệp, hoặc thủy ngân tiếp xúc với da. Nấu chín thực phẩm cũng không thể loại bỏ thủy ngân. Liệu chúng ta đang tiếp xúc với thủy ngân ở mức độ nào và việc này ảnh hưởng như thế nào tới sức khỏe con người?

    Thủy ngân phân tán vào môi trường dưới hình thức nào?

    Thủy ngân xuất hiện tự nhiên trong vỏ trái đất và được phân tán vào môi trường thông qua hoạt động của núi lửa, phong hoá đá và các hoạt động của con người, trong đó, hoạt động của con người là nguyên nhân chính khiến thủy ngân phát tán. Các hoạt động đó bao gồm việc vận hành các nhà máy sản xuất điện bằng phương pháp đốt than, đốt than để sưởi ấm và nấu ăn, các quy trình công nghiệp, lò đốt chất thải và các hoạt động khai thác mỏ thủy ngân, vàng và các kim loại khác.

    Thủy ngân tồn tại ở nhiều dạng khác nhau: nguyên tố (hoặc kim loại), vô cơ (một số người có nghề nghiệp đặc thù thường phải tiếp xúc với thủy ngân dạng này) và hữu cơ (methylmercury). Con người chúng ta thường chủ yếu tiếp xúc với methylmercury khi ăn.

    Khi được phân tán vào môi trường, thủy ngân có thể bị vi khuẩn biến đổi thành methylmercury. Methylmercury sau đó sẽ tích lũy vào trong cá và tôm cua. Hiện tượng tích lũy sinh học này xảy ra khi nồng độ chất trong một sinh vật cao hơn so với nồng độ của chất ấy trong môi trường xung quanh. Methylmercury cũng tích lũy sinh học tự nhiên từ động vật này sang động vật khác. Ví dụ, cá ăn thịt lớn có nhiều khả năng có hàm lượng thủy ngân cao bởi nó tích lũy thủy ngân thông qua việc ăn và tiêu hóa cá nhỏ cùng các sinh vật phù du khác.

    Các dạng thủy ngân này rất khác nhau về mức độc tính và tác động lên hệ thần kinh, tiêu hóa, miễn dịch, phổi, thận, da và mắt của con người.

    Mức độ tiếp xúc với thủy ngân

    Tất cả chúng ta đều có thể tiếp xúc với thủy ngân ở mức độ khác nhau. Hầu hết mọi người đều tiếp xúc ở mức thấp, thường là thông qua tiếp xúc mãn tính, liên tục hoặc không liên tục trong một thời gian dài. Tuy nhiên, một số người lại phải tiếp xúc thủy ngân nồng độ cao thông qua tiếp xúc cấp tính, xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, thường ít hơn một ngày. Ví dụ như tiếp xúc với thủy ngân do một tai nạn trong ngành công nghiệp.

    Các yếu tố xác định mức ảnh hưởng của thủy ngân tới sức khỏe bao gồm:

    • Loại thủy ngân đã tiếp xúc;
    • Liều lượng thủy ngân đã tiếp xúc;
    • Tuổi của người tiếp xúc thủy ngân (thai nhi thường dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất);
    • Thời gian tiếp xúc;
    • Cách tiếp xúc (hít, nuốt phải hoặc thủy ngân tiếp xúc với da).

    Đối tượng nào có thể gặp nguy hiểm khi tiếp xúc với thủy ngân?

    Nhìn chung, có ba nhóm đối tượng khá nhạy cảm với các tác động nghiêm trọng của thủy ngân bao gồm:

    • Nhóm thứ nhất là thai nhi: Thai nhi có thể tiếp xúc với thủy ngân khi người mẹ ăn cá và động vật giáp xác bị nhiễm thủy ngân nồng độ cao. Điều này có thể ảnh hưởng xấu đến não bộ và hệ thần kinh đang phát triển của thai nhi. Nói cách khác, thủy ngân có thể làm tổn hại và suy yếu khả năng nhận thức, trí nhớ, khả năng chú ý, ngôn ngữ và các kỹ năng nhận thức không gian thông qua thị giác của thai nhi.
    • Nhóm thứ hai là những người thường xuyên tiếp xúc (phơi nhiễm kinh niên) với thủy ngân nồng độ cao: Đối tượng này thường là những người làm các nghề nghiệp phải tiếp xúc nhiều trong môi trường có chứa nhiều chất này.
    • Nhóm thứ ba là trẻ em: Nhiều nghiên cứu khoa học đã thống kê được, có từ 1,5/1000 cho tới 17/1000 trẻ em đều có dấu hiệu suy giảm nhận thức (chậm phát triển tâm thần mức độ nhẹ) do ăn phải cá có chứa nồng độ thủy ngân cao trong thời gian dài.

    Những điều bạn tuyệt đối không nên làm khi thủy ngân bị chảy ra

    Đã từng có những trường hợp các bé bị bệnh sau khi hít phải hơi hoặc tiếp xúc với thuỷ ngân từ nhiệt kế bị vỡ. Như vậy, ta cần phải  xử trí trong trường hợp vỡ nhiệt kế thủy ngân? Bạn không nên sử dụng các loại máy hút bụi vì nó sẽ làm thủy ngân dễ bay vào không khí và tăng khả năng tiếp xúc.

    Đối với trường hợp thủy ngân vỡ thành những hạt nhỏ và lan ra xung quanh, bạn nên sử dụng chổi để quét dọn chúng. Đặc biệt, bạn không được đổ thuỷ ngân xuống cống. Điều này có thể gây hư hại hệ thống ống nước và gây ô nhiễm nguồn nước. Nếu áo quần bạn dính thủy ngân, bạn nên để chúng riêng với những quần áo khác, hạn chế sự lan truyền của thủy ngân.

    Tại nhiều nơi, việc làm giảm nồng độ thủy ngân trong các sản phẩm hoặc loại bỏ dần các sản phẩm chứa thủy ngân đang dần được quan tâm hơn. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nhiệt kế và huyết áp kế chứa thủy ngân hiện đang được dần thay thế bởi các thiết bị khác an toàn hơn. Biện pháp tốt nhất vẫn là giảm dần việc sử dụng các sản phẩm không thiết yếu có chứa thủy ngân và thực hiện các biện pháp an toàn khi sử dụng và tránh tiếp xúc với thủy ngân bạn nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    TS. Dược khoa Trương Anh Thư

    Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Giang Lê · Ngày cập nhật: 20/04/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo