backup og meta

Nhiễm độc thủy ngân: Mối hiểm họa khó lường

Nhiễm độc thủy ngân: Mối hiểm họa khó lường

Nhiễm độc thủy ngân có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc đối với sức khỏe con người, đặc biệt là ở vùng não, tim mạch và hệ thần kinh. Bạn có thể vô tình bị ngộ độc thủy ngân khi ăn phải các loại hải sản bị nhiễm độc, tiếp xúc vật dụng chứa thủy ngân…

Thủy ngân là một kim loại nặng có khả năng gây độc tính cao đối với con người. Nhiễm độc thủy ngân là hậu quả của việc tiếp xúc với quá nhiều thủy ngân, thông qua chế độ ăn uống hoặc môi trường bên ngoài.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm độc thủy ngân là do tiêu thụ thực phẩm có chứa chất này, có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Một trong những cách có thể giúp ngăn ngừa ngộ độc thủy ngânthay đổi chế độ ăn uống và hạn chế tiếp xúc với kim loại độc hại này.

Mời bạn cùng tìm hiểu thủy ngân là gì, tác hại của thủy ngân, triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị khi bị nhiễm độc thủy ngân nhé!

Nhiễm độc thủy ngân là gì?

Thủy ngân là một kim loại xuất hiện tự nhiên trong nhiều sản phẩm hàng ngày, mặc dù chỉ với lượng rất nhỏ. Cơ thể con người khi tiếp xúc với lượng nhỏ thủy ngân vẫn tương đối an toàn, tuy nhiên về lâu dài, thủy ngân bắt đầu tích tụ sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Đây là một nguyên tố tự nhiên có trong không khí, nước và đất, tồn tại ở ba dạng hóa học mà cả ba dạng đều có tác động đến sức khỏe con người, bao gồm:

  • Methylmercury
  • Thủy ngân nguyên tố
  • Các hợp chất thủy ngân khác (vô cơ và hữu cơ)

Ở nhiệt độ phòng (khoảng 25 độ C), thủy ngân tồn tại dưới dạng chất lỏng và dễ bay hơi vào không khí xung quanh. Thủy ngân thường là sản phẩm phụ của các quy trình công nghiệp, chẳng hạn như đốt than để lấy năng lượng. Thủy ngân khi bốc hơi có thể xâm nhập vào mưa, đất và nước, từ đó gây nguy hiểm cho thực vật, động vật và con người. Thông thường, thủy ngân được sử dụng để sản xuất các sản phẩm như nhiệt kế, công tắc và một số bóng đèn.

Khi ăn phải động vật, thực vật hoặc sống trong môi trường nhiễm thủy ngân, bạn có thể bị ngộ độc thủy ngân và gặp phải các triệu chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Triệu chứng nhiễm độc thủy ngân

Triệu chứng nhiễm độc thủy ngân

Thủy ngân có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, dẫn đến các triệu chứng thần kinh. Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cho biết lượng lớn thủy ngân vào cơ thể có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Suy nhược
  • Cơ thể run
  • Hồi hộp, lo lắng
  • Tê liệt, mất cảm giác
  • Gặp vấn đề về trí nhớ
  • Cáu kỉnh, thay đổi tâm trạng

Mức thủy ngân trong cơ thể càng cao thì sẽ có càng nhiều triệu chứng xuất hiện hơn. Những triệu chứng này có thể khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và mức độ tiếp xúc của người bệnh.

Nhiễm độc thủy ngân ở người lớn

Người lớn bị ngộ độc thủy ngân có thể gặp các triệu chứng như:

  • Yếu cơ
  • Khó thở
  • Buồn nôn, ói mửa
  • Có vị kim loại trong miệng
  • Khó đi hoặc khó đứng thẳng
  • Khó khăn trong việc vận động
  • Thay đổi về thị giác, thính giác hoặc giọng nói
  • Mất cảm giác ở tay, mặt hoặc các khu vực khác

Nhiễm độc thủy ngân ở trẻ em

Thủy ngân cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sớm của trẻ. Trẻ bị nhiễm độc thủy ngân có thể xuất hiện các triệu chứng như:

  • Suy giảm khả năng vận động
  • Gặp vấn đề khi phối hợp tay và mắt
  • Không nhận thức được xung quanh
  • Khó khăn khi học nói hoặc hiểu ngôn ngữ
  • Gặp vấn đề khi suy nghĩ hoặc giải quyết vấn đề

Nhiễm độc thủy ngân thường không xuất hiện ngay lập tức, mà có xu hướng phát triển dần dần theo thời gian khi tiếp xúc thường xuyên với thủy ngân. 

Mối nguy hiểm khi bị ngộ độc thủy ngân

Nhiễm độc thủy ngân khiến trẻ chậm lớn

Phơi nhiễm với mức thủy ngân cao có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe nguy hiểm, bao gồm:

Tổn thương thần kinh

Nồng độ thủy ngân cao trong máu có thể khiến bạn bị tổn thương thần kinh lâu dài. Những ảnh hưởng này thường rõ rệt hơn ở trẻ em đang trong độ tuổi phát triển.

Một nghiên cứu trên Tạp chí Y học Dự phòng và Sức khỏe Cộng đồng lưu ý rằng, nhiều trường hợp ngộ độc thủy ngân làm tổn thương thần kinh lâu dài và gây ra:

  • Tê liệt
  • Mất cảm giác
  • Phản xạ chậm
  • Gặp khó khăn khi vận động
  • Rối loạn trí thông minh, IQ thấp
  • Gặp vấn đề với trí nhớ và sự tập trung
  • Triệu chứng của rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)

Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Nhiễm độc thủy ngân có thể gây ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Tình trạng này làm giảm số lượng tinh trùng hoặc giảm khả năng sinh sản và cũng gây ra nhiều vấn đề trên thai nhi.

Ảnh hưởng của thủy ngân trên thai nhi có thể dẫn đến nhiều vấn đến, bao gồm gây dị dạng và giảm tỷ lệ sống sót. Thủy ngân còn làm giảm khả năng tăng trưởng và phát triển kích thước của trẻ mới sinh.

Nguy cơ tim mạch

Thủy ngân có thể thúc đẩy sự tích tụ các gốc tự do trong cơ thể, khiến các tế bào bên trong dễ bị tổn hại. Điều này làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim, bao gồm đau tim và bệnh tim mạch vành.

Nguyên nhân gây nhiễm độc thủy ngân

Nguyên nhân nhiễm độc thủy ngân

Nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm độc thủy ngân là do ăn hải sản. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể bị ngộ độc do quá trình chế biến công nghiệp, tiếp xúc với nhiệt kế, máy đo huyết áp, công việc nha khoa và những loại sơn cũ.

Hải sản

Việc ăn phải các loại hải sản đã bị nhiễm thủy ngân là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tích tụ thủy ngân trong cơ thể con người. Thủy ngân trong hải sản thường tồn tại dưới dạng độc tính cao của kim loại, có tên là methylmercury, được hình thành khi thủy ngân hòa tan trong nước. Tất cả các sinh vật biển có thể hấp thụ methylmercury từ nước và bắt đầu gây nhiễm cho các sinh vật khác thông qua chuỗi thức ăn.

Sự tích lũy thủy ngân sẽ ngày càng nhiều đối với những loại sinh vật biển có kích thước lớn. Ví dụ, các sinh vật biển nhỏ, chẳng hạn như tôm hấp thụ methylmercury, sau đó bị cá ăn; những con cá này sẽ bắt đầu tích tụ nhiều methylmercury hơn tôm ban đầu.

Quá trình này tiếp tục phát triển qua tất cả các chuỗi thức ăn, do đó một con cá lớn có thể chứa rất nhiều thủy ngân. Điều này không có nghĩa là bạn chỉ nên ăn những con cá nhỏ. Bạn nên kiểm tra kỹ nguồn xuất xứ hải sản để tránh cá và động vật có vỏ đã bị nhiễm thủy ngân. Một số loại cá chứa nhiều thủy ngân mà bạn nên tránh tiêu thụ như: cá thu, cá kiếm, cá ngừ, cá mập…

Phụ nữ có thai hoặc cho con bú nên tránh hoặc hạn chế ăn cá và động vật có vỏ, vì thủy ngân sau khi được tiêu thụ có thể truyền sang thai nhi hoặc trẻ sơ sinh thông qua dây rốn hoặc sữa mẹ. Bạn có thể ăn các loại cá nhỏ, tốt cho trí não thai nhi và chứa hàm lượng thủy ngân thấp bao gồm cá mòi, cá cơm, cá trích…

Chất trám răng

Chất trám răng amalgam, hay còn được gọi là trám bạc, chứa khoảng 40 – 50% thủy ngân và có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc thủy ngân ở người bệnh. Hiện nay, loại trám răng này không còn được sử dụng nhiều nữa, bởi vì đã có những lựa chọn mới tốt hơn và an toàn hơn.

Tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm

Nguyên nhân gây ngộ độc thủy ngân cũng có thể là do tiếp xúc trực tiếp với môi trường chứa nhiều kim loại này, bao gồm:

  • Vỡ nhiệt kế
  • Khai thác vàng
  • Tiếp xúc với một số loại sơn
  • Tiếp xúc với một số loại trang sức
  • Tiếp xúc với không khí độc hại ở những khu vực gần các nhà máy sản xuất
  • Trong vài trường hợp hiếm gặp, một số mỹ phẩm chăm sóc da cũng chứa thủy ngân

Điều trị nhiễm độc thủy ngân

Bác sĩ chẩn đoán nhiễm độc thủy ngân

Bác sĩ thường có thể chẩn đoán ngộ độc thủy ngân thông qua việc kiểm tra thể chất và xét nghiệm máu. Bên cạnh đó, bác sĩ còn có thể hỏi về các triệu chứng và chế độ ăn uống của người bệnh. Đồng thời, người bệnh cũng sẽ được hỏi về môi trường sống hoặc làm việc, liệu có ở gần nhà máy công nghiệp nào hay không.

Nếu nghi ngờ bạn bị nhiễm độc thủy ngân, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm hàm lượng thủy ngân trong máu và/ hoặc nước tiểu để đánh giá mức thủy ngân trong cơ thể.

Quá trình điều trị nhiễm độc thủy ngân sẽ bao gồm hạn chế tiếp xúc và tránh tiêu thụ những thực phẩm, hải sản có chứa nhiều kim loại này. Nếu ngộ độc thủy ngân liên quan đến nơi làm việc hoặc tiếp xúc với môi trường, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh nên thay đổi môi trường làm việc hoặc thực hiện thêm các biện pháp an toàn khác.

Những tác hại của thủy ngân trên cơ thể sẽ được điều trị riêng biệt hoặc kiểm soát theo từng cá thể. Trong một số trường hợp ngộ độc thủy ngân nghiêm trọng, người bệnh có thể cần điều trị bằng liệu pháp Chelation. Đây là quá trình giúp loại bỏ thủy ngân ra khỏi các cơ quan để cơ thể có thể đào thải ra bên ngoài.

Liệu pháp Chelation là phương pháp loại bỏ độc tố và kim loại nặng ra khỏi cơ thể bằng axit ethylenediaminetetraacetic (EDTA). Chất này sẽ được tiêm vào máu qua đường tĩnh mạch, chúng sẽ tự động tìm kiếm và kết hợp với các loại khoáng chất có trong máu. Sau khi EDTA kết hợp với các khoáng chất sẽ tạo thành một hợp chất và được đào thải ra ngoài qua đường tiết niệu.

Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn hiểu hơn về thủy ngân, triệu chứng, nguyên nhân, tác hại và cách điều trị khi bị nhiễm độc thủy ngân. Đây là kim loại gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, do đó bạn hãy phòng tránh ngay từ bây giờ để không gặp phải những hậu quả đáng tiếc nhé!

[embed-health-tool-bmr]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mercury poisoning: Symptoms and treatment https://www.medicalnewstoday.com/articles/320563.php Ngày truy cập 28.11.2019

Understanding Mercury Poisoning https://www.healthline.com/health/mercury-poisoning Ngày truy cập 28.11.2019

Mercury Poisoning https://www.medicinenet.com/mercury_poisoning/article.htm#mercury_poisoning_definition_and_facts Ngày truy cập 28.11.2019

Mercury Toxicity and Treatment: A Review of the Literature https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3253456/ Ngày truy cập 23.04.2021

Mercury and health https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/mercury-and-health Ngày truy cập 23.04.2021

Phiên bản hiện tại

23/04/2021

Tác giả: Hoàng Trí

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Phương Quỳnh


Bài viết liên quan

Tiếp xúc với thủy ngân nguy hiểm thế nào?

Cách dọn nhiệt kế thủy ngân bị vỡ để không bị ngộ độc


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Trí · Ngày cập nhật: 23/04/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo