backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

6 biến chứng của bệnh sởi bạn không nên xem thường

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    6 biến chứng của bệnh sởi bạn không nên xem thường

    Khi nghe đến bệnh sởi, nhiều người thường nghĩ các triệu chứng bệnh cũng tương tự như cúm và phát ban. Tuy nhiên, sởi có thể tiến triển rất nhanh dẫn đến các biến chứng nguy hiểm. Bạn biết gì về các biến chứng của bệnh sởi?

    Bệnh sởi là gì?

    Sởi là một trong những căn bệnh truyền nhiễm do virus gây ra với những triệu chứng như sốt, chảy nước mũi, ho, phát ban khắp cơ thể, mắt bị đỏ. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và người lớn khi chưa được tiêm phòng sởi.

    Bệnh sởi có mức độ tử vong ít nhưng sẽ để lại nhiều biến chứng đối với sức khỏe về sau như: tiêu chảy, viêm tai, viêm phổi, viêm não. Các biến chứng thường xảy ra đối với trẻ em bị suy dinh dưỡng.

    Yếu tố rủi ro gây ra bệnh sởi

    Sởi là bệnh phổ biến ở nhiều lứa tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những đối tượng có nguy cơ cao hơn cả, họ là:

    • Trẻ em dưới 5 tuổi
    • Người lớn trên 20 tuổi
    • Phụ nữ mang thai
    • Những người có hệ thống miễn dịch yếu, chẳng hạn như người bị bệnh bạch cầu hoặc nhiễm HIV

    Các triệu chứng thường thấy của bệnh sởi

    Triệu chứng của bệnh sởi

  • Ho khan
  • Sổ mũi
  • Viêm kết mạc
  • Chảy nước mắt
  • Sốt (từ nhẹ đến cao 40,6oC và kéo dài vài ngày)
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Hắt xì
  • Phát ban màu nâu đỏ (xuất hiện khoảng 3-4 ngày sau khi các triệu chứng ban đầu khởi phát. Phát ban thường bắt đầu ở sau tai và lan ra khắp đầu, cổ)
  • Nổi đốm trắng xám bên trong miệng, má và cổ họng
  • Đau nhức toàn thân
  • Bệnh sởi có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, nếu gặp phải những vấn đề sau thì cần đưa người bệnh đến bệnh viện ngay:

    • Các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên tồi tệ hơn
    • Cơn sốt tăng lên trên 38ºC
    • Các triệu chứng khác hết, nhưng sốt vẫn còn

    6 biến chứng của bệnh sởi

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2017, đã có 110.000 ca tử vong do sởi trên toàn thế giới. Trong đó, nguyên nhân tử vong phổ biến nhất ở trẻ em là do biến chứng viêm phổi, còn ở người lớn là viêm não.

    Sau đây là những biến chứng bệnh sởi được ghi nhận tại các cơ sở y tế trong những năm qua:

    Tiêu chảy

    Tiêu chảy là biến chứng sởi phổ biến nhất. Theo thống kê, cứ 12 người nhiễm sởi thì có 1 người bị biến chứng tiêu chảy.

    Nhiễm trùng tai

    Nhiễm trùng tai là một biến chứng phổ biến khác của bệnh sởi. Tỷ lệ mắc phải biến chứng này là 1/14 và chủ yếu xảy ra ở trẻ em.

    Nhiễm trùng tai không chỉ gây khó chịu cho người bệnh mà còn có khả năng dẫn đến mất thính giác vĩnh viễn.

    Viêm phổi

    Cứ 16 người bệnh sởi thì sẽ có 1 người bị biến chứng viêm phổi do virus hoặc vi khuẩn. Viêm phổi cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tử vong vì bệnh sởi ở trẻ em.

    Viêm não

    Nếu có 1.000 người mắc sởi thì sẽ có 1 người bị viêm não cấp tính hoặc sưng não. Biến chứng này thường xuất hiện sau 6 ngày kể từ lúc phát ban sởi. Các triệu chứng của bệnh bao gồm sốt, nhức đầu, cứng cổ, buồn ngủ, nôn, co giật và hôn mê. Số người chết do biến chứng viêm não chiếm 15% trong tổng số người bệnh sởi.

    Biến chứng thai kỳ

    Biến chứng thai kỳ

    Phụ nữ mắc bệnh sởi khi mang thai có nguy cơ chuyển dạ sớm, sẩy thai hoặc con sinh ra bị suy dinh dưỡng nặng.

    Biến chứng lâu dài của bệnh sởi

    Một biến chứng khác của bệnh sởi thường kéo dài nhiều năm kể từ khi người bệnh lần đầu nhiễm sởi, được gọi là viêm màng não do sởi (SSPE), còn có tên khác là bệnh Dawson.

    Viêm màng não do sởi là một dạng hiếm gặp và mạn tính của tình trạng nhiễm trùng dai dẳng do virus sởi. Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh sởi trước khi được tiêm phòng là đối tượng có nguy cơ cao nhất với SSPE.

    Biến chứng này làm thoái hóa hệ thần kinh trung ương của người bệnh, gây ra các triệu chứng như khó suy nghĩ, chậm nói, dễ té ngã, co giật và cuối cùng là tử vong.

    Cách chăm sóc tại nhà cho người bệnh sởi

    • Người bệnh sởi cần được cách ly, tránh luồng gió lạnh. Khi sốt có thể dùng thuốc hạ sốt, nếu dùng kháng sinh phải có chỉ định của bác sĩ.
    • Nâng cao sức đề kháng cho người bệnh bằng chế độ ăn với đầy đủ dưỡng chất cần thiết, giàu vitamin (nhất là vitamin A), đồng thời tăng cường lượng nước nạp vào cơ thể.
    • Người chăm sóc bệnh nhân sởi phải đeo khẩu trang, rửa tay sạch sẽ trước và sau mỗi lần tiếp xúc với người bệnh.
    • Cần giữ vệ sinh thân thể, vệ sinh nhà cửa và môi trường xung quanh, giữ gìn phòng ốc thông thoáng, sạch sẽ.
    • Tránh quan niệm cho bệnh nhân kiêng tắm, kiêng gió sẽ làm cho bệnh thêm trầm trọng.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 28/08/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo