backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

7

Hỏi bác sĩ
Lưu

Bị bệnh dại có chữa được không? Điều trị, phòng ngừa như thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 29/10/2022

    Bị bệnh dại có chữa được không? Điều trị, phòng ngừa như thế nào?

    Đã bao giờ bạn, hoặc người thân của bạn, bị chó dại cắn chưa? Lúc đó bạn xử lý vết cắn thế nào để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh dại? Liệu bệnh dại có chữa được không?

    Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra khi bệnh nhân bị nhiễm virus dại. Để trả lời những vấn đề đó, hãy cùng Hello Bacsi theo chân các chuyên gia để tìm hiểu bệnh dại là gì, cách phòng tránh bệnh dại và làm thế nào để chữa khỏi bệnh dại?

    Thực trạng bệnh dại trong những năm gần đây

    Cứ 15 phút thì có một người chết vì bệnh dại. Đây là thực tế đáng buồn của tình hình bệnh dại trên thế giới hiện nay. Hàng năm, bệnh dại giết chết gần 60.000 người, chủ yếu là trẻ em ở các nước đang phát triển.

    Tại Việt Nam, thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, cả nước đã có 16 ca tử vong vì bệnh dại và trên 170.765 người bị phơi nhiễm phải đi tiêm vaccine phòng bệnh dại. Trước đó, trong cả năm 2018, cả nước cũng có tới 103 người tử vong vì bệnh dại (tăng 29 trường hợp so với năm 2017). Đa phần bệnh dại tại Việt Nam là vì chó nhà nhiễm dại cắn, phần lớn người dân vẫn còn chủ quan vì là vật nuôi trong nhà nên không tiêm phòng đầy đủ.

    Hơn 95% trường hợp nhiễm dại ở người là do vết cắn của chó dại. Tuy nhiên, bệnh có thể được loại bỏ nếu tiêm vaccine kịp thời trước khi bệnh tiến triển xấu đi. Bất cứ khi nào con người bị động vật hoang dã hoặc động vật dại cắn, phải lập tức đến các trung tâm y tế gần nhất để kịp thời tiêm phòng, cứu chữa, ngăn ngừa tử vong xảy ra. Tốt nhất, cần tiêm phòng cho vật nuôi của bạn để tránh lây nhiễm ngay từ những giai đoạn tiềm ẩn ở vật nuôi.

    Cách sơ cứu sau khi bị động vật có nguy cơ mắc bệnh dại cắn

    bệnh dại có chữa được không

    Sau khi bị chó dại tấn công, nạn nhân cần làm theo các bước sau:

    • Cầm máu: Dùng băng gạc hoặc vải sạch cột chặt hoặc dùng tay đè lên vết thương trong vài phút để ngăn máu chảy ra.
    • Làm sạch vết thương: Rửa sạch vết thương bằng nước sạch, xà phòng nhẹ, chất tẩy rửa, iốt Pididone hoặc các chất diệt virus bệnh dại trong 15 phút.
    • Thu thập thông tin về động vật: Thông báo cho sở y tế địa phương hoặc cơ quan kiểm soát động vật về nơi ở của động vật vừa tấn công người. Nếu động vật là thú cưng, hãy lấy thông tin liên hệ của chủ sở hữu, đem động vật đó đi xét nghiệm ngay để xem nó có nhiễm virus dại hay không.
    • Đến các trung tâm y tế, bệnh viện ngay lập tức: Để chữa khỏi bệnh dại, đừng chờ đợi cho đến khi các triệu chứng xuất hiện mới đến gặp bác sĩ. Nếu có thể, hãy mang con vật đã tấn công bạn cùng đến kiểm tra. Bạn cũng cần kiểm tra thường xuyên nếu đang ở trong khu vực bùng phát dịch, vì rất nhiều khả năng bạn bị cắn hoặc cào bởi động vật nhiễm dại mà không biết.

    Giải đáp chi tiết câu hỏi bệnh dại có chữa được không?

    Để trả lời cho câu hỏi: “Bệnh dại có chữa được không?”, điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tuy nhiên, bạn cũng nên tìm hiểu qua cách điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh dại ra sao.

    Nếu có bất kỳ nguy cơ nhiễm bệnh dại, bác sĩ sẽ đề nghị điều trị bằng một loạt mũi tiêm khác nhau và điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP). Bác sĩ cũng sẽ yêu cầu bệnh nhân tiêm kèm thêm globulin để gia tăng tác dụng của vaccine ngừa dại. Vì vậy, cần theo dõi sức khỏe liên tục trong thời gian điều trị bệnh, đừng chủ quan với sức khỏe của bản thân. Nếu bạn đang mang thai, tiêm ngừa bệnh dại là an toàn cho cả mẹ và bé.

    Để chuẩn bị cho việc đến gặp bác sĩ và giúp việc điều trị đạt hiệu quả cao nhất, bạn cần chuẩn bị thông tin cho một loạt câu hỏi sau:

    • Con vật nào cắn bạn?
    • Đó là động vật hoang dã hay thú cưng?
    • Nếu nó là thú cưng, bạn có biết con vật đó thuộc về ai không? Nó đã được tiêm phòng chưa?
    • Bạn có thể mô tả hành vi của động vật trước khi nó cắn bạn không? Có phải con vật bị khiêu khích trước khi cắn người?

    Tiêm phòng bệnh dại ở người

    Tiêm vaccine để phòng ngừa bệnh dại ở người

    Vaccine bệnh dại ở người được dùng để ngăn ngừa trước khi bị phơi nhiễm. Chúng được khuyến nghị cho những người làm ngành nghề có nguy cơ cao như nhân viên phòng thí nghiệm xử lý bệnh dại và virus dại, nhân viên kiểm soát dịch bệnh động vật và kiểm lâm động vật hoang dã, những người tiếp xúc trực tiếp với dơi, động vật ăn thịt hoặc động vật có vú.

    Tiêm phòng cũng được khuyến nghị cho khách du lịch đến các vùng bị ảnh hưởng của bệnh dại, những người dự định dành nhiều thời gian ngoài trời tham gia vào các hoạt động như thám hiểm hang động hoặc leo núi.

    Cuối cùng, tiêm chủng cũng nên được xem xét cho trẻ em sống hoặc đến thăm những khu vực có nguy cơ cao. Khi chơi với động vật, chúng có thể bị cắn.

    Tiêm vaccine để điều trị bệnh dại

    Nếu triệu chứng bệnh dại bắt đầu, không có cách điều trị hiệu quả. Đây là lý do tại sao các bác sĩ tập trung vào việc phòng ngừa và cố gắng ngăn chặn căn bệnh này ngay sau khi một người bị phơi nhiễm.

    Bất cứ ai nghĩ rằng họ đã tiếp xúc với virus bệnh dại phải được chăm sóc y tế ngay lập tức. Khi bị nhiễm virus dại, cần tiêm 2 loại thuốc này càng sớm càng tốt:

  • Globulin miễn dịch bệnh dại: Cung cấp sự bảo vệ ngay lập tức trong khi vaccine ngừa bệnh dại bắt đầu hoạt động.
  • Vaccine bệnh dại: Người nhiễm sẽ được tiêm 4 liều vào các ngày 0, 3, 7 và 14 (ngày 0 là ngày của liều đầu tiên). Những người có hệ miễn dịch yếu được bổ sung một liều vào ngày thứ 28.
  • Tiêm vaccine phòng bệnh cho vật nuôi

    bệnh dại có chữa được không

    Ngoài việc tiêm vaccine cho người nhiễm dại, việc diệt trừ bệnh dại không nhiễm vào vật nuôi là cách duy nhất để chấm dứt sự lây truyền sang người. Nếu như tất cả chó đều được tiêm ngừa dại thì sẽ không còn virus dại từ chó lây sang người nữa.

    Tiêm phòng cho chó là phương pháp được ưa chuộng để kiểm soát và loại trừ bệnh dại trên thế giới. Để phương pháp này đạt hiệu quả, phải có đến 70% số chó ở các khu vực có bệnh dại được tiêm phòng đầy đủ. Vì vậy, mọi người cần nâng cao nhận thức cho nhau, cũng như tham gia tuyên truyền để mọi người cùng hiểu và tiến hành tiêm phòng chó trên khắp nơi.

    Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP)

    Dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) là phương pháp điều trị ngay lập tức cho nạn nhân bị cắn sau khi tiếp xúc với bệnh dại. Phương pháp này ngăn chặn virus xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, gây ra cái chết. PEP bao gồm:

    • Rửa và điều trị tại chỗ vết thương càng sớm càng tốt sau khi bị cắn
    • Tiêm vaccine bệnh dại mạnh và hiệu quả theo tiêu chuẩn của WHO
    • Sử dụng immunoglobulin bệnh dại (RIG) nếu có chỉ định.

    Điều trị ngay sau khi tiếp xúc với bệnh dại có thể ngăn ngừa sự xuất hiện của các triệu chứng và tử vong.

    Quy tắc thực hiện PEP khi bị dại

    Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của việc tiếp xúc với động vật bị nghi ngờ mắc bệnh dại, nên sử dụng PEP như sau:

    • Khi động vật chạm, liếm trên da không gây trầy xước: không cần thực hiện PEP
    • Khi động vật cắn gây ra vết trầy xước nhỏ hoặc trầy xước mà không chảy máu: Tiêm phòng ngay lập tức và điều trị vết thương tại chỗ
    • Vết cắn hoặc vết trầy xước lớn hoặc nhiều vết trầy xước: Tiêm vaccine ngay lập tức và sử dụng immunoglobulin bệnh dại, kèm theo là sơ cứu vết thương.

    Cần cách ly động vật vừa cắn người để quan sát và kiểm tra. Thời gian quan sát là 10 ngày hoặc trong khi chờ kết quả xét nghiệm. Nếu không thể bắt và kiểm tra động vật đó, thì nên hoàn thành một đợt điều trị dự phòng đầy đủ.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Cẩm Quyên · Ngày cập nhật: 29/10/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo