backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Như Thanh Trâm · Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 19/12/2023

    Triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

    Triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì thường không có quá nhiều biểu hiện, nhưng lại có sức ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng học tập, ghi nhớ và sinh hoạt của trẻ.

    Trên hành trình trưởng thành cùng con, đã có mẹ nào cảm thấy con mình càng bước vào tuổi dậy thì sẽ càng đãng trí và kém ngăn nắp hơn chưa? Nếu có thì đừng vội rầy la mà hãy quan sát con thật kỹ, vì có thể bé đã mắc phải triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì rồi đấy. 

    Vậy, hội chứng này có nguy hiểm không? Nguyên nhân dẫn đến các biểu hiện hay quên là gì? Có biện pháp cải thiện chưa? Tất cả sẽ được Hello Bacsi giải đáp tường tận quá bài viết bên dưới. Mẹ nhớ theo dõi nhé! 

    Triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì là như thế nào? 

    Nếu con bạn chỉ quên một vài vấn đề hoặc không thực hiện theo lời dạy bảo của bạn trong một vài lần thì không có gì đáng lo ngại. Vì theo các chuyên gia về nhi khoa, trung bình một đứa trẻ trong độ tuổi dậy thì có thời gian tập trung cao độ trong khoảng 30 phút, nên đôi khi trẻ mất tập trung, hay quên là điều bình thường. Các chuyên gia cũng cho rằng, để trẻ tập trung cao độ trở lại, con cũng cần lượng thời gian tương ứng. 

    Thế nhưng, khi trẻ xuất hiện các vấn đề được liệt kê dưới đây thì có lẽ đã đến lúc bạn nên tham khảo ý kiến ​​​​bác sĩ chuyên khoa, gồm: 

    • Hỏi đi hỏi lại những câu hỏi giống nhau
    • Quên các sự kiện và thông tin gần đây (trong khoảng 3 tháng gần nhất)
    • Không thể nhớ lại thông tin mà trẻ đã nghe hoặc chia sẻ gần đây
    • Thường để quên hoặc thất lạc đồ đạc và mất thời gian tìm kiếm
    • Liên tục bị nhắc nhở hoặc kết quả học tập giảm sút trên trường vì không ghi nhớ được bài học, dù đã học bài rất lâu ở nhà. 

    Điểm mặt 8 nguyên nhân có thể gây giảm trí nhớ ở tuổi dậy thì

    triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì

    Thực tế rất khó để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì, vì có rất nhiều nguyên nhân khiến hoạt động não bộ của trẻ trở nên kém hiệu quả. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ ở phần lớn trẻ em trong độ tuổi dậy thì, gồm: 

    1. Sự thay đổi nội tiết tố

    Tuổi dậy thì là giai đoạn trỗi dậy của nhiều loại hormone như testosterone, estradiol, progesterone và growth hormone (GH- Hormone tăng trưởng). Điều này vừa gia tăng sự kích thích ở não quá mức, khiến não bộ gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, vừa ảnh hưởng đến chức năng ở các phần khác nhau của não như sự tập trung, khả năng lập kế hoạch, khả năng ghi nhớ, cũng như khả năng kiểm soát các hành vi xã hội. Do đó, các triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì được xem là điều không thể tránh khỏi trong giai đoạn phát triển liên tục của não bộ ở thời niên thiếu. 

    2. Thiếu vitamin B12 

    triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì: do thiếu vitamin B12

    Các nghiên cứu cho thấy việc thiếu hụt vitamin B12 có liên quan đến bệnh lý rối loạn nhận thức thần kinh ở trẻ khi bước vào độ tuổi dậy thì và cũng là nguyên nhân phổ biến gây giảm khả năng ghi nhớ tức thời ở trẻ trong độ tuổi thiếu niên. Lý do là vitamin B12 đóng một vai trò quan trọng trong quá trình myelin hóa thần kinh, quá trình tổng hợp chất dẫn truyền thần kinh và sự phát triển chức năng nhận thức của não bộ. Tình trạng thiếu vitamin B12 có thể làm suy yếu các quá trình này và dẫn đến tổn thương thần kinh và giảm trí nhớ. Trẻ có thể bị thiếu vitamin B12 từ trong giai đoạn mang thai do mẹ bị thiếu hụt hoặc trong giai đoạn dậy thì do cơ thể trẻ tăng nhu cầu để đáp ứng sự phát triển. Bên cạnh việc thường xuyên không nhớ bài hoặc để quên đồ đạc, trẻ còn có thể gặp phải những biểu hiện như: 

    • Thiếu máu
    • Cơ thể suy nhược, mệt mỏi
    • Cảm giác tê và ngứa ran ở tay hoặc chân
    • Viêm lưỡi

    Tuy nhiên, hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả cải thiện trí nhớ của việc bổ sung loại vitamin này cho trẻ nếu không được chẩn đoán thiếu hụt vitamin B12. Vì vậy, không khuyến cáo bổ sung vitamin B12 thường quy cho tất cả các bé nếu không thiếu hụt các mẹ nhé!

    3. Thiếu ngủ

    Ngày nay, không khó để bắt gặp các bạn thanh thiếu niên đến trường với đôi mắt mệt mỏi và khó tập trung vào bài giảng, chỉ vì tối qua phải “cày game”, “chat chít” đến khuya và ngủ không đủ giấc. Chính lối sống này đã kéo theo hệ lụy là ngày càng có nhiều bạn trẻ rơi vào tình trạng là cảm thấy bản thân thiếu sức sống và quên trước quên sau.

    Theo các chuyên gia về sức khỏe trẻ em, não bộ của thanh thiếu niên phát triển rất nhanh và giấc ngủ không chỉ mang lại sự khỏe khoắn cho cơ thể, mà còn là thời gian để hồi phục và thúc đẩy khả năng ghi nhớ cho não bộ sau một ngày làm việc, học tập căng thẳng, đặc biệt là quá trình hình thành trí nhớ dài hạn.

    Những dấu hiệu khác gợi ý trẻ thiếu ngủ là thường xuyên ngáp vào ban ngày, mệt mỏi, dễ bực bội, cáu gắt, khó tập trung. 

    4. Thực hiện nhiều nhiệm vụ cùng lúc

    Việc cùng lúc thực hiện quá nhiều hoạt động trong một ngày vừa khiến hiệu suất bị sụt giảm nghiêm trọng, vừa khiến não bộ bị quá tải với quá nhiều thông tin, dẫn đến tình trạng không nhớ nổi những việc cần phải làm.

    5. Sử dụng thiết bị thông minh quá nhiều 

    Một vài nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc sử dụng các thiết bị thông minh như laptop, máy tính bảng hay điện thoại di động nhiều trong thời gian dài, cũng là nguyên nhân khiến não bộ của thanh thiếu niên bị suy giảm trí nhớ ngắn hạn. 

    6. Triệu chứng bệnh lý

    triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì: chứng khó đọc

    Hay quên cũng là biểu hiện của một số bệnh lý có khả năng ảnh hưởng đến não bộ như:

    • Chứng khó đọc: Tình trạng này không chỉ khiến trẻ gặp khó khăn khi học tập mà còn ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của trẻ vị thành niên. 
    • Rối loạn tuyến giáp: Các nghiên cứu cho thấy tình trạng suy giáp có thể ảnh hưởng đến khả năng duy trì trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ tức thời. Nguyên nhân là bởi các hormone tuyến giáp đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động của hệ thần kinh trung ương, bao gồm trí thông minh, khả năng ghi nhớ và hoạt động nhận thức.
    • Trầm cảm: Bệnh lý này có khả năng xuất hiện ở thanh thiếu niên khá nhiều, do nhiều lý do khác nhau như tình trạng sức khỏe, căng thẳng trong cuộc sống hàng ngày, lạm dụng chất gây nghiện hay đơn giản là khi các bé gái bước vào giai đoạn dậy thì. Trầm cảm có thể khiến trẻ suy giảm chức năng điều hành của não bộ, giảm sự chú ý và gặp khó khăn khi ghi nhớ các sự việc ngắn hạn. 
    • U não: Đây là trường hợp rất hiếm gặp, nhưng nếu bé thường xuyên hay quên và kèm theo các triệu chứng như đau đầu dữ dội, co giật, nôn mửa, chóng mặt hoặc thay đổi hành vi,  nói khó, yếu liệt chân tay… thì mẹ cần đưa bé đến bác sĩ để kiểm tra ngay. 

    7. Thuốc

    Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của thanh thiếu niên như thuốc an thần hoặc thuốc chống trầm cảm (paroxetine) do gây buồn ngủ và giảm tập trung. . Các loại thuốc này ban đầu có thể khiến trẻ giảm lo âu và ghi nhớ, tập trung tốt hơn, nhưng theo thời gian thì trở thành tác nhân khiến trẻ suy giảm trí nhớ. Vì vậy, hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn nghi ngờ rằng một loại thuốc mới có thể đang ảnh hưởng đến trí nhớ của con bạn. Các chuyên gia có thể cân nhắc lựa chọn các thuốc thay thế để cải thiện tình trạng này.

    8. Căng thẳng kéo dài

    Các nghiên cứu phát hiện ra rằng những đứa trẻ phải đối mặt với áp lực học tập hoặc áp lực cuộc sống căng thẳng sẽ dẫn đến những thay đổi trong sự phát triển của hạch hạnh nhân và hồi hải mã ở não bộ, đây có thể là nguyên nhân gây ra các triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì. 

    Chứng hay quên ở tuổi dậy thì có nguy hiểm không? Làm thế nào để khắc phục 

    khắc phục triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì

    Thông thường, các chứng hay quên ở tuổi dậy thì không nguy hiểm và trẻ hoàn toàn có thể lấy lại khả năng ghi nhớ như bình thường, cũng như sự tập trung vốn có bằng các biện pháp cải thiện tại nhà. 

    Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, nếu phát hiện trẻ có các dấu hiệu gợi ý bệnh lý có thể gây giảm trí nhớ như đã liệt kê ở trên, các mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được đánh giá, thăm khám. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ chỉ định thực hiện một số xét nghiệm để loại trừ các bệnh lý thần kinh nghiêm trọng có liên quan nếu cần.

    Sau khi xác định bé chỉ hay quên và không có biểu hiện bất thường như đau đầu, nôn mửa, co giật, yếu liệt tay chân  hoặc thay đổi hành vi không kiểm soát, mẹ có thể thử áp dụng các mẹo dưới đây để giúp con cải thiện chứng hay quên của mình: 

    • Cho con nhai kẹo cao su những khi cần tập trung cao độ, để cải thiện sự tập trung của con và giúp con bạn đạt hiệu quả học tập tốt hơn. 
    • Khuyến khích con ngủ đủ 8 – 10 tiếng mỗi ngày để não bộ hoạt động tốt hơn.
    • Rủ con tập luyện các bài tập yoga cải thiện khả năng ghi nhớ, từ đó nâng cao kết quả học tập hoặc ngồi thiền để luyện tập sự tập trung tốt hơn. Một số bài tập thở đơn giản trong yoga cũng có thể giúp con giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tinh thần tốt hơn đấy. 
    • Chia sẻ và giúp con cười nhiều hơn, vì cười có thể giúp giảm hormone cortisol, một loại hormone có thể làm hỏng các tế bào thần kinh và suy giảm trí nhớ.
    • Cùng con luyện tập phương pháp cải thiện khả năng ghi nhớ vẽ nguệch ngoạc – doodling – sử dụng các hình vẽ tượng trưng để mô tả lại kiến thức trong quá trình học tập. 
    • Bổ sung dinh dưỡng cho con để giúp con tăng cường vitamin B12, giúp thúc đẩy não bộ phát triển và giảm nguy cơ bị suy giảm trí nhớ tuổi dậy thì. 
    • Giám sát và giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử như điện thoại, máy vi tính của con.
    • Hỗ trợ con lập kế hoạch học tập, làm việc một cách khoa học và hợp lý.
    • Không quá đặt kỳ vọng và ép buộc con học quá nhiều để đảm bảo trẻ thoải mái, có thời gian nghỉ ngơi giải trí và không bị thiếu ngủ.

    Tóm lại, là cha mẹ, bạn không nên đổ lỗi, khó chịu hay la hét nếu con gặp khó khăn về khả năng ghi nhớ và mắc các triệu chứng hay quên ở tuổi dậy thì. Thay vào đó, hãy ngồi lại trò chuyện cùng con để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa và giúp con cảm thấy không sợ hãi vì sẽ luôn có cha mẹ đồng hành cùng con trên con đường trưởng thành, cũng như phục hồi lại khả năng ghi nhớ như bình thường.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Như Thanh Trâm

    Tâm thần · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 19/12/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo