Lần đầu có kinh nguyệt là cột mốc phát triển rất quan trọng của bé gái ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh ngày nay không tránh khỏi lo lắng về vấn đề trẻ em có kinh nguyệt sớm. Thực chất, đây cũng là một biểu hiện của việc trẻ dậy thì sớm và khiến nhiều cha mẹ bối rối trong việc giáo dục giới tính cho con.
Nếu bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề vì sao trẻ có kinh sớm? Trẻ có kinh lần đầu tiên lúc bao nhiêu tuổi được xem là sớm, bạn nên làm gì để hỗ trợ con thì có thể tham khảo những thông tin được Hello Bacsi tổng hợp trong bài viết sau.
Trẻ có kinh lần đầu tiên khi nào được xem là quá sớm?
Nhìn chung, độ tuổi trung bình của trẻ có kinh nguyệt lần đầu tiên thường là khoảng 10 đến 15 tuổi, phổ biến nhất là khoảng 12 đến 13 tuổi. Tuy nhiên, độ tuổi bắt đầu dậy thì nói chung cũng như độ tuổi lần đầu có kinh nguyệt ở bé gái nói riêng đang có xu hướng ngày càng nhỏ dần. Một số trường hợp bé gái có kinh lần đầu khi mới 8, 9 tuổi hoặc thậm chí sớm hơn sẽ được xem là quá sớm.
Mặc dù việc trẻ em có kinh nguyệt sớm không phải lúc nào cũng là biểu hiện của bất thường về sức khỏe. Tuy nhiên, điều này vẫn có thể gây khó khăn và nhiều rắc rối cho những bé gái còn quá nhỏ. Hơn nữa, nhiều cha mẹ sẽ không tránh khỏi hoang mang, lo lắng khi con dậy thì và có kinh sớm, đặc biệt là khi không rõ nguyên nhân. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn nên đưa con đi khám để nhận được lời khuyên, tư vấn từ bác sĩ về việc chăm sóc, giáo dục giới tính cho trẻ hoặc dùng các biện pháp ngăn chặn dậy thì sớm.
Vì sao trẻ em có kinh nguyệt sớm?
Nguyên nhân khiến trẻ có kinh sớm vẫn còn là vấn đề cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện có đã nghi ngờ một số yếu tố sau đây có thể tăng nguy cơ trẻ có kinh nguyệt sớm:
Chế độ dinh dưỡng, ăn uống
Chế độ ăn uống đầy đủ, giàu dinh dưỡng hiện nay có thể thúc đẩy trẻ dậy thì sớm hay không vẫn là vấn đề gây tranh cãi. Nhiều nghiên cứu cũng cho rằng trẻ uống nhiều nước ngọt có ga, thức uống chứa caffeine, thức uống nhiều đường hoặc chứa chất làm ngọt nhân tạo có thể khiến trẻ dậy thì và có kinh sớm.
Trẻ em có kinh nguyệt sớm liên quan đến béo phì
Trẻ béo phì cũng là một yếu tố dẫn đến dậy thì sớm. Trẻ em có kinh nguyệt sớm liên quan đến béo phì là do chất béo trong cơ thể ảnh hưởng đến cách cơ thể xử lý các hormone như estrogen.
Tiếp xúc với các chất tăng nguy cơ dậy thì sớm
Mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể nhưng vẫn có mối lo ngại về các hóa chất có trong các loại kem dưỡng da hoặc thuốc mà bạn dùng để bôi cho trẻ có thể tác động đến quá trình dậy thì của trẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được cho là khiến trẻ có kinh sớm.
Di truyền
Mặc dù đây không phải là một “thước đo” chính xác về thời điểm trẻ có kinh nguyệt lần đầu nhưng một số nghiên cứu đã phát hiện rằng gene di truyền có thể đóng một vai trò nào đó trong việc trẻ có kinh sớm hay không.
Nhìn chung, các trường hợp trẻ em có kinh nguyệt sớm không phải lúc nào cũng được giải thích rõ nguyên nhân. Do đó, đây vẫn là vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những lý giải đầy đủ hơn.
Các dấu hiệu cho thấy trẻ sắp có kinh nguyệt lần đầu
Mặc dù thời điểm có kinh nguyệt lần đầu thường khác nhau ở mỗi trẻ nhưng về cơ bản, hầu hết bé gái đều có kinh lần đầu trong khoảng 2 đến 3 năm sau khi chồi vú phát triển hoặc từ 6 đến 12 tháng sau khi trẻ bắt đầu tiết dịch âm đạo. Đây là dấu hiệu khá rõ ràng vì chồi vú (một khối nhỏ nổi gồ lên dưới núm vú và quầng vú) rất dễ nhận biết.
Trên thực tế, kỳ kinh nguyệt đầu tiên của trẻ có thể đến bất ngờ nhưng đối với một số trường hợp, trẻ cũng có các triệu chứng sắp “đến tháng” điển hình như:
- Đau bụng, đau lưng
- Chuột rút
- Nổi mụn
- Đầy hơi
- Tâm trạng thay đổi
- Căng ngực, mệt mỏi.
Đối với lần hành kinh đầu tiên, trong khi một số trẻ có máu đỏ tươi thì một số trường hợp trẻ chỉ ra máu lốm đốm màu nâu đỏ. Tuy nhiên, cả hai hiện tượng này đều bình thường. Thêm vào đó, chu kỳ kinh nguyệt ở độ tuổi dậy thì có thể không đều đặn và không thể đoán trước. Thế nhưng, bạn đừng quá lo lắng vì sau khoảng 3 năm kể từ khi “rụng dâu” lần đầu, chu kỳ kinh nguyệt của trẻ sẽ đều đặn hơn.
Trẻ em có kinh nguyệt sớm – Bạn nên làm gì để hỗ trợ trẻ?
Đối với hầu hết bé gái, dù có kinh sớm hay không thì lần đầu tiên ra máu kinh vẫn có thể gây hoang mang, lo sợ và xấu hổ. Vì vậy, điều quan trọng là bạn nên dành thời gian thích hợp để trò chuyện cởi mở, trung thực với trẻ về vấn đề này. Trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu hơn nếu được bạn chia sẻ những thay đổi nào của cơ thể sắp hoặc đang diễn ra.
Song song đó, bạn cũng nên chuẩn bị băng vệ sinh và hướng dẫn trẻ cách sử dụng chúng. Ngoài ra, bạn cũng nên cung cấp thêm một số giải pháp khác nếu cần thiết để giúp trẻ vượt qua “ngày đèn đỏ” hiệu quả hơn, chẳng hạn như cho trẻ dùng thuốc giảm đau, chườm ấm bụng, cách vệ sinh vùng kín…
Đối với vấn đề trẻ em có kinh nguyệt sớm, nhiều phụ huynh không tránh khỏi lo lắng và thắc mắc có nên đưa trẻ đi khám hay không? Thực chất, đây cũng có thể được xem là vấn đề bất thường trong một số trường hợp. Việc trẻ phát triển ngực lúc 7 tuổi và có kinh lúc 9 tuổi chắc chắn sẽ gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của trẻ. Hơn nữa, tiếp xúc với hormone estrogen quá sớm có thể là một yếu tố nhỏ làm tăng nguy cơ ung thư vú. Vì vậy, trong những trường hợp như trẻ phát triển ngực khi mới 7 tuổi hoặc sớm hơn, thậm chí là trẻ có kinh trước 8 tuổi thì bạn nên đưa con đi khám để được bác sĩ tư vấn, hỗ trợ điều trị vấn đề dậy thì sớm ở trẻ nhé!
[embed-health-tool-bmi]