backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Giải đáp thắc mắc: Mụn tuổi dậy thì có tự hết không?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lạc Thị Kim Ngân · Da liễu · Bệnh viện trường Đại học Y Dược Cần Thơ


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/02/2024

Giải đáp thắc mắc: Mụn tuổi dậy thì có tự hết không?

Mụn tuổi dậy thì là một vấn đề da liễu khá phổ biến, thường xuất hiện ở nhiều thanh thiếu niên. Mụn thường xuất hiện nhiều ở mặt, ngực và lưng, gây ảnh hưởng đến tâm lý và sự tự tin của trẻ. Vậy tình trạng mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu và có tự hết không?

Cùng tìm hiểu về các vấn đề xoay quanh tình trạng mụn tuổi dậy thì qua bài viết sau đây nhé.

Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì

Nguyên nhân gây mụn ở tuổi dậy thì

Trước khi tìm hiểu mụn tuổi dậy thì có tự khỏi không, bạn cần phải hiểu rõ các nguyên nhân gây ra tình trạng này. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mụn trong độ tuổi dậy thì, như:

Thay đổi nội tiết tố

Khi bước vào tuổi dậy thì, cơ thể trẻ trải qua nhiều thay đổi nội tiết tố, đặc biệt là sự gia tăng hormone sinh dục và tăng trưởng, hormone androgen. Androgen kích thích tuyến bã nhờn trên da hoạt động mạnh hơn, sản xuất nhiều dầu hơn.

Dầu thừa kết hợp với tế bào chết sẽ làm bít tắc lỗ chân lông, tạo điều kiện cho vi khuẩn P. acnes phát triển, gây ra mụn.

Không vệ sinh da mặt sạch

Quá trình làm sạch da đóng một vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng mụn. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, dầu thừa và bụi bẩn còn lại sẽ gây bít lỗ chân lông, khiến da không thể bài tiết bã nhờn và vi khuẩn dễ dàng xâm nhập, gây viêm nhiễm. Trong trường hợp này, mụn tuổi dậy thì có tự hết không thì câu trả lời sẽ là không cho đến khi bạn biết cách vệ sinh da mặt sạch.

Chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý

Hầu hết trẻ trong độ tuổi dậy thì thường có một chế độ ăn uống và sinh hoạt không khoa học. Việc ăn nhiều đồ cay nóng, dầu mỡ và đồ ngọt có thể làm tăng nguy cơ hoặc làm nặng hơn tình trạng mụn.

Ngoài ra, lối sống “cú đêm” dẫn đến thiếu ngủ, căng thẳng trong học tập cũng có thể gây ra mụn trong độ tuổi này.

Các nguyên nhân khác

Bên cạnh các nguyên nhân chính ở trên, một số nguyên nhân khác cũng gây ra tình trạng mụn trong độ tuổi dậy thì như:

  • Sử dụng mỹ phẩm không phù hợp: Một số loại mỹ phẩm có thể gây bít tắc lỗ chân lông và làm cho mụn nặng hơn.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như corticosteroid có thể gây ra mụn.

Mụn tuổi dậy thì có tự hết không?

Đối với tình trạng mụn nhẹ

Đối với mụn tuổi dậy thì ở mức độ nhẹ thì có tự hết không? Câu trả lời là có. Đa số trường hợp mụn tuổi dậy thì không nghiêm trọng sẽ tự khỏi sau vài tháng hoặc vài năm. Khi trẻ trưởng thành, nội tiết tố trong cơ thể dần ổn định, lượng dầu tiết ra giảm, da sẽ tự cải thiện và mụn sẽ dần biến mất.

Đối với tình trạng mụn nặng

Mụn nặng ở tuổi dậy thì có tự hết không? Câu trả lời có thể không và tình trạng này có thể kéo dài khi trẻ trưởng thành. Những nốt mụn viêm, nhiễm trùng nặng nếu không được xử lý đúng cách sẽ để lại sẹo rỗ và thâm nám. Điều này sẽ ảnh hưởng đến ngoại hình và tâm lý của trẻ.

Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu?

Mụn tuổi dậy thì kéo dài bao lâu

Mặc dù mụn tuổi dậy thì có thể tự hết trong trường hợp nhẹ, nhưng nó sẽ kéo dài bao lâu? Thực tế, một đợt mụn có thể kéo dài khoảng 2 tháng hoặc hơn, tùy thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Mức độ nghiêm trọng của mụn: Mụn nhẹ thường tự khỏi sau vài tháng, trong khi mụn nặng có thể kéo dài lâu hơn.
  • Chế độ chăm sóc da: Chăm sóc da đúng cách có thể giúp đẩy nhanh quá trình tự khỏi của mụn.
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt: Chế độ ăn uống lành mạnh, sinh hoạt khoa học sẽ giúp cải thiện tình trạng da và thúc đẩy quá trình tự khỏi của mụn.
  • Nội tiết tố: Khi nội tiết tố trong cơ thể dần ổn định, da sẽ cải thiện và mụn sẽ dần biến mất.

Bao nhiêu tuổi thì hết mụn dậy thì?

Thực tế, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi này vì mỗi người có một tình trạng da khác nhau. Tuy nhiên, đa số trường hợp mụn tuổi dậy thì sẽ tự khỏi sau khi trưởng thành, khi nội tiết tố trong cơ thể dần ổn định. Ở một số người, mụn có thể kéo dài đến tuổi 20, 30 hoặc thậm chí lâu hơn.

Dấu hiệu sắp hết mụn tuổi dậy thì?

Một số dấu hiệu có thể cho bạn biết mụn sắp hết như:

  • Mụn giảm dần: Không còn mụn mới xuất hiện. Kích thước và mức độ viêm của các nốt mụn cũ giảm dần.
  • Da sáng mịn hơn
  • Da ít tiết dầu và khỏe hơn
  • Da ít bị kích ứng hơn

Mụn tuổi dậy thì có chữa được không?

Vệ sinh da mặt sạch giúp mụn mau khỏi

Mặc dù nhiều người đã biết mụn tuổi dậy thì có tự khỏi không, nhưng họ vẫn thắc mắc không biết có cách nào giúp điều trị hoặc chăm sóc cho tình trạng mụn nhanh khỏi. Sau đây là một số cách chăm sóc da mặt giúp mụn nhanh khỏi và ngăn ngừa mụn tái phát:

1. Vệ sinh da mặt sạch

  • Rửa mặt 2 lần mỗi ngày với sữa rửa mặt dịu nhẹ, phù hợp với da mụn.
  • Không rửa mặt quá nhiều lần trong ngày vì có thể làm da khô và kích ứng.
  • Tẩy trang kỹ vào cuối ngày để loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn và lớp trang điểm.

2. Tẩy tế bào chết

  • Tẩy tế bào chết 1-2 lần mỗi tuần để loại bỏ lớp da chết, giúp da thông thoáng và ngăn ngừa bít tắc lỗ chân lông.
  • Nên sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết dịu nhẹ, phù hợp với da mụn.

3. Dưỡng ẩm da

  • Dưỡng ẩm da 2 lần mỗi ngày để cung cấp độ ẩm cho da, giúp da mềm mại và giảm kích ứng.
  • Nên sử dụng sản phẩm dưỡng ẩm dịu nhẹ, không chứa dầu và phù hợp với da mụn.

4. Sử dụng kem chống nắng

  • Sử dụng kem chống nắng có SPF 30 trở lên để bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, giúp giảm nguy cơ thâm nám sau mụn.
  • Nên sử dụng kem chống nắng dành cho da mụn, không chứa dầu và có khả năng chống nước.

5. Không nặn, sờ, hay cạy mụn

  • Nặn, sờ, hay cạy mụn có thể khiến da bị tổn thương, dẫn đến viêm nhiễm và sẹo rỗ.
  • Nếu có mụn mủ, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được xử lý đúng cách.
  • 6. Chế độ ăn uống lành mạnh

    • Ăn gì để hết mụn tuổi dậy thì? Bạn nên ăn nhiều rau xanh, trái cây và các thực phẩm giàu vitamin A, C, E để giúp da khỏe mạnh.
    • Hạn chế thức ăn cay nóng, nhiều dầu mỡ, đồ ngọt.
    • Uống đủ nước mỗi ngày để giúp da thanh lọc và đào thải độc tố.

    7. Ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái

    Ngủ đủ giấc và giữ tinh thần thoải mái giúp giảm stress, một trong những yếu tố góp phần gây ra mụn.

    8. Sử dụng các sản phẩm trị mụn

    Mụn tuổi dậy thì có chữa được không? Bạn có thể sử dụng các sản phẩm trị mụn bôi ngoài da như benzoyl peroxide, salicylic acid, adapalene… Nên sử dụng sản phẩm theo hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ.

    9. Đi khám bác sĩ da liễu

    Nếu mụn nặng hoặc không cải thiện sau 6-8 tuần điều trị tại nhà, bạn nên đi khám bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp.

    Bạn có thể quan tâm:

    Tóm lại, mụn tuổi dậy thì có tự khỏi không thì câu trả lời là có nếu tình trạng mụn nhẹ. Trong trường hợp mụn nặng, bạn cần đến gặp bác sĩ da liễu để được điều trị đúng cách, tránh các biến chứng nguy hiểm nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lạc Thị Kim Ngân

    Da liễu · Bệnh viện trường Đại học Y Dược Cần Thơ


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 27/02/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo