backup og meta

Giải đáp: Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có sao không?

Giải đáp: Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì có sao không?

Việc xảy ra hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì sẽ khiến nhiều cha mẹ và các bé gái lo lắng, bất an không biết đó có phải là dấu hiệu bất thường về sức khỏe hay không. Nếu trẻ gặp phải hiện tượng này, các mẹ nên đồng hành cùng con, giúp trẻ hiểu rõ về cơ thể và sức khỏe sinh sản.

Sự xuất hiện của kinh nguyệt trong độ tuổi dậy thì là một cột mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển ở nữ giới, báo hiệu khả năng sinh sản đã sẵn sàng. Kinh nguyệt có tính chất định kỳ, diễn ra hàng tháng và sẽ tạm dừng trong lúc mang thai. Tuy nhiên, ở độ tuổi dậy thì các bé gái rất thường gặp tình trạng kỳ hành kinh diễn ra không đều. Nguyên nhân có thể do hoạt động của buồng trứng còn chưa ổn định, nhưng cũng có khi do ảnh hưởng bởi các tác nhân khác. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm các thông tin xoay quanh kinh nguyệt và giải đáp những thắc mắc thường gặp khi kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Khi nào thì bé gái có kinh nguyệt? Chu kỳ kinh nguyệt diễn ra như thế nào? 

Kinh nguyệt là kết quả của quá trình dậy thì và có liên quan đến hormone. Dấu hiệu sắp có kinh lần đầu có thể không rõ ràng ở một số bé. Mặc dù vậy, nhiều trẻ vẫn có những biểu hiện của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) như cảm thấy đầy bụng, tức bụng dưới, đau ngực, thay đổi tâm trạng, nổi mụn…

Khi cơ thể phát triển đến tuổi dậy thì, buồng trứng giải phóng trứng ra ống dẫn trứng và di chuyển xuống tử cung để chuẩn bị cho việc thụ thai nếu gặp được tinh trùng. Chu kỳ kinh nguyệt cũng sẽ bắt đầu vào thời điểm này. Buồng trứng sẽ tăng tiết các nội tiết tố nữ là estrogenprogesterone để khiến niêm mạc tử cung dày lên. Nếu quá trình thụ tinh không diễn ra, trứng cùng với lớp niêm mạc trên thành tử cung sẽ bong tróc và được tống xuất ra ngoài dẫn đến chảy máu qua ngả âm đạo. Máu chảy ra này được gọi là kinh nguyệt.

1. Kinh nguyệt thường xuất hiện vào độ tuổi nào? 

Kinh nguyệt thường xuất hiện vào độ tuổi nào?

Tuổi bắt đầu có kinh nguyệt là khi nào? Phần lớn các bé gái sẽ có kinh lần đầu trong độ tuổi từ 10 – 15, được gọi là tuổi dậy thì. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ có kinh sớm hoặc muộn hơn, điều này phụ thuộc vào sự phát triển của cơ thể. Một số trẻ sẽ dậy thì sớm hơn những người khác trong khi một số khác phải mất nhiều thời gian hơn. Tuy nhiên, nếu sau 16 tuổi mà trẻ vẫn chưa có kinh nguyệt, bạn nên đưa con gái đi khám để chắc chắn rằng cơ thể con đang phát triển bình thường.

2. Chu kỳ kinh nguyệt được tính như thế nào?

Phần lớn các tài liệu đều nói rằng chu kỳ kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 28 ngày. Tuy nhiên, bạn cần nhớ đó chỉ là con số trung bình, không đồng nghĩa với việc nếu con bạn không có chu kỳ kinh nguyệt đúng 28 ngày thì là vấn đề bất thường. Độ dài chu kỳ kinh nguyệt ở mỗi phụ nữ sẽ dao động ngắn hơn hoặc dài hơn khác nhau.

Để con gái biết được đúng chu kỳ kinh nguyệt của mình, bạn hãy yêu cầu trẻ đếm số ngày kể từ ngày đầu tiên có kinh kỳ này cho đến ngày đầu tiên trẻ có kinh vào kỳ hành kinh tiếp theo. Số ngày giữa hai lần hành kinh chính là độ dài chu kỳ kinh nguyệt của con.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì: 5 nguyên nhân cần biết!  

Tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì xảy ra do những nguyên nhân sau:

1. Sự thay đổi của nội tiết tố

Nhiều mẹ thường thắc mắc tại sao trẻ bị trễ kinh ở tuổi dậy thì? Câu trả lời là vì cơ thể trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển, do đó sẽ có rất nhiều sự thay đổi về nội tiết tố trong cơ thể. Sự thay đổi của nội tiết tố nữ ảnh hưởng đến sự đều đặn và lưu lượng máu. Lượng máu chảy mỗi đợt hành kinh cũng có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào số lượng hormone đang được sản xuất trong cơ thể.

2. Có thể là do trẻ đã mang thai

Mặc dù có thể là do sự thay đổi về nội tiết tố nhưng cũng có khả năng trẻ ở độ tuổi dậy thì kinh nguyệt không đều là do con đã mang thai. Dù trẻ có sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục thì hiệu quả của phương pháp này chỉ khoảng 99% và luôn có nguy cơ mang thai ngoài ý muốnNgoài ra, nếu trẻ uống thuốc tránh thai thì việc này cũng chỉ có tác dụng khi uống loại hàng ngày thông thường và uống đúng cách. 

Khi  nghi ngờ, phụ huynh có thể hỗ trợ trẻ kiểm tra bằng các biện pháp phù hợp, nhưng hãy tế nhị và tâm lý. Bạn có thể dẫn trẻ đến gặp và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để tìm hiểu nguyên nhân. 

3. Tập thể dục quá sức

tập thể dục quá sức khiến kinh nguyệt không đều

Tập thể dục quá sức cũng gây tác động tiêu cực đến chu kỳ kinh nguyệt của trẻ vị thành niên. Nếu trẻ thường xuyên tham gia vào các hoạt động thể thao, nhiều khả năng trẻ sẽ không có kinh trong nhiều tháng. Chu kỳ kinh sẽ thay đổi tùy thuộc vào cường độ tập và bài tập mà trẻ đang thực hiện.

Tập thể dục quá sức cũng có thể khiến cho khoảng thời gian hành kinh giảm xuống, tháng trước trẻ có thể có kinh 5 ngày nhưng những tháng này trẻ chỉ chảy máu nhẹ trong khoảng 2 – 3 ngày. Trong một số trường hợp, chu kỳ kinh nguyệt của trẻ có thể ngừng hoàn toàn. Nếu nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì của trẻ là do tập thể dục quá sức, bạn không nên hoảng hốt. Việc trẻ giảm cường độ tập hoặc ngưng tập sẽ sớm cải thiện tình trạng tuổi dậy thì bị chậm kinh.

4. Căng thẳng – nguyên nhân khiến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

Trẻ có thể đang gặp phải căng thẳng về việc học ở trường hoặc bất kỳ vấn đề nào khác. Tình trạng quá căng thẳng về mọi thứ có thể khiến kinh nguyệt của trẻ không đều.

5. Rối loạn ăn uống

Nhiều cô bé tuổi teen trải qua các rối loạn ăn uống như biếng ăn, ăn ói… Nếu trẻ đang bị rối loạn ăn uống, có thể điều này đã ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt của trẻ gây kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Nếu bạn thấy con đang có sự thay đổi về thói quen ăn uống, hãy cẩn thận vì điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến các chức năng cơ thể và gây ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì: Trẻ cần đi khám khi nào? 

kinh nguyệt không đều khi nào cần đi khám

Là một người mẹ, việc bạn cảm thấy lo lắng khi con mình có những dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, thay vì lo lắng quá nhiều, bạn nên đưa trẻ đi khám để xem có vấn đề gì bất thường hay không:

  • Nếu trẻ không có kinh hơn 3 tháng, hãy đưa trẻ đi khám sớm. Trong một số trường hợp tắc kinh nguyệt ở tuổi dậy thì, đây có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang mắc phải một căn bệnh nào đó liên quan đến cơ quan sinh sản.
  • Nếu trẻ vẫn có kinh trong thời gian 3 tháng, vậy bạn không cần phải quá lo lắng. Nhưng nếu chưa yên tâm, bạn và bé có thể đến gặp bác sĩ để hỏi thêm.
Các bậc cha mẹ nên có trách nhiệm giúp trẻ hiểu được những sự thay đổi của cơ thể mà con sẽ trải qua. Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý theo dõi chu kỳ kinh của trẻ khi trẻ có tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì để có thể kịp thời phát hiện ra những bất thường.

Khắc phục tình trạng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì

 Để khắc phục hiện tượng rối loạn kinh nguyệt, trẻ nên làm một số điều sau đây:

  • Tham gia các hoạt động tập thể giúp trẻ thư giãn, tinh thần thoải mái. Việc rèn luyện thể chất sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, nâng cao hệ miễn dịch và sức đề kháng. Việc này sẽ giúp cân bằng nội tiết tố cho cơ thể.
  • Nghỉ ngơi điều độ. Làm việc lao lực, căng thẳng kéo dài sẽ gây ảnh hưởng xấu đến chu kỳ kinh nguyệt. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ tăng cường nghỉ ngơi, thư giãn bằng các hoạt động giải trí nhẹ nhàng. 
  • Tránh thức khuya gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì. Điều này sẽ tác động xấu tới chu kỳ trứng rụng trứng, làm cho cơ thể thiếu sức sống. Ở độ tuổi dậy thì, tốt nhất là các bé gái nên ngủ đủ ít nhất là 7 giờ mỗi ngày. Để đảm bảo trạng thái cân bằng tốt nhất cho cơ thể, việc đi ngủ sớm và ngủ sâu giấc là điều kiện cần thiết để đảm bảo chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn.
  • Bổ sung vào bữa ăn của trẻ các loại thực phẩm giàu vitamin B như cá, thịt bò, trứng, sữa, phô mai…. Đồng thời, cho trẻ ăn nhiều các loại rau và hoa quả, đặc biệt là các loại rau quả có màu đỏ đậm như: cà rốt, cà chua… Giảm thiểu các loại đồ ăn nhiều chất béo, đồ chiên rán, đồ nóng và các loại đồ uống có cồn hay chất kích thích.
  • Bổ sung sắt. Các bậc phụ huynh nên cho trẻ bổ sung viên thuốc sắt trước và sau thời kỳ kinh nguyệt để phòng ngừa đau bụng kinh, hoặc các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra với trẻ. Bên cạnh việc bổ sung sắt, bạn nên cho trẻ sử dụng theo dạng chế phẩm có chứa sắt, dầu mè đen, vitamin B12vitamin E kết hợp với axit folic để khắc phục vấn đề kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì.

Ngoài ra, trong một số trường hợp khác, hãy tìm đến các cơ sở y tế để được thăm khám kịp thời. Nếu hiện tượng kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì kéo dài, gây ra những ảnh hưởng xấu tới cuộc sống và sức khỏe, tốt nhất bạn nên đưa trẻ đến các bệnh viện đa khoa để được thăm khám và có phương pháp điều trị thích hợp.

Kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì và các thắc mắc thường gặp

1. Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là gì? 

Rối loạn kinh nguyệt ở tuổi dậy thì là gì? 

Khi đến tuổi dậy thì, các bé gái hay gặp phải tình trạng rối loạn kinh nguyệt. Với việc chưa có kinh nghiệm, hầu hết các bạn đều tỏ ra lúng túng và lo sợ trước tình trạng này.

Thông thường, kinh nguyệt sẽ xuất hiện lần đầu tiên vào khoảng khi trẻ được từ 10 – 15 tuổi. Tùy vào sự phát triển khác nhau, mốc thời gian này ở từng trẻ sẽ có sự xê dịch chút ít. Tuy nhiên đến thời điểm sau 17 tuổi kinh nguyệt vẫn chưa xuất hiện, đây có thể là dấu hiệu bệnh lý nào đó hoặc rối loạn kinh nguyệt tuổi dậy thì.

Ở tuổi dậy thì, buồng trứng của các bạn gái chưa phát triển đầy đủ. Tình trạng kinh nguyệt không đều đặn xuất phát từ việc cơ thể có nhiều sự biến đổi liên tục. Ngoài ra còn một số yếu tố tác động đến như: sự thay đổi nội tiết tố, chế độ ăn uống không hợp lý, thức khuya, căng thẳng trong học tập…

2. Bé gái tuổi dậy thì có kinh 2 ngày rồi hết có sao không? 

Thời gian có kinh và lượng máu kinh xuất hiện ở mỗi đợt hành kinh có thể không đều đặn, giống nhau. Những lần có kinh nguyệt đầu tiên ở tuổi dậy thì, trẻ thường ra một ít máu kinh, đôi khi chỉ là một vài vết màu nâu đỏ nhìn thấy trên quần lót hay băng vệ sinh. Đồng thời, thời gian hành kinh cũng ngắn ngày, khoảng 2 – 3 ngày. Điều này không có gì bất thường.

Sau khi cơ thể ổn định, thời gian có kinh nguyệt có thể sẽ kéo dài và lượng máu kinh ra nhiều hơn. Thời gian có kinh nguyệt kéo dài từ 2 đến 7 ngày là bình thường.

2. Bị trễ kinh 1 tháng tuổi dậy thì có sao không?

Tình trạng trễ kinh 1 tháng ở tuổi dậy thì là hiện tượng bình thường vì cơ thể ở tuổi dậy thì vẫn chưa hoàn thiện. Ở độ tuổi này, nội tiết tố nữ chưa ổn định nên chu kỳ kinh nguyệt có thể không đều. Bé có thể bị trễ kinh 1 tuần, 2 tuần hay thậm chí là 1 tháng.

Tuổi dậy thì là giai đoạn mà kinh nguyệt của trẻ thường xuyên bị rối loạn, điều đó có nghĩa là chu kỳ kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì rất dễ xảy ra. Trung bình, lần có kinh thứ hai của trẻ sẽ đến trong vòng 35 – 40 ngày kể từ ngày đầu tiên mà trẻ có kinh lần đầu.

3. Trẻ bị trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?

Trẻ bị trễ kinh 2 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?

Trong một số trường hợp, có thể phải mất đến một hoặc hai tháng thì trẻ mới có kinh lần thứ 2 sau kỳ kinh lần đầu. Mặt khác, khoảng thời gian hành kinh ở mỗi tháng cũng sẽ khác nhau. Đôi khi, trẻ chỉ có kinh trong khoảng 2 – 3 ngày trong một tháng, trong khi những tháng khác trẻ có kinh đến 5 – 7 ngày. Tất cả những điều này là bình thường vì cơ thể của trẻ vẫn còn đang phát triển và có rất nhiều thay đổi đang diễn ra bên trong.

Trong giai đoạn dậy thì, trẻ sẽ trải qua nhiều thay đổi trong cơ thể, điều này cũng có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt theo những cách khác nhau.

4. Trễ kinh 3 tháng ở tuổi dậy thì có sao không?

Tuổi dậy thì chậm kinh 3 tháng có sao không? Trường hợp này thì mẹ nên theo dõi chặt chẽ thêm một thời gian để xem xét tình hình kinh nguyệt không đều ở tuổi dậy thì của trẻ có khả quan hơn không. Nếu sau đó bạn vẫn thấy trẻ bị chậm kinh hơn 3 tháng ở tuổi dậy thì, hãy đưa trẻ đi gặp bác sĩ để được kiểm tra, xác định nguyên nhân.

Tình trạng chậm trễ kinh này có thể do một số vấn đề y khoa (mất cân bằng nội tiết tố) và yếu tố lối sống (căng thẳng, vận động quá mức hoặc tăng/ giảm cân quá nhiều). Bác sĩ sẽ tìm hiểu nguyên nhân để tư vấn cách điều trị phù hợp nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Menstrual Disorders in Teens https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/genitourinary-tract/Pages/Menstrual-Disorders.aspx Ngày truy cập 08/02/2025

Menstruation and its disorders in adolescence https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/6764754/ Ngày truy cập 08/02/2025

Menstruation in Girls and Adolescents: Using the Menstrual Cycle as a Vital Sign https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/committee-opinion/articles/2015/12/menstruation-in-girls-and-adolescents-using-the-menstrual-cycle-as-a-vital-sign Ngày truy cập 08/02/202

Irregular Periods https://kidshealth.org/en/teens/irregular-periods.html Ngày truy cập 08/02/2025

Abnormal Menstruation (Periods): Types, Causes & Treatment https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/14633-abnormal-menstruation-periods Ngày truy cập 08/02/2025

Phiên bản hiện tại

20/02/2025

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 8 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo