backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

4 sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng khiến con bạn thấp bé hơn bạn bè cùng trang lứa

Tham vấn chuyên môn: Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn · Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Viện Y học ứng dụng Việt Nam (VIAM)


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/06/2023

    4 sai lầm trong chăm sóc dinh dưỡng khiến con bạn thấp bé hơn bạn bè cùng trang lứa

    Trong các yếu tố quyết định chiều cao, chế độ dinh dưỡng chiếm 32% và là yếu tố đóng vai trò quan trọng nhất [1]. Do đó, nếu ba mẹ chăm sóc dinh dưỡng cho không đúng, nhất là trong những giai đoạn “vàng” phát triển chiều cao, bé sẽ có nguy cơ mất đi cơ hội đạt được chiều cao đạt chuẩn, thậm chí còn có thể thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa.

    Trong bài viết dưới đây, Hello Bacsi sẽ chỉ ra 4 sai lầm thường gặp trong chăm sóc dinh dưỡng khiến con thấp bé hơn bạn bè. Bạn hãy cùng theo dõi để xem mình có “phạm” những sai lầm này không nhé!

    1. Chế độ ăn kém đa dạng, chỉ cho trẻ ăn những món mình thích

    “Con nít” thường chỉ thích ăn những món mình thích, còn những món mình ghét thì các bé ít khi “ngó ngàng”. Tuy nhiên, nếu chỉ vì thấy bé thích, bé ăn nhiều mà bạn cứ “chiều” theo bé, chỉ cho bé ăn mãi những món đó thì không nên. Nguyên nhân là do việc chỉ ăn mãi những món bé thích sẽ khiến chế độ ăn của bé kém đa dạng. Trong khi đó, nếu muốn phát triển tốt cả về thể chất lẫn trí tuệ, bé sẽ cần một chế độ ăn cân đối, khoa học và đa dạng [2].

    Nếu muốn con tăng trưởng tốt, phát triển chiều cao tối đa, bạn sẽ cần cho bé ăn đa dạng các món, chế độ ăn của bé cần có ít nhất 5/8 nhóm thực phẩm sau [2]:

    1. Lương thực, ngũ cốc (gạo, ngô, khoai, sẵn…)
    2. Sữa và các thực phẩm từ sữa như sữa chua, pho mát…
    3. Nhóm trái cây và rau củ có màu vàng cam, xanh đậm
    4. Trái cây và rau củ khác
    5. Các loại hạt
    6. Thịt các loại và thủy hải sản 
    7. Nhóm trứng và các sản phẩm từ trứng
    8. Dầu ăn và mỡ 

    Ngoài ra, bạn cũng nên “giảm tần suất” để bé ăn các món nhiều đường, nhiều chất béo chuyển hóa, nhiều muối như bánh, kẹo, gà rán, khoai tây chiên, pizza, thực phẩm chế biến sẵn… [3]. Đây là những món có thể đưa đến nhiều vấn đề sức khỏe có thể “âm thầm đánh cắp” chiều cao của trẻ. Do đó, dù bé có thích những món này đến đâu thì mẹ cũng đừng quá “chiều” con nhé!

    2. Ép trẻ ăn và bắt trẻ ăn quá nhiều

    chăm sóc dinh dưỡng

    Trong quan niệm của nhiều bậc cha mẹ, con “mũm mĩm” mới là khỏe. Điều này khiến nhiều người có xu hướng ép trẻ ăn và bắt trẻ ăn quá nhiều. Tuy nhiên, hành động này lại có thể đưa đến nhiều hậu quả tiêu cực như [4], [5]:

    • Trẻ có thể sợ ăn, không thích ăn, không muốn ăn. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến biếng ăn, bé có thể bị kém hấp thu, suy dinh dưỡng và có thể ảnh hưởng đến tầm vóc sau này.
    • Trẻ có nguy cơ thừa cân, béo phì: Việc ép trẻ ăn, bắt trẻ ăn quá nhiều có thể khiến trẻ mất đi cơ hội học được cách nhận biết tín hiệu đói và no của cơ thể. Hậu quả là trẻ có thể không biết kiểm soát lượng thức ăn phù hợp, về lâu dài trẻ có thể thừa cân, béo phì.

    Nếu muốn con tăng cân khỏe mạnh, phát triển chiều cao tốt, thay vì ép trẻ ăn hay bắt trẻ ăn quá nhiều, mẹ nên cho trẻ ăn theo các bí quyết sau [4], [6]: 

  • Cho trẻ ăn đủ 3 bữa chính (sáng – trưa – chiều) và 2 bữa phụ
  • Đảm bảo thực đơn dinh dưỡng ở mỗi bữa: Bữa chính cần đảm bảo đủ 5/8 nhóm thực phẩm kể trên, bữa phụ có thể cho trẻ ăn món lành mạnh như sữa, sữa chua, trái cây, ngũ cốc… Nên ưu tiên cho trẻ uống sữa.
  • Không ép buộc, la mắng nếu trẻ chia sẻ với bạn rằng mình đã no và không muốn ăn tiếp.
  • Không để trẻ bỏ bữa sáng vì đây là bữa ăn chính cung cấp năng lượng cho trẻ học tập và hoạt động cho một ngày mới. Trẻ bỏ hoặc ăn sáng không đầy đủ có thể dẫn đến hạ đường huyết và về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thể chất.
  • 3. “Lơ là” với tình trạng trẻ biếng ăn

    chăm sóc dinh dưỡng

    Theo nhiều tài liệu cho thấy, trẻ nhỏ sẽ phát triển chiều cao nhiều nhất trong 3 năm đầu đời và trong giai đoạn dậy thì. Ở năm đầu tiên, bé sẽ tăng 25 cm, 2 năm kế tiếp mỗi năm bé tăng 10cm, sau 4 tuổi, mỗi năm bé tăng trung bình 5 – 6cm cho đến khi dậy thì. Khi bước vào giai đoạn dậy thì, sẽ có 1 – 2 năm chiều cao bé tăng vọt 8 – 12cm mỗi năm [6]. 

    Như vậy, có thể thấy, những năm đầu đời và cho đến khi dậy thì xong là những giai đoạn “vàng” bé phát triển chiều cao rất nhanh. Vì vậy, nếu ở giai đoạn này bé biếng ăn, mà ba mẹ không kịp thời quan tâm, để ý thì sẽ rất dễ “bỏ lỡ” các giai đoạn phát triển chiều cao này và khiến bé khó đạt được chiều cao đạt chuẩn khi trưởng thành. 

    Do đó, khi chăm sóc bé, nếu phát hiện con có biểu hiện biếng ăn, mẹ sẽ cần can thiệp với một số biện pháp sau [7]:

    • Xây dựng thực đơn với đa dạng các thức ăn và trình bày bữa ăn đẹp mắt để khuyến khích bé ăn.
    • Không ép buộc, dọa dẫm để ép bé ăn cho bằng được vì như vậy càng khiến bé sợ ăn hơn
    • Không cho bé ăn lâu hơn 30 phút. Nếu bạn sợ bé đói, không đủ chất, bạn có thể cho bé ăn thêm các bữa phụ hoặc khuyến khích bé uống thêm sữa.
    • Chia nhỏ khẩu phần ăn hàng ngày của con thành những bữa nhỏ
    • Luôn cho trẻ ăn đúng giờ và cho trẻ ăn cùng gia đình
    • Không cho trẻ uống quá nhiều nước trước và trong khi ăn. Ngoài ra, trước bữa ăn cũng không nên cho trẻ ăn vặt vì như vậy sẽ khiến trẻ no và không muốn ăn bữa chính 
    • Khuyến khích bé vận động, chơi thể thao vì việc này sẽ giúp bé tiêu hao nhiều năng lượng. Bé sẽ có cảm giác đói và ăn ngon hơn.

    4. Lựa chọn cho trẻ loại sữa không phù hợp

    Muốn con phát triển chiều cao tốt, canxi là một trong những dưỡng chất quan trọng hàng đầu mà ba mẹ cần bổ sung cho con. Bởi canxi là thành phần chiếm đến 99% trong xương và răng, có thể giúp xương phát triển vững chắc và từ đó, giúp trẻ phát triển chiều cao tối ưu. Canxi có thể được hấp thu thông qua thực phẩm và sữa là một trong những thực phẩm giúp cơ thể hấp thu tốt nhất [6]. Do đó, nếu ba mẹ chọn sữa không phù hợp, khiến bé không nhận đủ canxi trong giai đoạn phát triển thì bé sẽ có nguy cơ thấp bé hơn các bạn cùng trang lứa.

    Theo khuyến cáo, trẻ từ 4 đến 8 tuổi sẽ cần 600 mg canxi/ngày, trẻ 9 đến 18 tuổi cần khoảng 1000 mg canxi/ngày vy [8]. Với hàm lượng này, khi chọn sữa cho con, bạn sẽ cần chọn cho con những loại sữa có hàm lượng canxi cao.  

    Hiện trên thị trường có nhiều sản phẩm sữa với hàm lượng canxi khác nhau, khi lựa chọn, bạn sẽ cần xem kỹ thành phần này. Bạn nên ưu tiên chọn những sản phẩm được bổ sung gấp đôi canxi. Cụ thể, dù chỉ cần uống 1 hộp sữa 180 ml mỗi ngày nhưng với thức uống sữa lúa mạch hay sữa socola có chứa lượng canxi x2 so với một ly sữa bò tươi 250 ml có thể đáp ứng tối đa nhu cầu canxi mà trẻ cần để nâng cao tầm vóc. Ngoài ra, loại sữa mà bạn chọn cũng nên chứa các loại vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin D, vitamin A, vitamin B1, vitamin B3, vitamin B6, vitamin B12, vitamin E, pantothenic acid, natri và magie vừa giúp trẻ có đủ năng lượng cho ngày dài học tập, vui chơi mà còn phát triển vượt trội về chiều cao.

    Để con phát triển chiều cao tối ưu, việc chăm sóc dinh dưỡng đúng cách cho bé đóng vai trò rất quan trọng. Ba mẹ hãy cố gắng xây dựng cho con một thực đơn đa dạng với nhiều các món ăn thuộc nhiều nhóm thực phẩm khác nhau. Đồng thời, đừng quên chọn cho bé một loại sữa có hàm lượng canxi phù hợp để đáp ứng lượng canxi mà bé cần nhằm phát triển chiều cao tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn chuyên môn:

    Tiến sĩ - Bác sĩ Trương Hồng Sơn

    Dinh dưỡng và Chế độ ăn uống · Viện Y học ứng dụng Việt Nam (VIAM)


    Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 09/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo