backup og meta

Hỏi đáp Bác sĩ: Trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không, có bị thấp lùn không?

Hỏi đáp Bác sĩ: Trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không, có bị thấp lùn không?

Bạn đọc hỏi 

Chào bác sĩ, 

Con em được 1 tuổi nửa tháng, bé thường xuyên ngủ muộn, dù tối nào vợ chồng em cố gắng cho con đi ngủ sớm. Bác sĩ cho em hỏi trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không, có bị thấp lùn không? Làm thế nào để con có thể đi ngủ đúng giờ và đủ giấc ạ? 

Ngọc Hoàn Ngô, Thới Lai, Cần Thơ

Bác sĩ trả lời

Chào bạn Ngọc Hoàn Ngô,

Với câu hỏi trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không, có bị thấp lùn không, cách khắc phục giúp trẻ có thể đi ngủ đúng giờ và đủ giấc, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Nhi của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex Bình Dương, từng công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 giải đáp như sau:

1. Trẻ từ 1 – 3 tuổi ngủ bao nhiêu là đủ?

Trẻ mới biết đi cho đến 3 tuổi sẽ có tổng thời gian ngủ từ 12 đến 14 giờ mỗi ngày. Giấc ngủ trưa của trẻ giảm so với trẻ sơ sinh và thường chiếm khoảng 1 – 3 giờ ngủ hàng ngày. Việc trẻ có hai giấc ngủ ngắn mỗi ngày (có thể vào buổi sáng và chiều) là bình thường khi bắt đầu giai đoạn này, nhưng không có gì lạ khi trẻ mới biết đi chỉ chợp mắt vào buổi chiều. Trẻ thường đi ngủ vào khoảng từ 7 giờ tối đến 9 giờ tối và thức dậy trong khoảng từ 6 – 8 giờ sáng hôm sau. 

2. Những yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ 

Có một giấc ngủ chất lượng được định nghĩa là có “cảm giác dễ chịu” sau khi thức dậy. Chất lượng giấc ngủ không đủ dẫn đến tình trạng thiếu ngủ, ảnh hưởng đến phát triển và sức khỏe của trẻ, nhất là ở hệ thần kinh trung ương. Một số yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ở trẻ em bao gồm di truyền, thói quen ngủ, vấn đề y tế, yếu tố từ cha mẹ/người chăm sóc, thời gian sử dụng thiết bị và môi trường sống của trẻ.

  • Yếu tố di truyền: Gene có thể tác động trực tiếp đến giấc ngủ hay gián tiếp qua ảnh hưởng đến các bệnh liên quan đến di truyền như hen suyễn, viêm mũi dị ứng hoặc chàm. Trẻ em kiểm soát kém các tình trạng này có chất lượng giấc ngủ không hiệu quả do các triệu chứng dai dẳng mà các bé gặp phải trong khi ngủ.  
  • Vai trò của cha mẹ/người chăm sóc: Cha mẹ không chỉ chăm sóc thể chất mà còn hỗ trợ tinh thần cho con cái. Hành động của cha mẹ rất quan trọng trong việc quản lý hành vi, thói quen ngủ của con. Cha mẹ nên tập vệ sinh giấc ngủ tốt cho con càng sớm càng tốt và tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc ngủ. Ngoài ra, bản thân cha mẹ hay người chăm sóc nếu có bệnh lý, các vấn đề về giấc ngủ và tinh thần có thể gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. Đã có nghiên cứu cho thấy cha mẹ bị trầm cảm có thể dẫn đến việc trẻ thiếu ngủ. 
  • Vấn đề bệnh lý: Ở trẻ em bị bệnh cấp tính, tầm ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của trẻ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thường xảy ra tạm thời. Hầu hết các trẻ sẽ ngủ ngon khi hết bệnh cấp tính. Một số thay đổi ở những cột mốc phát triển như biết đi, mọc răng… cũng có thể làm trẻ khó ngủ. Bên cạnh đó, cha mẹ nên xổ giun cho trẻ ngay từ lúc 1 tuổi vì một số loài giun hoạt động về đêm có thể khiến trẻ khó chịu. 
  • Xây dựng các thói quen ngủ tốt: Các thói quen ngủ tốt bao gồm tránh các hoạt động tích cực và kích thích trước khi ngủ, giảm thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử, chỉ sử dụng giường để ngủ, tuân thủ giấc ngủ và thời gian thức dậy nhất quán, môi trường ngủ phù hợp độ tuổi sẽ giúp trẻ tự nhận thức giờ nào việc đó. Việc cho trẻ ngủ ban ngày quá nhiều sẽ khiến trẻ đi ngủ muộn hơn vào ban đêm. 

Cha mẹ có thể giúp trẻ đi ngủ đúng giờ và đủ giấc bằng cách:

trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không

  • Tạo cho trẻ một thói quen đi ngủ nhất quán: Nếu trẻ muốn đi chơi, cần chú ý mức độ hoạt động vừa phải và hạn chế thời gian, nếu không trẻ có nguy cơ bị kích thích quá mức dẫn đến khó ngủ. Có thể bắt đầu những thói quen đơn giản, ngắn gọn bằng cách tắm cho trẻ vào buổi tối, đọc sách/kể chuyện hoặc hát bài hát ru yêu thích trước khi đi ngủ. Nếu thói quen trước ngủ quá phức tạp hoặc mất quá nhiều thời gian, trẻ có thể thấy mệt mỏi và khó thích nghi hơn. Hãy làm theo cùng một lịch trình mỗi tối, ngay cả khi bạn vắng nhà nếu có thể. Bé sẽ sớm hiểu được rằng sau khi tắm nước ấm, masage nhẹ nhàng, mặc bộ đồ ngủ và nghe một bài hát hay câu chuyện êm đềm, bé cần phải đi ngủ. Việc này cũng có thể áp dụng với giấc ngủ ngắn ban ngày.
  • Giảm bớt giấc ngủ ngắn ban ngày: Nếu trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày thì điều này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ ban đêm. Bạn nên đánh thức trẻ dậy trước 3 giờ chiều, để có thới gian vui chơi, trẻ đủ mệt khi đến giờ đi ngủ ban đêm. Bạn có thể bỏ giấc ngủ ngắn buổi sáng của trẻ khi bạn nghĩ rằng thời điểm thích hợp đã đến. Con bạn có thể nhanh chóng thích nghi với thói quen mới hoặc có thể quấy khóc vài ngày trước khi quen với giấc ngủ dài hơn vào buổi chiều. Bạn có thể thử xen kẽ giữa các ngày có 2 giấc ngủ ngắn và 1 giấc ngủ ngắn ban ngày đến khi trẻ thích nghi hoàn toàn, tùy thuộc vào lượng giấc ngủ của trẻ vào đêm hôm trước. 
  • Tạo môi trường ngủ an toàn và thích hợp: Hãy đảm bảo nhiệt độ phòng thích hợp, sử dụng rèm tối màu hoặc đèn ngủ có ánh sáng mờ, giữ phòng ngủ yên tĩnh hoặc mở tiếng ồn trắng để ngăn bớt âm thanh bên ngoài. Chọn nơi ngủ và thời gian ngủ cố định. Tránh việc cho trẻ dùng bất kỳ chất kích thích nào trước khi ngủ, không dùng các thiết bị điện tử hay xem ti vi và tránh các thức ăn giàu đường, cà phê… trước lúc ngủ.

3. Trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không, có bị thấp lùn? Những tác động tiêu cực của việc trẻ bị thiếu ngủ là gì? 

trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không

Trẻ ngủ muộn có ảnh hưởng gì không, có bị thấp lùn, có ảnh hưởng gì không? Câu trả lời là nếu trẻ ngủ muộn có thể sẽ ngủ không đủ giấc có thể ảnh hưởng đến chậm phát triển hệ thần kinh cũng như các cơ quan quan trọng khác trong cơ thể.

Theo Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP), 1/4 trẻ em dưới 5 tuổi không ngủ đủ giấc. Điều này có liên quan đến bệnh viêm mũi dị ứng và các vấn đề với hệ thống miễn dịch, nguy cơ tim mạch như béo phì, tiểu đường và tăng huyết áp. Các rối loạn tâm lý cũng được ghi nhận như lo lắng và trầm cảm, dễ cáu kỉnh và hiếu động – triệu chứng giống bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD). Tình trạng buồn ngủ cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng chú ý của con bạn.

Giai đoạn dưới 6 tuổi là lúc trẻ học hỏi, tò mò và phát triển nhiều kỹ năng quan trọng. Về lâu dài, việc trẻ ngủ muộn và thiếu ngủ có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ do chất lượng giấc ngủ kém. Bởi vì giấc ngủ của trẻ có liên quan đến hormone tăng trưởng. Hormone tăng trưởng được tiết ra suốt cả ngày. Nhưng đối với trẻ em, giai đoạn hormone hoạt động mạnh nhất là ngay sau khi bắt đầu giấc ngủ sâu vào buổi tối. Nếu thường xuyên ngủ quá ít hoặc ngủ muộn, hormone tăng trưởng sẽ bị ức chế và nguy cơ thấp lùn có thể xuất hiện. 

Bạn có thể xem thêm các bài viết: 

Giờ đi ngủ lý tưởng cho trẻ em theo độ tuổi và thời gian thức giấc của bé 

Có nên cho trẻ ngủ lúc chiều tối? 7 lợi ích bất ngờ cho não bộ và sức khỏe của bé 

Trân trọng!

Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

[embed-health-tool-child-growth-chart]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How Much Sleep Do Babies and Kids Need?

https://www.sleepfoundation.org/children-and-sleep/how-much-sleep-do-kids-need Ngày truy cập 04/8/2022

Factors Affecting the Quality of Sleep in Children

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7915148/#:~:text=Several%20factors%20affect%20sleep%20quality,are%20inter%2Drelated%20and%20dynamic. Ngày truy cập 04/8/2022

Healthy Sleep Habits for Babies and Toddlers

https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/health-wellness-and-safety-resources/helping-hands/healthy-sleep-habits-for-infants-and-toddlers Ngày truy cập 04/8/2022

Children and Sleep | Sleep Foundation

https://www.sleepfoundation.org/children-and-sleep Ngày truy cập 04/8/2022

Establishing good sleep habits: 12 to 18 months

https://www.babycenter.com/toddler/sleep/establishing-healthy-sleep-habits-12-to-18-months_7682  Ngày truy cập 04/8/2022

How Much Sleep Do Children Need?

https://www.webmd.com/parenting/guide/sleep-children Ngày truy cập 04/8/2022

Phiên bản hiện tại

08/08/2022

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Tổng hợp cách nấu cơm nát cho bé tập ăn


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 08/08/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo