Đái dầm là rắc rối phổ biến ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh đái dầm ở trẻ em không khó chữa nếu bạn biết được một số bí quyết hữu ích trị đái dầm cho trẻ.
Bạn đang cảm thấy rất bực bội vì hôm nay lại phải giặt chăn cho bé bởi đêm qua bé lại đái dầm. Mặc dù trẻ đã lớn nhưng tình trạng đái dầm vẫn thường xảy ra. Tuy giận bé nhưng chắc hẳn mẹ cũng đang rất lo lắng về chứng bệnh trẻ hay đái dầm. Để hiểu rõ hơn về nguyên nhân và cách trị bệnh đái dầm ở trẻ em, hãy cùng Hello Bacsi theo dõi những chia sẻ dưới đây.
Bệnh đái dầm ở trẻ em là gì?
Đái dầm là hiện tượng tiểu không tự chủ vào ban đêm, nghĩa là trẻ đi tiểu trong khi ngủ mặc dù không hề có ý định này. Tình trạng này thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi.
Thực tế, bệnh đái dầm ở trẻ em không phải là dấu hiệu của vấn đề trong việc tập đi vệ sinh. Đây chỉ là một phần điển hình trong quá trình phát triển của trẻ. Nhìn chung, nếu trẻ dưới 7 tuổi đái dầm thì thường không phải là vấn đề đáng lo ngại. Ở tuổi này, bé vẫn có thể đang phát triển khả năng kiểm soát bàng quang vào ban đêm.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, trẻ hay đái dầm có thể xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa nào đấy, chẳng hạn như vấn đề về tâm lý, bất thường ở thần kinh… Do đó, việc tìm hiểu và giải thích hiện tượng đái dầm ở trẻ em là điều rất quan trọng.
Phân loại bệnh đái dầm ở trẻ em
Bệnh đái dầm ở trẻ em thường được chia làm hai loại:
- Đái dầm tiên phát: là tình trạng bé đái dầm từ bé đến lớn và liên tục. Đây là kiểu đái dầm thường gặp ở trẻ.
- Đái dầm thứ phát: là tình trạng bé không đái dầm trong một khoảng thời gian (ít nhất là 6 tháng), nhưng sau đó lại mắc chứng đái dầm.
Nguyên nhân gây ra bệnh đái dầm ở trẻ em
1. Nguyên nhân của chứng đái dầm tiên phát
Đái dầm tiên phát là một dạng đái dầm khá phổ biến ở trẻ nhỏ. Phần lớn trẻ nhỏ sẽ không đái dầm khi được 3–5 tuổi. Tuy nhiên, có một số bé lớn hơn vẫn còn đái dầm. Thậm chí, có những bé ở độ tuổi từ 10 – 15 mà vẫn bị bệnh đái dầm ở trẻ em. Nguyên nhân đái dầm ở trẻ em thường là do:
- Bé chậm phát triển các kỹ năng cần thiết khiến đái dầm xuất hiện. Khi bàng quang đầy và không thể giữ nước tiểu cho đến sáng, nó sẽ gửi tín hiệu đến não để bé thức dậy và đi vệ sinh. Tuy nhiên, một số bé vẫn chưa học được kỹ năng này nên không thể kiểm soát được bàng quang, dẫn đến tình trạng đái dầm.
- Ngủ sâu cũng là một lý do vì sao trẻ em hay đái dầm. Khi bé ngủ quá sâu, não sẽ bỏ lỡ tín hiệu khi bàng quang đầy.
- Thói quen không tốt khi tắm cũng là nguyên dẫn đến tình trạng đái dầm. Khi tắm, bé mải mê chơi đùa mà quên mất việc đi “tè”. Do đó, bé thường hay mắc tiểu vào ban đêm.
- Cơ thể không sản xuất đủ hormone khiến bé đái dầm thường xuyên. Hormone chống lợi tiểu (ADH) có tác dụng ngăn cơ thể tạo ra nước tiểu vào ban đêm. Nếu cơ thể bé không sản xuất đủ hormone này thì cơ thể sẽ tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Nếu bé chưa học được cách kiểm soát bàng quang thì điều này sẽ dẫn đến tình trạng đái dầm.
- Do bất thường về mặt sinh lý, những dị tật bẩm sinh của bàng quang có thể gây bệnh đái dầm ở trẻ em.
- Đái dầm tiên phát thường mang tính di truyền. Nếu cha và mẹ từng đái dầm khi nhỏ thì nguy cơ đái dầm của con cái là 44%. Tỷ lệ này giảm còn 14% nếu không ai trong cha mẹ từng đái dầm.
2. Nguyên nhân của chứng đái dầm thứ phát
Đái dầm không chỉ là chứng bệnh của trẻ nhỏ mà đôi khi chứng bệnh này còn xuất hiện ở thanh thiếu niên. Nguyên nhân bệnh đái dầm ở trẻ em thứ phát là do:
- Bàng quang quá nhỏ khiến khả năng giữ nước tiểu suốt đêm cũng thấp hơn những người khác. Ngoài ra, co thắt cơ bàng quang cũng là một nguyên nhân khiến nhiều người mất khả năng kiểm soát bàng quang.
- Sự thay đổi hormone tuổi dậy thì: Khi bước vào tuổi dậy thì, các bé thường có rất nhiều sự thay đổi về hormone làm ảnh hưởng đến hormone ADH. Điều này khiến cho nước tiểu sản xuất nhiều hơn vào ban đêm.
- Những vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, nhiễm trùng đường tiết niệu, táo bón… khiến bé thường đi tiểu nhiều lần cả ngày lẫn đêm.
- Vấn đề liên quan đến tâm lý như lo lắng, căng thẳng… Nếu tình trạng này không được khắc phục sớm, đái dầm sẽ trở thành một tật khó bỏ. Do đó, việc đổ lỗi hoặc khiển trách bé chỉ làm tình hình trở nên tệ hơn.
- Uống cà phê cũng khiến bé mắc tiểu nhiều hơn. Nếu bé uống cà phê trước khi đi ngủ thì nhiều khả năng ban đêm bé sẽ muốn đi “tè” đấy.
- Những bất thường của hệ thống thần kinh có thể gây ra tình trạng đái dầm.
Chẩn đoán bệnh đái dầm ở trẻ em
Để chẩn đoán trẻ đái dầm, cần ghi nhật ký trong 24 giờ về số lượng nước mà trẻ uống và lượng nước tiểu bé đi. Nếu trẻ có bất thường thì cần phải làm xét nghiệm tổng phân tích nước tiểu.
Các tiêu chuẩn để chẩn đoán bệnh đái dầm ở trẻ em bao gồm:
- Đi tiểu trên giường hoặc tiểu vào quần nhiều lần (vô ý hoặc cố ý) khi ngủ đêm.
- Xảy ra thường xuyên khoảng 2 lần/tuần trong vòng ít nhất 3 tháng liền.
- Độ tuổi ít nhất là 5 tuổi (hoặc ở mức phát triển tương đương). Trẻ nhỏ hơn độ tuổi này không được xem là bệnh đái dầm. Bệnh đái dầm là sự bài tiết nước tiểu không kiểm soát vào lúc ngủ, thường xảy ra ở lứa tuổi đã có khả năng kiểm soát được việc tiểu tiện (từ 4 tuổi đến 5 tuổi).
- Đái dầm không đến từ hậu quả trực tiếp của một chất (như thuốc lợi tiểu) hoặc do bệnh lý toàn thân (có thể kể đến như đái tháo đường, tật cột sống chẻ đôi, bệnh động kinh,…).
Cách trị bệnh đái dầm ở trẻ em đơn giản, hiệu quả
Bệnh đái dầm ở trẻ em là chứng tiểu tiện không tự chủ được trong lúc ngủ, thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi. Vậy trẻ đái dầm phải làm sao? Để trị đái dầm ở trẻ, bạn có thể thử một số bí quyết sau:
1. Thay đổi lối sống là cách trị bệnh đái dầm ở trẻ em
- Hạn chế lượng nước bé uống sau bữa tối là cách trị đái dầm ở trẻ em an toàn. Cách này giúp giảm lượng nước tiểu sản xuất vào ban đêm. Lưu ý là mẹ hãy cho bé uống đủ nước vào ban ngày nhé.
- Đừng cho bé ăn uống những thực phẩm có chứa caffeine như cà phê, ca cao hoặc sô-cô-la vào ban đêm. Ngoài ra, mẹ cũng đừng cho bé uống nước ngọt hoặc những thức uống có hương vị nhân tạo như soda.
- Tập cho bé thói quen đi vệ sinh “đúng giờ” để chữa bệnh đái dầm ở trẻ em. Nếu bé nói không mắc tiểu, mẹ hãy khuyến khích bé đi theo đúng lịch. Và cách chữa trẻ đái dầm ban đêm là mẹ nên cho bé đi vệ sinh ít nhất hai lần trong hai giờ trước khi đi ngủ nhé.
- Cho bé uống đủ nước để tránh tình trạng bé quá khát.
- Đừng đánh thức bé dậy đi tiểu vào ban đêm vì điều này sẽ khiến bé mất ngủ.
- Khen ngợi nếu bé có tiến bộ nhưng đừng phạt bé nếu tình trạng đái dầm vẫn không được cải thiện.
- Suy nghĩ tích cực và trấn an bé là cách chữa đái dầm cho trẻ 10 tuổi trở lên.
2. Đưa bé đi khám
Nếu bạn đang băn khoăn cách trị đái dầm ở trẻ 7-10 tuổi là gì, thì cách trị đái dầm ở trẻ hiệu quả nhất là mẹ nên đưa bé đến bác sĩ nhi khoa khám để tìm hiểu tại sao bé lại đái dầm. Trong thực tế việc xác định chính xác nguyên nhân của tình trạng này không phải là một vấn đề dễ dàng.
Để chẩn đoán nguyên nhân bệnh đái dầm ở trẻ em, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ cho bé khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ hỏi mẹ tiểu sử bệnh của bé để loại trừ các nguyên nhân do các bệnh như táo bón, tiểu đường hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu.
Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi mẹ tình trạng đái dầm của bé để xác định bé đang mắc chứng đái dầm tiên phát hay đái dầm thứ phát. Đôi khi, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ cho bé xét nghiệm nước tiểu để xem bé có bị bệnh gì khác hay không.
Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp điều trị phù hợp cho bé như:
- Dùng thuốc trị đái dầm cho trẻ: Nếu dùng thuốc, bác sẽ kê cho bé thuốc Desmopressin Acetate (DDAVP). Ngoài ra, bác sĩ có thể kê một số thuốc kháng cholinergic để làm tăng thể tích của bàng quang. Đôi khi, Imipramine, loại thuốc chống trầm cảm cũng được sử dụng để điều trị đái dầm.
- Liệu pháp tâm lý
- Thay đổi lối sống và chế độ ăn.
3. Áp dụng một số mẹo dân gian để trị bệnh đái dầm ở trẻ em
Ngoài việc sử dụng thuốc trị đái dầm cho trẻ em theo chỉ định của bác sĩ, bạn có thể áp dụng một số biện pháp để chữa đái dầm cho trẻ 10 tuổi và trẻ nhỏ:
- Massage bụng dưới bằng dầu ô liu mỗi ngày để tăng cường các cơ tiết niệu, cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang
- Quế có khả năng chống oxy hóa, ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Vì vậy, nếu đái dầm là do nhiễm trùng đường tiết niệu thì việc ăn quế mỗi ngày sẽ rất hữu ích. Mẹ hãy cho bé nhai một miếng quế mỗi ngày hoặc dùng bột quế kèm với bánh mì, sữa hoặc các món tráng miệng
- Nước ép nam việt quất có chức năng hạn chế mắc tiểu. Với cách chữa đái dầm này, mẹ hãy cho bé uống một ly nhỏ nước ép nam việt quất trước khi đi ngủ nhé
- Quả óc chó và nho khô giúp giảm tần suất đi tiểu. Mẹ hãy cho bé ăn vài ba quả óc chó và nho khô trước khi đi ngủ mỗi ngày, đến khi bệnh đái dầm ở trẻ em được cải thiện
- Giấm táo làm giảm axit trong bụng, giảm kích ứng ruột và hạn chế đái dầm, do đó, đây là một mẹo chữa đái dầm ở trẻ em hiệu quả. Bạn hãy cho bé dùng từ 1 – 2 lần/ngày và dùng trong bữa ăn, có thể giúp trị đái dầm ở trẻ khá tốt.
- Quả lý gai Ấn Độ là phương thuốc hiệu quả giúp ngăn ngừa đái dầm. Mẹ hãy xắt thành từng miếng nhỏ, thêm một ít mật ông, nghệ và trộn đều
- Mật ong có khả năng hấp thụ chất lỏng và giữ nó. Vì vậy, mật ong sẽ giúp bé giữ nước tiểu cho đến sáng. Nếu bé còn nhỏ, hãy cho bé dùng một thìa nhỏ mật ong mỗi ngày. Bên cạnh đó, mật ong còn là cách chữa đái dầm cho trẻ 10 tuổi cực hữu ích mà mẹ có thể áp dụng đấy.
- Đường thốt nốt có khả năng làm tăng nhiệt cơ thể. Ngoài ra, đường thốt nốt còn giúp chữa đái dầm cho trẻ 10 tuổi hiệu quả. Mỗi ngày mẹ hãy cho bé uống một ly sữa ấm và ăn một miếng đường thốt nốt. Ngoài ra, mẹ cũng có thể rang mè với đường thốt nốt và một ít muối. Bạn có thể thử trong 2 tháng nhưng đừng cho bé dùng đường thốt nốt quá nhiều.
- Hạt mù tạt thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, một nguyên gây ra bệnh đái dầm ở trẻ em. Mẹ hãy cho thêm nửa muỗng cà phê mù tạt khô vào nửa cốc sữa. Sau đó, cho bé uống trước khoảng 1 tiếng trước khi đi ngủ.
4. Tập bài tập tăng cường cơ bắp đường tiết niệu
Bàng quang chậm phát triển là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng đái dầm. Để khắc phục, mẹ cũng có thể thử cho bé tập một vài bài tập tăng cường cơ bắp đường tiết niệu 2 lần/ngày để ngăn ngừa co thắt bàng quang.
- Khi bé muốn đi tiểu, mẹ nên khuyến khích bé không nên đi tiểu ngay mà hãy giữ từ 10–20 phút. Việc này sẽ giúp mở rộng và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
- Ngoài ra, mẹ cũng có thể áp dụng bài tập sau để tăng cường cơ xương chậu cho bé: kẹp chặt một quả bóng nhỏ (kích thước khoảng một nắm tay) giữa hai đùi (phần trên đầu gối).
- Uống nhiều nước để bàng quang vận động và mở rộng.
Trẻ đái dầm đến khi nào hết?
Khoảng 85% các bé hơn 5 tuổi hết đái dầm. Chỉ có 2% trẻ vẫn còn mắc bệnh đái dầm ở trẻ em khi đến 15 tuổi.
- Đái dầm thường xuất hiện nhiều ở bé trai hơn là bé gái.
- Đái dầm thường do di truyền. Nếu ba hoặc mẹ từng đái dầm thì nhiều khả năng bé sẽ bị.
- Đái dầm không phải là do bé cố ý cũng như không phải do bé thiếu ý thức.
- Thậm chí khi bé đã ngưng đái dầm một thời gian dài, bé cũng có thể mắc chứng đái dầm lại.
Chứng đái dầm ở trẻ có thể khắc phục nếu mẹ áp dụng những cách trị đái dầm ở trẻ nhỏ đã được chia sẻ như trên. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà bệnh đái dầm ở trẻ em vẫn không được cải thiện, bạn có thể đưa bé khám bác sĩ, từ đó bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân đái dầm, cũng như đưa ra biện pháp khắc phục cho trẻ.
[embed-health-tool-child-growth-chart]