Tác hại của điện thoại với trẻ em là gì? Làm thế nào để nuôi dạy con đúng cách trong thời đại công nghệ thông tin phát triển? Đây có lẽ là một trong những mối quan tâm hàng đầu của nhiều cha mẹ hiện nay.
Các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng… hiện nay được xem là “trợ thủ” đắc lực của nhiều cha mẹ trong việc nuôi con. Nhiều người lớn dùng các thiết bị này để dụ trẻ ăn, giữ trẻ ngồi yên một chỗ để làm những việc khác hoặc nghĩ rằng cho trẻ chơi điện thoại là giúp con sớm làm quen với công nghệ thông tin… Thế nhưng sự thật thì các thiết bị công nghệ lại là một “con dao hai lưỡi”. Việc lạm dụng có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ mà bạn không ngờ đến. Vì vậy, bài viết sau sẽ làm rõ vấn đề này hơn để bạn có được thông tin hữu ích về nuôi con đúng cách, an toàn.
Tác hại của điện thoại với trẻ em: Thiết bị công nghệ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ?
1. Đối với sức khỏe thần kinh và não bộ
Mặc dù chưa có bằng chứng thuyết phục về việc điện thoại di động ảnh hưởng xấu đến não bộ của trẻ như thế nào? Có gây ung thư hay không? Tuy nhiên, một số nghiên cứu vẫn cho thấy những phát hiện đáng lo ngại nếu cho trẻ tiếp xúc với điện thoại quá sớm và dùng thường xuyên.
Các dữ liệu nghiên cứu cho biết đầu và não của trẻ em tuy nhỏ hơn người lớn nhưng lại nhận được mức bức xạ từ điện thoại di động tương tự như người lớn. Điều này có nghĩa là vùng não của trẻ phải chịu mức độ phơi nhiễm với bức xạ cao hơn nếu dùng điện thoại từ khi còn nhỏ. Kết quả quét não cũng chỉ ra rằng những đứa trẻ dành quá nhiều thời gian xem điện thoại thì sẽ có nguy cơ bị mỏng vỏ não sớm hơn so với trẻ không dùng.
Hơn nữa, mặc dù chưa có bằng chứng rõ ràng về việc dùng điện thoại nhiều sẽ gây ung thư nhưng đã có nghiên cứu cho thấy sự gia tăng nhẹ của khối u não liên quan đến việc dùng điện thoại. Do vậy, cách tốt nhất là bạn vẫn nên hạn chế cho trẻ dùng thiết bị này quá nhiều.
2. Tác hại của điện thoại với trẻ em – Các vấn đề về mắt là không thể tránh khỏi
Việc xem YouTube, chơi game, xem phim hoạt hình… trên điện thoại thông minh hay máy tính bảng thường khiến trẻ tập trung nhìn chằm chằm vào màn hình nhiều giờ liền. Điều này sẽ tạo điều kiện để ánh sáng xanh, bức xạ từ điện thoại/ máy tính bảng tác động trực tiếp lên mắt của trẻ. Từ đó gây ra các vấn đề về mắt như khô mắt, nhức mắt, cận thị, suy giảm thị lực khi còn trẻ…
3. Dùng điện thoại sớm và thường xuyên tăng nguy cơ béo phì ở trẻ
Khi trẻ nghiện xem YouTube, chơi game… trên điện thoại thông minh thì sẽ giảm đi hứng thú với các hoạt động khác, bao gồm cả hoạt động thể dục thể thao. Nói cách khác, việc làm quen với thiết bị công nghệ từ sớm sẽ khiến trẻ hình thành thói quen ngồi một chỗ để “dán mắt” vào điện thoại nhiều hơn. Tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ béo phì hoặc các bệnh khác như lệch cổ, thoái hóa đốt sống cổ… do ít vận động, ngồi một chỗ và cúi đầu quá lâu.
4. Tăng nguy cơ mắc bệnh liên quan đến tâm lý, tâm thần
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, theo các chuyên gia thì việc trẻ dành quá nhiều thời gian dùng điện thoại để giải trí còn có thể khiến trẻ “bỏ quên” những điều xung quanh. Lúc này, trẻ thường thích tách biệt, ở một mình và không giao tiếp với người khác. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến chứng tự kỷ, rối loạn lo âu, thiếu tập trung, rối loạn tâm thần và khiến hành vi trẻ có vấn đề.
Đối với trẻ đi học dùng điện thoại và mạng xã hội thì tác hại của điện thoại đối với học sinh còn có thể bao gồm tình trạng bắt nạt qua mạng, trẻ tìm hiểu nội dung khiêu dâm quá sớm, nghiện game ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn khả năng học tập, trẻ tự ti vì thua kém người khác hoặc sống ảo đua đòi, dễ có suy nghĩ lệch lạc, trầm cảm, giảm chất lượng giấc ngủ… Những vấn đề này hoàn toàn có thể dẫn đến tổn thương tinh thần ở trẻ, khiến bé dễ mắc các bệnh về tâm lý, tâm thần nếu cha mẹ không quan tâm và can thiệp kịp thời.
5. Tác hại của điện thoại với trẻ em – Khả năng ngôn ngữ của trẻ có thể “đi xuống”
Tương tự như việc cho trẻ xem ti vi, việc cho trẻ dùng điện thoại để giải trí hoặc dụ trẻ trong giờ ăn cũng khiến bé bị phụ thuộc vào thiết bị này và trở nên bị động. Điều này nghĩa là trẻ không còn bị kích thích bởi thế giới xung quanh, không giao tiếp hoặc tìm tòi khám phá nữa. Chính vì không tiếp thu và tương tác với người khác mà hậu quả là nhiều trẻ khi còn nhỏ nói rất tốt nhưng đến tuổi đi học lại bị hạn chế về ngôn ngữ, khả năng diễn đạt kém.
Làm thế nào để giúp trẻ dùng điện thoại một cách hợp lý, hạn chế rủi ro sức khỏe?
Các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính bảng và máy tính đều có hai mặt lợi và hại. Nếu việc sử dụng những thiết bị này giúp trẻ muốn khám phá, chinh phục hoặc sáng tạo ra sản phẩm gì đó mới mẻ thì đó là điều tích cực. Tuy nhiên, nếu trẻ bị phụ thuộc vào thiết bị công nghệ theo hướng nghiện game, những ứng dụng giải trí và mạng xã hội thì sẽ dẫn đến nhiều hậu quả không mong muốn. Đó chính là tác hại của điện thoại đối với trẻ em, trong đó bao gồm các vấn đề sức khỏe, sự phát triển của trẻ bị thụt lùi, trẻ thiếu tự lập cũng như giảm khả năng giao tiếp.
Vậy trong thời đại kỹ thuật số, bạn cần biết gì về nuôi dạy con đúng cách, đảm bảo trẻ phát triển khỏe mạnh? Cùng tìm hiểu những lời khuyên sau đây trước khi cân nhắc cho trẻ dùng điện thoại nhé!
- Theo Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO), cha mẹ chỉ nên cho con làm quen với thiết bị công nghệ khi trẻ đến tuổi đi học mẫu giáo và không nên sớm hơn. Bạn cũng không nên lạm dụng điện thoại, máy tính bảng, kể cả tivi để dụ trẻ trong mỗi bữa ăn. Điều này vừa không tốt cho sức khỏe vừa hình thành thói quen xấu cho trẻ nhỏ.
- Hạn chế thời gian cho trẻ nhỏ xem điện thoại, ti vi… bằng cách đảm bảo trẻ dưới 6 tuổi xem không quá một giờ mỗi ngày. Điều này giúp trẻ vẫn được giải trí, làm quen với công nghệ nhưng không bị phụ thuộc một cách tiêu cực gây giảm khả năng giao tiếp, tự kỷ, béo phì, thiếu tập trung, tiếp thu kém… Ngoài ra, bạn có thể cài đặt chế độ máy bay khi cho bé chơi điện thoại để hạn chế tiếp xúc bức xạ.
- Đối với trẻ nhỏ, ba mẹ nên ở bên cạnh khi con chơi điện thoại để kiểm soát thời gian tốt hơn. Đối với trẻ đi học, bạn nên quan tâm ở mức vừa phải đối với vấn đề con dùng điện thoại. Chẳng hạn như kết bạn với con trên mạng xã hội để theo dõi những gì trẻ đăng, quan tâm đến thời lượng trẻ dùng điện thoại để nhắc nhở, can thiệp kịp thời, tránh tình trạng trẻ bỏ bê việc học hoặc không đi ngủ đúng giờ vì nghiện điện thoại.
- Ngay khi trẻ có nhận thức, bạn nên trao đổi cởi mở, thẳng thắn với con về tác hại của điện thoại với trẻ em ra sao. Đối với trẻ đi học, bạn nên hướng dẫn trẻ làm sao để lướt web, chơi mạng xã hội an toàn thay vì cấm đoán. Ba mẹ cũng nên lắng nghe nhu cầu, thắc mắc của trẻ để giúp đỡ con cũng như định hướng cho con đúng đắn điều gì nên và không nên làm khi dùng điện thoại. Điều này sẽ góp phần giúp trẻ tránh được suy nghĩ, hành vi lệch lạc.
- Điều quan trọng cuối cùng là chính ba mẹ cần làm gương cho trẻ về việc dùng điện thoại có giờ giấc, hợp lý và có kiểm soát. Đặc biệt là đối với trẻ ở tuổi đi học mẫu giáo trở lên, nếu bạn nhắc nhở, cấm đoán con dùng điện thoại nhưng bản thân lại “dán mắt” vào điện thoại quá nhiều thì việc giáo dục sẽ trở nên vô nghĩa. Mặt khác, nếu có bất cứ thắc mắc nào về vấn đề nuôi dạy con khoa học, đúng cách thì bạn nên hỏi thêm ý kiến của bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia hay tham khảo các trang web uy tín nhé!
Hỏi-đáp: Tác hại của điện thoại với trẻ em và việc trẻ nghiện điện thoại
Độc giả Hải Anh Nguyễn hỏi: Em chào bác sĩ. Bé nhà em hiện tại gần 3 tuổi và bé bị nghiện điện thoại, đặc biệt là Youtube. Bé phải xem thì mới chịu ăn, và nếu cất điện thoại thì bé sẽ quấy khóc và không chịu ăn. Bác sĩ có thể cho em xin biện pháp và những tác hại của điện thoại đối với trẻ em được không a?
BS CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc trả lời: Đầu tiên chúng ta cần phải tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ nghiện điện thoại. Tất nhiên nguyên nhân hàng đầu sẽ là việc ba mẹ quá bận rộn, không có thời gian bên cạnh trẻ khiến việc trẻ gắn bó với smartphone trở thành người bạn bất đắc dĩ.
Ngoài ra ngày nay với việc xã hội phát triển, xung quanh ai ai cũng xài smartphone, ipad, thì việc trẻ tò mò, mong muốn sử dụng thiết bị điện tử là tất yếu. Ban đầu chỉ là khám phá, lâu dần sẽ nghiện. Hoặc người thân ở xa mong muốn liên lạc qua điện thoại làm trẻ tiếp xúc nhiều hơn.
Có lẽ cha làm mẹ đã thấy và hiểu thêm về tác hại của điện thoại với trẻ em. Nó không chỉ nên các tác động về sức khỏe, trí tuệ… tạm thời mà còn ảnh hưởng mãi về sau. Do đó, các bậc phụ huynh cần phải quan tâm và dành nhiều thời gian hơn cho con để con tránh xa được điện thoại hay các thiết bị điện tử thông minh khác.
Tác hại của điện thoại với trẻ em là như thế nào?
Trẻ tiếp xúc với smartphone thời gian dài sẽ dẫn đến việc lười vận động cơ thể, chỉ thích nằm dài một chỗ và dán mắt vào màn hình bé xíu. Tiếp theo dễ nhận thấy, mắt sẽ là cơ quan tiếp theo bị ảnh hưởng với việc thị lực giảm dần và tần suất cận thị loạn thị ngày càng tăng. Cuối cùng, do ù lì chậm vận động, không tương tác thế giới xung quanh , trí tuệ của trẻ sẽ kém phát triển. Kết quả: ảnh hưởng đến IQ, EQ, các tật như rối loạn tăng động kém chú ý, tự kỷ, suy giảm khả năng học tập ngày càng phổ biến.
Theo các khuyến cáo hiện nay, trẻ từ 0 đến 3 tuổi không tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm. Trong 3 năm đầu đời, trí não của trẻ phát triển rất nhanh, và việc học hỏi tiếp thu các kiến thức mới lạ, hình thành các thói quen vô cùng quan trọng.
Trẻ dưới 5 tuổi không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử hơn 1 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên sẽ có nhu cầu chơi nhiều hơn thời gian quy định ngày càng nhiều. Và để giảm tác hại của điện thoại với trẻ em, ba mẹ cần tăng cường sự quan sát đến các con.
Vậy biện pháp nào để khắc phục tình trạng trẻ nghiện điện thoại?
Đầu tiên, tất nhiên phải có thời gian nhất định trong ngày. Con chỉ được chơi chừng đó thời gian thôi, không được hơn. Ba mẹ phải kiên quyết, tuyệt đối không cho trẻ chơi thêm khi trẻ có nhu cầu.
Tiếp theo, cần kiểm tra thiết bị sau khi trẻ chơi xong, có các app game online nào gây nghiện hay bạo lực hay không? Ba mẹ cần gỡ bỏ, và nói cho con hiểu rằng, con không nên chơi những trò chơi này.
Ba mẹ cũng nên giới hạn các chương trình trên điện thoại để trẻ sử dụng.
Tuy nhiên các cách trên, chỉ mang tính chất tạm thời. Nhiều ba mẹ không có kiên nhẫn sẽ bỏ lơi cho bé. Vì vậy quan trọng ba mẹ phải trò chuyện , có thời gian chơi với con nhiều hơn. Tạo môi trường cho trẻ hoạt động thể chất cho trẻ để trẻ trở nên “bận rộn”hoặc đơn giản có thể cho trẻ tham gia vào công việc sinh hoạt hằng ngày như phụ giúp ba mẹ dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn cây trong nhà.
Một vài sai lầm ba mẹ có thể mắc phải khi cai nghiện thiết bị như la mắng trẻ, tạo cho con cảm giác sợ sệt và xa lánh ba mẹ hay nhiều ba mẹ phải dùng đến bạo lực như đánh đòn trẻ trong khi việc nghiện smartphone ban đầu là bắt nguồn từ người lớn chứ không phải trẻ. Điều này là không nên.
Trên đây là vài chia sẻ về những tác hại của điện thoại đối với trẻ. Và vài lưu ý giúp bạn hạn chế để trẻ nghiện điện thoại. Hy vọng có thể giúp ích được cho bạn.
Bạn có thể xem thêm trọn vẹn phần chia sẻ của BS.CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc trong buổi livestream tại link này nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]