Nguyên nhân xơ gan ở trẻ em chủ yếu xuất phát từ những thương tổn ở gan, mật hoặc các bệnh lý di truyền. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề sức khỏe phổ biến nên nhiều bố mẹ vẫn chưa biết cách phòng ngừa cho con như thế nào mới hiệu quả.
Tình trạng mô sẹo hình thành ở gan và dần thay thế các tế bào lành mạnh gọi là xơ gan. Thực tế, xơ gan có thể phát triển ở bất kỳ độ tuổi nào, từ trẻ nhỏ, người trưởng thành cho đến người cao tuổi.
Tuy vậy, so với người trưởng thành, xơ gan ở trẻ em có các đặc điểm khác giúp phân biệt. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về tình trạng xơ hóa ở gan của trẻ nhỏ qua bài viết dưới đây nhé.
Vì sao trẻ nhỏ lại có thể mắc bệnh xơ gan?
Thông thường, xơ gan do rượu chiếm phần lớn trường hợp xơ hóa ở gan. Tuy nhiên, điều này chỉ đúng khi đối tượng mắc bệnh là người trưởng thành vì người lớn rất dễ lạm dụng bia, rượu hay bất kỳ thức uống chứa cồn nào khác trong một thời gian dài.
Ngược lại, khi trẻ được chẩn đoán xơ gan, nguyên nhân thường bắt nguồn từ:
- Các loại viêm gan, bao gồm cả viêm gan tự miễn
- Gan nhiễm mỡ
- Một số bệnh mang tính chất di truyền như Wilson, xơ nang, tyrosinemia (tyrosin máu hoặc tyrosin huyết)…
- Những bệnh liên quan đến ống dẫn mật, bao gồm viêm xơ hoặc hẹp đường mật
- Tác dụng phụ từ thuốc hoặc độc tố, ví dụ như thừa vitamin A, thuốc methotrexate hay isoniazid…
Triệu chứng xơ gan ở trẻ em biểu hiện ra sao?
Dù ở người trưởng thành hay trẻ em, phần lớn triệu chứng xơ gan đều biểu hiện rất mơ hồ vào giai đoạn đầu. Do đó, bạn khó nhận biết được trẻ có bị xơ gan hay không, dẫn đến việc điều trị có phần chậm trễ.
Khi gan bắt đầu xơ hóa, trẻ thường có xu hướng mệt mỏi, kiệt sức và thậm chí là suy dinh dưỡng. Trong một số trường hợp, bé còn có nguy cơ bị sưng bụng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể nhận ra khả năng ăn và tiêu hóa của bé kém đi rõ rệt, dẫn đến tình trạng sụt cân không mong muốn. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng còn phụ thuộc vào mức độ thương tổn ở gan.
Khi bệnh tiến triển nghiêm trọng hơn, các dấu hiệu bắt đầu thể hiện rõ ràng. Lúc này, da hoặc tròng trắng mắt có xu hướng chuyển sang màu vàng, nước tiểu sẫm màu hơn và bé dễ bị chảy máu hoặc bầm tím.
Ngoài ra, một loạt triệu chứng xơ gan ở trẻ em khác cũng có nguy cơ xuất hiện, chẳng hạn như:
- Gan hoặc lách to (phì đại)
- Dịch tích tụ ở bụng (cổ trướng) hoặc chân (phù nề) gây sưng
- Máu lẫn với dịch nôn
- Ngứa và khó chịu
- Đờ đẫn
Chẩn đoán xơ gan ở trẻ em như thế nào?
Nếu bạn nghi ngờ trẻ có một hoặc nhiều triệu chứng xơ gan, hãy lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Tại đây, bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm nhằm xác định nghi ngờ này. Các xét nghiệm chẩn đoán xơ gan ở trẻ em có thể là:
- Xét nghiệm máu: kiểm tra tình trạng hoạt động của gan, đồng thời tìm kiếm nguyên nhân gây xơ gan (nếu có).
- Siêu âm hoặc xét nghiệm hình ảnh (chụp CT hay MRI): tìm kiếm sự thay đổi ở gan.
- Sinh thiết gan: sử dụng các tế bào gan của bé để làm thêm những xét nghiệm chuyên sâu hơn.
Làm sao để điều trị xơ gan ở trẻ em có hiệu quả?
Thực tế, xơ gan là bệnh lý chưa thể điều trị tận gốc với những phương pháp hiện tại. Phần lớn trường hợp, liệu trình điều trị xơ gan chủ yếu tập trung vào:
- Kiểm soát nguyên nhân cũng như tình trạng xơ hóa ở gan
- Ngăn ngừa biến chứng phát sinh thêm
- Làm thuyên giảm triệu chứng
Đối với trẻ nhỏ, bác sĩ thường kê toa thuốc để giúp bé:
- Kiểm soát triệu chứng và nguyên nhân cơ bản
- Điều trị vấn đề nhiễm trùng (nếu có)
- Loại bỏ lượng dịch dư thừa trong cơ thể
- Hỗ trợ đào thải độc tố trong máu
Trong tình huống biến chứng xơ gan phát sinh và vượt ngoài tầm kiểm soát, ghép gan sẽ là lựa chọn lý tưởng nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể thực hiện phẫu thuật này vì:
- Chi phí đắt đỏ
- Tiêu chuẩn gắt gao
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh xơ gan
Xơ gan diễn ra rất dễ kéo theo tình trạng suy nhược ở trẻ nhỏ do cơ thể không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng. Lúc này, bạn cần giúp trẻ bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu để nâng cao sức khỏe tổng thể, đồng thời đảm bảo trẻ vẫn phát triển bình thường.
Thực đơn hàng ngày của trẻ nên có những thực phẩm như sau:
- Cháo bột yến mạch
- Ngũ cốc nguyên hạt
- Thịt gia cầm không da và cá
- Các loại đậu và hạt
- Canh hoặc súp gà xé sợi
- Trái cây tươi
- Rau củ quả đa dạng
Ngoài ra, bạn cần lưu ý cắt giảm lượng muối trong khẩu phần ăn của bé nhằm tránh tình trạng tích trữ nước trong cơ thể. Mặt khác, hãy đảm bảo các món ăn của trẻ nhỏ đều được nấu chín hoàn toàn.
Làm sao để phòng ngừa xơ gan ở trẻ em?
Một số nguyên nhân xơ gan có thể phòng ngừa được, chẳng hạn như viêm gan B. Trong trường hợp này, cách phòng bệnh hữu hiệu nhất là cho bé chích ngừa viêm gan B trong vòng 24 giờ kể từ khi chào đời.
Ngoài ra, nếu trẻ đang uống những loại thuốc có tác dụng phụ ảnh hưởng đến gan, bạn nên thường xuyên đưa bé đi xét nghiệm máu theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi tình trạng sức khỏe gan.
Nhìn chung, xơ gan ở trẻ em và người trưởng thành tương đối giống nhau. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất là xơ gan ở trẻ nhỏ không do rượu. Nguyên nhân gây bệnh ở trẻ phần lớn xuất phát từ các vấn đề phát sinh tại gan. Bạn có thể chủ động phòng ngừa xơ gan cho bé bằng cách ngăn chặn sự xuất hiện của chúng ngay từ đầu.
[embed-health-tool-vaccination-tool]