Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao? Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc · Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 15/05/2022

    Trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao? Khi nào cần đưa trẻ đi khám?
    Quảng cáo

    Việc trẻ sơ sinh bị táo bón có thể khiến bố mẹ rất lo lắng vì không biết đường ruột của con có ổn không, nguyên nhân nào gây ra tình trạng này. Thực tế có một số cách giúp điều trị tình trạng táo bón ở trẻ sơ sinh khá hiệu quả mà ba mẹ có thể áp dụng.

    Trẻ sơ sinh có thể đi nặng sau mỗi lần bú hay đi tiêu đều vài lần trong ngày hoặc chỉ 1-2 lần trong tuần, điều này là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, đôi khi trẻ có thể bị táo bón, khiến con hay quấy khóc. Vậy trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao? Tìm hiểu qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết sau đây nhé!

    Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị táo bón

    Để đánh giá xem trẻ có bị táo bón không thì không thể chỉ dựa vào tần xuất bé đi nặng mà cần dựa vào trạng thái của phân.

    Vì sữa mẹ rất bổ dưỡng nên đôi khi cơ thể trẻ hấp thụ gần hết, chỉ còn lại một ít cặn sữa để di chuyển qua đường tiêu hóa. Do đó, bé có thể chỉ đi tiêu 1- 2 lần mỗi tuần. Đây là điều hoàn toàn bình thường đối với trẻ sơ sinh bú sữa mẹ. Một số trẻ sơ sinh có đường ruột hoạt động chậm hơn (nhưng hoàn toàn bình thường), vì vậy nên các bé không thường xuyên đi tiêu.

    Thông thường, sau giai đoạn đi tiêu phân su, trẻ bú sữa mẹ thường đi phân lỏng và có nước trong những ngày đầu sau sinh. Theo thời gian, phân sẽ bắt đầu đặc hơn một chút và bé ít đi ngoài hơn. Trẻ bú bình thường đi tiêu phân cứng hơn so với trẻ bú mẹ và tần suất đi tiêu ít hơn hẳn. Khi trẻ đã bắt đầu ăn dặm thì phân sẽ cứng hơn và có hình khối.

    Đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị táo bón, phân sẽ cứng và khô, đóng cục. Các triệu chứng khác bé có thể mắc như:

    • Trẻ quấy khóc và khó chịu bực bội mỗi khi rặn
    • Trẻ xì hơi và đi nặng có mùi nặng
    • Trẻ lười bú
    • Bụng bé chướng dần lên

    Nếu phân rất cứng, đôi khi nó có thể gây ra những vết rách nhỏ xung quanh hậu môn của trẻ. Những vết rách này sẽ gây chảy máu và khiến bé đau, khó chịu hơn.

    Tìm hiểu thêm Trẻ sơ sinh đi ngoài bao nhiêu lần 1 ngày? Tìm hiểu ngay!

    Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao?

    Khi trẻ nhỏ hay trẻ sơ sinh bị táo bón, mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau nhằm giúp con đi tiêu dễ dàng hơn:

    1. Cách massage cho trẻ bị táo bón

    Massage cho trẻ bị táo bón là phương pháp dễ thực hiện và mang lại hiệu quả cao. Massage giúp trẻ thư giãn, tăng cường lưu thông tuần hoàn, kích thích tăng nhu động ruột và giúp trẻ đi tiêu dễ dàng và thường xuyên hơn. Ngoài ra, massage còn giúp bố mẹ và con gần gũi hơn. Mẹ có thể vừa massage cho con vừa trò chuyện hay hát cho con nghe.

    Bố mẹ có thể massage cùng với dầu massage cho bé hoặc các dầu có mùi hương dịu nhẹ, không gây kích ứng đối với làn da non nớt của bé. Thời điểm tốt nhất để thực hiện là khi trẻ thức dậy vào buổi sáng, trước khi đi ngủ hoặc trước khi đi tắm. Bạn nên tránh massage khi trẻ vừa mới ăn no hoặc có vết trầy xước trên bụng. Tốt nhất nên chờ ít nhất 45 phút đến 1 giờ sau khi ăn mới massage cho trẻ.

    trẻ bị táo bón phải làm sao

    Thực tế massage cho trẻ bị táo bón không chỉ tập trung vùng bụng mà cần kết hợp ở các bộ phận khác của cơ thể. Các bước massage cho trẻ như sau:

    • Bạn đặt bé nằm ngửa trên nệm hoặc chăn mền
    • Bắt đầu xoa bóp với hai tay của bé, nắn nhẹ hai cánh tay, di chuyển từ vai xuống cánh tay, khuỷu tay và kết thúc ở hai bàn tay.
    • Đặt ba ngón tay giữa lên bụng bé, gần rốn. Ấn nhẹ và bắt đầu xoay theo chiều kim đồng hồ, vị trí cách vùng rốn 4-5cm, dọc theo khung đại tràng. Di chuyển các ngón tay nhẹ nhàng từ phải sang trái trên thành bụng bé.
    • Massage hai chân bé, nắn nhẹ nhàng từ đùi xuống cẳng chân và hai bàn chân.
    • Bạn gập duỗi hai chân bé nhẹ nhàng (bài tập đi xe đạp): dùng tay nhẹ nhàng giữ hai chân trẻ, gấp chân phải từ từ đẩy nhẹ về phía vai phải. Sau đó, duỗi chân và gấp chân trái từ từ đẩy nhẹ về phía vai trái.

    Một số mẹ thường mắc sai lầm khi massage như:

    • Vuốt ngược chiều kim đồng hồ sẽ làm đẩy ngược nhu động ruột làm trẻ táo bón nhiều hơn
    • Lực quá mạnh
    • Vuốt sai vị trí ruột

    Do đó, bố mẹ cần chú ý kỹ khi thực hiện để giúp bé mau hết táo bón nhé.

    2. Các phương pháp điều trị khác tại nhà

    trẻ bị táo bón phải làm sao

    Bố mẹ lưu ý không nên cho trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón dùng thuốc trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

    Đối với bé bú mẹ:

    • Bạn nên cho trẻ bú thường xuyên hơn. Nếu trẻ không chịu bú, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ.

    Đối với bé bú bình:

    • Kiểm tra xem sữa pha cho bé đã đúng cách chưa, có thể bạn đã pha chưa đủ nước. Hãy đọc kỹ hướng dẫn pha sữa của nhà sản xuất vì mỗi loại sữa sẽ có cách pha khác nhau. Lưu ý là nên cho nước vào bình trước rồi thêm sữa bột, nếu thêm bột trước thì sẽ khiến bạn đo mức nước không chính xác.

    Tìm hiểu thêm Bí quyết pha sữa bột cho bé đúng chuẩn: Bé no lâu, phát triển khỏe mạnh

    Đối với bé đã ăn dặm:

    • Bạn cho bé uống thêm nước giữa các bữa ăn hoặc nước ép trái cây (táo hoặc lê). Những loại nước trái cây này có chứa sorbitol, một chất tạo ngọt có tác dụng như thuốc nhuận tràng. Lưu ý là bạn nên ngưng cho bé dùng các nước trái cây này nếu thấy phân bé quá lỏng.
    • Tùy thuộc vào độ ăn thô của bé, bạn có thể cho bé ăn thêm trái cây và rau xay nhuyễn hoặc cắt từng miếng nhỏ.

    3. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị táo bón phải làm sao? Dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ

    Nếu các biện pháp trên đây không có hiệu quả, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị đúng cách. Bác sĩ có thể chỉ định một số thuốc sau cho bé:

    • Thuốc đặt glycerin: được đặt trực tiếp vào hậu môn của bé để kích thích nhu động ruột.
    • Các thuốc nhuận tràng.

    Khi nào nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

    trẻ bị táo bón phải làm sao

    Trong hầu hết trường hợp, trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị táo bón không phải là vấn đề nghiêm trọng và tình trạng này có thể dễ dàng được điều trị. Tuy nhiên, trong những trường hợp rất hiếm, táo bón có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn. Do đó, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay nếu có các triệu chứng sau:

    • Các triệu chứng táo bón vẫn còn dù bạn đã thay đổi chế độ ăn uống và áp dụng nhiều cách điều trị
    • Nôn mửa, nôn dịch xanh dịch vàng
    • Yếu người
    • Lười ăn hoặc bú
    • Có máu trong phân
    • Phân có màu đen
    • Bụng chướng to lên
    • Quấy khóc liên tục
    • Trẻ tiêu phân lỏng
    • Trẻ có tiền căn tiêu phân su sau 24 giờ sau sinh.

    Tìm hiểu thêm Màu phân của trẻ phản ánh bệnh gì? Bé sơ sinh đi hoa cà hoa cải là gì?

    Hello Bacsi tin rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, bạn đã có câu trả lời rõ ràng cho thắc mắc trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh táo bón phải làm sao. Từ đó có được những mẹo vặt chăm sóc bé cưng tốt nhất khi con gặp vấn đề về tiêu hóa này.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

    Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


    Tác giả: Tố Quyên · Ngày cập nhật: 15/05/2022

    Quảng cáo

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    Quảng cáo
    Quảng cáo
    Quảng cáo