backup og meta

8 nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em và những điều cần lưu ý!

Bạn đang cần các sản phẩm này? Hãy đặt mua thông qua đường dẫn trên trang nhé! Hoàn toàn không thêm phụ phí và bạn cũng giúp chúng tôi có một khoản hoa hồng nhỏ. Tìm hiểu ngay về hệ thống liên kết của chúng tôi tại đây!

8 nguyên nhân gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em và những điều cần lưu ý!

Triệu chứng đau bụng quanh rốn ở trẻ em có thể là chỉ dấu cho khá nhiều tình trạng bệnh lý từ nhẹ (rối loạn tiêu hóa) cho đến các bệnh nặng hơn chẳng hạn như thiếu máu cục bộ hoặc đau ruột thừa.

Bạn nhận thấy con yêu tỏ ra khó chịu ở khu vực quanh rốn kèm theo các biểu hiện như sốt, ói mửa, chướng bụng và băn khoăn đây là dấu hiệu của các bệnh gì? Thật ra, có khá nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên. Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu 8 thủ phạm có thể khiến tình trạng đau bụng quanh rốn ở trẻ em xuất hiện.

Tình trạng đau bụng quanh rốn ở trẻ em là do đâu? 

Trẻ bị đau bụng quanh rốn, trẻ bị đau bụng quanh rốn từng cơn là do đâu? Theo các chuyên gia nhi khoa, có khá nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng quanh rốn, chẳng hạn như:

1. Viêm dạ dày, ruột

Viêm dạ dày, ruột là tình trạng viêm đường tiêu hóa. Bạn có thể đã nghe qua bằng cái tên cúm dạ dày. Nguyên nhân có thể là do nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Ngoài việc trẻ bị đau bụng quanh rốn, con còn có thể xuất hiện những biểu hiện sau:

  • Sốt
  • Tiêu chảy
  • Da rịn mồ hôi
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.

Tình trạng viêm dạ dày, ruột thường không cần điều trị y tế bởi các triệu chứng sẽ tự thuyên giảm trong vòng vài ngày. Tuy nhiên, một biến chứng khác của tình trạng này là mất nước có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Do đó, bé cần được bổ sung đủ lượng chất lỏng và chăm sóc kỹ càng.

>>> Bạn có thể quan tâm: 10 nguyên nhân gây đau bụng vùng trên rốn có thể bạn chưa biết

2. Viêm ruột thừa gây ra đau bụng quanh rốn ở trẻ em

Nếu trẻ bị đau bụng quanh rốn từng cơn kèm buồn nôn hay ói mửa, bạn có thể  nghĩ đến khả năng con bị viêm ruột thừa. Ban đầu, cơn đau bụng chỉ xuất hiện quanh khu vực rốn và cuối cùng lan dần về phía dưới bên phải bụng. Các triệu chứng khác có thể xuất hiện kèm theo bao gồm:

  • Sốt
  • Bụng đầy hơi
  • Ăn không ngon
  • Dáng đi lom khom như người già
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa
  • Rối loạn tiêu hóa, chẳng hạn như táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Cơn đau trở nên dữ dội hơn khi bé ho hoặc thực hiện một số cử động.

Viêm ruột thừa là tình trạng cấp cứu. Nếu không được điều trị nhanh chóng, ruột thừa của bé có thể bị vỡ, gây ra các biến chứng có nguy cơ đe dọa tính mạng. Con sẽ cần đến phẫu thuật mổ ruột thừa và dành thời gian nghỉ ngơi nhằm hồi phục sức khỏe.

3. Đau bụng quanh rốn ở trẻ em do viêm loét dạ dày 

Viêm loét dạ dày gây đau bụng quanh rốn ở bé
Viêm loét dạ dày gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em

Trẻ bị đau bụng quanh rốn và buồn nôn là do đâu? Trong trường hợp này, rất có thể bé đã bị viêm loét dạ dày.

Loét dạ dày là một loại đau có thể hình thành trong dạ dày hoặc ruột non (tá tràng). Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như nhiễm vi khuẩn. Loét dạ dày có thể gây ra hiện tượng đau bụng quanh rốn ở trẻ nhỏ, đôi khi cơn đau có thể lan đến xương ức.

Một vài triệu chứng khác của bệnh bao gồm:

  • Ợ hơi
  • Ăn không ngon
  • Cảm thấy mệt mỏi
  • Buồn nôn hoặc nôn mửa.

Bạn nên bàn với bác sĩ về phương pháp điều trị phù hợp cho bệnh loét dạ dày của bé. Một số loại thuốc có thể được sử dụng cho tình trạng này bao gồm:

  • Thuốc ức chế bơm proton
  • Thuốc chẹn thụ thể histamine
  • Chất bảo vệ, chẳng hạn như sucralfate (Carafate).

4. Đau bụng quanh rốn ở trẻ do viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp có thể gây đau quanh rốn trong một số trường hợp. Nguyên nhân do viêm nhiễm, sử dụng các loại thuốc nhất định… Ngoài đau bụng, các triệu chứng của viêm tụy có thể bao gồm: buồn nôn và nôn mửa, nhịp tim nhanh.

Nếu trẻ bị viêm tụy nhẹ, con sẽ được điều trị bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ, truyền dịch tĩnh mạch, dùng thuốc giảm đau. Đối với những trường hợp viêm tụy nặng khiến trẻ em đau bụng quanh rốn nặng hơn, bé có thể sẽ phải nhập viện và thực hiện các biện pháp y tế cần thiết.

5. Thoát vị rốn 

Thoát vị rốn ở trẻ là hiện tượng mô bụng phình ra thông qua một lỗ ở cơ bụng quanh rốn của bạn. Thoát vị rốn thường xảy ra ở trẻ sơ sinh, nhưng chúng cũng có thể xuất hiện ở các bé lớn hơn. Khi trẻ bị thoát vị rốn sẽ gây ra hiện tượng đau bụng quanh rốn ở trẻ em hoặc tại vị trí thoát vị. Bạn có thể nhận thấy bụng con phình ra kèm theo sưng tấy.

Ở trẻ sơ sinh, hầu hết thoát vị rốn sẽ ở tự lành lại khi lên 2 tuổi. Bên cạnh đó, bé có thể cần được phẫu thuật nhằm ngăn chặn tình trạng tắc ruột.

6. Tắc ruột non gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em

Trong một số trường hợp trẻ bị đau bụng quanh rốn từng cơn có thể là do tắc ruột non khiến thức ăn bị tắc lại trong đường tiêu hóa. Đây là tình trạng một phần hoặc toàn bộ ruột non của trẻ nhỏ bị tắc nghẽn. Nếu không được điều trị, bệnh có thể chuyển biến nghiêm trọng. Một số nguyên nhân thường gặp khác ở trẻ nhỏ là

  • Dị tật bẩm sinh đường tiêu hóa (teo ruột non, phình đại tràng bẩm sinh)
  • Nhiễm trùng
  • Thoát vị
  • Khối u
  • Bệnh viêm ruột
  • Mô sẹo lần từ phẫu thuật bụng trước

Ngoài tình trạng trẻ bị đau bụng quanh rốn, bé còn có thể có những triệu chứng như:

  • Đau bụng sốt ở trẻ em
  • Tăng nhịp tim
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Đầy hơi
  • Mất nước
  • Ăn không ngon
  • Táo bón nặng

Nếu mắc phải chứng tắc ruột, bé sẽ cần phải nhập viện. Bác sĩ có thể chỉ định phương pháp tiêm tĩnh mạch và thuốc để giảm buồn nôn. Giải nén ruột là một thủ thuật giúp giảm áp lực trong ruột cũng sẽ được thực hiện trong trường hợp cần thiết.

7. Phình động mạch chủ

Phình động mạch chủ có thể gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em
Phình động mạch chủ có thể gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em

Phình động mạch chủ là một tình trạng nghiêm trọng, gây ra bởi sự suy yếu hoặc phình ra của thành động mạch chủ, từ đó đe dọa tính mạng nếu động mạch chủ bị vỡ khiến máu chảy vào nội tạng. Khi động mạch chủ bị phình lớn, bạn sẽ nhận thấy hiện tượng trẻ bị đau bụng quanh rốn kèm theo các triệu chứng khác bao gồm:

  • Khó thở
  • Huyết áp thấp
  • Tăng nhịp tim
  • Ngất xỉu
  • Yếu bất ngờ ở một bên cơ thể.

Trong trường hợp này, khi đã được chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra đau bụng quanh rốn từng cơn ở trẻ em là do phình động mạch chủ, bác sĩ có thể chỉ định hình thức phẫu thuật nhằm ngăn chặn các biến chứng xấu khác phát triển.

8. Trẻ bị đau bụng do thiếu máu cục bộ

Thiếu máu cục bộ xảy ra khi lưu lượng máu bị gián đoạn, thường do máu đông hoặc tắc mạch gây ra. Nếu bé mắc phải tình trạng này, con sẽ cảm thấy đau ở khu vực quanh rốn. Khi tình trạng tiến triển, trẻ cũng có thể xuất hiện các dấu hiệu như nhịp tim tăng cao, đi ngoài ra máu.

Nếu nghi ngờ con đang mắc phải chứng bệnh trên, bạn hãy đưa bé đến bệnh viện ngay nhé. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm phẫu thuật và điều trị chống đông máu.

Trẻ bị đau bụng quanh rốn: Cha mẹ nên làm gì?

Tình trạng đau bụng quanh rốn ở trẻ em không thể xem thường bởi đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm. Nếu tình trạng đau bụng quanh rốn ở trẻ em kéo dài hơn một vài ngày, bạn nên cho trẻ gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân. Hãy đến bệnh viện ngay lập tức nếu bé biểu hiện các triệu chứng sau đây bên cạnh đau bụng:

  • Sốt
  • Chán ăn
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Buồn nôn và nôn
  • Vàng da
  • Đau bụng dữ dội
  • Máu trong phân
  • Sút cân không rõ nguyên nhân
  • Trẻ bị đau bụng và nôn mửa không dứt
  • Sưng hoặc đau phần bụng dưới.

Tuyệt đối không được tự ý cho bé sử dụng bất kỳ loại thuốc điều trị nào khi chưa có chỉ định từ bác sĩ, việc tự ý dùng thuốc trước khi thăm khám sẽ làm sai lệch kết quả, đặc biệt với các trường hợp đau bụng quanh rốn cần cấp cứu ngoại khoa như lồng ruột, tắc ruột, thoát vị, viêm ruột thừa….

Ngoài ra, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và có được phương pháp điều trị hiệu quả trước khi bệnh tái phát.

Chẩn đoán đau bụng quanh rốn ở trẻ em

chẩn đoán đau bụng quanh rốn ở trẻ em

Để xác định nguyên nhân bé bị đau bụng quanh rốn, trước tiên bác sĩ sẽ xem xét tiền sử bệnh của bé và thực hiện kiểm tra thể chất. Tùy thuộc vào đánh giá, trẻ có thể thực hiện thêm một vài xét nghiệm bổ sung, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu để đánh giá số mức độ nhiễm trùng và các rối loạn khác đi kèm như rối loạn điện giải, rối loạn đông máu
  • Phân tích nước tiểu để loại trừ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hoặc sỏi thận
  • Lấy mẫu phân để kiểm tra mầm bệnh
  • Xét nghiệm hình ảnh, chẳng hạn như siêu âm, chụp X-quang hoặc CT để chẩn đoán cơ quan bị tổn thương.

Trên đây là những chia sẻ của Hello Bacsi về 8 nguyên nhân khiến trẻ bị đau bụng quanh rốn cùng những lưu ý đi kèm. Có nhiều nguyên nhân có thể gây đau bụng quanh rốn ở trẻ em nhưng dù là lý do nào bạn cũng đừng nên xem nhẹ mà hãy đưa con đến bác sĩ khám để phòng tránh trường hợp xấu xảy ra nhé.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Acute Abdominal Pain in Children.

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3915729/

Truy cập ngày 19/7/2022

2. Acute Abdominal Pain in Children

https://www.aafp.org/afp/2003/0601/p2321.html

Truy cập ngày 19/7/2022

3. Could That Stomachache in Your Child Be Appendicitis?

https://www.stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=could-that-stomachache-in-your-child-be-appendicitis–1-2167

Truy cập ngày 19/7/2022

4. Mom, My Tummy Hurts

https://www.stlouischildrens.org/health-resources/pulse/mom-my-tummy-hurts

Truy cập ngày 19/7/2022

5. Functional Abdominal Pain in Children

https://gi.org/topics/functional-abdominal-pain-in-child

Truy cập ngày 19/7/2022

Phiên bản hiện tại

18/08/2023

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 18/08/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo