backup og meta

Bị tiêu chảy: Khi sữa là "thủ phạm" của tình trạng này

Bị tiêu chảy: Khi sữa là "thủ phạm" của tình trạng này

Sữa là thực phẩm rất giàu dinh dưỡng, cần thiết cho sức khỏe trẻ nhỏ. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đôi lúc, sữa lại chính là thủ phạm khiến trẻ bị tiêu chảy.

Tiêu chảy là tình trạng thường xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt là khi trẻ ăn phải thực phẩm ôi, thiu hoặc uống nhiều kháng sinh dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Tuy nhiên, cũng có một “thủ phạm” gây tiêu chảy ít người nghĩ đến, đó chính là sữa. Vì sao bé uống sữa bị tiêu chảy và làm thế nào để hạn chế điều này? Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm nhé. 

Sữa là thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn mỗi ngày

Theo các chuyên gia, sữa là nguồn dinh dưỡng quý giá đối với sức khỏe con người. Nguyên do là sữa cung cấp một hàm lượng lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể như vitamin, khoáng chất, protein, carbohydrate và các chất béo thiết yếu. Với trẻ nhỏ, sữa giúp:

  • Tăng cường miễn dịch: Sữa cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Trẻ uống sữa thường xuyên sẽ có sức khỏe tốt, tăng cường hệ miễn dịch, đồng thời nồng độ vitamin D trong máu cũng cao hơn.
  • Phát triển chiều cao: Sữa và các sản phẩm từ sữa cung cấp canxi tự nhiên dồi dào cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển khỏe mạnh của xương. Trẻ uống đủ sữa ngay từ khi còn nhỏ có thể giúp xương chắc khỏe và phát triển chiều cao tối ưu.
  • Tăng cường thể lực: Sữa chứa hàm lượng protein và calo cần thiết giúp trẻ tăng trưởng và phát triển. Với những trẻ kén ăn, cơ thể sẽ phải “chật vật” để thu nhận đủ protein và calo từ chế độ dinh dưỡng. Để khắc phục điều này, việc cho trẻ uống sữa được xem là một giải pháp tốt.

Mặc dù có rất nhiều lợi ích đối với sức khỏe nhưng nhiều bà mẹ lại than phiền về việc sữa chính là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy. Tại sao lại như vậy và điều này nên được khắc phục như thế nào? 

Nguyên nhân khiến bé uống sữa bị tiêu chảy

Thực tế, có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa nhưng phần lớn là do:

1. Dị ứng sữa

Tất cả chúng ta đều có nguy cơ bị dị ứng với sữa. Tuy nhiên, lứa tuổi bị dị ứng nhiều nhất là trẻ dưới 1 tuổi. Một số trẻ sau khi lớn vẫn còn mắc phải tình trạng này. Khi bị dị ứng sữa, hệ miễn dịch sẽ lầm tưởng các protein trong sữa là các kháng thể lạ gây hại cho cơ thể nên bắt đầu chống lại chúng.

Dị ứng sữa bò là một trong những loại dị ứng mẫn cảm phổ biến nhất bởi sữa bò có chứa protein lạ mà trẻ phải hấp thụ với lượng lớn. Khi bị dị ứng, ngoài tiêu chảy, trẻ còn có thể gặp phải các triệu chứng khác như da nổi mẩn đỏ, các vấn đề về hô hấp, nôn trớ… Theo thống kê, có khoảng 2 – 3% trẻ em trên toàn cầu bị dị ứng sữa bò (tức cứ 100 trẻ thì có 2 – 3 bé mắc căn bệnh này), trong đó 50% trẻ hết bị dị ứng sữa khi tròn 1 tuổi, 70% khi tròn 2 tuổi.

2. Không dung nạp lactose

Tiêu chảy ở trẻ em có rất nhiều nguyên nhân, một trong những nguyên nhân hay gặp là trẻ không dung nạp đường lactose, một loại đường chủ yếu có trong sữa động vật và các sản phẩm từ sữa. Theo thống kê, ¾ dân số trên thế giới mắc phải tình trạng này. 

Nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này là do cơ thể bé thiếu men lactase, một loại men có chức năng tiêu hóa đường lactose. Ngoài tiêu chảy, trẻ mắc chứng không dung nạp lactose còn có các triệu chứng khác như buồn nôn, nôn, chướng bụng, đầy hơi khi uống sữa hoặc ăn các sản phẩm làm từ sữa như pho mát, sữa chua hoặc bơ.

Trẻ bị tiêu chảy

3. Sữa không phù hợp có thể khiến trẻ bị tiêu chảy

Nếu bé bị tiêu chảy không phải do những nguyên nhân trên thì rất có thể cơ địa của trẻ không phù hợp với loại sữa đang dùng. Một nguyên nhân khác có thể kể đến là do bạn lựa chọn loại sữa không phù hợp với độ tuổi của con khiến bé khó hấp thu. Ngoài ra, việc pha, bảo quản sữa, vệ sinh dụng cụ pha sữa không đúng cách, chẳng hạn như thói quen thử sữa trước khi cho bé bú bằng cách ngậm vào núm vú cũng có thể là nguyên nhân khiến bé bị tiêu chảy khi uống sữa do điều này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. 

Bên cạnh những nguyên nhân trên, việc bạn cho trẻ uống quá nhiều sữa trong 1 ngày cũng có thể gây tiêu chảy, vì trong sữa có đạm casein. Khi lượng đạm này nhiều quá, hệ tiêu hóa sẽ có những phản ứng đào thải, làm cho trẻ bị tiêu chảy.

4. Không đảm bảo vệ sinh khi pha sữa cho trẻ

Ngoài các nguyên nhân kể trên, trẻ cũng có thể bị tiêu chảy khi người chăm sóc trẻ không tuân thủ các yêu cầu vệ sinh trong việc vệ sinh bình sữa, dụng cụ pha sữa, không rửa tay sạch sẽ trước khi pha sữa cho trẻ… Điều này vô tình làm lây lan nguy cơ bị tiêu chảy, đặc biệt khi trong nhà đang có người mắc phải căn bệnh này. Để đảm bảo sức khỏe của bé yêu, bạn nên tuân thủ việc vệ sinh bình sữa cho bé đúng cách, rửa tay với xà phòng diệt khuẩn trước khi pha sữa cho bé, không thử xem sữa nóng hay lạnh bằng cách ngậm vào núm vú bình bú…

Trẻ uống sữa bị tiêu chảy: Nên làm thế nào?

Nếu trẻ bị tiêu chảy khi uống sữa, vậy có nên cho trẻ uống sữa tiếp hay không là thắc mắc khá phổ biến. Tất nhiên, bạn vẫn nên tiếp tục cho trẻ uống bởi với trẻ nhỏ, sữa vẫn là thực phẩm cần thiết. Vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho bé, bạn nên áp dụng một số lời khuyên sau:

Với trường hợp sữa không phù hợp với bé

Mẹ cho trẻ uống sữa đầu đủ khi bé bị kiết lỵ

Nếu nghi ngờ loại sữa đang sử dụng không  phù hợp với cơ địa của trẻ, hãy đổi sang sử dụng một loại sữa khác.

Khi bắt đầu cho trẻ uống một loại sữa mới, bạn nên chia nhỏ hàm lượng sữa tiêu thụ trong ngày để cơ thể con thích nghi dần. Điều này có thể giúp hạn chế tình trạng bé đổi sữa bị tiêu chảy.

Trường hợp trẻ uống sữa bị tiêu chảy do không dung nạp lactose

Đối với trường hợp trẻ bị tiêu chảy do không dung nạp lactose, bạn nên loại bỏ tất các thực phẩm có chứa lactose ra khỏi chế độ ăn của bé. Bạn có thể sử dụng sữa đặc chế không có lactose (hay còn gọi là lactofree) cho đến khi trẻ ngưng tiêu chảy hẳn. Sau khoảng 1 – 2 tuần, khi ruột hồi phục, men lactase được sản xuất đầy đủ thì có thể quay trở lại chế độ ăn trước đó.

Khi bé bị dị ứng sữa bò

Nếu bé bị dị ứng sữa bò, cách tốt nhất để kiểm soát tình trạng này là ngưng cho trẻ sử dụng các sản phẩm có protein từ sữa bò. Hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn thay đổi sang những loại sữa phù hợp cho con.

Bên cạnh đó, bạn cũng cần vệ sinh, tiệt trùng dụng cụ pha sữa của trẻ đúng cách. Trước khi pha sữa cho bé, hãy nhớ rửa tay cẩn thận, kỹ lưỡng. Tuy nhiên, nếu bạn chỉ rửa tay với nước hay xà phòng thông thường thì chưa thể diệt hết các vi khuẩn gây hại. Để làm được điều này, bạn nên chọn xà phòng hoặc nước rửa tay có tính năng bảo vệ vượt trội để đánh bay các vi sinh vật gây hại

Ngân Phạm/HELLO BACSI

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Cow’s milk and children https://medlineplus.gov/ency/article/001973.htm Ngày truy cập: 10/9/2019

Milk allergy https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/milk-allergy/symptoms-causes/syc-20375101 Ngày truy cập: 10/9/2019

Lactose Intolerance vs. Dairy Allergy https://www.webmd.com/digestive-disorders/lactose-intolerance-or-dairy-allergy Ngày truy cập: 10/9/2019

 

Phiên bản hiện tại

08/12/2020

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngọc Vũ


Bài viết liên quan

Bổ sung sắt cho trẻ: Bổ sung thế nào là hợp lý, an toàn?

10 mẹo hay chữa tóc bạc sớm ở trẻ và những lưu ý cần nhớ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 08/12/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo