backup og meta

Cách nhận biết triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em qua từng giai đoạn bệnh

Cách nhận biết triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em qua từng giai đoạn bệnh

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra và thường phổ biến ở trẻ trong độ tuổi đi học. Hiện nay, số trẻ mắc quai bị đã ít hơn so với giai đoạn trước nhờ có vaccine chủng ngừa. Tuy nhiên, đối với trẻ chưa tiêm phòng, ba mẹ vẫn không nên chủ quan. Thay vào đó, việc quan tâm và nhận biết sớm các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em là điều cần thiết để giúp con điều trị, ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra.

Thông thường, triệu chứng quai bị ở trẻ rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh. Vì vậy, nếu bạn quan tâm đến việc làm thế nào để nhận biết đúng các triệu chứng, dấu hiệu của bệnh thì có thể tham khảo thông tin từ bài viết sau của Hello Bacsi.

Tổng quan về bệnh quai bị ở trẻ em

Quai bị là một bệnh truyền nhiễm do virus có tên là Paramyxovirus gây ra. Virus gây bệnh quai bị có thể lây nhiễm sang nhiều bộ phận của cơ thể nhưng phổ biến nhất là gây sưng tuyến nước bọt mang tai. Đây là những tuyến tạo nước bọt nằm ở hai bên trước tai và xung quanh hàm. Quai bị từng rất phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 5 đến 9 tuổi. Tuy nhiên, hiện nay bệnh không còn phổ biến nữa vì đã có thuốc chủng ngừa.

Bệnh quai bị có lây không?

Bệnh quai bị rất dễ lây, đặc biệt là đối với trẻ chưa tiêm phòng. Virus gây bệnh lây lan từ người sang người thông qua các giọt bắn nhỏ trong không khí, được phát tán khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc trò chuyện. Bên cạnh đó, virus cũng có thể sống trên các bề mặt như tay nắm cửa, đồ dùng, cốc uống nước… Virus quai bị sẽ lây lan khi trẻ nhiễm bệnh và trẻ khỏe mạnh dùng chung những đồ vật này. Nói cách khác, nếu không rửa tay thì bất cứ bề mặt nào mà người bệnh tiếp xúc đều có thể lây quai bị cho những người khác khi chạm vào.

Người mắc quai bị dễ lây nhất là từ 2 ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu diễn ra đến trong vòng 5 ngày sau khi các triệu chứng chấm dứt. Bất kỳ ai nhiễm virus quai bị cũng có thể truyền bệnh, kể cả khi họ không có triệu chứng.

Có thể bạn quan tâm: Bệnh quai bị ở trẻ em: Bố mẹ không nên xem thường

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em là gì?

triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

Thông thường, có thể mất khoảng 16 đến 18 ngày kể từ khi trẻ nhiễm virus thì các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em mới xuất hiện và phát triển. Các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

Trong giai đoạn đầu của bệnh

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Mất cảm giác thèm ăn, ăn không ngon miệng
  • Mệt mỏi, cảm thấy không khỏe.

Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em trong vòng 24 giờ kể từ khi có các triệu chứng trên

  • Đau tai hoặc đau mặt
  • Cơn đau nặng hơn khi nhai, khi ăn thực phẩm hoặc uống nước có vị chua gây tăng tiết nước bọt

Trong 24 giờ tiếp theo đến vài ngày

  • Tuyến nước bọt mang tai sưng lên và đau. Điều này khiến phần má của trẻ trở nên sưng tấy. Cơn đau này tồi tệ hơn khi trẻ nuốt, nói, nhai, uống nước trái cây có tính axit hoặc ăn đồ chua.
  • Một hoặc cả hai tuyến nước bọt mang tai có thể sưng lên. Đôi khi, một bên sưng trước một bên sưng sau.
  • Triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em ít phổ biến hơn là trẻ có thể bị sưng hai tuyến nước bọt khác, bao gồm tuyến nằm dưới lưỡi và dưới cằm.

Bạn nên làm gì khi trẻ mắc bệnh quai bị?

triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em

Không có phương pháp điều trị cụ thể đối với bệnh quai bị. Tuy nhiên, hầu hết trẻ em bị quai bị thường hồi phục hoàn toàn trong khoảng 2 tuần. Song song đó, sau khi phát hiện các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, bạn có thể giúp con kiểm soát các triệu chứng bằng những giải pháp sau:

  • Cho trẻ uống nhiều nước và ăn thức ăn mềm, dễ nhai. Không cho trẻ uống các loại nước trái cây có vị chua hoặc có tính axit như nước cam, chanh, bưởi… Vì loại thức uống này có thể làm cho cơn đau tuyến mang tai trở nên trầm trọng hơn.
  • Nếu trẻ cảm thấy khó chịu, bạn có thể cho con dùng thuốc hạ sốt hoặc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen. Tránh tuyệt đối việc cho trẻ nhỏ dùng aspirin vì có thể dẫn đến hội chứng Reye rất nguy hiểm.
  • Làm dịu các vết sưng tuyến mang tai bằng cách chườm ấm hoặc chườm mát tại vị trí sưng.
  • Khuyến khích trẻ nghỉ ngơi nhiều hơn.

Mặt khác, ba mẹ cũng nên lưu ý những điều sau đây:

  • Sau khi phát hiện các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em, bạn nên cho con ở nhà và không tiếp xúc với trẻ em khác trong vòng ít nhất 5 ngày kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai.
  • Không cho con dùng thuốc kháng sinh vì quai bị là do virus gây ra.
  • Cho trẻ nhập viện nếu các triệu chứng quai bị không thuyên giảm hoặc con có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như đau đầu dữ dội, cứng cổ, co giật, buồn ngủ, đau bụng, thay đổi ý thức (biểu hiện, hành vi bất thường)…

Thông thường trẻ bị quai bị sẽ không mắc bệnh lần hai vì sau lần mắc đầu tiên, cơ thể đã tạo ra kháng thể miễn dịch suốt đời. Tuy nhiên, vì quai bị có thể gây ra một số biến chứng như mất thính lực, viêm vòi trứng, viêm tinh hoàn, viêm tụy, viêm màng não… nên việc chủ động tiêm phòng là rất quan trọng. Nói tóm lại, bạn không nên chủ quan khi phát hiện các triệu chứng bệnh quai bị ở trẻ em. Nếu trẻ chưa mắc quai bị, hãy chủ động cho con chủng ngừa bệnh theo khuyến nghị nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mumps

https://www.childrenshospital.org/conditions/mumps Truy cập ngày 07/07/2022

Mumps

https://kidshealth.org/en/parents/mumps.html Truy cập ngày 07/07/2022

Mumps in Children

https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/m/mumps-in-children.html Truy cập ngày 07/07/2022

Mumps in babies and children

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/mumps-in-babies-and-children Truy cập ngày 07/07/2022

Mumps 

https://www.kidshealth.org.nz/mumps Truy cập ngày 07/07/2022

Phiên bản hiện tại

07/07/2022

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Thông tin kiểm chứng bởi: Ban biên tập Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Thông tin kiểm chứng bởi:

Ban biên tập Hello Bacsi


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 07/07/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo