backup og meta

Tìm hiểu về răng mọc lẫy ở trẻ em: Nguyên nhân và cách xử lý

Tìm hiểu về răng mọc lẫy ở trẻ em: Nguyên nhân và cách xử lý

Việc kịp thời can thiệp tình trạng răng mọc lẫy sẽ đảm bảo sức khỏe răng miệng cho trẻ, tránh các vấn đề về nha chu, đồng thời nâng cao yếu tố thẩm mỹ. 

Sức khỏe răng miệng luôn là một trong những vấn đề cần được quan tâm nhằm bảo đảm chức năng hoạt động của việc nhai, cắn thức ăn, đồng thời đem đến nét thẩm mỹ. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển răng miệng, không ít trẻ nhỏ có thể gặp phải tình trạng răng mọc lẫy. Vậy tình trạng này là gì, răng mọc lẫy có cần nhổ bỏ không và cách cải thiện ra sao? Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây! 

Răng mọc lẫy là gì? Có thể gây ra vấn đề nào? 

Răng mọc lẫy là tình trạng răng vĩnh viễn mọc lệch so với vị trí tiêu chuẩn trên cung hàm, khi đó răng sữa chưa kịp rụng hoặc rụng đã lâu khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng trẻ bị mọc thừa răng.

Răng mọc lẫy có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Tuy nhiên, tình trạng này phổ biến hơn ở trẻ em trong giai đoạn thay răng. Nếu không được can thiệp kịp thời, tình trạng này có thể gây nên một vài vấn đề như:

  • Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Răng mọc sai vị trí sẽ khiến hàm răng mất cân đối, ảnh hưởng đến thẩm mỹ của khuôn mặt.
  • Khó khăn trong ăn nhai: Tình trạng răng mọc lẫy, mọc chen chúc, sai vị trí sẽ tạo điều kiện cho thức ăn bị kẹt giữa các răng.
  • Tăng nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng: Răng mọc lẫy có thể khiến thức ăn tích tụ ở các kẽ răng, khiến vi khuẩn phát triển, gây sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu.

Ngoài ra, tình trạng răng mọc không đều và chen chúc cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của cung hàm. Nhìn chung, tình trạng răng mọc lẫy có thể gây ra các dạng răng mọc lệch như sau:

  • Móm
  • Răng thưa
  • Khớp cắn hở
  • Khớp cắn sâu
  • Khớp cắn chéo
  • Răng khấp khểnh… 

Răng mọc lẫy ở trẻ em: Nguyên nhân do đâu? 

nguyên nhân răng mọc lẫy

Có nhiều lý do khác nhau gây nên hiện tượng răng mọc lẫy, chen chúc và không đều nhau, bao gồm:

  • Di truyền: Nếu cha hoặc mẹ có người bị răng mọc lẫy, trẻ có thể thừa hưởng “nét đặc trưng” này.
  • Răng sữa mất quá sớm hoặc muộn: Răng sữa có vai trò định hướng cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí. Nếu vì lý do nào đó mà răng sữa bị nhổ bỏ sớm hoặc không rụng khi đến tuổi thay răng, răng vĩnh viễn sẽ không có đủ chỗ để mọc thẳng hàng.
  • Cung hàm hẹp: Khi cung hàm không đủ rộng để chứa đủ số lượng răng, răng sẽ bị chen chúc và mọc lẫy. 
  • Thói quen xấu: Một số thói quen xấu như mút ngón tay, mút má, đẩy lưỡi, nghiến răng, ăn quá nhiều đồ ngọt, ăn thức ăn quá mềm… có thể gây ảnh hưởng đến quá trình mọc răng của trẻ và làm răng mọc lẫy. 
  • Thiếu vitamin và khoáng chất: Vitamin và khoáng chất là những chất dinh dưỡng cần thiết cho sự phát triển của xương và răng. Khi trẻ thiếu vitamin và khoáng chất, răng sẽ không mọc khỏe và đều. 
  • Va đập, chấn thương: Nếu bị va đập mạnh, răng sữa của trẻ có thể bị lệch khỏi vị trí, thậm chí là gãy, mất răng. Điều này ảnh hưởng đến việc mọc răng vĩnh viễn và có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng răng mọc lẫy.
  • Răng sữa bị sâu: Tình trạng sâu răng có thể làm răng sữa bị mòn, biến dạng hoặc mất răng. Điều này cũng gây khó khăn cho răng vĩnh viễn mọc lên đúng vị trí, từ đó dẫn đến răng mọc lẫy. 

Răng mọc lẫy phải làm sao, có cần nhổ không? 

răng mọc lẫy có cần nhổ không

Câu trả lời là tùy thuộc vào mức độ lệch lạc của răng. Nếu tình trạng răng mọc lẫy chỉ lệch nhẹ, có thể điều trị bằng chỉnh nha. Tuy nhiên, nếu răng mọc lẫy quá lệch lạc, không thể điều trị bằng chỉnh nha, nha sĩ sẽ chỉ định nhổ răng.

Tùy theo mức độ lệch lạc của răng, các nha sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị răng mọc lẫy phổ biến bao gồm:

  • Chỉnh nha: Đây là phương pháp điều trị phổ biến nhất đối với răng mọc lẫy. Chỉnh nha sẽ sử dụng các khí cụ nha khoa để dịch chuyển răng về đúng vị trí. 
  • Nhổ răng: Trong trường hợp răng mọc lẫy quá lệch lạc, không thể điều trị bằng chỉnh nha, nha sĩ có thể chỉ định nhổ răng.
  • Phẫu thuật chỉnh hàm: Phương pháp can thiệp ngoại khoa sẽ được áp dụng để điều chỉnh kích thước và hình dáng của xương hàm. Phẫu thuật chỉnh hàm thường được chỉ định cho các trường hợp răng mọc lẫy do cung hàm quá hẹp. Phương pháp này thường cần đi kèm với niềng răng toàn diện.

Phòng tránh nguy cơ răng mọc lẫy như thế nào? 

phòng tránh răng mọc lẫy

Bố mẹ nên đưa trẻ đi khám nha khoa định kỳ để phát hiện và điều trị răng mọc lẫy sớm. Việc phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp hạn chế các ảnh hưởng của răng mọc lẫy đến sức khỏe răng miệng và thẩm mỹ của trẻ.

Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý một số vấn đề sau để giúp trẻ phòng ngừa răng mọc lẫy:

  • Giúp trẻ bỏ thói quen mút tay, nghiến răng (nếu có): Đây là những hành động trong vô thức có thể là nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng răng mọc lệch, mọc lẫy. Bố mẹ nên kiên nhẫn và nhẹ nhàng giúp trẻ bỏ những thói quen này.
  • Cho trẻ ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất: Một chế độ ăn uống lành mạnh sẽ giúp cung cấp cho trẻ đầy đủ canxi và các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của răng. Canxi là một khoáng chất quan trọng giúp xương và răng chắc khỏe. Các thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa, phô mai, sữa chua, cá, trứng và rau xanh.
  • Dạy trẻ cách vệ sinh răng miệng đúng cách: Vệ sinh răng miệng đúng cách góp phần ngăn ngừa sâu răng, viêm nướu, viêm nha chu. Bố mẹ cần hướng dẫn trẻ cách đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày, mỗi lần hai phút. Trẻ cũng nên được hướng dẫn dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng đúng cách. 
  • Đưa con đi khám nha khoa định kỳ: Bác sĩ nha khoa sẽ kiểm tra sức khỏe răng miệng của trẻ và phát hiện sớm các vấn đề răng miệng, bao gồm răng mọc lẫy.

Mong rằng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn biết được răng mọc lẫy là gì, cách chữa trị và phòng ngừa ra sao để từ đó có kế hoạch chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ nhỏ lẫn bản thân một cách tốt nhất.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Malocclusion in Children

https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?contenttypeid=90&contentid=P01860 ngày truy cập 13/12/2023 

Malocclusion

https://www.childrenshospital.org/conditions/malocclusion ngày truy cập 13/12/2023 

Does it matter if my child has crooked baby teeth?

https://orthodonticsaustralia.org.au/matter-child-crooked-baby-teeth/ 

Ngày truy cập 13/12/2023 

When Do Kids Get Their Permanent Teeth? https://hurstpediatricdentistry.com/2021/04/05/when-do-kids-get-their-permanent-teeth/  ngày truy cập 13/12/2023 

Teeth replacement – The first milestone in baby life

https://elitedental.com.vn/en/teeth-replacement-the-first-milestone-in-baby-life.html  ngày truy cập 13/12/2023 

What to Know About Eruption of Child’s Permanent Teeth https://www.webmd.com/children/what-to-know-eruption-childs-permanent-teeth ngày truy cập 13/12/2023 

Phiên bản hiện tại

29/01/2024

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lâm Trần Thảo Vy

Nha khoa · Nha khoa Cẩm Tú


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 29/01/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo