Trong khi dính thắng lưỡi ở trẻ được biết đến nhiều thì không phải mẹ nào cũng biết và hiểu rõ về tình trạng dính thắng môi. Thực chất, dính thắng lưỡi và dính thắng môi có khá nhiều điểm tương đồng với nhau. Thông thường, vấn đề này không nghiêm trọng và có thể được điều trị dễ dàng.
Tuy nhiên, trên thực tế thì việc nhận biết trẻ bị dính thắng môi trong thời gian đầu nuôi con có thể có chút khó khăn. Bởi vì tình trạng này ẩn dưới môi trên của trẻ. Vì vậy, bạn có thể tìm hiểu thông tin trong bài viết sau của Hello Bacsi để hiểu rõ dính thắng môi là gì? Làm sao để nhận biết và điều trị?
Dính thắng môi là gì?
Thắng môi hoặc còn gọi là phanh môi, đây là một dải dây chằng và niêm mạc bám từ mặt trong điểm giữa của môi trên (tương ứng với nhân trung phía bên ngoài) cho đến bề mặt của nướu hàm trên, cụ thể là điểm ở giữa hai răng cửa. Thắng môi bình thường sẽ giúp môi trên ôm khít với xương hàm tạo ra một nụ cười đẹp.
Tuy nhiên, nếu bị dính thắng môi (còn gọi là dính phanh môi hoặc phanh môi bám thấp), hiện tượng mà thắng môi quá dày, ngắn và dính chặt với phần nướu (lợi) của hàm trên, sẽ khiến cho môi trên của trẻ không thể cử động một cách thoải mái, linh động. Về nguyên nhân, mặc dù chưa được nghiên cứu nhiều như dính thắng lưỡi nhưng nhiều chuyên gia cho rằng dính phanh môi có thể là do di truyền.
Trên thực tế, tình trạng này không nguy hiểm nhưng có thể ảnh hưởng đến khả năng bú mẹ của bé. Về lâu dài, dính phanh môi có thể ảnh hưởng khả năng ăn uống, giao tiếp và gây ra các vấn đề sức khỏe răng miệng khác.
Làm sao để nhận biết trẻ bị dính thắng môi?
Các triệu chứng, dấu hiệu của dính thắng môi có thể khó phát hiện và dễ gây nhầm lẫn với một số tình trạng khác. Vì vậy, bạn nên quan sát và theo dõi em bé thường xuyên, đặc biệt là trong thời gian cho bú. Trẻ bị dính phanh môi thường gặp khó khăn trong việc bú mẹ. Do đó, nếu bạn nhận thấy những vấn đề sau đây khi cho con bú thì có thể cần đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán chính xác.
Trẻ bị dính thắng môi sẽ khó bú mẹ, các biểu hiện bao gồm:
- Trẻ gặp khó khăn trong việc ngậm vú, không thể ngậm sâu khi bú
- Bạn có thể nhận thấy trẻ phát ra tiếng tách trong lúc bú mẹ do mất lực hút
- Trẻ khó thở khi mẹ cho bú
- Trẻ mệt mỏi, kiệt sức vì phải cố gắng nhiều khi bú mẹ
- Trẻ tăng cân chậm hoặc không tăng cân
- Bạn phải cho con bú liên tục nhưng trẻ vẫn có dấu hiệu bú chưa no
- Trẻ quấy khóc nhiều khi bú mẹ không hiệu quả
- Trẻ gặp các vấn đề sức khỏe khác như đau bụng, đầy hơi, vàng da…
Trẻ bị dính thắng môi thường ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ nói chung. Do đó, không chỉ có em bé gặp khó khăn mà mẹ cũng có thể gặp phải những vấn đề như:
- Núm vú bị tổn thương, chẳng hạn như bị biến dạng, khiến bạn cảm thấy đau khi cho con bú
- Căng sữa, tắc ống dẫn sữa và viêm vú do trẻ không thể ngậm và bú đúng cách khiến việc cho con bú không hiệu quả
- Mệt mỏi, chán nản vì phải cho con bú liên tục
- Trong một số trường hợp, mẹ phải cho con ngừng bú mẹ quá sớm và chuyển sang bú bình.
Trẻ bị dính thắng môi có gặp phải biến chứng nào không?
Trẻ bị dính thắng môi ở mức độ nhẹ có thể không gặp rủi ro nào đáng lo ngại. Tuy nhiên, nếu dính phanh môi ở mức độ nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng lớn đến việc bú mẹ thì trẻ có thể khó tăng cân, chậm phát triển do không nhận đủ dinh dưỡng.
Nếu dính phanh môi không được điều trị, khi trẻ đến tuổi ăn dặm có thể gặp khó khăn khi ăn uống, bao gồm cả ăn bằng thìa và bốc thức ăn bằng tay để cho vào miệng. Như vậy, trẻ thường có xu hướng kén ăn hoặc bị hạn chế về sở thích ăn uống.
Về lâu dài, dính thắng môi cũng khiến trẻ gặp khó khăn trong việc vệ sinh, chăm sóc răng miệng. Hơn nữa, tình trạng này còn khiến cho thức ăn dễ bị mắc kẹt trong răng dẫn đến tích tụ vi khuẩn. Do đó, trẻ gặp vấn đề về thắng môi thường có nguy cơ sâu răng hoặc mắc các bệnh lý răng miệng cao hơn.
Dính thắng môi ở trẻ được điều trị như thế nào?
Dính thắng môi và dính thắng lưỡi đều có thể ảnh hưởng đến khả năng bú của trẻ nên khiến mẹ dễ nhầm lẫn. Vì vậy, nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc cho con bú, trẻ bú mẹ không hiệu quả thì nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
Thông thường, dính phanh môi ở trẻ có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật cắt phanh môi. Phương pháp này có thể được thực hiện bằng kéo phẫu thuật tiệt trùng hoặc tia laser. Bạn nên nhờ bác sĩ hoặc nha sĩ tư vấn thêm để chọn được giải pháp phù hợp với độ tuổi và tình trạng sức khỏe của bé. Bạn có thể yên tâm rằng phẫu thuật cắt phanh môi thường không gây nhiều đau đớn và khó chịu cho trẻ. Nhiều em bé có thể cải thiện khả năng ngậm vú mẹ rất nhanh chóng sau khi thực hiện thủ thuật này.
Ngoài ra, đối với trường hợp chưa thể cho trẻ đi phẫu thuật ngay, bạn vẫn có thể hỗ trợ trẻ bằng cách cho con chuyển sang bú bình. Trẻ bị dính thắng môi thường sẽ bú bình dễ dàng hơn so với bú mẹ. Vì vậy, bạn có thể vắt sữa mẹ để cho vào bình hoặc dùng sữa công thức đều được. Bên cạnh đó, đối với trường hợp trẻ bị dính phanh môi ở mức nhẹ, bạn cũng có thể hỗ trợ con bằng cách dùng ngón tay sạch chà xát nhẹ nhàng đỉnh môi của bé. Sau đó, kéo nhẹ môi để tập nới lỏng khoảng cách giữa môi và đường viền nướu nhằm giúp trẻ cải thiện khả năng cử động môi trên dễ dàng hơn.
Mặc dù dính thắng môi ở trẻ thường không nguy hiểm nhưng mẹ cũng không nên chủ quan. Nếu tình trạng này ảnh hưởng đến khả năng bú mẹ một cách nghiêm trọng khiến trẻ không tăng cân, chậm phát triển thì bạn nên đưa con đi khám để được bác sĩ tư vấn giải pháp điều trị.
[embed-health-tool-vaccination-tool]