Hiện có các phương pháp cắt amidan nào? Đối với trẻ nhỏ, cắt amidan bằng phương pháp nào tốt nhất, thưa bác sĩ?
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Amidan nằm trong hố, giữa trụ trước và trụ sau, giống như nằm trong cái võng, chỉ thấy được phần bụng mà không thấy được phần lưng bị khuất. Chính cái phần bị khuất ấy là phần chìm, dính vào thành bên họng. Cắt amidan, thực chất đó là gỡ cái phần lưng dính đó ra và… vứt cả cục đó đi.
Từ cổ chí kim, có nhiều cách “gỡ” bằng các dụng cụ khác nhau, như:
- Cắt amidan bằng cách dùng Anse: Dùng dụng cụ bóc và tách từ từ phần lưng amidan ra khỏi hố, sau đó dùng thòng lọng thép để siết đứt cái cuống phía dưới. Lấy nguyên cục amidan ra. Kỹ thuật này làm tới đâu, biết tới đó nên kiểm soát được tốt hơn.
- Cắt amidan bằng dao điện cao tần: Có thể đơn cực hoặc lưỡng cực. Cắt tách bằng nhiệt lượng cao của tia lửa điện làm cháy tổ chức. Vừa cắt đốt, vừa cầm máu. Nhược điểm lớn là gây bỏng sâu, sẹo xấu và co kéo.
- Cắt amidan bằng laser: Cắt tách bằng năng lượng cao của tia laser khiến tổ chức xơ sợi “níu kéo” amidan bị bốc hơi và tan biến. Vừa cắt đốt cho bay hơi, vừa cầm máu. Nhược điểm cũng có thể gây bỏng sâu và sẹo xấu.
- Cắt amidan bằng máy Coblator: Đây là kỹ thuật mới nhất. Sử dụng năng lượng sóng radio cao tần để tạo một trường plasma với đám mây ion dẫn điện ngay đầu dụng cụ cắt. Đám ion này làm tan rã những liên kết của mô, do đó, tách được amidan ra khỏi ổ một cách êm đềm nhất.
Kỹ thuật cắt amidan bằng máy Coblator rất thích hợp cho bệnh nhi và dường như là “đỉnh” với các ưu điểm là êm ái, không mất máu, hồi phục nhanh, có thể khoanh tay ạ các bác sĩ để về nhà trong ngày và sinh hoạt bình thường như… “đúng rồi”.
Tuy nhiên, dù vậy, việc tham khảo và trao đổi kỹ lưỡng với bác sĩ sẽ giúp ích rất nhiều cho việc quyết định phương pháp can thiệp qua cân nhắc giữa lợi ích và những rủi ro có thể gặp phải.
Sau cắt amidan, cha mẹ cần chăm sóc trẻ như thế nào để bé nhanh lành?

BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Mấy vấn đề bên lề của hậu phẫu sau cắt amidan cũng được các bậc phụ huynh quan tâm, dò hỏi và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau.
Nhiều cha mẹ băn khoăn trẻ cắt amidan nên kiêng nói bao lâu vì sợ rằng con nói sớm sẽ khiến vết mổ lâu lành. Thực tế, trẻ em không có ý thức kiêng khem, nói được là nói ngay, thấy không sao thì… nói tiếp. Tuy nhiên, những tiến bộ trong gây mê, trong dụng cụ cắt kỹ thuật cao sẽ không gây ảnh hưởng nhiều nên bé có thể nói ngay ngày hôm sau.
Còn về băn khoăn cắt amidan xong có được đánh răng không thì cha mẹ cần lưu ý, sau khi cắt amidan cho trẻ, bạn chỉ nên cho bé ngậm chút nước muối sinh lý rồi hé miệng cho chảy ra. Nếu “phải” đánh răng mới chịu đi ngủ thì có thể chải răng cho bé ở mặt trước, vùng răng cửa. Tránh chải sâu vào vùng góc hàm sẽ làm bé đau vì sát vùng tổn thương do cắt amidan.
Về chuyện chảy máu sau cắt amidan cũng cần phải lưu tâm. Có vết thương là có rỉ máu, đấy là lẽ thường khi vết thương chưa lành, đặc biệt đối với vết thương ở vùng cử động liên tục như khu vực họng miệng.
Dịch máu có thể lờ nhờ lẫn nước miếng rồi dần dần hết. Nhưng, nếu thấy bé nhổ ra máu tươi, có xu hướng nhiều lên thì cần đưa bé trở lại bệnh viện ngay. Các bác sĩ sẽ kiểm tra lại hố mổ, cầm máu. Có thể chỉ là động tác gắp nhẹ cục máu đông ra khỏi hố amidan là máu đã có thể ngưng chảy rồi. Vậy nên, cần đọc kỹ hướng dẫn săn sóc để thực hiện đúng và đỡ hoang mang, lúng túng khi xử trí.
Bên cạnh viêm amidan, trẻ nhỏ cũng rất hay bị viêm họng. Vậy phải làm sao để phân biệt được 2 tình trạng này?
BS Vũ Hải Long, Trưởng khoa Tai mũi họng Bệnh viện Nhân dân 115: Amidan nằm trong họng và là một thành phần của họng. Viêm niêm mạc họng bao hàm luôn viêm niêm mạc amidan. Có 2 thể viêm, viêm họng lan tỏa và viêm họng khu trú.
Viêm amidan là thể viêm họng khu trú tại amidan, tức viêm chỉ ở amidan mà không có viêm ở những nơi khác trong họng. Khi đó, phản ứng viêm xảy ra bên trong nhu mô amidan thay vì chỉ ở niêm mạc phía ngoài như viêm họng.
Amidan bị viêm sẽ sưng tấy, đỏ và đau. Những khe kẽ sẽ chứa mủ thành những chấm hoặc mảng trắng. Trẻ có thể sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, ê ẩm, suy nhược. Nuốt đau, nuốt khó, nổi hạch cổ. Tác nhân gây viêm thường do vi khuẩn, thường gặp và nguy hiểm nhất là liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A.
Viêm họng lan tỏa hay viêm họng đỏ thường do virus. Triệu chứng nhẹ hơn viêm amidan. Bệnh nhân có thể có sốt nhẹ, rát họng là chính, mệt mỏi ít, đau cơ, có thể kèm theo chảy mũi, nghẹt mũi và ho. Amidan có thể đỏ như niêm mạc họng nhưng không sưng tấy và đau.
Viêm amidan đòi hỏi phải sử dụng kháng sinh, tránh biến chứng thành áp xe quanh amidan hoặc xa hơn là biến chứng ở tim, thận, khớp. Viêm họng tỏa lan do siêu vi có xu hướng tự khỏi và không có biến chứng.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!