backup og meta

Tiểu đường ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Tiểu đường ở trẻ em: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Đái tháo đường (còn được gọi là tiểu đường) là căn bệnh thường gặp ở những người lớn tuổi. Điều này khiến nhiều cha mẹ băn khoăn không biết trẻ em có bị tiểu đường không. Thực tế, trẻ nhỏ và thanh thiếu niên vẫn có nguy cơ mắc phải bệnh đái tháo đường. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tiểu đường ở trẻ em có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng.

Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ cùng bạn khám phá tất tần tật những thông tin về tiểu đường ở trẻ em, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa bệnh đái tháo đường cho bé.

Đái tháo đường ở trẻ em là gì?

Đái tháo đường (người dân thường gọi là tiểu đường) là căn bệnh mãn tính, đặc trưng bởi lượng đường trong máu tăng cao (tăng đường huyết) do cơ thể không sản xuất hoặc không sản xuất đủ insulin, hoặc không thể sử dụng insulin một cách bình thường.

Bình thường, hormone insulin có tác dụng đưa glucose trong máu đi vào tế bào, sau đó chuyển hóa glucose thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, ở trẻ bị tiểu đường, lượng insulin được tuyến tụy tạo ra bị thiếu hụt so với lượng glucose, hoặc có vấn đề trong quá trình cơ thể sử dụng insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng, làm tăng lượng đường trong máu.

Nếu không được phát hiện kịp thời và điều trị đúng cách, tiểu đường ở trẻ em có thể đe dọa tính mạng của bé.

Các loại đái tháo đường ở trẻ em

các loại đái tháo đường ở trẻ em

Có hai loại tiểu đường ở trẻ em gồm tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2. Cả hai loại bệnh đái tháo đường này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, phần lớn trẻ em được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 1.

1. Đái tháo đường type 1 ở trẻ em

Bệnh đái tháo đường type 1 xảy ra khi tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin, khiến cơ thể không thể sử dụng đường, làm cho lượng đường glucose tích tụ trong máu ngày càng nhiều.

Mặc dù tiểu đường type 1 có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng phần lớn là ở trẻ em. Đây cũng là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ. Bệnh đái tháo đường loại 1 có thể phát triển bất cứ lúc nào trong thời thơ ấu, ngay cả khi trẻ còn rất nhỏ. Mặc dù vậy, bệnh thường xảy ra ở trẻ em từ 4-6 tuổi hoặc trẻ từ 10-14 tuổi. Gần đây, số lượng trẻ em bị tiểu đường ngày càng gia tăng, đặc biệt là các bé dưới 5 tuổi.

Theo nhiều chuyên gia sức khỏe, tiểu đường loại 1 được kích hoạt bởi các yếu tố di truyền và môi trường. Do đó, trẻ em có nguy cơ cao bị bệnh đái tháo đường type 1 nếu trong gia đình có người mắc bệnh này.

2. Đái tháo đường type 2 ở trẻ em

Bệnh đái tháo đường type 2 xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin đã sản xuất ra (còn gọi là kháng insulin). Khác với tiểu đường loại 1, ở tiểu đường loại 2, tuyến tụy vẫn sản xuất insulin, nhưng không thể tạo đủ insulin để khắc phục tình trạng kháng insulin.

Đái tháo đường type 2 thường xảy ra ở người lớn, ít khi xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngày càng tăng, dẫn đến việc ngày càng nhiều trẻ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường type 2.

Ngoài vấn đề về cân nặng, các yếu tố nguy cơ khác của tiểu đường loại 2 ở trẻ em bao gồm: di truyền, mẹ bị đái tháo đường thai kỳ, hoặc các vấn đề y tế khác ảnh hưởng đến hoạt động xử lý insulin của cơ thể.

Thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh là biện pháp phòng ngừa hiệu quả căn bệnh đái tháo đường type 2.

Nguyên nhân gây tiểu đường ở trẻ em

trẻ ăn đường nhiều có nguy cơ bị tiểu đường

1. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tiểu đường loại 1

Nguyên nhân chính xác của bệnh đái tháo đường type 1 vẫn chưa được biết. Mặc dù vậy, ở hầu hết những người bị tiểu đường loại 1, hệ thống miễn dịch của cơ thể đã phá hủy nhầm các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, điều này xảy ra là do yếu tố di truyền và môi trường. Một số trẻ nhận được một gen có nguy cơ gây ra bệnh đái tháo đường type 1, sau đó gặp phải tác nhân kích thích (chẳng hạn như virus), thì có nguy cơ phát triển thành tiểu đường loại 1.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị tiểu đường loại 1 ở trẻ em bao gồm:

  • Bệnh sử gia đình: Nếu cha mẹ hoặc anh chị em của trẻ mắc bệnh đái tháo đường type 1, thì trẻ cũng có nguy cơ bị bệnh này.
  • Di truyền học: Một số gen nhất định cho thấy nguy cơ bị tiểu đường loại 1 ở trẻ em tăng lên.
  • Chủng tộc: Tiểu đường loại 1 phổ biến hơn ở những trẻ em da trắng không phải gốc Tây Ban Nha.
  • Một số loại virus: Trẻ tiếp xúc với nhiều loại virus khác nhau có thể gây ra sự phá hủy tự miễn dịch của các tế bào sản xuất insulin trong tuyến tụy.

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ khiến trẻ bị tiểu đường loại 2

Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh đái tháo đường type 2 vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể góp phần gây ra tình trạng này như bệnh sử gia đình, di truyền và béo phì.

Các yếu tố nguy cơ khiến trẻ em bị tiểu đường loại 2 bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì: Thừa cân là yếu tố nguy cơ cao gây ra tiểu đường loại 2 ở trẻ em. Trẻ càng có nhiều mô mỡ – đặc biệt là bên trong, giữa cơ và da xung quanh bụng – các tế bào của cơ thể càng có nguy cơ kháng insulin cao hơn.
  • Không vận động: Trẻ càng ít vận động thì càng dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2 hơn.
  • Chế độ ăn uống không lành mạnh: Ăn thịt đỏ, thịt chế biến sẵn và uống đồ uống có đường làm tăng nguy cơ trẻ bị tiểu đường loại 2 cao hơn.
  • Bệnh sử gia đình: Nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em tăng lên nếu có cha mẹ hoặc anh chị em mắc bệnh.
  • Chủng tộc, sắc tộc: Người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Ấn Độ và người Mỹ gốc Á có nhiều nguy cơ bị tiểu đường loại 2 hơn.
  • Giới tính nữ: Các bé gái vị thành niên có nhiều nguy cơ bị tiểu đường loại 2 hơn các bé trai vị thành niên.
  • Mẹ bị đái tháo đường thai kỳ: Trẻ em sinh ra bởi những phụ nữ mắc tiểu đường thai kỳ dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2 hơn.
  • Cân nặng khi sinh thấp: Cân nặng khi sinh thấp có liên quan đến nguy cơ bị tiểu đường loại 2 cao hơn.
  • Trẻ sinh non: Nếu trẻ ra đời trước tuần thứ 37 của thai kỳ thì bé dễ mắc bệnh đái tháo đường type 2 hơn trong tương lai.
  • Các yếu tố khác: Trẻ có cholesterol “tốt” HDL ở mức độ thấp, hoặc mức chất béo trung tính cao, hay lượng đường trong máu hơi cao (tiền tiểu đường) có nguy cơ bị tiểu đường loại 2.

Bệnh đái tháo đường type 2 ở trẻ em thường gắn liền với hội chứng chuyển hóa và hội chứng buồng trứng đa nang (bé gái).

Dấu hiệu tiểu đường ở trẻ em

trẻ hay khát nước là dấu hiệu bị tiểu đường

Các triệu chứng phát triển nhanh chóng ở trẻ bị tiểu đường loại 1, thường trong vài ngày đến vài tuần. Các dấu hiệu trẻ bị tiểu đường loại 2 cũng giống như tiểu đường loại 1, nhưng có thể ít rõ ràng hơn và phát triển chậm hơn, chẳng hạn như trong vài tuần hoặc vài tháng.

Nhìn chung, các dấu hiệu tiểu đường ở trẻ em điển hình bao gồm:

  • Đi tiểu thường xuyên: Lượng đường trong máu cao khiến trẻ đi tiểu nhiều. Trẻ có thể đái dầm hoặc thức dậy vào ban đêm để đi vệ sinh. Một số bé không thể kiểm soát bàng quang trong ngày, dẫn đến tiểu tiện không tự chủ.
  • Hay khát nước: Sự mất chất lỏng do đi tiểu nhiều làm tăng cảm giác khát và khó làm dịu cơn khát. Trẻ có thể muốn uống nước thường xuyên hơn, uống hết đồ uống rất nhanh, uống lượng nước nhiều hơn bình thường.
  • Giảm cân ngoài ý muốn: Khoảng một nửa số trẻ em bị tiểu đường loại 2 bị sụt cân, trông gầy hơn bình thường và chậm phát triển
  • Mệt mỏi: Mất nước có thể dẫn đến suy nhược, mệt mỏi và mạch nhanh. Tình trạng thiếu năng lượng hơn bình thường có thể khiến trẻ không muốn chơi hay vận động thể thao.
  • Các triệu chứng khác: Mờ mắt, buồn nôn, nôn mửa, dễ cảm thấy đói, nhiễm trùng thường xuyên hơn, xuất hiện các vùng da sẫm màu (thường gặp nhất ở quanh cổ hoặc ở nách và háng).

Nếu các triệu chứng không được nhận biết kịp thời và không được điều trị, trẻ có thể bị nhiễm toan đái tháo đường. Trên thực tế, trẻ bị tiểu đường loại 2 đôi khi không có triệu chứng gì đáng chú ý.

Nhìn chung

Các dấu hiệu tiểu đường ở trẻ em cũng giống như ở người lớn nhưng biểu hiện có thể khác nhau, chẳng hạn như trẻ không muốn vui chơi thường xuyên do thiếu năng lượng, trong khi người lớn lại không muốn làm việc nhiều.

Biến chứng tiểu đường ở trẻ em

biến chứng tiểu đường ở trẻ

Nếu bạn đang thắc mắc “Trẻ em bị tiểu đường có nguy hiểm không?”, thì câu trả lời là “Có”. Tiểu đường có thể gây ra các biến chứng ngay lập tức và các biến chứng lâu dài. Biến chứng nghiêm trọng nhất ngay lập tức là nhiễm toan ceton đái tháo đường (DKA), phổ biến ở trẻ bị tiểu đường loại 1.

Có thể bạn chưa biết

Nhiễm toan ceton đái tháo đường thường là do trẻ không dùng insulin, hoặc gặp vấn đề với việc cung cấp insulin, hoặc do trẻ không nhận đủ insulin trong thời gian bị bệnh (khi bị bệnh, trẻ cần nhiều insulin hơn). Không có insulin nghĩa là tế bào không thể sử dụng glucose trong máu. 
Lúc này, cơ chế dự phòng được kích hoạt để tế bào lấy năng lượng và phân hủy chất béo, tạo ra hợp chất gọi là ceton. Ceton khiến máu có tính axit cao, gây buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, đau bụng, hơi thở có mùi như nước tẩy sơn móng tay… Nếu không điều trị nhiễm toan ceton do đái tháo đường, trẻ có nguy cơ hôn mê và tử vong.

Theo thời gian, bệnh đái tháo đường ở trẻ em có thể gây tổn thương tim, mạch máu, mắt, thận và dây thần kinh, gây ra các bệnh mãn tính và làm tăng nguy cơ tử vong sớm. Hơn nữa, tiểu đường ở trẻ em có thể làm giảm mật độ khoáng xương, làm tăng nguy cơ loãng xương ở trẻ khi trưởng thành.

Chẩn đoán trẻ bị tiểu đường

chẩn đoán tiểu đường ở trẻ

Bác sĩ sẽ hỏi cha mẹ các thông tin về tiền sử bệnh của gia đình và của trẻ, cũng như các triệu chứng của bé. Từ đó, bác sĩ sẽ yêu cầu trẻ thực hiện thêm các xét nghiệm để chẩn đoán bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Các xét nghiệm để nhận biết trẻ bị tiểu đường hay không bao gồm:

  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Mẫu máu được lấy vào thời điểm ngẫu nhiên, bất kể trẻ ăn lần cuối là khi nào. Nếu kết quả xét nghiệm từ 200mg/dL trở lên, hoặc từ 11,1mmol/L trở lên, thì đây là chỉ số tiểu đường ở trẻ em.
  • Xét nghiệm huyết sắc tố glycated (A1C): Xét nghiệm này cho biết mức đường huyết trung bình của trẻ trong 3 tháng qua. Mức A1C từ 6,5% trở lên trong hai xét nghiệm riêng biệt cho thấy trẻ em bị tiểu đường.
  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Mẫu máu được lấy sau khi trẻ nhịn ăn ít nhất 8 giờ. Mức đường huyết lúc đói từ 126mg/dL (7,0 mmol/L) trở lên cảnh báo bệnh đái tháo đường ở trẻ em.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống: Phương pháp này thường áp dụng ở trẻ không có triệu chứng tiểu đường hoặc các dấu hiệu trẻ bị tiểu đường ở mức độ nhẹ, nghi ngờ trẻ bị tiểu đường loại 2. Trẻ cần phải nhịn ăn qua đêm và sau đó uống nước tại cơ sở y tế thực hiện xét nghiệm. Sau 2 giờ, nếu chỉ số đường huyết của bé từ 200mg/dL (11,1 mmol/L) trở lên, thì thường có nghĩa là trẻ bị tiểu đường.

Ngoài ra, vẫn còn các xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu khác có thể được thực hiện để xác định xem trẻ có bị tiểu đường hay không.

Nếu trẻ được chẩn đoán mắc bệnh đái tháo đường, bác sĩ sẽ tiến hành các xét nghiệm chuyên sâu hơn để xác định trẻ bị tiểu đường loại nào. Nếu trẻ có biểu hiện của bất kỳ biến chứng nào, bác sĩ cũng có thể yêu cầu bé thực hiện thêm các xét nghiệm khác.

Điều trị tiểu đường ở trẻ em

điều trị tiểu đường ở trẻ

Nếu bạn băn khoăn “Bệnh tiểu đường ở trẻ em có chữa được không?”, thì lời đáp là không có cách chữa dứt điểm bệnh đái tháo đường. Đây là căn bệnh mãn tính và cần theo dõi, điều trị sát sao suốt cuộc đời.

Mặc dù lời đáp cho vấn đề “Trẻ em bị tiểu đường có chữa được không?” là không thể chữa khỏi hoàn toàn, nhưng việc kiểm soát bệnh đúng cách có thể giúp giảm bớt các triệu chứng và hạn chế biến chứng.

Đối với trẻ em bị tiểu đường loại 1, việc điều trị bằng một hoặc nhiều loại insulin suốt đời là cần thiết. Bên cạnh đó, cha mẹ và bản thân trẻ cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ trong việc theo dõi lượng đường trong máu, duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh, hoạt động thể dục thể thao đều đặn để kiểm soát đường huyết.

Đối với trẻ bị tiểu đường loại 2, biện pháp chữa trị bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh
  • Hoạt động thể chất thường xuyên
  • Sử dụng insulin hoặc các loại thuốc khác
  • Theo dõi lượng đường trong máu
  • Phẫu thuật giảm cân, trong một số trường hợp

Ngoài ra, nếu trẻ bị mất nước trầm trọng, hoặc bị nhiễm toan ceton hay có bất kỳ biến chứng nghiêm trọng nào, việc nhập viện để điều trị là cần thiết để bảo đảm an toàn cho bé.

Cách chữa bệnh tiểu đường cho trẻ em bị không chỉ đòi hỏi việc theo dõi sát sao lượng đường trong máu, mà còn bao gồm cân đo đong đếm lượng carbohydrate có trong thực phẩm. Mục tiêu của việc điều trị này là để giữ cho lượng đường trong máu của trẻ ở mức nhất định, càng gần mức bình thường càng tốt.

Phòng ngừa tiểu đường ở trẻ em

Xây dựng lối sống lành mạnh cho trẻ để phòng ngừa tiểu đường

Hiện tại, không có cách nào phòng ngừa bệnh đái tháo đường type 1, nhưng các nhà khoa học vẫn đang tích cực nghiên cứu chủ đề này. Đối với tiểu đường loại 2, một lối sống lành mạnh có thể phòng ngừa căn bệnh này. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa tiểu đường ở trẻ em:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh: Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng (đường bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất). Ưu tiên những thực phẩm ít chất béo và calo, tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc. Ngoài ra, bạn có thể chia nhỏ khẩu phần ăn của trẻ để không nạp quá nhiều đường vào cơ thể cùng một lúc.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên: Khuyến khích trẻ năng động, vận động nhiều hơn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý: Theo dõi và kiểm soát cân nặng của trẻ, tránh để bé tăng cân quá mức.
  • Theo dõi đường huyết sát sao: Những trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường nên theo dõi chỉ số đường huyết thường xuyên để kịp thời phát hiện bất thường.

Tóm lại

  • Đái tháo đường là tình trạng lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) do giảm sản xuất insulin, giảm tác dụng của insulin hoặc cả hai.
  • Các dấu hiệu tiểu đường điển hình ở trẻ em bao gồm khát nước quá nhiều, đi tiểu thường xuyên và sụt cân.
  • Việc chẩn đoán dựa trên các triệu chứng và kết quả xét nghiệm nước tiểu và máu.
  • Việc điều trị tùy thuộc vào loại tiểu đường, nhưng thường bao gồm tiêm insulin hoặc các loại thuốc khác, thay đổi lựa chọn thực phẩm, tập thể dục và giảm cân (nếu thừa cân).

Như vậy là bạn đã biết được những thông tin chi tiết về tiểu đường ở trẻ em. Hi vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ về bệnh đái tháo đường. Việc chẩn đoán kịp thời và điều trị đúng cách là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát bệnh hiệu quả. Do đó, nếu bạn nghi ngờ trẻ bị tiểu đường, hãy đưa bé đến các cơ sở y tế uy tín để bé được kiểm tra sức khỏe.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diabetes in Children – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/chronic/Pages/Diabetes.aspx Ngày truy cập: 22/02/2024

Diabetes in Children and Teens https://medlineplus.gov/diabetesinchildrenandteens.html Ngày truy cập: 22/02/2024

Diabetes – issues for children and teenagers – Better Health Channel https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/diabetes-issues-for-children-and-teenagers Ngày truy cập: 22/02/2024

Diabetes: Risks for children https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/diabetes-risks-for-children Ngày truy cập: 22/02/2024

Type 1 diabetes in children – Symptoms and causes – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-1-diabetes-in-children/symptoms-causes/syc-20355306 Ngày truy cập: 22/02/2024

Type 2 diabetes in children – Symptoms and causes – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes-in-children/symptoms-causes/syc-20355318 Ngày truy cập: 22/02/2024

Preterm birth and risk of type 1 and type 2 diabetes: a national cohort study. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6997251/. Ngày truy cập: 22/02/2024

Phiên bản hiện tại

27/03/2024

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Cập nhật bởi: Tố Quyên


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 27/03/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo