Phần lớn các bậc cha mẹ đều cho rằng viêm họng cấp ở trẻ em chỉ là căn bệnh bình thường và không có gì đáng lo. Thế nhưng, thực tế, căn bệnh này nguy hiểm hơn những gì bạn nghĩ bởi nếu chủ quan, lơ là trong điều trị, trẻ có thể gặp phải những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng.
Để giúp trẻ phòng ngừa căn bệnh này một cách hiệu quả và tránh những biến chứng nguy hiểm, bạn cần nắm rõ những thông tin cần thiết về nguyên nhân, triệu chứng cũng như cách điều trị. Hãy xem tiếp những chia sẻ dưới đây của Hello Bacsi để biết thêm một số hữu ích về căn bệnh viêm họng cấp ở trẻ em quen thuộc này nhé.
Vô vàn nguyên nhân khiến trẻ bị viêm họng cấp
Viêm họng cấp là tình trạng viêm nhiễm ở các mô và các cấu trúc trong vòm họng của trẻ. Tùy thuộc vào nguyên nhân, căn bệnh này được chia thành 2 dạng chính gồm:
Viêm họng cấp ở trẻ em do nhiễm trùng
Trong trường hợp này, “thủ phạm’ chính gây bệnh là:
- Virus: chiếm 70 – 80% trường hợp, chủ yếu là virus cúm, sởi, virus adeno… Phần lớn các trường hợp viêm họng do virus thường nhẹ và sẽ giảm dần sau 2 đến 5 ngày.
- Vi khuẩn: nhóm vi khuẩn liên cầu tán huyết β nhóm A (Streptococcus) là tác nhân chính. So với viêm họng cấp do virus, viêm họng cấp do vi khuẩn thường nặng hơn với các triệu chứng như cổ họng sưng đỏ, đau rát, nôn mửa, amidan bị sưng…
Viêm họng cấp ở trẻ em không do nhiễm trùng
Ngoài những nguyên nhân trên, trẻ bị viêm họng cấp còn có thể là do:
- Sự thay đổi thời tiết và nhiệt độ thất thường
- Thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc hoặc sống trong môi trường ô nhiễm
- Thường xuyên dùng đồ uống quá lạnh
- Đang ở trong môi trường nóng chuyển sang phòng máy lạnh đột ngột
- Trẻ không chú ý giữ vệ sinh cá nhân, không rửa tay thường xuyên hoặc rửa tay không đúng cách, không dùng xà phòng… nên không thể diệt hết các vi khuẩn gây hại.
- Trẻ có tiền sử mắc các bệnh tai mũi họng.
Trẻ nhỏ bị viêm họng cấp thường có những dấu hiệu gì?
Theo các bác sĩ, biểu hiện ban đầu của viêm họng cấp ở trẻ em thường là:
- Quấy khóc
- Bú kém hoặc chán ăn (do đau rát họng)
- Chảy nước mắt, mũi
- Ho
- Sốt, có thể sốt cao đến 39 – 40°C
- Hay nôn trớ
- Mệt mỏi, không tươi tỉnh
Với trẻ lớn hơn, bạn sẽ thấy trẻ có các triệu chứng như:
- Ho khan
- Giọng bị khàn
- Nổi hạch ở cổ
- Nghẹt mũi, sổ mũi
- Amidan sưng to
- Đau rát cổ họng, đau họng khi nuốt
Viêm họng cấp ở trẻ em nên được điều trị như thế nào?
Khi thấy trẻ có các triệu chứng kể trên, bạn nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách điều trị kịp thời. Theo chia sẻ của nhiều bác sĩ, có đến 70 – 80% trường hợp viêm họng cấp ở trẻ em là do virus, chủ yếu là cúm mùa B, C, rhino virus và adeno virus… Với những trường hợp này, bạn không nên cho trẻ dùng kháng sinh, kháng viêm corticoid ngay từ đầu bởi chúng không những không có tác dụng mà có thể gây hại lâu dài cho sức khỏe và làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh. Thay vào đó, bạn chỉ cần cho trẻ dùng các thuốc nhằm giảm nhẹ triệu chứng sốt, bù nước và điện giải.
Cách chăm sóc bé bị viêm họng cấp
Ngoài ra, khi chăm sóc trẻ, bạn cũng cần lưu ý một số điều sau:
- Để trẻ nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt
- Tăng số lần bú trong ngày đối với những bé vẫn còn bú mẹ
- Cho trẻ đã ăn dặm uống nhiều nước và ăn các loại thực phẩm mềm, dễ nuốt, giàu dinh dưỡng
- Làm dịu và làm sạch cổ họng cho trẻ bằng nước muối sinh lý
- Pha mật ong với nước ấm hoặc chanh có thể giúp điều trị viêm họng cấp ở những bé trên 1 tuổi
- Cho bé dùng thuốc theo đúng liều lượng và thời gian đã được bác sĩ chỉ định
Thông thường, bệnh viêm họng cấp ở trẻ nhỏ sẽ ổn định sau 3 – 5 ngày. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn cần theo dõi sát diễn biến bệnh để phát hiện sớm các triệu chứng bất thường.
Viêm họng cấp ở trẻ em và biến chứng nguy hiểm, khó lường
Theo nghiên cứu, có trên 80% các trường hợp trẻ lúc đầu chỉ bị viêm mũi, họng do virus. Tuy nhiên, sau vài ngày mắc bệnh, do sức đề kháng của cơ thể trẻ yếu dần, đặc biệt là các bé còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính (VA, hen phế quản) thì các loại vi khuẩn khác đang sống ký sinh ở họng, mũi trỗi dậy và gây ra nhiều bệnh nguy hiểm.
Viêm họng cấp nặng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Viêm amidan
- Viêm tai
- Viêm xoang
- Viêm thanh quản
- Viêm phế quản
- Viêm hạch mủ
- Áp xe thành sau họng
- Viêm cầu thận cấp
- Thấp khớp cấp
- Viêm tim
- Sốt cao co giật
- Nhiễm khuẩn huyết
Phòng ngừa viêm họng cấp ở trẻ em như thế nào?
Thực tế, phòng ngừa viêm họng cấp ở trẻ nhỏ không khó như bạn nghĩ bởi điều này có thể được thực hiện thông qua việc điều chỉnh một số thói quen thường ngày như:
- Nhắc nhở trẻ súc miệng 2 – 3 lần mỗi ngày bằng nước muối ấm
- Vệ sinh cơ thể trẻ mỗi ngày, đặc biệt là những khu vực như tai, mũi, họng
- Che chắn kỹ lưỡng cho trẻ trước khi ra đường
- Vệ sinh nhà cửa thường xuyên
- Duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng
Ngoài những phương pháp phòng ngừa trên, không gì hiệu quả hơn là dạy bé ý thức giữ vệ sinh cá nhân và hình thành thói quen này ngay từ bây giờ. Nếu con đã lớn, bạn nên nhắc nhở trẻ rửa tay và vệ sinh thân thể thường xuyên, không chạm tay vào mắt, mũi, miệng nếu chưa rửa tay, bỏ rác đúng chỗ hay tránh tiếp xúc với người bệnh.
Ngân Phạm / HELLO BACSI
[embed-health-tool-vaccination-tool]