backup og meta

Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì để nhanh hết ngứa và mẩn đỏ?

Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì để nhanh hết ngứa và mẩn đỏ?

Theo kinh nghiệm dân gian, khi trẻ nhỏ bị rôm sảy thì nên tắm bằng một số loại lá cây thảo mộc. Vậy trẻ bị rôm sảy tắm lá gì để nhanh hết ngứa và mẩn đỏ?

Thời tiết nắng nóng mùa hè khiến cho hầu hết các trẻ nhỏ thường bị rôm sảy. Tình trạng này khiến cho trẻ thường cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và hay quấy khóc. Nếu bạn đang lo lắng và không biết nên tắm lá gì để trị rôm sảy cho bé thì hãy cùng tìm hiểu với Hello Bacsi nhé.

Nguyên nhân khiến trẻ bị rôm sảy  

Thời tiết nắng nóng khiến trẻ đổ mồ hôi nhiều có thể dẫn đến các tuyến mồ hôi trên da bị tắc nghẽn. Thật ra, cả người lớn và trẻ em đều có thể bị rôm sảy. Nhưng chúng ta thường thấy ở trẻ em nhiều hơn là do trẻ em có lượng mồ hôi nhiều trong khi tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn thiện.

Điều này khiến cho lượng mồ hôi bị ứ lại và hình thành các nốt rôm sảy trên da. Bên cạnh đó thì các yếu tố như mặc quần áo chật hoặc chất vải dày, không thấm mồ hôi; trẻ đang bị sốt; trẻ hiếu động nhiều, chơi trong môi trường bụi bẩn nhưng lại vệ sinh cơ thể kém,…đều là những nguyên nhân gây nên tình trạng rôm sảy ở trẻ. Hầu hết, rôm sảy thường xuất hiện ở những vùng da thường bị cọ xát như nách, lưng, háng, nếp gấp khuỷu tay, khuỷu chân, sau vành vai…

Để biết trẻ bị rôm sảy tắm lá gì thì bạn cần nhận biết các dấu hiệu trẻ bị mẩn ngứa do rôm sảy dưới đây:

  • Trẻ có cảm giác ngứa ngáy, châm chích, khó chịu. Ở trẻ nhỏ thường quấy khóc, bỏ bú.
  • Đầu mụn rôm thường có chút nước tạo thành các hạt li ti và thường xuất hiện nguyên một vùng da lớn
  • Trên da xuất hiện các hạt rôm có chấm nước nhỏ li ti màu đỏ hoặc nâu, tím… (tùy vào màu da)
Rôm sảy thường không cần phải điều trị. Bố mẹ cần chú ý cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, cho trẻ uống đủ nước, tăng cường sức đề kháng bằng cách bổ sung thêm vitamin từ trái cây và rau xanh. Hạn chế tắm hay dưỡng ẩm quá nhiều gây bí da. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho trẻ tắm bằng các thảo dược lành tính có tác dụng thanh nhiệt giải độc để chóng lành da, hạn chế sự phát triển của rôm sảy.

Trẻ bị rôm sảy nên tắm lá gì cho nhanh hết ngứa và mẩn đỏ?

Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì? Theo kinh nghiệm dân gian, nếu trẻ bị rôm sảy bạn có thể dùng các loại lá như sài đất, trà xanh, lá kinh giới, lá kế, lá trầu không tắm cho trẻ để giảm ngứa. 

1. Lá cây sài đất

trẻ bị rôm sảy tắm lá gì
Trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa tắm lá gì?

Cây sài đất hay còn có tên gọi khác là húng trám, ngổ núi, cúc giáp- là một loại cây thuốc Nam mọc hoang trên khắp đất nước ta, có tính mát, không độc, vị hơi chua và đắng nhẹ. Trong Đông y, sài đất có tác dụng điều trị rôm sảy, nổi mẩn, thanh nhiệt, giải độc gan, tiêu nhọt, kháng viêm, long đờm.

Bên cạnh đó, loại thảo dược này cũng được dùng trong dự phòng bệnh sởi, bạch hầu và hỗ trợ điều trị ung thư môn vị. Bộ phận dùng là toàn cây trên mặt đất. Bạn có thể dùng Sài đất tươi hoặc khô, tuy nhiên kinh nghiệm lâm sàng cho thấy Sài đất dùng tươi cho kết quả tốt hơn do trong thảo dược có chứa nhiều tinh dầu.

Để trị rôm sảy trẻ nên tắm lá gì? Bạn nên dùng lá sài đất để tắm cho trẻ và thực hiện theo các cách sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị 200g lá tươi hoặc 100g lá khô.
  • Bước 2: Rửa lá dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn.
  • Bước 3: Vò nát lá rồi đun sôi với 2 lít nước.
  • Bước 4: Pha loãng nước lá sài đất đun sôi với một ít nước sạch để tắm cho trẻ. 
  • Bước 5: Tắm lại với nước sạch sau khi tắm với nước lá sài đất.

Lưu ý:

  • Khi tắm bạn hạn chế chà xát mạnh lên vùng da của bé do có nguy cơ gây trầy xước và làm tổn thương thêm. Bên cạnh đó, cây Sài đất chỉ có tác dụng khi vùng da rôm sảy còn mới, loại cây này không có tác dụng với vết rôm sảy đã bị nhiễm trùng mưng mủ.
  • Để tăng tác dụng bạn có thể nấu nước sắc Sài đất kết hợp Kim ngân hoa, bồ công anh- cũng là các vị thuốc có tác dụng thanh nhiệt giải độc mạnh, giúp nhanh làm lành vết thương.

2. Lá trà xanh

trẻ bị rôm sảy tắm lá gì
Cách trị rôm sảy cho bé là tắm bằng lá trà xanh

Trẻ bị rôm sảy tắm là gì? Bạn có thể dùng lá trà xanh để tắm cho trẻ khi bị rôm sảy. Lá trà xanh luôn là vị thuốc đầu tay sử dụng làm lá tắm cho các bệnh ngoài da do tính phổ biến, an toàn và hiệu quả. Bạn có thể dùng lá trà xanh để tắm cho trẻ khi bị rôm sảy hoặc các bệnh lý ngoài da khác ,nước chè rửa vết thương, vết bỏng, hoặc lở loét để làm se da và chóng lên da non.

Trong Đông y, trà xanh có vị đắng, chát, tính mát dùng để làm thức uống và làm thuốc chữa bệnh. Còn với Tây y, trà xanh chứa chất flavonoid có khả năng chống oxy hóa, tái tạo tế bào da. Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì, có tắm lá trà xanh được không? Nếu bạn dùng lá trà xanh để tắm cho trẻ bị rôm sảy thì nên thực hiện theo các bước sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị 100g lá trà xanh và 1/2 thìa cà phê muối hột.
  • Bước 2: Rửa sạch lá trà xanh dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn.
  • Bước 3: Đun sôi 2 lít nước, sau đó vò nhẹ lá trà xanh và cho vào rồi nấu thêm khoảng 5 – 10 phút.
  • Bước 4: Cho thêm 1/2 thìa cà phê muối vào nước trà xanh, khuấy đều rồi tắt bếp.
  • Bước 5: Lọc lấy nước trà xanh rồi pha với nước mát để tắm cho trẻ.
  • Bước 6: Sau khi tắm với lá trà xanh, bạn dùng nước sạch tắm lại cho trẻ.
Lưu ý, bạn nên dùng lá trà xanh tươi để tắm cho trẻ. Vì lá tươi có nhiều dưỡng chất hơn lá khô.

3. Kinh giới

trẻ bị rôm sảy tắm lá gì?
Trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa tắm lá gì? Hãy tắm lá kinh giới

Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì? Ngoài lá trà xanh và lá sài đât, mẹ có thể dùng lá kinh giới để tắm cho bé. Kinh giới là một cây thuốc Nam được trồng phổ biến trên khắp đất nước ta, đây cũng là loại cây nằm trong danh mục 70 cây thuốc trong vườn thuốc nam trồng ở trạm y tế xã. Kinh giới còn được gọi là Khương giới, Giả tô, Nhả nát hom (Thái), Phjắc hom khao (Tày).

Trong Đông y, kinh giới là thảo dược có vị cay, ấm, không độc, tính ấm, có khả năng tán nhiệt, giải biểu, khứ hàn, chỉ huyết, điều trị mụn nhọt, rôm sảy…Kinh giới có một đặc điểm là không quá cay ấm cũng không quá lương, vì vậy mà bệnh lý phong hàn hay phong nhiệt thì vẫn đều có thể sử dụng loại thảo dược này. Kinh giới có mặt gần như hầu hết các bài thuốc lá tắm chữa bệnh ngoài da. 

Trẻ em bị rôm sảy nên tắm lá gì? Bạn có thể nấu nước lá kinh giới để tắm cho trẻ và thực hiện theo hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị một nắm kinh giới tươi có cả lá và thân cây.
  • Bước 2: Rửa kinh giới dưới vòi nước chảy để loại bỏ bụi bẩn, rồi ngâm với nước muối loãng trong khoảng 5 – 10 phút.
  • Bước 3: Đun sôi 2 lít nước với lá kinh giới rồi pha với nước lạnh cho vừa ấm.
  • Bước 4: Dùng nước đã pha và tắm cho trẻ.
  • Bước 5: Tắm lại bằng nước sạch sau khi trẻ tắm với nước lá kinh giới.

4. Lá khế

trẻ bị rôm sảy tắm lá gì
Trẻ bị rôm sảy tắm lá khế để giảm triệu chứng

Khế là một loại cây ăn trái quen thuộc thường được trồng rộng rãi ở nhiều nơi. Rễ, thân và lá khế có vị chua, chát, se, tính bình. Đặc biệt, lá khế có đặc tính sát trùng, giảm dị ứng, có thể dùng để chữa ung nhọt, bệnh chàm và rôm sảy ở trẻ nhỏ.

Bạn nên tắm lá gì khi trẻ bị rôm sảy, mẩn ngứa? Bạn hãy tắm cho trẻ với lá khế và thực hiện theo các hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị một nắm lá khế tươi và rửa sạch với nước. 
  • Bước 2: Giã nát lá khế, vắt lấy nước và thêm một chút muối hột rồi hòa tan. 
  • Bước 3: Pha loãng nước lá khế với nước ấm rồi tắm cho trẻ.

5. Lá trầu không

Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì
Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì? Hãy cho trẻ tắm lá trầu không

Nên tắm lá gì nếu trẻ bị rôm sảy, ngứa ngáy và mẩn đỏ? Ngoài 4 loại lá kể trên, mẹ có thể dùng lá trầu không để tắm cho trẻ. Theo Đông y, lá trầu không có vị cay, thơm, nồng, tính ấm có thể giúp sát khuẩn hiệu quả. Do đó, khi được tắm bằng nước lá trầu không thì tình trạng rôm sảy của trẻ sẽ được cải thiện.

Bạn có thể dùng lá trầu không để nấu nước tắm cho bé theo hướng dẫn sau:

  • Bước 1: Chuẩn bị 1 nắm lá trầu không và rửa sạch với nước.
  • Bước 2: Vò nát lá trầu không rồi hòa hãm với nước sôi.
  • Bước 3: Pha nước lá trầu không đã hãm với nước sạch để tắm cho trẻ. 
  • Bước 4: Bạn tắm lại cho trẻ với nước sạch.
Bạn có thể chọn 1 trong các loại lá kể trên để tắm cho trẻ và thực hiện khoảng 1-2 lần/ngày trong vài ngày liên tục để cải thiện tình trạng rôm sảy ở trẻ nhé.
Trẻ bị rôm sảy tắm lá gì?

Bạn có thể tham gia vào cộng đồng Hello Bacsi để thảo luận và tìm hiểu thêm các cách khắc phục tình trạng rôm sảy vào mùa hè nhé.

Những lưu ý khi tắm lá cho trẻ bị rôm sảy

Bên cạnh việc tìm hiểu trẻ bị rôm sảy tắm lá gì, bạn cũng cần lưu ý những điều sau khi áp dụng các cách trị rôm sảy cho bé theo mẹo dân gian:

trẻ bị rôm sảy tắm lá gì

  • Nên tắm cho trẻ ở nơi kín gió: Bạn nên cho trẻ tắm nước lá ở nơi kín gió trong khoảng tối đa từ 5-10 phút để tránh bé bị nhiễm lạnh.
  • Chú ý nhiệt độ của nước: Nước nóng có thể làm phỏng da do đó bạn cần kiểm tra nhiệt độ nước khi tắm cho trẻ nhé. 
  • Không kì cọ mạnh trên da của trẻ: Bạn không nên kì cọ mạnh trên da của trẻ vì có thể làm trầy xước khiến tình trạng rôm sảy thêm nặng.
  • Nên thử trước khi tắm cho trẻ: Da của trẻ rất nhạy cảm vì vậy nếu bé chưa từng tắm nước lá, bạn nên dùng khăn thấm nước lá rồi lau lên một vùng da của trẻ để kiểm tra trước khi tắm. 
  • Nên tắm lại cho trẻ bằng nước sạch: Sau khi tắm nước lá cho trẻ, bạn nên tắm lại cho trẻ bằng nước sạch để loại bỏ cặn bã và bột lá còn sót lại. Điều này cũng tránh làm cho tình trạng mẩn ngứa trên da bị tái phát.
  • Không dùng phấn rôm cho trẻ: Bạn không nên dùng phấn rôm vì có thể làm bít tắc lỗ chân lông và làm cho tình trạng rôm sảy thêm nặng hơn. Ngoài ra, bạn nên cho trẻ mặc quần áo bằng chất liệu cotton, thoáng mát và rộng rãi để không cọ xát lên vùng da bị rôm sảy.
Nếu bạn nhận thấy tình trạng rôm sảy có dấu hiệu bất thường hoặc kéo dài trong một thời gian thì nên cho trẻ đi khám nhé. Các bác sĩ sẽ kiểm tra và chẩn đoán chính xác hơn tình trạng bệnh lý da liễu của trẻ.

Như vậy bạn đã biết trẻ bị rôm sảy thì tắm lá gì rồi phải không? Bạn có thể dùng lá sài đất, trà xanh, kinh giới, trầu không, lá khế tắm cho trẻ để trị rôm sảy. Tuy nhiên, tình trạng rôm sảy kéo dài hoặc có dấu hiệu bất thường thì bạn nên cho trẻ đi khám bệnh ngay nhé.

>> Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm các loại lá có thể tắm cho trẻ thì tham khảo thêm các bài sau:

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Heat rash
https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/heat-rash Truy cập ngày 09/07/2024

2. Heat Rash
https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/heat-rash/ Truy cập ngày 09/07/2024

3. Cây sài đất
https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/cay-sai-dat Truy cập ngày 09/07/2024

4. Chè xanh
https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/che-xanh Truy cập ngày 09/07/2024

5. Kinh giới
https://bvnguyentriphuong.com.vn/duoc-lieu/kinh-gioi-1646642236 Truy cập ngày 09/07/2024

6. Khế
https://trungtamthuocdantoc.com/duoc-lieu/khe Truy cập ngày 09/07/2024

7. Lá trầu không
https://trungtamthuocdantoc.com/duoc-lieu/la-trau-khong Truy cập ngày 09/07/2024

Phiên bản hiện tại

23/07/2024

Tác giả: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh


Bài viết liên quan

Mẹ nên làm gì khi bé bị hăm cổ? Mẹo ngừa hăm cổ đơn giản mà hiệu quả

7 cách chăm sóc da cho trẻ sơ sinh bị mẩn ngứa


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Nguyễn Thụy Ngọc Quỳnh · Ngày cập nhật: 23/07/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo