backup og meta

Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em hiệu quả, nhanh chóng, an toàn

Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em hiệu quả, nhanh chóng, an toàn

Nhọt là bệnh nhiễm trùng da khá phổ biến, có thể gặp ở bất cứ người nào. Trong đó, trẻ em vẫn là đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Mặc dù có thể gây nhiều biến chứng nhưng mụn nhọt hoàn toàn có thể điều trị dễ dàng nếu lựa chọn chính xác cách chữa mụn nhọt ở trẻ em.

Vậy, làm thế nào để điều trị mụn nhọt cho bé yêu? Nếu bạn đang quan tâm đến vấn đề này, những chia sẻ sau của Hello Bacsi chắc chắn sẽ cực kỳ hữu ích với bạn trong việc tìm ra cách chữa mụn nhọt ở trẻ em hiệu quả.

Mụn nhọt ở trẻ em là gì?

Mụn nhọt ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng ở các nang lông do vi khuẩn gây ra. Nhiều người nghĩ rằng trẻ nhỏ bị nổi mụn nhọt là do nóng trong người nhưng thực tế, thủ phạm lại chính là vi khuẩn.

Ban đầu, nhọt chỉ là một nốt nhỏ trên da nhưng dần dần nó sẽ lớn lên, sưng đỏ và lan rộng. Thậm chí, mụn nhọt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể sưng tấy sau vài ngày, gây đau đớn, khó chịu.

Do phần lớn da được bao bọc bởi các nang lông nên bé có thể bị nổi nhọt ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể.

Tuy nhiên, thông thường, mụn nhọt thường thích “cư ngụ” ở những nơi có nhiều lông tóc, mồ hôi hoặc những nơi thường xuyên bị ma sát như:

  • Trẻ bị mụn nhọt trên đầu.
  • Trẻ bị mụn nhọt ở nách.
  • Trẻ bị nổi mụn ở mặt, cổ, vai.
  • Bé nổi mụn nhọt ở chân.
  • Bé bị mụn nhọt ở mông.

Nếu chủ quan không điều trị, trẻ bị mụn nhọt trên đầu, mặt và những vị trí khác có thể gặp phải các biến chứng như nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm phổi, điếc và thậm chí là tử vong.

Triệu chứng mụn nhọt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Khi bé bị mụn nhọt thì vùng da bị nhiễm trùng sẽ sưng đỏ với kích cỡ bằng hạt đậu, gây đau nhức. Vài ngày sau, mụn nhọt sẽ sưng to, xuất hiện mủ màu vàng trắng và đi kèm với các triệu chứng như:

  • Đau khắp cơ thể
  • Mệt mỏi
  • Sốt
  • Da đóng vảy hoặc chảy nước.

Tại sao trẻ bị mụn nhọt?

Để biết được cách chữa mụn nhọt ở trẻ em nào là phù hợp nhất với tình trạng của bé, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân khiến bé bị nổi mụn nhọt.

Làn da là cơ quan lớn nhất của cơ thể với diện tích khoảng 1,8. Do có bề mặt rộng lớn và là nơi tiếp xúc đầu tiên với môi trường bên ngoài nên da trở thành “địa bàn” lý tưởng để các loại vi khuẩn cư ngụ.

Theo nghiên cứu, trên mỗi centimet da có đến khoảng 1 triệu vi khuẩn sinh sống. Những con vi khuẩn này tập trung chủ yếu ở lớp thượng bì và sống nhờ vào nguồn dinh dưỡng đến từ mồ hôi, bã nhờn và các tế bào da. Khi da bị trầy xước, tổn thương hoặc không được vệ sinh đúng cách, một số loại vi khuẩn gây bệnh sẽ xâm nhập và tạo nên mụn nhọt.

Ngoài ra, trẻ cũng có nguy cơ cao bị mụn nhọt nếu:

Trong trường hợp không có vấn đề gì về sức khỏe kể trên nhưng trẻ vẫn hay bị mụn nhọt, nhiều khả năng là do vấn đề vệ sinh da hàng ngày. Trẻ nhỏ thường rất lười tắm hay trốn tắm, tắm qua loa. Khi bé chạy nhảy nhiều, mồ hôi sẽ tiết ra. Nếu bé chưa biết cách giữ vệ sinh, tình trạng nổi rôm sảy có thể xảy ra. Nếu bé tiếp tục chà, gãi ngứa bằng móng tay bẩn… thì dễ bị nhiễm trùng, dẫn đến tình trạng nổi mụn nhọt.

Trẻ bị nổi mụn nhọt có sao không?

Nếu trẻ có sức đề kháng tốt, vi khuẩn chỉ khu trú trong mụn nhọt. Tuy nhiên, nếu sức đề kháng của trẻ yếu hoặc bị ảnh hưởng do các tác nhân bên ngoài, vi khuẩn sẽ đi vào máu, gây nhiễm trùng huyết.

Lúc này, trẻ có thể bị sốt cao trên 39°C. Nếu không được áp dụng các cách chữa mụn nhọt ở trẻ em kịp thời, vi khuẩn có thể đi vào màng não và gây ra các biến chứng như:

  • Điếc
  • Viêm màng não
  • Viêm phổi
  • Áp xe phổi

Vậy cách chữa mụn nhọt ở trẻ em như thế nào? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Cách chữa mụn nhọt ở trẻ em an toàn và hiệu quả

Cách chữa mụn nhọt cho trẻ em
Cách chữa mụn nhọt cho trẻ em

Nhiều người nghĩ mụn nhọt chỉ là do nóng trong người hoặc là do côn trùng cắn nên có xu hướng để trẻ ở nhà chăm sóc hoặc tìm cách chữa mụn nhọt bằng lá cây. Tuy nhiên, phương pháp này không những không giảm các triệu chứng mà còn khiến trẻ bị viêm da và làm cho tình trạng mụn nhọt trở nên tồi tệ hơn.

Do đó, khi thấy trẻ bị nổi mụn nhọt, dù có bị sốt hay không, tốt nhất bạn vẫn nên đưa con đi khám để được kê toa thuốc chữa mụn nhọt phù hợp nhất. Bác sĩ là người biết rõ các loại thuốc bôi mụn nhọt cho trẻ, giúp bệnh mau thuyên giảm.

Bên cạnh đó, để đẩy nhanh việc điều trị và tránh lây lan, bạn cũng thể thử một số cách chữa mụn nhọt ở trẻ em tại nhà sau đây:

  • Lau sạch và vệ sinh da bé bằng nước ấm rồi băng lại vùng da bị nhọt bằng một miếng gạc vô trùng. Để tránh lây lan, hãy thay băng thường xuyên cho bé và bỏ chúng vào thùng rác ngay sau đó.
  • Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chạm vào mụn nhọt, nhất là khi mụn nhọt bị vỡ ra.
  • Cho bé dùng khăn lau mặt riêng, đồng thời thường xuyên giặt khăn lau mặt, drap giường, khăn tắm và phơi dưới trời nắng, nhiệt độ cao.
  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc bôi mụn nhọt cho trẻ mà chưa có sự đồng ý từ bác sĩ. Càng không nên sờ, nắn, nặn khiến mụn nhọt sưng tấy làm bé cảm thấy đau hơn.
  • Không nên tùy tiện cho trẻ uống kháng sinh trị mụn nhọt khi con bị nổi mụn. Việc uống kháng sinh hay không, liều lượng thế nào cần theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã khám trực tiếp cho bé.
  • Không nên kỳ cọ quá mạnh khi tắm rửa, gội đầu, làm các mụn nhọt vỡ ra. Không tự ý nặn khi mụn nhọt còn “non”. Việc nặn mụn nhọt nên được thực hiện trong môi trường vô trùng.
  • Không sử dụng sữa tắm lên vùng da bị mụn nhọt vì nhiều loại sữa tắm có chứa các chất dễ gây kích ứng cho da (chất tạo bọt, bảo quản, làm sạch), khiến da bị viêm nhiễm.
  • Cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, dễ chịu.
  • Bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp trẻ nâng cao sức đề kháng. Đừng quên cho bé uống đủ nước mỗi ngày.
Việc điều trị mụn nhọt ở trẻ nhỏ khá đơn giản. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bạn cần có kiến thức và hiểu rõ cách chữa mụn nhọt ở trẻ em. Nếu không, những nốt mụn nhọt tưởng chỉ là “chuyện nhỏ” lại có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng sức khỏe nguy hiểm cho bé.

Khi nào nên đưa bé đi bác sĩ?

Mụn nhọt cũng có thể gây nguy hiểm trong một số trường hợp, chẳng hạn như thay vì bé bị mụn nhọt ở mông, tay chân hoặc đùi thì trẻ lại bị nhọt “đinh râu” – mụn nhọt vùng hàm – mặt. Đây là loại mụn nhọt rất dễ lây nhiễm vào máu qua xoang hang, một không gian rỗng bên dưới não và đằng sau khóe mắt, gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não cấp tính.

Do vậy, nếu thấy trẻ mọc một mụn nhọt vùng hàm – mặt, bạn cần đưa trẻ đi khám và chữa trị nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu gặp một số vấn đề sau đây, bạn cũng nên đưa bé đi khám để chữa mụn nhọt kịp thời:

  • Trẻ sốt cao khi nổi mụn nhọt.
  • Trẻ khó chịu và thường xuyên kêu đau ở chỗ nổi mụn nhọt.
  • Có nhiều nhọt hoặc mụn nhọt to trên 2 cm.
  • Mụn nhọt to dần nhưng không hóa mủ và không tiêu giảm sau 2 ngày.
  • Vùng da quanh mụn nhọt sưng đỏ lan rộng theo thời gian.
  • Trẻ nổi mụn nọt khi đang bị tiểu đường hoặc suy giảm miễn dịch.

Phòng ngừa mụn nhọt ở trẻ em

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Do đó để không phải tốn công tìm hiểu cách chữa mụn nhọt ở trẻ em, sau đây là cách phòng ngừa mụn nhọt cho trẻ mà bạn cần tham khảo:

1. Giữ vệ sinh sạch sẽ

Giữ gìn vệ sinh cho trẻ sạch sẽ để phòng ngừa nổi mụn nhọt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Giữ gìn vệ sinh cho trẻ sạch sẽ để phòng ngừa nổi mụn nhọt ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Vấn đề giữ vệ sinh đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phòng ngừa mụn nhọt ở trẻ. Bạn nên thường xuyên giặt giũ quần áo, chăn mền của bé và tắm cho bé bằng xà phòng diệt khuẩn. Khi bé bị trầy xước hay đứt tay, nhanh chóng rửa tay cho bé đúng cách và luôn để mắt đến bé.

2. Xây dựng chế độ ăn giàu dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch, từ đó cơ thể sẽ đủ sức chống lại sự xâm nhập của các loại vi khuẩn. Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, mẹ nên cho con bú ít nhất trong 6 tháng đầu đời để tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Ngoài ra, bạn cũng nên cho bé vận động thường xuyên, tránh thức khuya, hạn chế ăn nhiều thực phẩm chế biến, thức ăn nhanh bởi những hoạt động này sẽ làm suy yếu sức đề kháng của bé, khiến mụn nhọt dễ xuất hiện ở trẻ em hơn.

3. Tăng cường đề kháng da

Cách tốt nhất để ngăn ngừa mụn nhọt ở trẻ em là bạn cần tăng cường đề kháng da cho bé bằng cách vệ sinh cơ thể với một sản phẩm chăm sóc da phù hợp để làm sạch bụi bẩn, hạn chế sự phát triển quá mức của các vi sinh vật gây bệnh trên da.

Có thể bạn chưa biết

Để chống lại “binh đoàn” vi khuẩn gây bệnh đang “hăm he” xâm nhập cơ thể từng ngày và gây ra mụn nhọt, làn da được trang bị một bộ “áo giáp” cực kỳ tuyệt hảo, mang tên “đề kháng da”. Đề kháng da là khả năng tự bảo vệ, tự phục hồi của làn da trước những tác động của môi trường bên ngoài như ánh nắng, môi trường ô nhiễm, khói bụi, hóa chất, đặc biệt là vi khuẩn gây hại… Chức năng này có mặt ngay từ lớp thượng bì và được cấu thành bởi 3 lớp hàng rào:
  • Hàng rào vật lý: Gồm các sợi keratin của tế bào sừng liên kết chặt chẽ với nhau, giúp kháng lại sự ăn mòn của men tiêu hóa protein do vi khuẩn tiết ra. Ngoài ra, lớp lipid xen kẽ giữa các tế bào sừng còn giúp ngăn chặn sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh.
  • Hàng rào hóa học: Gồm các chất kháng khuẩn như antimicrobial peptides (AMPs), antimicrobial lipids (AMLs) được sản xuất bởi các tuyến bã nhờn và các tế bào sừng, giúp ức chế một số loại vi khuẩn và tạo điều kiện cho các tế bào miễn dịch bẩm sinh tại da hoạt động tối ưu để chống lại vi khuẩn gây hại.
  • Hàng rào sinh học: Là hệ vi sinh thường trú trên da một cách cân bằng. Chúng sẽ chống lại các vi khuẩn gây bệnh bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch và bài tiết các chất để ức chế sự cư trú và phát triển của các chủng vi sinh có hại.

Trên đây là những chia sẻ của Hello Bacsi về nguyên nhân cũng như cách chữa mụn nhọt ở trẻ em mà cha mẹ có thể tham khảo. Trẻ có thể bị mụn nhọt ở đầu, ở mông, mụn nhọt ở chân trẻ nhỏ,.. Tùy thuộc vào vị trí và mức độ nghiêm trọng của mụn nhọt mà bạn cần đưa bé đi khám chữa trị kịp thời, tránh những hậu quả xấu nhất!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Abscesses & boils in children & teens

https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/abscess

Ngày truy cập: 25/04/2024

Boils and carbuncles – Symptoms and causes

http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/boils-and-carbuncles/home/ovc-20214754.

Ngày truy cập: 12/7/2022

Boil

https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/boil/

Ngày truy cập: 12/7/2022

Boil

https://www.mottchildren.org/health-library/zx1778

Ngày truy cập: 12/7/2022

Boils

https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/boils

Ngày truy cập: 12/7/2022

Phiên bản hiện tại

25/04/2024

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Gợi ý 7 thực đơn cơm nát cho bé


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 25/04/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo