backup og meta

Vì sao trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt? Cách hạ nhiệt cho bé

Vì sao trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt? Cách hạ nhiệt cho bé

Đối với trẻ sơ sinh, mức thân nhiệt của bé trong khoảng 36,6 đến 37 độ C được xem là bình thường và khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bạn kiểm tra em bé và đôi lúc nhận thấy trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt và cũng không rõ nguyên nhân vì sao.

Mặc dù điều này có thể khiến nhiều cha mẹ hoang mang, lo lắng nhưng thực chất là không khó để lý giải. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nóng ở phần đầu nhưng phần còn lại của cơ thể có nhiệt độ bình thường sẽ không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, để yên tâm thì bạn vẫn nên tìm hiểu rõ ràng hơn các nguyên nhân khiến trẻ bị nóng đầu và cách giúp trẻ hạ nhiệt hiệu quả nhé!

Vì sao trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt. Những nguyên nhân này rất thường gặp nhưng có lẽ bạn lại không chú ý đến. Sau đây là các nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt mà bạn có thể quan tâm:

1. Do bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ môi trường xung quanh

Nếu phòng ngủ của trẻ ấm áp quá mức, điều này có thể khiến đầu của bé trở nên nóng hơn so với phần còn lại của cơ thể. Tình trạng này có thể phổ biến hơn trong điều kiện thời tiết nóng ẩm.

Trong một số trường hợp, khi bạn đột ngột bế em bé ra khỏi phòng có máy lạnh hoặc để trẻ tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời (chẳng hạn như khi tắm nắng hay đi dạo ngoài trời), trẻ có thể bị nóng đầu. Điều này là do khả năng điều nhiệt của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa hoàn thiện, phát triển đầy đủ.

Nhìn chung, trường hợp trẻ sơ sinh ấm đầu này thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, cách tốt nhất là bạn nên đảm bảo nhiệt độ phòng của trẻ phù hợp và tránh đưa con ra ngoài khi trời nắng nóng.

2. Do được giữ ấm quá mức

Trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt do được giữ ấm quá mức.
Trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt do được giữ ấm quá mức.

Nếu bạn cho bé mặc quần áo không phù hợp với thời tiết hoặc nhiệt độ xung quanh; bao gồm thêm việc trẻ đội mũ len, quấn khăn, đeo bao tay, bao chân… thì đầu của trẻ cũng rất dễ bị nóng hơn phần còn lại của cơ thể.

3. Do căng thẳng, khóc nhiều

Việc trẻ khóc và căng thẳng có thể dẫn đến nhiệt độ cơ thể gia tăng do những thay đổi sinh hóa trong cơ thể. Bạn có thể cảm nhận rõ ràng phần đầu và trán của em bé nóng lên khi trẻ đang trải qua tình huống căng thẳng và khóc dữ dội, chẳng hạn như phải chia ly với ba mẹ và bạn đưa trẻ cho một người khác bế trước khi ra ngoài.

4. Do vị trí đầu của trẻ khi nằm

Nếu em bé nằm ngửa quá lâu, chẳng hạn như khi nằm ngủ vào ban đêm, hiện tượng trẻ sơ sinh bị nóng đầu có thể xảy ra nhưng không phải do sốt.

5. Nhiệt độ cơ thể tăng khi trẻ đang mọc răng

Trong giai đoạn mọc răng, đầu và cơ thể của em bé có thể tăng nhiệt độ một chút nhưng không phải là sốt. Bạn cũng có thể chú ý đến các dấu hiệu mọc răng khác ở trẻ như nướu sưng đỏ, quấy khóc, chán ăn, thích gặm cắn đồ vật…

6. Trẻ bị nóng đầu do phấn khích, hoạt động thể chất nhiều

Về cơ bản, việc vận động và hoạt động thể chất nhiều sẽ làm tăng lưu thông máu và tăng nhiệt độ chung của cơ thể. Do đó, nếu em bé của bạn đã biết bò hoặc biết đi thì trong một số trường hợp, việc trẻ phấn khích và di chuyển xung quanh nhiều sẽ khiến nhiệt độ cơ thể tăng lên. Theo đó, đầu và trán của trẻ có thể trở nên nóng hơn nhưng không phải do sốt.

Nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt?

Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt?
Cha mẹ nên làm gì khi trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt?

Đôi khi, việc nhận thấy trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nóng đầu là do cảm giác cá nhân của bạn chứ không hẳn là cơ thể trẻ tăng nhiệt độ. Tuy nhiên, để yên tâm hơn thì bạn hãy dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ cơ thể trẻ. Nếu thân nhiệt trên 38 độ C nghĩa là trẻ bị sốt và ngược lại, nếu dưới 38 độ C nghĩa là không sốt.

Đối với trường hợp trẻ nóng ở phần đầu nhưng phần còn lại có nhiệt độ bình thường sẽ không có gì đáng lo ngại. Nếu nghi ngờ trẻ bị nóng, bạn có thể giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn bằng một số giải pháp sau đây.

1. Lựa chọn quần áo phù hợp cho em bé

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được mặc quần áo phù hợp với thời tiết để tránh quá nóng hoặc quá lạnh. Nếu thời tiết đang nóng nực, bạn nên cho bé mặc quần áo mỏng nhẹ, thoáng khí và thấm hút mồ hôi tốt. Nếu thời tiết lạnh hoặc phòng bé sử dụng máy điều hòa thì bạn có thể cho con mặc đồ liền thân, thêm hoặc bỏ bớt các lớp quần áo theo nhiệt độ để tránh quá nóng bức.

Ngoài ra, bạn cũng có thể cho trẻ sơ sinh bị nóng đầu dùng túi ngủ và ưu tiên dùng nệm cotton thoáng khí. Đồng thời, đảm bảo không có nhiều mền, gối, gấu bông… xung quanh bé quá nhiều để phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. 

Lưu ý quan trọng

Bạn nên cởi mũ hoặc áo khoác cho trẻ khi nhiệt độ phòng dễ chịu. Đồng thời, tránh sử dụng chăn điện, túi giữ nhiệt và chai nước nóng đặt trong cũi/ nôi của em bé. Nếu di chuyển bằng xe ô tô, bạn cần giám sát trẻ liên tục và không bao giờ được để trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ một mình trong xe.

2. Kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ phòng

Nhiệt độ phòng cũng có sự ảnh hưởng đến thân nhiệt nói chung và nhiệt độ phần đầu của trẻ nói riêng, khiến phần đầu trẻ sơ sinh nóng. Vì vậy, bạn có thể chủ động kiểm tra và điều chỉnh nhiệt độ phòng để đảm bảo em bé không quá nóng hoặc quá lạnh. Một số gợi ý sau đây có thể giúp ích:

  • Bạn nên duy trì nhiệt độ phòng cho trẻ từ khoảng 26 đến 28 độ C để đảm bảo sự an toàn và thoải mái cho trẻ sơ sinh khi ngủ.
  • Đảm bảo nhà ở có đủ hệ thống thông gió nếu bạn không dùng máy điều hòa. Vào mùa hè, bạn có thể đặt khăn ướt trên cửa sổ để làm mát khi gió thổi vào.
  • Bạn có thể sử dụng quạt trần để giúp lưu thông không khí. Bạn cũng có thể dùng quạt máy để trên sàn nhà nhưng chú ý đừng để quạt hướng thẳng vào em bé.

3. Kiểm tra các vấn đề khác có thể làm thay đổi nhiệt độ cơ thể của em bé

Kiểm tra các vấn đề khác có thể làm thay đổi nhiệt độ cơ thể của em bé nếu trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt.
Kiểm tra các vấn đề khác có thể làm thay đổi nhiệt độ cơ thể của em bé nếu trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt.

Tùy thuộc vào nguyên nhân khiến trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt, bạn có thể chủ động đối phó với tình trạng này tốt hơn, chẳng hạn như:

  • Bạn nên chú ý đến thời điểm đưa trẻ ra ngoài. Tốt nhất là nên đưa trẻ ra ngoài vào buổi sáng hoặc chiều tối khi nhiệt độ ngoài trời không quá cao để tránh bị nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe.
  • Các mẹ cần đảm bảo cho con bú thường xuyên, đặc biệt là khi thời tiết nóng bức. Đối với trẻ lớn hơn, bạn cần lưu ý cho trẻ bổ sung đủ chất lỏng từ nước lọc, canh, nước trái cây…
  • Đối với trẻ tăng nhiệt độ do mọc răng, bạn nên lựa chọn một số giải pháp hỗ trợ để giúp trẻ xoa dịu vấn đề này như cho bé ăn thức ăn lạnh, dùng vòng ngậm dành riêng cho trẻ mọc răng, đảm bảo trẻ được ngủ đủ giấc và bú mẹ thường xuyên…
  • Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, bạn cũng nên để ý đến các tình huống có thể khiến trẻ căng thẳng và dễ quấy khóc. Ví dụ nếu trẻ thường căng thẳng khi sợ bị tách ra khỏi ba mẹ, bạn nên kiên nhẫn và dành thời gian giúp trẻ làm quen với điều này. Nếu nỗi sợ của trẻ là một vấn đề tâm lý có xu hướng nghiêm trọng, bạn nên nhờ đến sự hỗ trợ từ bác sĩ hoặc chuyên gia.

Trẻ sơ sinh bị nóng đầu – Khi nào cần đi khám?

Việc trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt thường không đáng lo ngại. Tuy nhiên, trong một số trường hợp sau đây, bạn không nên chủ quan mà cần đưa trẻ đi khám:

  • Tình trạng nóng đầu của trẻ vẫn kéo dài dù bạn đã áp dụng các phương pháp hạ nhiệt
  • Trẻ dưới 3 tháng bị nóng đầu
  • Đầu trẻ trở nên nóng hơn sau khi dùng một loại thuốc nào đó
  • Trẻ bị nóng đầu kèm theo các triệu chứng bất thường khác như nôn mửa, tiêu chảy, chán ăn, khó ngủ…
  • Trẻ bị nóng đầu trong giai đoạn mọc răng có dấu hiệu của nhiễm trùng nướu như chảy máu nướu, nướu trẻ sưng đau…
  • Trẻ bị nóng đầu kèm theo dấu hiệu mất nước, chẳng hạn như ít tã bẩn hơn, nước tiểu vàng đậm, da khô, mắt trũng sâu…

Mặc dù việc trẻ nhỏ hoặc trẻ sơ sinh bị nóng đầu là một phần bình thường trong quá trình trẻ lớn lên nhưng bạn không nên chủ quan. Điều quan trọng là cần chú ý đến các triệu chứng đi kèm và kiểm tra thân nhiệt của trẻ bằng nhiệt kế để đảm bảo trẻ không có dấu hiệu gặp nguy hiểm. Nếu nghi ngờ có điều gì đó không ổn, bạn nên đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt nhé!

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Is your baby or toddler seriously ill? https://www.nhs.uk/conditions/baby/health/is-your-baby-or-toddler-seriously-ill/ Ngày truy cập:10/05/2024

Taking your child’s temperature https://raisingchildren.net.au/newborns/health-daily-care/health-concerns/taking-your-childs-temperature Ngày truy cập:10/05/2024

Emergency Symptoms Not to Miss https://www.seattlechildrens.org/conditions/a-z/emergency-symptoms-not-to-miss/ Ngày truy cập:10/05/2024

Overview: Fever in children https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK279455/ Ngày truy cập:10/05/2024

Symptoms of serious illness in babies and children https://www.healthdirect.gov.au/symptoms-of-serious-illness-in-babies-and-children Ngày truy cập:10/05/2024

Babies in hot weather https://www.pregnancybirthbaby.org.au/babies-hot-in-weather Ngày truy cập: 14/04/2023

Phiên bản hiện tại

10/05/2024

Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 10/05/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo