Nhiều mẹ lo lắng và hoang mang khi thấy trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng. Vậy nguyên nhân của hiện tượng này là gì, có bất thường không, có nguy hiểm không? Cách chăm sóc trẻ bị sốt ra sao?
Nếu đang có những băn khoăn này, mời các bậc phụ huynh cùng tìm hiểu với Hello Bacsi trong bài viết sau đây nhé!
Trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng là vì sao?
Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc trẻ bị sốt nóng đầu nhưng chân tay lạnh là do đâu? Theo các chuyên gia nhi khoa, việc trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng có thể do những nguyên nhân sau:
1. Do phản ứng của cơ thể
Sốt là một phản ứng của hệ miễn dịch ở trẻ với các tác nhân lạ bên ngoài. Cùng với đó, hệ thần kinh trung ương cũng phát ra tín hiệu để cơ thể thoát nhiệt ra bên ngoài nên dẫn đến hiện tượng trẻ bị sốt đầu nóng nhưng chân tay lại lạnh. Nếu tình trạng trẻ bị sốt, đầu nóng người mát là do phản ứng của cơ thể thì không đáng lo ngại, mẹ chỉ chú ý các bước chăm sóc con đúng cách, bé sẽ nhanh chóng khỏi.
Có thể bạn quan tâm
2. Bệnh viêm màng não khiến trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng
Trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng cũng có thể là biểu hiện của bệnh viêm màng não. Đây là trường hợp nguy hiểm nên khi nghi ngờ cơn sốt của con liên quan đến bệnh viêm màng não, mẹ nên chú ý kiểm tra các triệu chứng như:
- Nôn ói
- Sốt cao
- Đau nhức cơ
- Ù tai
- Cứng gáy
- Đau đầu
- Sợ ánh sáng
- Đối với trẻ nhỏ có thể biểu hiện bỏ bú, co giật, quấy khóc hay thóp phồng.
Trường hợp phát hiện những biểu hiện nghi ngờ bệnh viêm màng não, mẹ nên nhanh chóng đưa con đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán và chăm sóc kịp thời. Viêm màng não ở trẻ nếu chủ quan có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, thậm chí là tử vong.
3. Do các bệnh lý khác
Nhiều trường hợp trẻ sốt cao cũng có thể là biểu hiện của nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn cụ thể như:
- Sốt siêu vi (đặc biệt bệnh do siêu vi cúm, tay chân miệng hay Covid-19… có thể gây nhiều hậu quả nghiêm trọng)
- Viêm phổi do vi khuẩn phế cầu
- Nhiễm trùng tiêu hóa do vi khuẩn E.coli
Ngoài ra, trẻ em cũng có thể có biểu hiện nóng sốt khi bị say nắng hoặc sau khi tiêm phòng, trong giai đoạn mọc răng… Những trường hợp này thường ít nguy hiểm hơn do bệnh lý nhưng bố mẹ cũng đừng chủ quan mà cần hạ sốt và chăm sóc con đúng cách.
Trẻ bị sốt, đầu nóng nhưng chân tay lạnh có nguy hiểm không?
Ngoài việc thắc mắc nguyên nhân khiến trẻ bị sốt nóng đầu nhưng chân tay lạnh, nhiều bậc cha mẹ cũng băn khoăn không biết trẻ bị sốt nóng đầu nhưng chân tay lạnh có nguy hiểm không? Theo các chuyên gia nhi khoa, nhìn chung đa phần khi trẻ bị sốt, đầu nóng nhưng chân tay lạnh được xem là một trong các biểu hiện bình thường của cơ thể, để giúp hệ miễn dịch “học” được cách chống lại tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, những dấu hiệu sau đây có thể cho thấy trẻ bị sốt tay chân lạnh đầu nóng đang ở tình trạng nguy hiểm:
- Ngủ nhiều, ngủ li bì, lừ đừ
- Cáu bẳn, gắt gỏng, quấy khóc khó dỗ
- Khó thở
- Phát ban
- Sưng, đỏ và đau ở một số vị trí trên cơ thể, dễ thấy như đầu gối
- Sưng, đau rát cổ họng
- Bú/uống ít nước hoặc hầu như không bú/uống nước
- Đi tiểu ít
- Sốt kéo dài hơn 3 ngày mà không khỏi
- Co giật.
Lời khuyên chăm sóc trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng tại nhà
1. Theo dõi nhiệt độ thường xuyên và hạ sốt khi cần
Khi con bị sốt, bố mẹ cần thường xuyên theo dõi nhiệt độ của con, đặc biệt là những trường hợp sốt cao liên tục. Những lần đo nhiệt độ này nên được ghi lại để bác sĩ tham khảo khi thăm khám cho bé.
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ nên gỡ bỏ bớt chăn mền, cởi bớt quần áo, mũ vớ… và chỉ cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng mát. Nhiều trẻ bị sốt đầu nóng tay chân lạnh khiến cha mẹ lo lắng quấn kín trẻ, điều này ngược lại sẽ làm cơ thể trẻ khó thoát nhiệt hơn.
Dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của bác sĩ/dược sĩ khi nhiệt độ cơ thể trẻ từ 38,5 độ C trở lên. Acetaminophen dạng uống và dạng đặt hậu môn là thuốc thường được dùng cho trẻ với liều lượng 10-15 mg/kg cân nặng/lần (mỗi 4-6 giờ/lần).
Lau người cho trẻ bằng khăn nhúng nước ấm khi bé sốt cao, (nếu việc lau mát không khiến trẻ khó chịu), kiểm tra mỗi 10-15 phút và ngưng lau ấm cho đến khi thân nhiệt của bé xuống dưới 38 độ C. Lưu ý không lau mát cho trẻ sơ sinh khi đang bị sốt vì dễ gây mất nhiệt.
2. Bù nước cho bé
Với trẻ chưa ăn dặm, bạn cần cho bé bú nhiều hơn, chia làm nhiều cữ bú, với trẻ đã ăn dặm, cần khuyến khích trẻ uống nhiều chất lỏng như nước lọc, nước trái cây, oresol… Điều này giúp trẻ không bị mất nước khi sốt.
Khi được bù nước đầy đủ, trẻ sẽ đi tiểu nhiều hơn (mỗi 4 giờ/lần) và nước tiểu có màu vàng nhạt.
3. Theo dõi các triệu chứng bất thường khác
Nếu trẻ vẫn bú khỏe, ăn tốt và vui chơi như bình thường thì tình trạng trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng là không đáng lo, bố mẹ có thể an tâm và áp dụng các biện pháp chăm sóc trẻ bị sốt tại nhà. Nhưng song song đó, các bậc phụ huynh cũng cần thường xuyên quan sát và theo dõi con, để phát hiện các triệu chứng bất thường của con nhằm kịp thời đến bệnh viện, để được chăm sóc y tế đúng cách.
4. Chế độ dinh dưỡng khi trẻ sốt
Khi bị sốt, người nóng bức, mệt mỏi nên trẻ thường biếng ăn. Tuy nhiên bố mẹ vẫn cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho con, cho trẻ ăn, bú sữa ngay khi đói. Lúc này, bố mẹ nên chuẩn bị đồ ăn giàu dinh dưỡng, ở dạng mềm, dễ tiêu hóa cho bé. Đồng thời, chia nhỏ bữa cho bé dễ ăn và hạn chế tình trạng đầy bụng khó tiêu.
5. Trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng: Những điều cha mẹ không nên làm
Có không ít các bậc cha mẹ băn khoăn về việc không nên làm gì khi trẻ bị sốt chân tay lạnh đầu nóng? Theo các chuyên gia nhi khoa, bên cạnh việc theo dõi và áp dụng những biện pháp hạ sốt an toàn tại nhà cho con, bố mẹ cũng cần chú ý:
- Không nên quấn trẻ quá kín
- Không nên kiêng ăn uống quá nhiều thứ
- Không được nặn chanh hay đổ nước, thuốc vào miệng trẻ khi trẻ đang bị co giật
- Bố mẹ cũng không nên tin vào mê tín dị đoan để hạ sốt cho con bằng cách cắt lễ hay cạo gió
- Không dùng nước đá lạnh hoặc nước có pha thêm cồn để tắm, lau người cho con
- Không cho trẻ dưới 16 tuổi uống aspirin
- Không cho trẻ dưới 6 tháng uống ibuprofen trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
Trẻ bị sốt chân tay lạnh: Khi nào cần đến bệnh viện?
Thực tế đa số tình trạng trẻ bị sốt đầu nóng chân tay lạnh sẽ thường không cần đến bệnh viện, trừ trường hợp:
- Trẻ dưới 3 tháng tuổi và có thân nhiệt từ 38 độ C trở lên thì cần được đưa đến bệnh viện ngay.
- Trẻ trên 3 tháng tuổi và có thân nhiệt từ 39 độ C trở lên thì cũng cần đi khám càng sớm càng tốt.
- Hoặc trẻ có những dấu hiệu nguy hiểm khác kèm theo đã đề cập ở trên.
Ngoài ra, trong trường hợp mẹ đã cho bé đi khám nhưng tình trạng bệnh không thuyên giảm hoặc sốt không thể được kiểm soát (không hạ nhiệt dù đã cho uống thuốc) thì cũng cần đến bệnh viện để được chăm sóc y tế đúng cách.
Như vậy nhìn chung hiện tượng trẻ bị sốt đầu nóng tay chân lạnh không phải là một vấn đề quá nguy hiểm. Sốt là một “người bạn của cơ thể” giúp hệ miễn dịch có cơ hội tập luyện và trưởng thành hơn nhưng không phải vì vậy mà bố mẹ chủ quan. Khi chăm sóc con bị sốt cần theo dõi con cẩn thận nhằm phát hiện các biểu hiện bất thường, kịp thời đến bệnh viện để ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm, các bố mẹ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]