Nhiều mẹ lo lắng và bối rối khi thấy trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài. Liệu rằng tình trạng này do bệnh lý hay nguyên nhân nào khác, có nguy hiểm cho trẻ không và khi nào thì đưa bé đi khám?
Nếu bạn cũng đang gặp phải tình huống trên, hãy tham khảo những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết bên dưới nhé!
Nguyên nhân trẻ bị nôn nhiều không sốt
Nhiều mẹ thường lúng túng khi thấy con bị nôn liên tục, nhất là các bé nhỏ. Theo các chuyên gia nhi khoa, đa phần các trường hợp trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài thường không gây hại cho con. Tuy nhiên, nôn mửa là phản xạ để trẻ tống khứ những tạp chất gây hại ra khỏi cơ thể, có thể xuất phát từ những nguyên nhân như:
1. Rối loạn tiêu hóa
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, con sẽ dễ bị ọc, trớ sữa hơn so với trẻ lớn là vì cơ hoành còn yếu và chưa hoàn thiện. Do vậy, khi bú quá no, thời gian giữa các cữ bú quá ngắn cộng thêm thay đổi tư thế đột ngột có thể gây trào ngược khiến trẻ ọc sữa ra ngoài [1].
Bên cạnh đó, nếu trẻ trớ nhiều nhưng không sốt cũng có thể là dấu hiệu của rối loạn tiêu hóa [2]. Tình trạng trớ sữa này sẽ có khả năng xảy ra cao hơn ở trẻ bú sữa ngoài, do hệ tiêu hóa non nớt của trẻ dễ gặp khó khăn khi tiêu hóa đạm sữa công thức. Hiện nay, đạm sữa trong nhiều công thức sữa ngoài dễ bị biến tính do trải qua gia nhiệt nhiều lần. Thế nên, khi đi vào đường ruột rất dễ bị đông vón, khó tiêu hóa, dễ trào ngược trở lại thực quản và làm trẻ bị ọc sữa ra ngoài.
2. Trẻ nôn do viêm dạ dày, ruột [3]
Viêm dạ dày ruột là một trong những nguyên nhân phổ biến khiến trẻ bị nôn, đau bụng. Tình trạng này còn được gọi là cúm dạ dày. Cúm dạ dày thường do virus như rota virus hoặc norovirus hoặc cũng có thể do vi khuẩn từ thực phẩm chưa được nấu chín hay quá hạn gây ra. Một số ít trường hợp viêm dạ dày ruột gây nôn mửa ở trẻ có thể do ký sinh trùng gây ra. Ban đầu khi bị cúm dạ dày, trẻ có thể chỉ bị nôn trớ, nôn mửa liên tục, ồ ạt. Nếu tình trạng này kéo dài cũng có thể tiến triển thêm sốt và tiêu chảy.
3. Ngộ độc hoặc dị ứng với thực phẩm
Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài có thể là phản ứng của ngộ độc thực phẩm hoặc dị ứng với thức ăn. Ngộ độc thực phẩm thường do trẻ ăn phải thức ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn. Triệu chứng ngộ độc thực phẩm có thể giống với viêm dạ dày ruột nhưng thường nghiêm trọng hơn [3]. Bên cạnh đó, trẻ cũng có thể nôn mửa do dị ứng thực phẩm, phổ biến đó là dị ứng sữa, trứng, cá, hải sản, đậu phộng, vừng, đậu nành, lúa mì… thường xảy ra trong năm đầu đời [3], [4].
4. Các nguyên nhân nghiêm trọng khác
Nếu tình trạng trẻ bị nôn liên tục dù không sốt không đi ngoài kéo dài trên 24 giờ, bố mẹ có thể nghĩ đến những nguyên nhân nghiêm trọng hơn chẳng hạn như [5]:
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nôn mửa cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu ở trẻ em, phổ biến ở trẻ nhỏ. Các triệu chứng nhận biết nhiễm trùng tiểu khác ở trẻ em thường không rõ ràng như có thể bao gồm [3]:
- Sốt
- Mệt mỏi, bú kém
- Cáu kỉnh
- Đau khi đi tiểu, tiểu nhiều lần
- Cũng có thể ít tiểu hơn bình thường
- Nước tiểu có mùi hôi
Tắc ruột
Tắc ruột là tình trạng thức ăn và chất lỏng không thể di chuyển qua ruột do tắc nghẽn bởi thứ gì đó, cũng có thể là do lồng ruột. Tắc ruột có thể gây nôn không sốt, không đi ngoài, đau bụng, đầy hơi. Nếu nghiêm trọng có thể cần phẫu thuật [6].
Hẹp môn vị
Hẹp môn vị là một trong những tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng và là nguyên nhân khiến trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài. Khi phần cơ vòng giữa dạ dày và ruột non (còn gọi là môn vị) bị hẹp sẽ ngăn cản thức ăn đi vào ruột non. Sự tắc nghẽn này thường ảnh hưởng đến trẻ nhỏ trong khoảng 3 đến 5 tuần sau khi sinh và hiếm gặp ở trẻ sơ sinh trên 3 tháng tuổi. Tình trạng này có thể gây mất nước, vàng da, ảnh hưởng đến sự phát triển của bé nên khi con nôn dữ dội, đặc biệt là sau khi bú thì mẹ cần nhanh chóng đưa đi bé đi khám [7].
Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Cần được chăm sóc và xử lý như thế nào?
Phần lớn những đợt trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài có thể được điều trị tại nhà, miễn là trẻ không bị mất nước và vẫn tỉnh táo, vui vẻ chơi đùa. Tuy nhiên, nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi bị nôn liên tục nghi ngờ viêm dạ dày ruột bố mẹ cần nhanh chóng đi con đi khám. Điều quan trọng khi chăm sóc con bị nôn mửa liên tục tại nhà là cần bù nước và khoáng chất đầy đủ cho bé. Ngoài ra, bố mẹ cũng cần lưu ý [3]:
- Duy trì cho bé bú mẹ và bú thường xuyên hơn
- Đối với trẻ bú sữa ngoài, có thể bổ sung thêm dung dịch điện giải qua đường uống nếu cần. Sau đó, mẹ tiếp tục cho bé bú sữa như bình thường nhưng với lượng nhỏ, chia ra nhiều cữ bú hơn
- Các giải pháp bù nước đường uống được khuyến cáo áp dụng cho trẻ lớn hơn khi trẻ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy thường xuyên
- Không nên cho trẻ uống đồ uống có nhiều đường. Những thức uống này có thể khiến trẻ mất nước trầm trọng hơn
- Không tự ý cho trẻ uống thuốc chống tiêu chảy hoặc thuốc chống nôn
Nhìn chung, tùy thuộc vào mức độ và nguyên nhân gây nôn ở trẻ mà mẹ có thể chọn cách xử lý phù hợp. Nếu trẻ bú mẹ hoàn toàn, mẹ có thể chủ động thay đổi cách cho bú như: không nằm ngửa khi bú, vỗ ợ hơi đúng cách, chia ra nhiều cữ bú nhỏ…
Tuy nhiên, đối với bé bú sữa ngoài, mẹ nên lưu ý khắc phục nếu nguyên nhân thực sự là do đạm sữa biến tính, vì nếu kéo dài có thể gây các triệu chứng khác về tiêu hóa. Do đó, mẹ có thể cân nhắc ưu tiên các công thức sữa:
- Có quy trình sản xuất chỉ qua xử lý nhiệt 1 lần: Điều này sẽ giúp bảo toàn hơn 90% đạm mềm tự nhiên trong sữa. Việc hạn chế gia nhiệt gây biến tính đạm sữa sẽ giúp con tiêu hóa tốt hơn và dinh dưỡng được hấp thu hiệu quả qua thành ruột. Đạm sữa dễ tiêu cũng giúp tránh được tình trạng sữa bị trào ngược lại thực quản gây ọc trớ.
- Bổ sung chất xơ GOS: Đây là prebiotics giúp tăng cường và nuôi dưỡng lợi khuẩn, nhằm duy trì sự cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Bổ sung GOS sẽ giúp con củng cố và ổn định tiêu hóa, đặc biệt là cải thiện các vấn đề về đường ruột.
Đồng thời, nếu mẹ còn băn khoăn khi thay đổi công thức sữa, có thể lựa chọn các sản phẩm sữa dạng gói lẻ dùng thử, phù hợp cho nhu cầu cho con thử sữa.
Khi nào cần đưa trẻ đến bác sĩ?
Nếu trẻ bị nôn liên tục và có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, bạn nên nhanh chóng đưa con đi khám: [3]
- Bụng chướng hoặc sờ mềm nhưng ấn đau
- Cứng cổ, có hoặc không có dấu hiệu sợ ánh sáng
- Sốt cao
- Chất nôn có lẫn máu hoặc đi ngoài phân có máu
- Chất nôn có màu xanh lá cây
- Nôn vào buổi sáng sớm
- Thóp phồng (ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ)
- Nôn không ngừng
- Có dấu hiệu mất nước như nước tiểu màu sẫm, đi tiểu ít (không cần phải thay tã thường xuyên) hoặc mắt trũng, khô môi, khô miệng, khóc không có nước mắt, da nhão, thóp lõm…
Tóm lại, hầu hết các trường hợp trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài có thể tự khỏi khi bố mẹ chăm sóc con đúng cách. Tuy nhiên nếu quan sát thấy con nôn liên tục hoặc kèm theo những dấu hiệu bất thường khám, hãy đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán nguyên nhân, tư vấn cách điều trị và chăm sóc phù hợp, bố mẹ nhé!
[embed-health-tool-vaccination-tool]