backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

3

Hỏi bác sĩ
Lưu

Hỏi đáp bác sĩ: Bé sơ sinh hay xì hơi nhưng không đi cầu được: Nguyên nhân và cách khắc phục?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm · Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 05/10/2023

    Hỏi đáp bác sĩ: Bé sơ sinh hay xì hơi nhưng không đi cầu được: Nguyên nhân và cách khắc phục?

    Bạn đọc hỏi:

    Chào bác sĩ,

    Bé nhà em mới sinh được 25 ngày, bé sinh thường. Mỗi 2 – 3 tiếng bé bú 1 lần. 2 – 3 hôm nay, bé xì hơi nhiều, rặn mạnh đỏ hết cả mặt, cong cả người nhưng không đi cầu được nên rất khó chịu, hay quấy khóc, ngủ không yên giấc. Bác sĩ cho em hỏi bé sơ sinh hay xì hơi nhiều nhưng không đi cầu được là bị sao ạ? Nguyên nhân có phải là do trẻ bị táo bón không và làm thế nào để khắc phục tình trạng này? Cảm ơn bác sĩ nhiều!

    Nguyễn Ngọc Thu, 30 tuổi, Thủ Dầu Một, Bình Dương.

    Bác sĩ trả lời:

    Chào bạn,

    Với câu hỏi bé sơ sinh hay xì hơi nhưng không đi cầu được, bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm hiện đang công tác tại khoa Sơ sinh của bệnh viện Sản Nhi TWG Long An, từng công tác tại Bệnh viện Nhi đồng 1 giải đáp như sau:

    Bé sơ sinh hay xì hơi có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu bé bú sữa mẹ hoàn toàn và tình trạng này chỉ vừa xảy ra 2 – 3 hôm nay, bạn nên kiểm tra lại chế độ ăn của mình trong những ngày gần đây nhé. Một số thực phẩm như rau cải và đậu có chứa các chất dễ gây đầy hơi và có thể đi qua sữa mẹ truyền sang bé. Các sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mai, …) trong chế độ ăn uống của bạn cũng có thể là “thủ phạm” gây đầy hơi ở trẻ. Thêm vào đó, mẹ cũng nên kiểm tra lại liệu mình đã cho bé bú đúng tư thế chưa. Nếu trẻ chỉ ngậm núm vú mà không ngậm hết quầng vú màu nâu quanh núm vú, trẻ có xu hướng bú khí nhiều hơn bú sữa mẹ. Do bú khí nhiều nhưng sữa chẳng được bao nhiêu nên dễ dẫn đến tình trạng trẻ chỉ xì hơi mà không đi ngoài.

    trẻ sơ sinh hay xì hơi

    Ngoài ra, táo bón cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay xì hơi nhưng không đi tiêu được. Vì vậy, mẹ cần chú ý thêm liệu trẻ có đang bị táo bón hay không qua một số biểu hiện sau đây:

    • Trẻ giảm tần suất đi ngoài so với bình thường
    • Phân vón cục, khô, cứng, có thể có máu do vết rách hoặc nứt ở hậu môn
    • Trẻ căng thẳng khi đi tiêu, thể hiện qua việc trẻ nhăn mặt, khó chịu, quấy khóc, gồng mình, rặn đỏ mặt…
    • Trẻ ăn ít hoặc bú kém hơn 
    • Đầy hơi, bụng của trẻ có thể phình to, sờ vào thấy cứng.

    Trên thực tế, nguyên nhân gây táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường là do thay đổi chế độ ăn uống, chẳng hạn như:

    • Trẻ đổi từ sữa mẹ sang dùng sữa ngoài
    • Trẻ đổi sang dùng một loại sữa công thức mới
    • Sữa công thức trẻ đang dùng không phù hợp, nhiều đạm biến tính khiến trẻ sơ sinh bị táo bón, khó tiêu
    • Trẻ bắt đầu ăn dặm, tiếp xúc với các loại thực phẩm đa dạng hơn
    • Trẻ không được bổ sung đủ chất lỏng

    Đối với tình trạng trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ xì hơi nhiều nhưng không đi tiêu, mẹ cần dựa trên nguyên nhân để lựa chọn cách xử lý phù hợp. Về cơ bản, bất cứ thực phẩm nào khiến bạn đầy hơi cũng sẽ khiến bé bị đầy hơi nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy, nếu trẻ thường xì hơi nhưng không đi ngoài thì trước tiên bạn cần kiểm tra lại thực đơn ăn uống hàng ngày và thay đổi một cách hợp lý. Nếu muốn giúp trẻ cải thiện tình trạng này, mẹ nên hạn chế một số thực phẩm thường gây đầy hơi như bắp cải, bông cải trắng, bông cải xanh, sản phẩm từ sữa, món ăn chứa hành tỏi…

    Vấn đề cần chú ý tiếp theo là mẹ cần kiểm tra xem trẻ đã bú đúng khớp ngậm hay chưa? Việc trẻ ngậm vú đúng cách sẽ giúp bé luôn bú đủ sữa, tránh khí dư thừa gây đầy hơi và mẹ cũng không bị tổn thương núm vú.

    Để trẻ dễ đi tiêu, ngoài giải quyết các nguyên nhân ở trên, bạn có thể massage bụng cho trẻ cách cữ bú từ 30 phút đến 60 phút. Cách massage đơn giản nhất là đặt 2 ngón trỏ và ngón giữa ở phía dưới rốn hơi lệch về hông phải của bé, ấn nhẹ với lực vừa phải và xoay vòng quanh rốn theo chiều kim đồng hồ đến vùng hông trái. Bạn có thể thoa một ít dầu dừa để massage dễ hơn. Có thể lặp lại động tác này 5 đến 10 lần. Một cách khác là bạn có thể dùng tay nắm hai đầu gối của bé, đẩy về phía bụng để hai gối bé gập lại, giữ trong khoảng 10 giây. Tiếp đó, nhẹ nhàng kéo chân bé duỗi ra trở lại. Lặp lại động tác này có thể giúp trẻ đi tiêu dễ dàng hơn, nhất là khi trẻ có biểu hiện rặn.

    Trong trường hợp bé đầy hơi, không đi ngoài được là do táo bón, mẹ cần chú ý đến chế độ ăn uống của con để cải thiện tình trạng này. Đối với trẻ sơ sinh, việc bú mẹ vẫn cần được đảm bảo. Nếu con đã đến tuổi ăn dặm, mẹ nên cho con bổ sung chất xơ hàng ngày từ rau củ, trái cây và có thể uống thêm nước nếu cần thiết. 

    Bên cạnh đó, trường hợp mẹ cho bé dùng sữa ngoài thì cần ưu tiên lựa chọn công thức sữa giúp bé dễ tiêu, đi phân đều và đẹp. Để chọn được công thức sữa đáp ứng tiêu chí này, mẹ cần quan tâm đến quy trình sản xuất sữa và nên ưu tiên chọn sữa có quy trình xử lý nhiệt một lần. Nguyên nhân là do đạm sữa rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ nên dễ bị biến đổi cấu trúc nếu trải qua gia nhiệt nhiều lần. Quy trình xử lý nhiệt một lần sẽ giúp bảo toàn hơn 90% đạm sữa mềm, nhỏ, tự nhiên, tránh được tình trạng đạm sữa bị biến tính, khiến bé khó hấp thu. Ngoài ra, mẹ cũng nên chọn những công thức sữa “êm dịu” với hệ tiêu hoá, giúp bé êm bụng, ngủ ngon giấc với nguồn sữa mát chất lượng cao, ví dụ như nguồn sữa từ giống bò thuần chủng Hà Lan. Đồng thời, mẹ nên lưu ý chọn sữa có vị thanh nhạt không chứa đường sucrose để giúp bé giảm nguy cơ sâu răng, béo phì ngay từ những ngày tháng đầu đời. 

    Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hay xì hơi, không đi tiêu được xem là bất thường nếu có kèm theo một trong những triệu chứng sau: chướng bụng, ọc sữa liên tục, bỏ bú, sốt hoặc lừ đừ. Nếu sau khi đã thử massage và các giải pháp chăm sóc khác tại nhà mà tình trạng đi tiêu vẫn không cải thiện hoặc trẻ có những dấu hiệu bất thường đi kèm, bạn nên sớm đưa trẻ đi khám nhé.

    Trân trọng!

    Nội dung của Hello Bacsi có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

    Nhi khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Mỹ (AIH)


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 05/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo